Giảng dạy tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong một số trường đại học ra sao?

16/04/2024 06:36
Mạnh Đoàn

GDVN - Các giảng viên tại Khoa Văn hoá học của các trường đại học, học viện có những chia sẻ về việc giảng dạy tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. 

Tháng 12/2012, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) của Liên hợp quốc đã chính thức công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tại các trường đại học, học viện, nội dung tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được đưa vào chương trình giảng dạy như thế nào?

Để hiểu thêm về nội dung trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với giảng viên tại Khoa Văn hoá học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội) và Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Phương - Trưởng bộ môn Văn hoá học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hiện nay trong chương trình giảng dạy của các môn, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nằm trong một phần ví dụ ngắn liên quan đến lễ tết, lễ hội, còn chương trình dạy riêng hay giáo trình riêng là chưa có.

Đơn cử, trong môn Cơ sở văn hoá Việt Nam, có phần nội dung về tín ngưỡng và lễ hội, giảng viên sẽ giảng dạy các nội dung như tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ Thành Hoàng, tín ngưỡng thờ Mẫu nhưng Giỗ Tổ Hùng Vương chưa được kết cấu thành nội dung tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong giảng dạy.

gio-to-hung-vuong-07302786-1678071271881874322279.jpeg
Lễ giỗ Tổ Hùng Vương. (Ảnh TTXVN)

"Do chưa được kết cấu trong mục tín ngưỡng nên giảng viên sẽ lồng ghép tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như một ví dụ.

Giả dụ, giảng viên có thể hỏi sinh viên về di sản văn hoá phi vật thể tại Phú Thọ được UNESCO công nhận, như vậy sẽ gợi mở cho sinh viên về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương", cô Phương chia sẻ.

Theo Trưởng bộ môn Văn hoá học, hiện nay, tín ngưỡng ở Việt Nam khá đa dạng, nếu như trước đây tín ngưỡng phồn thực phổ biến nhưng giờ đây đã mai một, trong khi đó tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ một khu vực, vùng đã lên tầm cấp quốc gia.

"Vì vậy, trong giáo trình giảng dạy có thể cập nhật đưa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để phù hợp thực trạng xã hội hiện tại.

Bên cạnh đó, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hoá phi vật thể vào năm 2012, từ đó, chúng ta có thể phổ biến tri thức để mọi người cùng biết vì sao lại có tín ngưỡng thờ cũng Hùng Vương, phong tục, lễ hội, di sản liên quan", cô Phương chia sẻ.

Tiến sĩ Ngô Anh Đào - Phó Trưởng khoa Văn hoá học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, trong chương trình đào tạo có môn riêng của Khoa là phong tục lễ hội, là một chuyên đề riêng, giảng viên sẽ lồng ghép nội dung liên quan đến lễ hội và phong tục tập quán của Việt Nam.

Trong quá trình học, sinh viên còn được học môn kiến thức chung là Cơ sở văn hoá Việt Nam, khi nói đến tín ngưỡng cũng lồng ghép tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Theo cô Đào, trong buổi giảng dạy của cô là môn Cơ sở văn hoá Việt Nam, gần đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, cô sẽ giải thích cho sinh viên biết tín ngưỡng Hùng Vương có từ thời nào, hay chiếu clip tổ chức lễ hội Đền Hùng ở Phú Thọ.

"Tôi cũng sẽ chỉ cho các em biết những điểm thờ Hùng Vương tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh như Công viên Lịch sử Văn hoá dân tộc (quận Thủ Đức), Thảo Cầm Viên, Công viên Tao Đàn..., để các em đến lễ", cô Đào chia sẻ.

Theo Phó Trưởng khoa Văn hoá học, ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là truyền thống uống nước nhớ nguồn, và các bạn sinh viên cũng có ý thức hướng về cội nguồn rất tốt.

Một số trường đại học, đoàn hội của các lớp tổ chức đi dâng hương dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Bên cạnh đó, sinh viên cũng có các chương trình tìm hiểu về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ra sao, để cho các bạn trân trọng ý thức nhớ về tổ tiên, nhớ đến các Vua Hùng.

Chia sẻ về nội dung trên, một giảng viên tại Khoa Văn hoá học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho hay, trong chuyên ngành Văn hoá phát triển, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được giảng dạy thành một chuyên đề riêng gọi là tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam. Đây cũng là một nội dung lớn trong bộ môn Cơ sở Văn hoá Việt Nam.

"Trong bộ môn Cơ sở Văn hoá Việt Nam, tuỳ từng trường đại học, có trường sẽ chú trọng về văn hoá sinh hoạt vật chất, hoặc chú trọng về văn hoá tinh thần là lễ tết, lễ hội. Còn tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhà trường rất chú trọng tới di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại, vì vậy tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một trong những nội dung được nhấn mạnh, để lan truyền, giáo dục thế hệ trẻ lòng tri ân đối với các vị Vua Hùng, và với cội nguồn văn hoá dân tộc", giảng viên cho hay.

Theo giảng viên, nội dung tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được giảng dạy trong môn Cơ sở Văn hoá Việt Nam gồm 3 tín chỉ và trong môn tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam gồm 4 tín chỉ (có 1 tín chỉ lý thuyết và 3 tín chỉ thực hành).

Bên cạnh đó, trong môn Đường lối văn hoá của Đảng, Khoa cũng lồng ghép Luật tín ngưỡng Tôn giáo của Việt Nam (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018), trong đó đề cập đến tín ngưỡng Việt Nam. Đơn vị có đề cập đến nhấn mạnh hai tín ngưỡng di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

"Chúng tôi rất chú trọng tới hệ thống tín ngưỡng này và chúng tôi quan niệm, đây là phạm trù thuộc về tri thức khoa học, giá trị tư tưởng văn hoá, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, thể hiện chức năng giáo dục, thẩm mỹ cao...", giảng viên chia sẻ.

Mạnh Đoàn