Điểm chuẩn ngành Bảo hiểm ở một số cơ sở giáo dục đại học top

17/04/2024 06:28
Thùy Trang

GDVN -Trong những năm gần đây, tại một số trường đại học, ngành Bảo hiểm luôn có mức điểm trúng tuyển cao, mức điểm chuẩn từ 26 - 27 điểm.

So với các ngành học khác, Bảo hiểm là một ngành khá mới. Ngành Bảo hiểm được đào tạo chính quy tại một số cơ sở giáo dục đại học như: Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh,...

Tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ngành Bảo hiểm nằm trong khoa Bảo hiểm, được bắt đầu tuyển sinh từ năm 2015. Điểm trúng tuyển vào ngành này những năm gần luôn ở mức cao, dao động từ 26 - 27 điểm.

Năm 2021, điểm trúng tuyển ngành Bảo hiểm tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là 27. Năm 2022 và 2023, ngành này đều có mức điểm chuẩn là 26,4.

gdvn_diemchuan (1).png

Năm nay, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến tuyển 6.200 chỉ tiêu, trong đó ngành Bảo hiểm dự kiến tuyển 180 chỉ tiêu với 4 tổ hợp xét tuyển được giữ nguyên qua các năm gồm A00, A01, D01, D07.

Bảo hiểm nằm trong nhóm ngành có chỉ tiêu tuyển sinh cao tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Năm 2022, số lượng sinh viên nhập học ngành Bảo hiểm là 200 sinh viên, năm 2023 là 220 sinh viên.

Tại Học viện Tài chính, chuyên ngành Tài chính bảo hiểm thuộc ngành Tài chính - Ngân hàng 3 (Ngân hàng, Tài chính bảo hiểm, Đầu tư tài chính). Ngoài ra, trường còn có ngành Bảo hiểm - Ngân hàng - Tài chính là chương trình liên kết với trường Đại học Toulon (Cộng hòa Pháp).

Điểm trúng tuyển ngành Tài chính - Ngân hàng 3 của Học viện với 4 tổ hợp A00, A01, D07 và D01 từ năm 2021 đến nay đều ở mức trên 25 điểm.

Năm 2021, ngành Tài chính - Ngân hàng 3 có điểm chuẩn xét tuyển dựa vào thi tốt nghiệp trung học phổ thông đối với tổ hợp A00, A01, A07 là 26,1 và riêng tổ hợp D01 có điểm chuẩn là 26,45.

Còn điểm chuẩn xét tuyển dựa vào kết quả học tập trung học phổ thông đối với 3 tổ hợp A00, A01, A07 là 27,4 và riêng đối với tổ hợp D01 là 27,3.

Năm 2023, ngành Tài chính - Ngân hàng 3 có điểm xét tuyển dựa vào kết quả học tập trung học phổ thông là 29,5, cao nhất trong số các ngành xét tuyển của trường. Điểm chuẩn dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông đối với 4 tổ hợp là 25,8.

gdvn_diemchuan (2).jpg

Năm nay, Học viện Tài chính giữ nguyên 5 phương thức tuyển sinh là: xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển học sinh giỏi dựa vào kết quả học tập trung học phổ thông; xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Năm 2024, Học viện Tài chính dự kiến tuyển 4.500 chỉ tiêu. Ngành Tài chính - Ngân hàng 3 tuyển 310 chỉ tiêu, trong đó, 190 chỉ tiêu xét tuyển thẳng và xét tuyển học sinh giỏi, 120 chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả thi trung học phổ thông, đánh giá năng lực.

Còn với chương trình liên kết với trường Đại học Toulon, ngành Bảo hiểm - Ngân hàng - Tài chính dự kiến tuyển 110 chỉ tiêu, trong đó 60 chỉ tiêu xét tuyển thẳng và xét tuyển học sinh giỏi, 50 chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả thi trung học phổ thông, đánh giá năng lực.

Ngành Bảo hiểm tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh được mở từ năm 2020. Điểm trúng tuyển đối với ngành này từ 22 - 25 điểm với 4 tổ hợp xét tuyển là A00, A01, D01, D07.

gdvn_diemchuan (1).jpg

Năm nay, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có 6 phương thức xét tuyển gồm: phương thức 1 - xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo; phương thức 2 - xét tuyển thí sinh tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế; phương thức 3 - xét tuyển học sinh giỏi; phương thức 4 - xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn; phương thức 5 - xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; phương thức 6 - xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.

Ngoại trừ phương thức 1 và phương thức 2, các phương thức còn lại thí sinh chỉ được đăng ký tối đa 2 nguyện vọng/phương thức cho tất cả các chương trình đào tạo.

Đối với phương thức xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn, học sinh có điểm trung bình tổ hợp môn từ 6,5 trở lên cho các năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ I lớp 12 của chương trình trung học phổ thông. Với phương thức này, ngành Bảo hiểm sẽ xét tuyển đối với các tổ hợp: A00, A01, D26, D27, D28, D29, D30, AH3, D01, D02, D03, D04, D05, D06, DD2, D07, D21, D22, D23, D24, D25, AH2.

Với phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ngành Bảo hiểm xét các tổ hợp A00, A01, D01, D07.

Theo dự kiến, ngành Bảo hiểm của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tuyển 50 chỉ tiêu.

Cụ thể, phương thức 1 và phương thức 2, mỗi phương thức có 1 chỉ tiêu. Phương thức 3 tuyển 20 chỉ tiêu, phương thức 4 tuyển 10 chỉ tiêu, phương thức 5 tuyển 5 chỉ tiêu và phương thức 6 tuyển 13 chỉ tiêu.

Thùy Trang