Giáo dục, truyền bá văn hóa dân tộc qua phim ảnh, âm nhạc là hướng cần đẩy mạnh

17/04/2024 10:59
Kim Minh Châu

GDVN - Truyền bá văn hóa dân tộc qua phim ảnh, âm nhạc,… giúp lan tỏa những giá trị truyền thống, thúc đẩy sự phát triển và sáng tạo trong văn hóa dân tộc. 

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc và luôn nhất quán khẳng định, văn hóa các dân tộc là một bộ phận không thể tách rời trong nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nhằm tôn vinh và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, năm 2008, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 19/4 hàng năm là "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam".

Từ đó đến nay, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam được triển khai sâu rộng đến cộng đồng 54 dân tộc anh em, thực sự trở thành ngày hội để đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu trong các lễ hội truyền thống, góp phần nâng cao nhận thức, giới thiệu và tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân.

Nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ như hiện nay, bên cạnh nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển văn hóa các dân tộc, con người Việt Nam, cũng đặt ra những thách thức vô cùng to lớn.

Phát triển văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập vừa là thời cơ, vừa là thách thức

240220231233-z4127289105648_fdef46f338d3e505a14fd58635045f5f.jpg
Ông Bùi Hoài Sơn – Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, đất nước ta đang trải qua một giai đoạn hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế và văn hóa thế giới, nên sự giao thoa văn hóa giữa các quốc gia, đặc biệt thông qua các phương tiện truyền thông và internet đã mang lại những cơ hội lớn, làm phong phú đời sống tinh thần của con người.

Sự giao lưu văn hóa mang lại cho người Việt Nam cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu về nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Từ đó, làm phong phú thêm vốn kiến thức và tầm hiểu biết về thế giới xung quanh.

Việt Nam có cơ hội trở thành một phần của cộng đồng văn hóa toàn cầu thông qua việc tham gia các sự kiện văn hóa, triển lãm nghệ thuật quốc tế,… Những sự kiện này giúp tăng cơ hội giao lưu, trao đổi văn hóa với các quốc gia khác.

Không chỉ có 54 dân tộc anh em chung sống với nhau qua hàng ngàn năm lịch sử, đất nước ta còn có những di sản văn hóa độc đáo và phong phú. Việc giữ gìn và phát huy những giá trị này có thể tạo ra cơ hội trong việc phát triển du lịch văn hóa, giúp tăng thu nhập và phát triển kinh tế ở các địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, cùng với những cơ hội trên, cũng xuất hiện nhiều thách thức trong quá trình giao lưu văn hóa, và đặc biệt là bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.

“Bởi, sự phổ biến của văn hóa, nghệ thuật nước ngoài có thể làm suy giảm sự quan tâm và tiếp thu văn hóa, nghệ thuật dân tộc trong nước, nhất là với giới trẻ. Chúng ta đang chứng kiến tình trạng “nhập siêu văn hóa”, “xâm lăng văn hóa” từ chính thách thức này.

Sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là internet, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới khác đã tạo ra áp lực, dẫn đến nguy cơ về việc các giá trị văn hóa và nét đặc trưng tộc người bị lãng quên hoặc thay đổi theo hướng không mong muốn.

Thêm nữa, sự du nhập văn hóa có thể làm cho văn hóa tộc người mất đi sự đặc trưng riêng biệt, khiến cho người dân ít quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của mình.

Ngoài ra, với sự phát triển của đô thị hóa và công nghiệp hóa, nhiều di sản văn hóa dân tộc đang đối diện với nguy cơ bị phá hủy hoặc biến mất” – ông Bùi Hoài Sơn nhận định.

Cũng có những nhận định về vấn đề này, Tiến sĩ Đinh Đức Tiến, giảng viên Bộ môn Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam, khoa Lịch Sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, vấn đề bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc vừa là nghịch lý, nhưng cũng là xu hướng đối với các nền văn hóa nói chung, trong đó có Việt Nam.

Ở nước ta, sau quá trình mở cửa, tích cực hội nhập và đẩy mạnh giao lưu giữa các vùng miền, các nhóm cư dân đã giúp cho cộng đồng người dân tộc thiểu số, cư dân sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa (đa phần là những khu vực kém phát triển) có cơ hội được tiếp nhận những giá trị hiện đại thông qua các phương tiện truyền thông, nhưng vô hình chung khiến cho những giá trị truyền thống của dân tộc, địa phương bị mai một, đánh mất. Ví dụ, người đồng bào dân tộc thiểu số đang có xu hướng họ bỏ mặc trang phục truyền thống, hay ít sử dụng ngôn ngữ của tộc người…

“Chúng ta đã có các chính sách về việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Điều này đã mang lại nhiều dấu hiệu tích cực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Những giá trị văn hóa dân tộc ấy được coi như nguồn vốn xã hội, nguồn tài nguyên phong phú giúp các tộc người, cộng đồng cư dân phát huy lợi thế trong bối cảnh hiện đại. Dựa vào những yếu tố văn hóa đặc sắc truyền thống của mỗi tộc người để phát triển được coi là một dạng của phát triển công nghiệp văn hóa” – Tiến sĩ Đinh Đức Tiến nhận định.

lang-van-hoa-17123020046872088757587.jpg
Ảnh minh họa: Báo điện tử Chính phủ.

Nói sâu hơn về những chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc đã thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng và dùng các yếu tố văn hóa như những sản phẩm đặc biệt để phát triển du lịch, Tiến sĩ Đinh Đức Tiến cho rằng, điều này vừa giúp đem lại nguồn thu, lợi ích trong sự phát triển kinh tế của vùng đồng bào dân tộc; đồng thời, giúp bảo tồn và phát huy được giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh hiện đại.

Bày tỏ suy nghĩ của mình, Tiến sĩ Đinh Đức Tiến chia sẻ: “Theo tôi, những chính sách về việc phát triển du lịch văn hóa là những chính sách rất đúng đắn và cần thiết.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tiễn, tôi nhận thấy dường như chúng ta vẫn thiếu một chính sách tổng thể. Bởi thực tế hiện nay, sự phát triển du lịch của các địa phương vẫn theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, và chính sách đầu tư của Nhà nước còn mang tính hình thức.

Nếu như không có sự đầu tư bài bản và một chính sách tổng thể, đồng bộ thì rất khó tạo được dấu ấn và sự phát triển vượt bậc trong du lịch văn hóa.

Bên cạnh đó, một thực trạng đáng báo động liên quan đến việc truyền bá hình ảnh văn hóa của một số địa phương và nhóm người bản địa không dựa trên dữ liệu đầu vào chuẩn, sự nghiên cứu chuẩn xác về mặt khoa học của lĩnh vực văn hóa, lịch sử, gây ra sự hiểu lầm, thông tin sai lệch, phản cảm cho du khách. Điều này còn gây ra nhiều hệ lụy to lớn về sau”.

Giáo dục văn hóa dân tộc cần thay đổi để trở nên mới mẻ, gần gũi hơn

Giữa dòng chảy hội nhập và toàn cầu hoá quốc tế, văn hoá ngoại lai du nhập vào nước ta ngày càng nhiều, nhưng những giá trị nghệ thuật văn hoá vẫn là hồn cốt của một quốc gia.

Trong thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã tìm được hướng đi riêng và gặt hái nhiều thành tựu trong việc bảo tồn văn hóa gắn với bối cảnh phát triển của đất nước, đặc biệt là gắn việc truyền bá văn hóa dân tộc thông qua các loại hình nghệ thuật.

Tiếp thu bài học kinh nghiệm của thế giới và vận dụng sáng tạo vào tình hình thực tiễn của Việt Nam, thời gian qua, việc truyền bá văn hóa dân tộc ở nước ta cũng trở nên phổ cập hơn và ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế hệ trẻ.

065edea998db36856fca (1).jpg
Tiến sĩ Đinh Đức Tiến, giảng viên Bộ môn Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam, khoa Lịch Sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Đinh Đức Tiến cho rằng, việc giáo dục, truyền bá văn hóa dân tộc phải đi từ việc giáo dục truyền thống, trên 2 phương diện:

Một là, giáo dục trên phương diện lịch sử, để các tộc người nói chung, thế hệ trẻ của từng tộc người nói riêng thêm hiểu và tự hào về lịch sử tộc người của họ.

Thứ hai, giáo dục về văn hóa tộc người, tức là làm cho các tộc người nói chung, thế hệ trẻ của từng tộc người nói riêng nhận thức được những giá trị dân tộc họ đang có là những giá trị đặc biệt, đặc sắc và đáng tự hào.

Khi đã nhận thức được tầm quan trọng của yếu tố văn hóa dân tộc đó, các nhóm cư dân, nhóm dân tộc sẽ tự có ý thức trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc của mình trong bối cảnh hiện đại.

Cũng theo vị giảng viên này, vận dụng các yếu tố truyền thông (internet, báo chí, mạng xã hội...) vào việc quảng bá, giới thiệu về hình ảnh, phong tục tập quán của địa phương đến với bạn bè trong nước và quốc tế cũng đạt nhiều hiệu quả và cần được phát huy; giúp thu hút những nhóm cư dân khác nhau, đặc biệt là khách du lịch đến với cộng đồng địa phương trải nghiệm không gian văn hóa cộng đồng. Đó thực sự là một cách trải nghiệm văn hóa dân tộc để lại nhiều bài học quý báu.

Chia sẻ thêm vấn đề giáo dục văn hóa dân tộc ở một khía cạnh khác, Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn cho rằng, với sự phát triển của công nghệ và văn hóa giải trí, giới trẻ ngày nay có xu hướng dễ dàng tiếp cận thông tin qua các loại hình nghệ thuật (phim ảnh, âm nhạc…), trên các phương tiện truyền thông (như báo chí, mạng xã hội,…).

Việc sử dụng những loại hình này để truyền bá văn hóa dân tộc có thể giúp thu hút sự quan tâm của đối tượng trẻ và tạo ra cơ hội mới để họ tiếp thu và yêu thích văn hóa dân tộc hơn.

“Tôi tin rằng, việc giáo dục và truyền bá văn hóa dân tộc thông qua các phương tiện truyền thông như phim ảnh, âm nhạc,… là một hướng đi cần được quan tâm và đẩy mạnh ở Việt Nam.

Đây đều là những loại hình nghệ thuật có khả năng truyền tải thông điệp và giá trị văn hóa một cách sâu sắc, sống động và mạnh mẽ. Sử dụng những loại hình này để truyền bá văn hóa dân tộc có thể làm cho thông điệp trở nên hiệu quả hơn và dễ tiếp cận hơn đối với đại đa số người dân” – Đại biểu Bùi Hoài Sơn cho hay.

Lấy ví dụ từ những hoạt động của một số nghệ sĩ gần đây như: nghệ sĩ Hà Myo đã đem nghệ thuật hát Xẩm đến gần hơn với công chúng và bạn bè thế giới; hay ca sĩ Hoàng Thùy Linh, Hòa Minzy đã khéo léo sử dụng các chất liệu của văn hóa dân gian, chất liệu của văn học Việt Nam vào các MV ca nhạc; rapper Đen Vâu với nhiều dự án âm nhạc cộng đồng,... đều là minh chứng sức mạnh của nghệ thuật đối với việc lan tỏa sức mạnh và giá trị của văn hóa dân tộc.

Việc truyền bá văn hóa dân tộc qua phim ảnh, âm nhạc,… không chỉ giúp lan tỏa những giá trị truyền thống mà còn thúc đẩy sự phát triển và sáng tạo trong văn hóa dân tộc. Đồng thời, giúp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.

Thư viện 3 hình ảnh.png
Truyền bá văn hóa dân tộc thông qua âm nhạc hiện đại giúp giới trẻ dễ dàng tiếp cận.

Từ những trăn trở của mình đối với các hoạt động văn hóa, Đại biểu Bùi Hoài Sơn đã đề xuất một số biện pháp để hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn, cụ thể:

Thứ nhất, cần tích hợp nội dung văn hóa dân tộc vào chương trình giáo dục quốc gia, từ cấp tiểu học đến đại học. Điều này giúp đảm bảo cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ có cơ hội học tập và hiểu biết sâu sắc về văn hóa dân tộc của mình.

Với lợi thế của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện nay khi đã có nội dung về nghệ thuật và giáo dục địa phương, chúng ta cần chú ý lồng ghép kiến thức văn hóa dân tộc tốt hơn trong các chương trình giáo dục này.

Thứ hai, cần phát triển và phổ biến tài liệu, giáo trình, sách giáo khoa và nguồn học liệu liên quan đến văn hóa dân tộc. Đồng thời, cần sử dụng công nghệ thông tin để tạo ra các nền tảng trực tuyến cung cấp thông tin và tài liệu học tập về văn hóa dân tộc.

Thứ ba, cần tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại khóa như hội thảo, triển lãm văn hóa, tham quan di tích lịch sử và văn hóa,… để tăng cường nhận thức và hiểu biết về văn hóa dân tộc.

Thứ tư, khuyến khích và hỗ trợ các nhà nghiên cứu, nhà văn và nghệ sĩ tham gia vào việc nghiên cứu và sáng tạo về văn hóa dân tộc. Tạo cho họ nhiều cơ hội để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình với cộng đồng.

Thứ năm, xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng để thúc đẩy hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc, để được cung cấp về tài chính và chuyên môn, cùng các hỗ trợ khác trong hoạt động giáo dục.

Cuối cùng, trong quá trình giáo dục, truyền thông về văn hóa dân tộc, cần bảo đảm tính đa dạng và phản ánh đúng đắn về các nét đặc trưng, giá trị và truyền thống của các dân tộc trong nước, giúp tạo ra một cộng đồng hiểu biết và tôn trọng nhau hơn.

Tất cả sẽ giúp phát huy được các giá trị văn hóa dân tộc, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững đất nước từ những nguồn lực, sức mạnh của văn hóa.

Kim Minh Châu