PGĐ Sở GDĐT Trà Vinh: Chất lượng giáo dục không chỉ nằm ở phổ điểm tốt nghiệp

27/04/2024 06:22
Mộc Trà

GDVN-Theo Phó Giám đốc Sở GDĐT Trà Vinh, nâng cao chất lượng giáo dục không chỉ nằm ở phổ điểm tốt nghiệp, mà cần tập trung vào giáo dục nhân cách, phẩm chất, năng lực.

Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra vào tháng 02/2023.

Sau hơn một năm diễn ra hội nghị, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Trà Vinh đã có một số chuyển biến tích cực.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Tăng Thị Ngọc Mai - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh đã có những chia sẻ liên quan đến nội dung này.

naci.png
Cô Tăng Thị Ngọc Mai - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh. Ảnh: NVCC.

Nhiều khó khăn do điều kiện địa lý và tập tục địa phương

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh, giáo dục mầm non của tỉnh còn rất nhiều khó khăn. Do điều kiện địa lý tự nhiên có nhiều sông rạch, cù lao,… ít nhiều ảnh hưởng đến việc đưa trẻ đến trường, lớp mầm non. Nhằm đảm bảo thuận tiện cho phụ huynh đưa trẻ đến trường, các địa phương đã quy hoạch, bố trí ổn định mạng lưới trường, điểm trường mầm non; toàn tỉnh hiện có 123 trường và 242 điểm trường mầm non (trong đó, có 10/123 trường có từ 05 điểm trường trở lên), cơ bản đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em độ tuổi mầm non.

TRẺ LÀM TRUNG TÂM.png
Hoạt động tại Trường Mầm non Hoa Hồng (thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh). Ảnh: sgdtravinh.edu.vn).

“Trong những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp để đồng thời duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi cùng với tăng tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi đến trường.

Tuy nhiên, do đời sống người dân còn nhiều khó khăn và một phần ảnh hưởng của tập tục địa phương, tại một số vùng nông thôn, nhu cầu gửi trẻ dưới 5 tuổi của phụ huynh chưa nhiều, nhất là trẻ em độ tuổi nhà trẻ” - vị Phó Giám đốc Sở cho biết.

Trong năm học 2023-2024, việc huy động trẻ em đến trường đối với trẻ em nhà trẻ đạt 10,02% (tăng 3,62% so với năm học trước); đối với trẻ em mẫu giáo đạt 91,25% (so với năm học trước tăng 3,55%), riêng trẻ 5 tuổi huy động đạt 99,55% (so với năm học trước tăng 0,55%). Mặc dù tỉ lệ trẻ em độ dưới 5 tuổi đến trường còn thấp so với một số tỉnh trong vùng nhưng vẫn có tăng hằng năm, điều đó cho thấy cấp học mầm non đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Hiện nay, tỉ lệ giáo viên mầm non/lớp đạt 1,71 đối với nhóm trẻ; đạt 1,59 đối với lớp mẫu giáo. So với quy định tối đa là 2,5 giáo viên/nhóm trẻ và 2,2 giáo viên/lớp mẫu giáo, tỉnh Trà Vinh hiện còn thiếu rất nhiều giáo viên mầm non (so với nhu cầu, năm học 2023-2024, tỉnh thiếu trên 500 giáo viên mầm non).

Đối với giáo dục tiểu học, theo báo cáo số 08/BC-BCĐ ngày 08/01/2024 của Ban Chỉ đạo Đổi mới giáo dục đào tạo, phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và xây dựng xã hội học tập tỉnh Trà Vinh, năm 2023, như sau: Trẻ 6 tuổi vào lớp 1 (14.466/14.466; tỉ lệ: 100%); trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học (17.388/18.253; tỉ lệ: 95,26%); số đơn vị cấp xã đạt chuẩn (mức 3: 106/106; tỉ lệ 100%); số đơn vị cấp huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn (mức 3: 09/09; tỉ lệ 100%).

“Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa tổng kết công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ năm 2023 nên chưa có số liệu chung cả nước để so sánh” - vị Phó Giám đốc Sở cho hay.

Về điều kiện thực tế và những chuyển biến Trà Vinh sau một năm tổ chức hội nghị giáo dục vùng thì công tác phổ cập giáo dục tiểu học năm 2023 tiếp tục được củng cố duy trì, có 106/106 xã, phường, thị trấn, toàn tỉnh đạt mức 3 về phổ cập giáo dục tiểu học. Trường đạt chuẩn quốc gia cấp tiểu học: 93 trường (tăng 08 trường so với năm học trước và có 01 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2).

Tỉ lệ học sinh đi học trong độ tuổi: Tiểu học đạt 100%; đạt chỉ tiêu kế hoạch. Học sinh tiểu học hoàn thành chương trình lớp học: 87.416/88.596, đạt tỉ lệ 98,67% (so với năm học trước tăng 0,62%). Đảm bảo tỉ lệ phòng/lớp 1,07 đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tổng số 3.074 phòng học (kiên cố: 3.070 phòng, phòng tạm: 4 phòng), đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tỉ lệ giáo viên/lớp là 1,6 giáo viên/lớp. Dạy học 2 buổi/ngày đối với lớp 1, 2, 3, 4 theo lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; 100% học sinh lớp 3, lớp 4 được học Tiếng Anh và Tin học.

Tại Điều 11, Nghị định số 20/2014/NĐ-CP. Tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 được quy định như sau:

1. Đối với xã:

a) Bảo đảm tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2;

b) Tỉ lệ trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt ít nhất 98%;

c) Tỉ lệ trẻ em 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt ít nhất 90%, đối với xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%; các trẻ em 11 tuổi còn lại đều đang học các lớp tiểu học.

2. Đối với huyện: Có ít nhất 90% số xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.

3. Đối với tỉnh: Có 100% số huyện được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.

z5362970801389_aedc3b452f7df2365a6bd9cb3890f7c4.jpg
Khai giảng năm học 2023-2024 tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Trà Cú. Ảnh: Sở GD&ĐT cung cấp.

Đối với trung học cơ sở và trung học phổ thông, tỉ lệ học sinh đi học trong độ tuổi (trung học cơ sở là 98,8%; trung học phổ thông là 85%); tỉ lệ học sinh bỏ học học kỳ I năm học 2023-2024 cấp trung học cơ sở là 0,38% (giảm 0,39% so với năm trước); cấp trung học phổ thông là 0,34% (giảm 0,62% so với năm trước).

Số học sinh bỏ học giảm là do có chỉ đạo của ngành đặc biệt là công tác huy động ra lớp, chống bỏ học, vận động nhà hảo tâm tặng học bổng cho học sinh nghèo học giỏi, vượt khó; miễn giảm học phí học sinh thuộc diện chính sách, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh không tăng học phí mà thu theo mức cũ trong năm học 2023-2024.

z5362970986857_c6e493647db13ac6da0b8d63dc071266.jpg
Trao học bổng cho học sinh nghèo. Ảnh: Sở GD&ĐT cung cấp.

Nguyên nhân còn thấp so với tỉ lệ chung cả nước: Do điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ còn thiếu ở một số môn khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, một số huyện làm nông nghiệp bị ảnh hưởng tác động của biến đổi khí hậu nên kinh tế gia đình gặp khó khăn; một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục chưa thật sự năng động, sáng tạo trong đổi mới, chuyển từ “quản lý” sang “quản trị” nhà trường; một bộ phận nhà giáo năng lực chưa tương xứng với bằng cấp, chưa nỗ lực, sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện các chủ trương đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.

“Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh còn thiếu nhiều giáo viên giảng dạy, trong đó nhiều nhất là ở bậc học mầm non và cấp tiểu học. Đối với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc lựa chọn môn học của học sinh dẫn đến tình trạng thừa thiếu cục bộ ở một số môn học ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông; một số môn học còn thiếu giáo viên giảng dạy ở các cấp học như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học.

Hiện tại, Trà Vinh đang triển khai rà soát nhu cầu đặt hàng đào tạo giáo viên đến các huyện, thị xã, thành phố. Nếu có nhu cầu, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đặt hàng đào tạo giáo viên năm 2024” - cô Tăng Thị Ngọc Mai thông tin thêm.

Còn nhiều hạn chế trong công tác chuyển đổi số

Sau 02 năm triển khai thực hiện Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Trà Vinh đã đạt được một số kết quả tích cực về chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, tỉnh Trà Vinh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như sau: Số lượng máy vi tính phục vụ giảng dạy môn Tin học còn thấp so với nhu cầu (25% số lượng cơ sở giáo dục phổ thông chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định). Nguyên nhân: Lượng máy cũ nhiều, nhanh xuống cấp, kinh phí sửa chữa, mua mới còn hạn chế. Số lượng giáo viên, học sinh có máy tính riêng và Internet còn ít nên ảnh hưởng rất nhiều đến việc triển khai các giải pháp thực hiện chuyển đổi số của nhà trường.

Về khó khăn, hạn chế trong hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học: Việc thực hiện dạy học trực tuyến tại một số đơn vị hiệu quả chưa cao, số lượng học sinh tham gia học trực tuyến còn hạn chế do công tác tổ chức tập huấn, tổ chức thực hiện và quản lý chưa đáp ứng yêu cầu, các thầy cô giáo bộ môn chưa có giải pháp phù hợp để hướng dẫn học sinh tự học trực tuyến, thiếu nhân lực có năng lực tốt về công nghệ thông tin để hỗ trợ, hướng dẫn các thầy cô xây dựng bài dạy trực tuyến có chất lượng.

Giáo viên còn nhiều hạn chế về kiến thức cơ bản công nghệ trong việc xây dựng bài dạy trực tuyến, xây dựng ngân hàng câu hỏi, khả năng tương tác với học sinh trên môi trường mạng nên việc triển khai dạy học trực tuyến chưa đạt được hiệu quả.

Đối với hạn chế trong hoạt động quản trị, quản lý và cơ sở dữ liệu: Việc chuyển đến, chuyển đi của nhân sự, học sinh ra ngoài tỉnh; việc đồng bộ, liên thông dữ liệu giữa các hệ thống phần mềm tuy đã thực hiện (yêu cầu khi trang bị phần mềm) nhưng còn chưa đáp ứng yêu cầu do thực tế phát sinh, thiếu các quy định mang tính pháp lý nhằm chuẩn hóa về việc trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống phần mềm do trường tự trang bị nên phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện chuyển đổi số trong nhà trường.

Trong triển khai dịch vụ trực tuyến cũng còn một số khó khăn, vướng mắc: Mặc dù các ngành, các cấp nói chung, ngành giáo dục và đào tạo nói riêng đã có nhiều hoạt động truyền thông, thúc đẩy phụ huynh, học sinh tham gia vào sử dụng các dịch vụ từ hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số nhưng số lượng phụ huynh, người dân tham gia vẫn còn thấp. Nguyên nhân, do người dân ngại chuyển đổi số, rủi ro nhiều, một số phần mềm, ứng dụng lúc đầu triển khai chưa cho được hiệu quả cao, người dân chưa thấy được lợi ích khi sử dụng.

Đối với kết quả phát triển nguồn nhân lực, mặc dù các cơ sở giáo dục tùy theo yêu cầu thực tế thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng cần thiết về ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ quản lý, giáo viên; song vẫn còn một số hạn chế.

Theo đó, nhân lực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin còn quá ít, cán bộ phụ trách công nghệ thông tin hầu hết các cơ sở giáo dục đều là kiêm nhiệm, cơ sở giáo dục mầm non và các cơ sở giáo dục tư thục không có cán bộ, giáo viên phụ trách công nghệ thông tin.

Một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên, đặc biệt đối với các thầy cô lớn tuổi còn gặp khó khăn trong kỹ năng sử dụng máy tính, có trường hợp ngại khó, chậm thay đổi để thực hiện các chỉ đạo về chuyển đổi số các hoạt động trong cơ sở giáo dục.

z5362970646089_f3418966ae432b907d8e90ee9d614111.jpg
Cô Tăng Thị Ngọc Mai - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh trao giải cuộc thi Em yêu biển, đảo quê hương năm 2024. Ảnh: Sở GD&ĐT cung cấp.

Quan tâm đầu tư, thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục

Từ những vướng mắc trong thực tiễn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh cũng nêu một số giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn.

“Đối với giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh và phối hợp các Sở ngành liên quan triển khai thực hiện các giải pháp phát triển giáo dục mầm non trong thời gian tới: Đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, tuyển dụng giáo viên; tuyên truyền, vận động người dân đưa trẻ đến trường,… để trẻ được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh về thể chất, tinh thần, tạo tiền đề tốt cho việc học tập ở trường phổ thông cũng như việc học tập suốt đời của trẻ.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh đề xuất: Về chính sách, cần ban hành cơ chế, chính sách cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; mở rộng đối tượng được hưởng chế độ ăn trưa, miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với trẻ mầm non thuộc hộ cận nghèo, trẻ vùng sông nước khó khăn trong việc đến trường, lớp mầm non” - cô Tăng Thị Ngọc Mai chia sẻ.

Để tăng tỉ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi so với tỉ lệ chung của cả nước, Sở Giáo dục và Đào tạo Trà Vinh đã đưa ra một số định hướng sau:

Thứ nhất, tiếp tục tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông nghiêm túc, khách quan, đánh giá chặt chẽ, sát với thực tế năng lực nhận thức của học sinh, đồng thời, thực hiện phân luồng học sinh theo Quyết định số 1138/QĐ-UBND ngày 27/7/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 19/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác phân luồng, đào tạo nghề cho học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai, xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo Quyết định 33/QĐ-TTg ngày 08/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ: Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án 04/ĐA-UBND ngày 08/02/2022 về việc Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Thứ ba, thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Ủy ban nhân tỉnh ban hành Quyết định 2257/QĐ-UBND ngày 19/5/2020 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh. Qua đó, ngành giáo dục đưa nội dung thực hiện vào kế hoạch nhiệm vụ trong từng năm học và định hướng thực hiện cho các năm học tiếp theo.

z5362969495830_f9b752a9996e00c93dc3d669cb5e190e.jpg
Trao giải môn võ tại Hội khỏe Phù Đổng được tổ chức đầu tháng 3/2024. Ảnh: Sở GD&ĐT cung cấp.

Nâng cao chất lượng bằng cách giáo dục nhân cách, phẩm chất, năng lực

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh cũng nêu quan điểm: “Thay vì nói về các kiến nghị, đề xuất, tôi chia sẻ về một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TU ngày 11/10/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đổi mới phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh; Công văn số 4766/UBND-KGVX ngày 24/10/2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh đã tiến hành rà soát, sửa đổi bổ sung Đề án nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, qua đó, đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng ngành giáo dục.

Trước đó, ngày 22/9/2023, Tỉnh ủy Trà Vinh tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Tại hội nghị, đã có một số ý kiến trăn trở về phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong 3 năm gần đây của tỉnh thuộc “tốp chót”, và cho rằng đó là thể hiện của chất lượng giáo dục không tốt.

TV HƯỚNG NGHIỆP 1.jpg
Học sinh khối 12 tỉnh Trà Vinh tham dự tư vấn tuyển sinh tại Trung tâm hội nghị. Ảnh: sgdtravinh.edu.vn.

Tuy nhiên, thứ nhất, theo tôi, nâng cao chất lượng giáo dục không nằm ở phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, vì trong bằng cũng không ghi rõ điểm số, nên học sinh mất ý chí phấn đấu. Vì vậy, phổ điểm chỉ là một phần rất nhỏ để phản ánh chất lượng dạy và học, chứ không phải vấn đề chính. Vấn đề chính nằm ở chỗ, hiện nay, đào tạo học sinh ra đáp ứng được những gì? Tốt nghiệp trung học phổ thông, các em mới chỉ hoàn thành những chương trình cơ bản, chưa thể đi làm việc ngay, phải qua học nghề, học cao đẳng, đại học, rồi mới gia nhập thị trường lao động.

Cho nên, để nâng cao chất lượng của giáo dục và đào tạo Trà Vinh, tôi cho rằng, phải tập trung bồi dưỡng giáo viên làm sao để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018, chuyển tải được và làm tốt được, đảm bảo dạy theo khung năng lực, phẩm chất cho học sinh.

Thứ hai, song song với đó, chúng tôi cũng quan tâm tới việc đào tạo làm sao hướng tới giá trị của từng học sinh. Bản chất và cốt lõi vẫn là giá trị, làm sao dạy cho học sinh nhân cách, phẩm chất, đó là điều quan trọng và đi theo các em suốt cuộc đời. Như vậy, chất lượng ở đây là chất lượng cuộc sống và chất lượng để các em định hướng nghề nghiệp, khởi nghiệp sau này”.

z5362969639402_73c17a7ddbeee9ddb542e03c485b3ac4.jpg
Sở Giáo dục và Đào tạo Trà Vinh đã và đang triển khai dự án Trường học hạnh phúc trong các trường trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Sở GD&ĐT cung cấp.

“Dự kiến trước năm 2025, ngành giáo dục phải làm sao tạo ra chuyển biến rõ rệt về chất lượng trong mọi mặt, mà trong đó, đảm bảo an ninh trường học, đảm bảo không có bạo lực học đường, làm sao để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Vì vậy, chúng tôi cũng đã và đang triển khai dự án Trường học hạnh phúc cho tất cả các trường trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, để làm sao cho các em học sinh đến trường là cảm thấy vui, chứ không phải áp lực. Đó là điều rất quan trọng!” - nữ Phó Giám đốc Sở chia sẻ.

Mộc Trà