Trường ĐH giảng dạy về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương làm sao để thu hút SV?

17/04/2024 08:51
Tường San

GDVN- Trong bối cảnh giao lưu và hội nhập văn hóa như hiện nay, càng cần phải giảng dạy cho sinh viên về những giá trị cội nguồn, văn hóa truyền thống của dân tộc.

Theo lãnh đạo của các khoa đào tạo về văn hóa tại một số trường đại học, việc đưa kiến thức về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ lâu đã được các cơ sở chú trọng, lưu tâm trong trong chương trình giảng dạy.

Việc đưa kiến thức về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong chương trình là rất quan trọng

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Toản - Trưởng khoa Văn hóa học (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho biết, tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng là một trong những tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, vậy nên, kiến thức này cũng được khoa đưa vào giảng dạy trong những học phần học đào tạo về tín ngưỡng.

Theo thầy Toản, không phải từ khi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được tổ chức UNESSCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại nhà trường mới đưa kiến thức này vào đào tạo đối với các ngành học về văn hóa mà đã đưa vào từ trước đó.

Hơn nữa, việc cung cấp kiến thức về tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng như vậy cũng nhằm giúp cho sinh viên nhớ ơn đến những người đi trước đã có công dựng nước và giữ nước. Theo đó, sinh viên sẽ được cung cấp kiến thức về lịch sử ra đời, quá trình hình thành phát triển đến lúc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại của tín ngưỡng này.

Screenshot_1.png
Sinh viên khoa Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội trong một chuyến đi thực tế (Ảnh: Website nhà trường).

Ngoài việc cung cấp kiến thức qua các bài giảng, bài chia sẻ của giảng viên, khoa cũng tổ chức những chương trình du lịch “về nguồn” để giúp sinh viên được tham quan thực tế về tín ngưỡng này.

Cũng theo thầy Toản, khi giảng viên giảng dạy về những kiến thức về giá trị văn hóa truyền thống như tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hầu hết sinh viên đều nhận định và cho rằng đó là điều tất yếu, một lẽ tự nhiên và một niềm tự hào và là một trong những giá trị cần phải được trân trọng.

Bên cạnh đó, các em đều cảm thấy rất vui vẻ, hứng thú và tự hào khi được giảng dạy về kiến thức này bởi các em hiểu rằng, đối với một di sản văn hóa phi vật thể như tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để được thế giới công nhận, rõ ràng đó phải là những di sản có những đặc trưng, đặc điểm, giá trị mang tính phổ quát được đại diện nhân loại ghi nhận.

Thầy Toản cũng bày tỏ, việc lồng ghép các kiến thức về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào trong các học phần về văn hóa vào là rất quan trọng bởi bất kỳ dân tộc, đất nước nào cũng đều có lịch sử của mình.

“Việc chúng ta hiểu về lịch sử, văn hóa, nguồn cội của mình là điều tất yếu bởi nếu không có điểm tựa, không có bản sắc, không có cái tôi của mình trong bối cảnh hội nhập hiện nay, khi ra “biển lớn”, chúng ta sẽ rất dễ bị hòa tan.

Và chính kho tàng di sản văn hóa của chúng ta đã là sức mạnh khẳng định cho bản sắc văn hóa dân tộc, là cái tôi của dân tộc khi đứng trước cuộc hòa nhập với thế giới ấy giúp chúng ta hòa nhập chứ không bị hòa tan”, thầy Toản nhấn mạnh.

Chú trọng tạo sự hứng thú cho sinh viên khi giảng dạy kiến thức về ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Còn theo Tiến sĩ Ngô Hải Ninh - Trưởng khoa Văn hóa (Trường Đại học Hạ Long) cho hay, khoa Văn hóa và ngành Quản lý văn hóa của trường đã có những đề cập, nhấn mạnh cũng như gợi mở cho sinh viên về những giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử của ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và những kiến thức ấy được lồng ghép vào trong các học phần đào tạo.

Trước hết, đối với học phần cơ sở ngành, khoa có đào tạo môn chủ đạo chung mà các trường đại học hiện nay đều tiến hành triển khai cho sinh viên của tất cả các ngành là học phần Cơ sở văn hóa Việt Nam với hai nội dung về văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, trong đó, nội dung về văn hóa tinh thần có liên hệ đến kiến thức của ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.

Đối với riêng ngành Quản lý văn hóa, khoa có những học phần như Di sản văn hóa phi vật thể; học phần Quản lý lễ hội và sự kiện; Công tác quản lý nhà nước về lễ hội và sự kiện có cung cấp kiến thức về ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương cùng những giá trị, đặc điểm của ngày lễ này cho sinh viên.

z3865659888730_529a0e61ad107e921872d04f309c31bf-768x467.jpg
Sinh viên khoa Văn hóa Trường Đại học Hạ Long tham gia thực hành trong chương trình "Hành trình văn hóa" do nhà trường tổ chức (Ảnh: Website nhà trường).

Theo cô Ninh, trong bối cảnh giao lưu, hội nhập với văn hóa quốc tế như hiện nay, chúng ta càng cần phải hướng các bạn trẻ đến những giá trị cốt lõi, cội nguồn của đất nước, dân tộc, để từ đó góp phần vào việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống như ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Và để làm được việc này, chính các cơ sở giáo dục đại học phải tạo nên sự hứng thú cho sinh viên khi cung cấp kiến thức về ngày lễ này.

Theo đó, khoa Văn hóa, Trường Đại học Hạ Long đã cụ thể hóa những học phần có cung cấp kiến thức liên quan đến ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương bằng các bài tập thực hành nhóm cho sinh viên. Nhìn chung qua nhiều khóa đào tạo, khoa nhận thấy rằng, có rất nhiều nhóm sinh viên đã tự tìm tòi, nghiên cứu và dựng những video, bài tập báo cáo rất hay và ý nghĩa về ngày lễ này;

Ngoài ra, khoa cũng tổ chức các hội thi thường niên về hành trình văn hóa cho sinh viên tham gia biểu diễn về một trong những vở kịch liên quan đến Hùng Vương. Nhờ vậy, các em được chủ động tham gia vào kiến thức này nên tất yếu cũng sẽ hiểu sâu và thích thú hơn so với việc chỉ tiếp nhận kiến thức một cách bị động từ các giảng viên cung cấp cho.

Cô Ninh cho rằng, về phía các cơ sở giáo dục, việc nhấn mạnh và đề cập về kiến thức của ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là cần thiết và bắt buộc phải có trong nội dung giảng dạy.

Tuy nhiên, để tăng cường sự nhận thức của sinh viên về tầm quan trọng của vấn đề này, cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để từ việc gợi mở, truyền tải kiến thức trên trường, các em phải tự ý thức được ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là một niềm tự hào của dân tộc và bản thân mỗi sinh viên càng cần phải gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đó.

Cũng theo cô Ninh, trong bối cảnh chúng ta đang hướng tới giáo dục số như hiện nay, bản thân mỗi giảng viên giảng dạy về lĩnh vực văn hóa cũng phải trau dồi, trang bị, cập nhật thêm kiến thức, phương pháp giảng dạy để có những bài giảng hấp dẫn, phong phú hơn, từ đó tạo sự thu hút, hứng thú cho người học nhiều hơn về những kiến thức văn hóa truyền thống như ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.

Cần gia tăng cả thời lượng và chất lượng trong việc cung cấp kiến thức cho sinh viên về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Còn theo nhà nghiên cứu văn hóa Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng (nguyên Trưởng khoa Văn hóa Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền), tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được tổ chức UNESSCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Chính vì vậy, đây là một trong những nội dung quan trọng và cốt lõi của hệ giá trị văn hóa Việt Nam mà các giảng đường đại học ở nước ta đang đưa vào giảng dạy trong chương trình ở các môn học như Cơ sở văn hóa Việt Nam; Lịch sử văn minh thế giới và đặc biệt là các môn thuộc chuyên ngành Việt Nam học. Có thể nói rằng, vấn đề này đã được các trường đưa vào nội dung giảng dạy rất kỹ.

Đơn cử như ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khoa Văn hóa Phát triển của nhà trường đã xây dựng chuyên ngành Văn hóa học và trong chuyên ngành này có một số học phần đề cập đến nội dung của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được đưa vào nội dung chính để giảng dạy như bộ môn tín ngưỡng và tôn giáo Việt Nam về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, trong đó biểu hiện cao nhất là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một nội dung quan trọng nhằm truyền tải cho sinh viên để các em lan tỏa sự hiểu biết, trách nhiệm và niềm tự hào của mình về bản sắc văn hóa Việt Nam;

Ngoài ra, trong học phần Cơ sở văn hóa Việt Nam của trường còn có chuyên đề riêng nói về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong gia đình của người Việt hoặc các chuyên ngành của khoa Xã hội học cũng đưa kiến thức về tín ngưỡng này vào trong chương trình học.

Như vậy, có thể thấy rằng, dung lượng về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nói chung và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nói riêng đã được các thầy cô truyền tải cho sinh viên tương đối nhiều, qua đó nhìn thấy được tâm huyết cũng như trách nhiệm của các thầy cô và nhà trường đã dành một thời lượng tương đối lớn cho kiến thức quan trọng này.

“Tôi đánh giá rất cao tầm quan trọng của việc đưa kiến thức về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào chương trình đào tạo ở các môn văn hóa tại các cơ sở giáo dục đại học. Bởi, kết quả của giáo dục là con người và chúng ta thực hiện giáo dục tri thức khoa học là để hình thành nên nhân cách, năng lực, trí tuệ và kỹ năng cho con người.

Chính vì vậy, việc đưa kiến thức về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương vào trong chương trình đào tạo là góp phần hoàn thiện nên nhân cách và phẩm giá của con người Việt Nam, giúp cho chúng ta không chỉ hiểu biết về cội nguồn văn hóa mà còn giúp cho sinh viên có được ý thức, trách nhiệm về việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa”, cô Hồng bày tỏ.

Hơn nữa, theo cô Hồng, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta có nhiệm vụ rất quan trọng đó là xây dựng con người mới và xây dựng nền văn hóa để văn hóa Việt Nam thực sự là động lực và con người Việt Nam thực sự là nguồn lực quan trọng nhất để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Vậy nên, việc đưa kiến thức về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào trong chương trình đào tạo lại càng quan trọng và có ý nghĩa.

Cô Hồng nhận định, qua đánh giá, việc đưa kiến thức này đã mang lại những chuyển biến tích cực trong nhận thức của nhiều bạn sinh viên. Nếu như trước đây, khi hỏi về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thường không có nhiều bạn hiểu rõ về ý nghĩa, giá trị quan trọng của tín ngưỡng này, nhưng đến thời điểm hiện tại, hầu như sinh viên nào cũng biết.

Và khi được hỏi về lý do tại sao lại quan tâm đến vấn đề này, cô Hồng cũng nhận được câu trả lời từ sinh viên rằng, nhờ có được những tri thức về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, các em mới hiểu được một cách rõ ràng, sâu sắc về từ “đồng bào” cũng như ý nghĩa câu nói của Bác Hồ là “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Cô Hồng khẳng định, những chia sẻ đó của các bạn sinh viên là rất quý giá.

Mặt khác, theo cô Hồng, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được biết đến là 1 trong 5 tín ngưỡng thờ cúng cơ bản của nước ta, tạo nên giá trị bền vững trong bản sắc văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi đời sống đang ngày càng bị chi phối bởi những giá trị vật chất đã vô tình khiến cuộc sống của con người ngày càng trở nên khẩn trương hơn và mặt trái của sự vận động đó là có thể khiến con người ta dễ bị xao nhãng và lãng quên những giá trị tâm linh, giá trị tinh thần và đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Vậy nên, việc đưa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào chương trình đào tạo ở các trường đại học cũng nhằm để dạy cho các em rằng “Hằng năm ăn đâu làm đâu, cũng biết cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ" , gia tăng nhận thức của sinh viên về việc giữ gìn và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống

Ngoài ra, cô Hồng cũng mong rằng, các trường đại học nên đẩy mạnh việc gia tăng thời lượng giảng dạy về các môn văn hóa; gia tăng cả thời lượng và chất lượng trong việc cung cấp kiến thức, hiểu biết cho sinh viên về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Bởi hiện nay, có một số cơ sở đào tạo vẫn dạy cho sinh viên về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nằm trong tín ngưỡng chung, chính vì vậy, nhiều người học không hiểu được giá trị nhân văn, giá trị triết lý và nhân sinh của tín ngưỡng thờ cúng tổ cúng tổ tiên nói chung và tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng nói riêng.

Tường San