Y khoa (hay còn gọi là Y đa khoa) là ngành học đào tạo bác sĩ đa khoa với các kỹ năng khám, chẩn đoán, điều trị, diễn giải những thông tin lâm sàng và cận lâm sàng để có thể đưa ra những phương pháp điều trị chính xác, hướng dẫn dự phòng các bệnh lý phổ biến tại bệnh viện và các cộng đồng y tế.
Là ngành học đòi hỏi cả kiến thức và kỹ năng tay nghề cao, điểm chuẩn ngành Y khoa tại các trường khối ngành y dược luôn ở ngưỡng cao cùng tỷ lệ chọi vô cùng khốc liệt.
Ngành Y khoa tại Trường Đại học Y Hà Nội luôn giữ mức điểm chuẩn cao kỷ lục, thường đứng đầu bảng xếp hạng so với các trường cùng đào tạo khối ngành Y và luôn ở vị trí “top 1” so với mặt bằng chung điểm chuẩn trong trường.
Năm 2021, điểm chuẩn ngành này ở ngưỡng cao với mức điểm 28,85 theo chương trình chuẩn và giảm liên tục trong 2 năm 2022 và 2023, lần lượt theo các năm là 28,15 và 27,73 điểm (xét theo thang điểm 30).
Với chương trình kết hợp chứng chỉ quốc tế, mức điểm chuẩn cũng có dấu hiệu giảm, từ 27,5 điểm (năm 2021) giảm lần lượt xuống 26,25 điểm (năm 2022) và 26 điểm trong năm 2023, xét tuyển duy nhất 1 tổ hợp B00 (Toán; Hoá; Sinh).
Nhìn chung, ngưỡng điểm chuẩn của cả 2 chương trình đào tạo ngành Y khoa Trường Đại học Y Hà Nội luôn ở ngưỡng cao, trên 25,5 điểm dù đã có dấu hiệu giảm.
Với đặc thù nghề nghiệp liên quan đến sức khoẻ con người cùng yêu cầu kỹ năng ngành nghề ở mức độ chính xác, tỉ mỉ cao, chương trình đào tạo ngành Y khoa tại Đại học Y Hà Nội kéo dài trong 6 năm với mục tiêu đáp ứng đầy đủ kiến thức, kỹ năng chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.
Theo đó, chương trình đào tạo được xác định với 227,5 tín chỉ, chưa bao gồm phần nội dung Giáo dục thể chất (4 tín chỉ) và Giáo dục quốc phòng (8 tín chỉ).
Cụ thể, 54 tín chỉ là Kiến thức giáo dục đại cương ( kiến thức chung , kiến thức cơ sở khối ngành); 184,5 tín chỉ là khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp bao gồm kiến thức cơ sở ngành, kiến thức ngành (kể cả kiến thức chuyên ngành), kiến thức bổ trợ, thực tập và thi tốt nghiệp.
Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội chính thức được thành lập năm 2020 trên cơ sở kế thừa Khoa Y Dược. Trường có 3 Khoa trực thuộc là Khoa Y, Khoa Răng Hàm Mặt và Khoa Dược.
Theo đó, mục tiêu đào tạo chung của nhà trường không chỉ chú trọng đào tạo kiến thức khoa học cơ bản và y học cơ sở vững chắc mà còn kết hợp đào tạo các kỹ năng về lâm sàng và cộng đồng, kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền, nâng cao trình độ tiếng Anh của sinh viên Y khoa tương đương IELTS 5.0, có tầm nhìn và năng lực nghiên cứu khoa học, có khả năng tiếp cận và ứng dụng các thành tựu khoa học y học trong bảo vệ và chăm sức khỏe cộng đồng.
Với nhiều lợi thế trong cơ hội việc làm, ngành Y khoa tại trường thuộc diện những ngành học có điểm chuẩn “cao nhất".
Xét theo thang điểm 30, năm 2021 và 2022, mức điểm chuẩn liên tiếp đứng đầu trường, lần lượt theo các năm là 28,15 và 27,3 điểm. Đến năm 2023, điểm chuẩn xếp ở vị trí thứ 2 với 26,75 điểm, chỉ sau ngành Răng - Hàm - Mặt (26,80 điểm), xét tuyển duy nhất 1 tổ hợp B00 (Toán; Hoá; Sinh).
Khung chương trình đào tạo chuẩn ngành Y khoa của Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội có 217 tín chỉ, diễn ra trong 6 năm học. Trong đó, khối kiến thức chung là 32 tín chỉ, khối kiến thức theo lĩnh vực là 34 tín chỉ, khối kiến thức của khối ngành là 16 tín chỉ, khối kiến thức nhóm ngành là 28 tín chỉ, khối kiến thức ngành 96 tín chỉ, khối kiến thức thực tập và tốt nghiệp là 11 tín chỉ.
Trường Đại học Y Dược Thái Bình là trường đại học chuyên ngành Khoa học Sức khỏe trực thuộc Bộ Y tế.
Hiện nay, trường đào tạo 07 mã ngành theo chương trình Đại học chính quy bao gồm Y khoa; Y học cổ truyền; Y học dự phòng; Y tế công cộng; Dược học; Điều dưỡng và Kỹ thuật xét nghiệm y học.
Trong 3 năm gần đây, điểm chuẩn đầu vào cao nhất trường là ngành Y khoa, cao nhất là năm 2021 với mức điểm 26,9 và giảm liên tục ở 2 năm kế tiếp, lần lượt là 26,3 điểm (năm 2022) và 25,8 điểm (năm 2023).
Khác với một số đơn vị đào tạo ngành Y khoa trên địa bàn cả nước, Trường Đại học Y Dược Thái Bình xét tuyển 03 tổ hợp B00 (Toán, Hoá , Sinh); B08 (Toán, Sinh, Tiếng Anh); D07 (Toán, Hóa, Tiếng Anh).
Có thể thấy trong 3 năm gần đây, dù mức điểm chuẩn có chiều hướng giảm song ngưỡng điểm đầu vào vẫn ở mức cao, trên 25,5 điểm.
Chương trình đào tạo ngành Y khoa tại Trường Đại học Y Dược Thái Bình diễn ra trong 6 năm theo đúng khung chương trình chuẩn của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Năm 2023, trường lựa chọn thêm các nội dung về kỹ năng chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ ban đầu tại cơ sở để đưa vào chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, trường cũng bổ sung thêm một số môn học bổ trợ, tăng cường ngoại khóa cho sinh viên để trao dồi kiến thức văn hoá làng xã, thuần phong mỹ tục, kinh tế y tế… với mục đích nâng cao năng lực giao tiếp và tổ chức phong trào cộng đồng.
Năm nay, thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Y Dược Thái Bình có thể dựa vào số điểm đạt được của kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và ưu tiên xét tuyển (cộng điểm thưởng) khi xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024.
Trong 03 năm liên tiếp, điểm chuẩn ngành Y khoa Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên luôn giữ vững vị trí thứ 2 tại trường, chỉ sau ngành Răng - Hàm - Mặt.
Theo đó, mức điểm cao nhất của ngành này là vào năm 2021 với 26,2 điểm và giảm nhẹ vào năm 2022 ở mức 25,75. Năm 2023, điểm chuẩn đầu vào là 26 điểm theo thang điểm 30 và cùng xét các tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh); D07 (Toán, Hóa, Tiếng Anh); D08 (Toán, Sinh học, Tiếng Anh).
Đối với phương thức xét học bạ, năm 2021 điểm chuẩn ngành Y khoa của trường gần chạm ngưỡng tuyệt đối với 29,71 điểm, năm 2022 là 26,5 điểm và năm 2023 là 26,75 điểm.
Trong 2 năm gần đây, trường sử dụng thêm phương thức xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, điểm đầu vào lần lượt trong 2 năm 2022 và 2023 là 20 và 18,65 điểm.
Có thể thấy, điểm chuẩn ngành Y khoa trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên dù có biến động qua các năm song ngưỡng điểm cao vẫn ở mức cao so với mặt bằng chung, tuỳ theo phương thức xét tuyển.
Năm nay, trường xét tuyển 600 chỉ tiêu cho ngành Y khoa với 06 phương thức: Tuyển thẳng theo quy định Quy chế tuyển sinh (6 chỉ tiêu); Tuyển thẳng theo Đề án của Trường (60 chỉ tiêu); Xét học bạ (120 chỉ tiêu); Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 (288 chỉ tiêu); Xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, kết quả đánh giá đầu vào đại học của Đại học Thái Nguyên tổ chức (90 chỉ tiêu); Xét tuyển dự bị đại học và lưu học sinh người nước ngoài (36 chỉ tiêu).
Chương trình đào tạo ngành Y khoa hệ đại học tại Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên bao gồm 200 tín chỉ. Theo đó, 1 tín chỉ tương đương 15 tiết lý thuyết, 30 tiết thực tập tại các phòng thí nghiệm, 45 tiết thực tập tại bệnh viện, 60 tiết cộng đồng, giáo dục quốc phòng.
Xét theo thang điểm 30, điểm chuẩn ngành Y khoa của Trường Đại học Y Dược Hải Phòng có sự giảm đều trong 3 năm gần đây, dao động từ 24,63 đến 26,9 điểm tuỳ từng tổ hợp.
Với tổ hợp B00, mức điểm cao nhất năm 2021 với 26,9 điểm và giảm nhẹ còn 26,2 trong năm 2022. Năm 2023, mức điểm chuẩn là 25,35 điểm.
Tổ hợp A00 có ngưỡng điểm thấp hơn tổ hợp B00 khi điểm chuẩn cao nhất vào cho tổ hợp này là 25,8 điểm năm 2021 và 25,6 điểm trong năm 2022, mức điểm năm 2023 là 24,63 điểm.
Chương trình đào tạo ngành Y khoa của Trường Đại học Y Dược Hải Phòng diễn ra trong 6 năm bao gồm 208 tín chỉ với nhiều học phần. Theo đó, học phần tốt nghiệp được kéo dài trong 8 tuần, sinh viên được đi thực tế nghề nghiệp tại 1 trong các khoa thuộc 4 hệ Nội, Ngoại, Sản, Nhi, theo quy định của trường. Với khóa học này, sinh viên Y khoa sẽ đạt được các mốc hoạt động chuyên môn độc lập (EPAs) của một bác sĩ chuyên khoa.
Sau tốt nghiệp, cử nhân Y khoa có thể thi lên Bác sĩ nội trú, Bác sĩ chuyên khoa, Thạc sĩ, Tiến sĩ và các học vị cao hơn dưới sự hỗ trợ của Trường Đại học Y Dược Hải Phòng.