Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng, tư duy và rèn luyện nhân cách con người.
Ngày 18/6/2021, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 4094/VPCP-KGVX về việc đổi tên “Ngày sách Việt Nam” thành “Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam”.
Vai trò của sách và văn hóa đọc đối với học sinh, sinh viên
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Việt Anh - Phó Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam khẳng định: Đối với thế hệ trẻ nhất là học sinh, sinh viên thì sách có vai trò rất quan trọng, giúp các bạn bổ sung kiến thức trong quá trình học tập và nghiên cứu đồng thời hình thành nhân cách cũng như hỗ trợ các bạn có thêm kỹ năng phục vụ cho công việc trong tương lai.
“Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam suốt quá trình hình thành và phát triển luôn chú trọng sứ mệnh phát triển sách và văn hóa đọc là một sứ mệnh xuyên suốt. Theo tôi, đây không chỉ là sứ mệnh của riêng nhà xuất bản nào mà là của cả ngành Xuất bản”, ông Việt Anh bày tỏ.
Trong khi đó, Thạc sĩ Lê Kim Hoàn - Giám đốc Nhà xuất bản Hàng hải (Trường Đại học Hàng hải Việt Nam) cho rằng: “Sách chính là tri thức, là trí tuệ của nhân loại. Sách giúp giới trẻ mở mang tầm hiểu biết, nắm chắc kiến thức về chuyên môn, phát triển tư duy, rèn luyện nhân cách, kỹ năng sống của bản thân. Mà học sinh, sinh viên là thành phần chính trong giới trẻ, đang học tập và nghiên cứu để lập nghiệp nên việc đọc sách lại càng trở nên quan trọng hơn.
Các nhà xuất bản trong cả nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện sứ mệnh phát triển sách và văn hóa đọc. Theo thống kê, năm 2023 các nhà xuất bản đã xuất bản được khoảng 33.000 xuất bản phẩm in với khoảng 450 triệu bản in (giảm so với năm 2022, nhưng số xuất bản phẩm điện tử lại tăng lên).
Nhà xuất bản Hàng hải có cơ quan chủ quản là Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, được thành lập cuối năm 2023. Từ khi thành lập đến nay, Nhà xuất bản Hàng hải đã xuất bản được gần 1000 đầu xuất bản phẩm, chủ yếu là chuyên ngành hàng hải và kinh tế biển, tác giả là các thầy cô, các cán bộ khoa học đầu ngành của trường. Hiện tại tất cả sinh viên, học viên của nhà trường đều được tiếp cận với giáo trình, tài liệu học tập trong suốt khóa học, đáp ứng được đầy đủ nhu cầu đọc, học tập và nghiên cứu trong quá trình học tập tại trường".
Cùng bàn về vấn đề này, Thạc sĩ Đỗ Lê Anh – Giám đốc Nhà xuất bản Học viện Nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng: “Văn hóa đọc giữ vai trò quan trọng, điều này không thể phủ nhận, theo quan điểm cá nhân tôi, nó góp phần hình thành tính cách (nhân cách) của một con người, nhất là trong giai đoạn cắp sách tới trường. Đương nhiên, điều đó còn phụ thuộc rất nhiều vào nội dung những cuốn sách mà các em chọn đọc.
Đối với sinh viên, sách, giáo trình, tài liệu tham khảo là cần thiết cho quá trình học tập, nếu các em không có thói quen đọc sách, sẽ rất thiệt thòi vì lượng kiến thức các thầy cô giảng trên lớp hạn chế do thời lượng của tiết học. Vì vậy, đọc và tham khảo thêm các tài liệu góp phần nâng cao kiến thức chuyên ngành, mở rộng hiểu biết về mọi lĩnh vực.
Nhà xuất bản Học viện Nông nghiệp ra đời đáp ứng nhu cầu xuất bản các giáo trình, tài liệu tham khảo phục vụ đào tạo của học viện. Chúng tôi áp dụng quy trình thẩm định bản thảo, biên tập nghiêm túc để cho ra đời những ấn phẩm có chất lượng tốt. Sách do nhà xuất bản chúng tôi ấn hành được cung cấp đến tay bạn đọc hoàn toàn miễn phí thông qua hệ thống thư viện của trường".
Nhiều hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc
Theo Phó Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, nhân dịp Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, nhà xuất bản tổ chức một chuỗi sự kiện hưởng ứng để chào mừng.
"Gần đây nhất là tháng 3 vừa rồi Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tổ chức một hội sách tại huyện Yên Phong, Bắc Ninh phối hợp với Hội khuyến học và Ủy ban nhân dân huyện, xã. Sự kiện đã thu hút trên 1 vạn bạn đọc tới tham gia đọc sách. Trong đó có rất nhiều hoạt động giới thiệu sách mới, mời các diễn giả tới hướng dẫn kỹ năng đọc sách. Trong tháng 4 này nhà xuất bản cũng tham gia hội sách do Cục Xuất bản, in và phát hành; Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Văn Miếu hay hội sách tổ chức tại phố sách 19/12 ở Hà Nội hoặc các sự kiện đồng hành cùng thư viện quốc gia, thư viện Hà Nội…
Không chỉ tháng 4 này mà rất nhiều dịp khác trong năm Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đều tổ chức các hoạt động khuyến khích đọc sách. Có những dịp nhà xuất bản đến các trại giam tổ chức phong trào khuyến đọc cho các phạm nhân, đặc biệt là phạm nhân nữ. Trong đó có hoạt động tặng sách hay mời đến các diễn giả giới thiệu những cuốn sách để làm sao phổ biến được kiến thức và khơi dậy tình cảm tốt đẹp cho các phạm nhân, khuyến khích họ cải tạo tốt hơn, sớm hòa nhập cộng đồng.
Trong khi đó, thầy Vũ Huy Thắng - Giám đốc Thư viện Trường Đại học Hàng hải cho biết: Năm nay là lần thứ 3 nhà trường tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc. Còn nếu chỉ tính Ngày Sách Việt Nam riêng (thời điểm chưa đổi tên) thì đã là năm thứ 10 nhà trường tổ chức các hoạt động chào mừng. Đối với thư viện Trường Đại học Hàng hải là thư viện của trường đại học nên đối tượng độc giả chủ yếu là sinh viên, giảng viên nhà trường. Hiện nay nhà trường có khoảng 20.000 sinh viên nên hàng năm thư viện phục vụ lượt bạn đọc đến thư viện khoảng 60.000 lượt/ năm.
"Từ năm 2014 đến nay, thư viện đều sáng tạo trong các hoạt động tổ chức chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc. Có năm, thư viện phối hợp với thư viện thành phố tổ chức show diễn quảng bá cho ngày sách. Thư viện cũng thường xuyên trưng bày các sản phẩm sách, tham gia trưng bày cùng hệ thống các thư viện trên địa bàn thành phố nhằm mục đích tuyên truyền, giới thiệu văn hóa đọc đến với giới trẻ.
Năm trước đó, thư viện cũng tổ chức hội chợ sách. Năm nay thư viện tổ chức triển lãm sách, tổ chức trưng bày, giới thiệu về tất cả những tài liệu, sách báo liên quan đến chương trình đào tạo của nhà trường hiện nay nhằm giúp mọi người có cái nhìn trực quan về hoạt động dạy và học tại trường.
Có những năm thư viện nhà trường phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các buổi giới thiệu sách hoặc mời các diễn giả về thư viện để nói cho sinh viên nghe ý nghĩa của việc đọc sách. Như vậy mưa dầm thấm lâu, ngày càng có nhiều bạn đọc đến với thư viện. Cùng với phong trào học tập suốt đời thì tôi cho rằng việc đọc sách cũng là một việc nên làm suốt đời. Do đó, hàng năm thư viện nhà trường vẫn tổ chức các hoạt động tuyên truyền giới thiệu bằng các hình thức khác nhau không chỉ dành cho đối tượng là sinh viên mà còn là cán bộ giảng viên hay cả phụ huynh cũng cảm nhận và đến tận nơi để xem sách.
Cơ hội và thách thức đối với các nhà xuất bản trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển của Internet vạn vật (IoT-Internet of Things); trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence) đã mở ra cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức khiến các nhà xuất bản phải kịp thời thay đổi để thích ứng.
Theo Phó Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, khi mạng internet phát triển sâu rộng ở Việt Nam, đặc biệt là sự ra đời của mạng xã hội nhiều người lo lắng cho ngành xuất bản, hoài nghi việc sách giấy cũng như văn hóa đọc có còn tồn tại hay không?
“Chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan, đúng là mạng xã hội có tác động đến hoạt động đọc sách truyền thống của mỗi cá nhân. Điều đó mở ra cho các nhà xuất bản những cơ hội mới. Thông qua mạng xã hội, nhà xuất bản và các tác giả có điều kiện tiếp cận được nhanh hơn, rộng hơn đối với bạn đọc trong việc giới thiệu những cuốn sách.
Mạng internet cũng hỗ trợ cho việc phân phối, lưu thông đưa sách đến mọi miền của tổ quốc nhanh hơn. Ví dụ trước đây độc giả ở các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa ít có cơ hội tiếp cận đầy đủ sách của các nhà xuất bản. Nhưng hiện nay cứ nơi nào có internet là bạn đọc đều có cơ hội tiếp cận được hầu hết các đầu sách, hay tìm mua được tất cả các đầu sách của nhà xuất bản. Từ đó cũng hỗ trợ văn hóa đọc phát triển.
Trước đây thì hầu hết bạn đọc đều mua những sản phẩm ấy offline tại các hệ thống nhà sách nhưng từ sau đại dịch Covid-19 đến nay thì kênh phân phối đã thay đổi do thói quen người tiêu dùng. Khách hàng mua online, mua trên các sàn thương mại điện tử nhiều hơn rất nhiều so với trước đây. Chính vì thế, các nhà xuất bản hiện nay cũng phải dịch chuyển để phù hợp với nhu cầu của thị trường. Ngoài phân phối trên hệ thống các nhà sách cũng tăng cường đẩy mạnh trên các sàn thương mại điện tử phân phối sách", ông Việt Anh khẳng định.
Đồng thời, theo Phó giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, nếu trước đây chỉ có sách in trên giấy thì hiện còn có các sản phẩm xuất bản điện tử như: ebooks, audiobooks, videobooks để tiếp cận đối với đa dạng độc giả.
Theo tôi sách audiobooks có khả năng phát triển nhanh hơn vì đó là sách nghe, nhiều người có thể nghe trong thời gian rảnh hay đang làm một công việc gì cũng có thể nghe song song. Ví dụ như phụ nữ đang nấu cơm có thể nghe một cuốn sách nào đó chứ không nhất thiết phải dành thời gian đọc sách giấy hay đọc ebooks thì bắt buộc phải dành thời gian yên tĩnh, không làm gì hết chỉ tập trung vào đọc. Nhưng audiobooks có thể cho phép người ta tận dụng khoảng thời gian trống như thế nên nhu cầu có thể sẽ có nhiều hơn.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ các nhà xuất bản nhận được các thông tin phản hồi của bạn đọc về chất lượng sản phẩm. Từ đó, có thể phân tích được nhu cầu, thị hiếu của các dòng sách, các loại sách để xuất bản, tổ chức biên tập các bản thảo phù hợp nhiều hơn với nhu cầu thực tế. Hay nếu có nguồn lực để sử dụng trí tuệ nhân tạo hoặc các phần mềm hỗ trợ cho công tác biên tập thì sẽ tạo ra năng suất và chất lượng bản thảo tốt hơn. Ví dụ như vẽ minh họa có thể ứng dụng AI thay cho vẽ tay truyền thống”, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Việt Anh, thách thức lớn nhất với các nhà xuất bản hiện nay khi cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển đó là nguồn lực tài chính để ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc hỗ trợ các hoạt động xuất bản hoặc xuất bản những ấn phẩm điện tử.
"Trong khi đó để xã hội hóa hoạt động xuất bản thì theo tôi khá là khó. Ví dụ muốn gọi vốn thì nhà đầu tư phải nhìn thấy ngay lợi nhuận họ mới rót vốn. Nhưng nếu ứng dụng trí tuệ nhân tạo hoặc công nghệ thông tin vào xuất bản điện tử thì hiện nay nhu cầu xã hội vẫn còn rất thấp, gần như đầu tư là sẽ lỗ.
Thực tế cũng có rất nhiều đơn vị lúc đầu kỳ vọng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực xuất bản. Thị trường cũng ra đời một loạt các công ty chuyên về xuất bản điện tử nhưng một thời gian sau cũng biến mất. Nên nếu chỉ đứng độc lập lấy hoạt động xuất bản điện tử để duy trì kinh doanh thì chưa hiệu quả. Các nhà xuất bản muốn phát triển mảng này vẫn phải lấy nguồn lực từ các hoạt động truyền thống để hỗ trợ cho xuất bản điện tử và để tiệm cận hơn, đi gần hơn với nhu cầu của bạn đọc.
Việc này nghe có vẻ là mâu thuẫn vì nếu chúng ta không tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xuất bản và xuất bản điện tử thì sẽ bị đi thụt lùi so với thời đại. Xu hướng của các nước phát triển hiện nay cũng xuất bản điện tử rất nhiều. Thế nhưng các nhà xuất bản ở Việt Nam lại gặp vấn đề nguồn lực chưa đủ mạnh, thị phần đó chưa đem lại doanh thu nhiều. Chính vì thế, vấn đề xã hội hóa hay kêu gọi đầu tư vào rất khó trừ khi các nhà xuất bản được sự hỗ trợ của Nhà nước trong hoạt động này thì có thể chúng ta sẽ có một bước đi sớm hơn và theo đường dài", ông Việt Anh nêu quan điểm.
Ông Việt Anh cũng cho biết thêm, đối với Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam được Nhà nước đầu tư xây dựng một trung tâm là trung tâm tri thức số và giáo dục giới dành cho phụ nữ có gia đình và trẻ em. Trong đó có một hoạt động về xuất bản điện tử nhưng do ngân sách Nhà nước đầu tư. Nhà xuất bản triển khai trung tâm theo hai hướng: một là phục vụ cộng đồng, miễn phí đọc một số sách, tài liệu phục vụ một nhóm đối tượng bạn đọc là phụ nữ; hai là một phần sẽ khai thác và tìm thêm nguồn thu từ xuất bản điện tử. Nhưng mục tiêu chính vẫn là phục vụ cộng đồng nhiều hơn là đem lại nguồn thu cho đơn vị xuất bản. Tuy nhiên, đó là dự án do Nhà nước đầu tư thì mới thực hiện được còn nếu xét là bài toán kinh doanh mà đầu tư ra thì sẽ rất khó để các doanh nghiệp thu được lợi nhuận.
Ngoài ra, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo hay các phần mềm trong hoạt động xuất bản hiện vẫn còn khá mới mẻ nên nhiều nhà xuất bản chưa có định hình. Hay nói cách khác chưa có một mô hình chuẩn để các nhà xuất bản làm theo. Chính vì thế dù các nhà xuất bản muốn phát triển theo hướng này thì cũng phải tự mình tìm một con đường, một lối đi riêng trên cơ sở nguồn lực sẵn có.
Trong khi đó, Giám đốc một nhà xuất bản trực thuộc trường đại học tại Hà Nội chia sẻ: “Để thích ứng trước sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0 thì cả ngành xuất bản phải làm như nhau theo định hướng chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Còn riêng với nhà xuất bản thì chỉ ứng dụng các công cụ mới của công nghệ như phần mềm soát lỗi chính tả, các công cụ thay đổi đồng bộ dấu, các công nghệ thiết kế, chế bản minh hoạ, AI vào trong các khâu làm sách.
Và thực tế, tất cả đều phải trải qua khâu trực tiếp biên tập, đọc duyệt. Làm sách không như các ngành khác là có thể tùy tiện ứng dụng được tất cả những gì của công nghệ, đặc biệt là các vấn đề về tính sư phạm, tính giáo dục, tính chính trị, lịch sử trong mỗi nội dung xuất bản phẩm, đều vẫn phải tra cứu, đọc, soát, thẩm định nội dung”.
Cũng nêu quan điểm về vấn đề này, Giám đốc Nhà xuất bản Hàng hải cho biết: “Tôi đánh giá cao về sách điện tử trên mạng Internet. Quả thật, giới trẻ đang có xu hướng đọc thông tin trên mạng thay vì đọc sách truyền thống, nhưng tôi cho rằng sự phát triển của Internet nói chung và công nghệ nghe nhìn nói riêng không “nhấn chìm” văn hóa đọc, nhất là sách truyền thống”.
Cũng theo ông Hoàn, hiện nay, chưa có nhiều nhà xuất bản phát hành được sách điện tử vì còn liên quan đến kinh phí, cơ sở vật chất, nền tảng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nhân lực IT.
“Thực sự các nhà xuất bản đều mong muốn có thể làm được sách điện tử nhưng đa số các nhà xuất bản đều là đơn vị tự chủ tài chính nên trước mắt vẫn chỉ xuất bản các xuất bản phẩm dạng in.
Đọc sách điện tử hiện tại cũng có những bất cập như khi vào mạng internet gặp nhiều quảng cáo không mong muốn, thậm chí độc hại nhất là đối với giới trẻ. Việc lật lại các trang đã đọc để xâu chuỗi những vấn đề cần nắm sẽ mất thời gian hơn với sách truyền thống... Do vậy, tôi nghĩ sách điện tử sẽ phát triển, nhưng sách truyền thống cũng sẽ không mất đi”, Giám đốc Nhà xuất bản Hàng hải nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo thầy Vũ Huy Thắng, trước sự phát triển của công nghệ thông tin thì trong xã hội vẫn tồn tại một bộ phận giữ được thói quen đọc sách truyền thống.
“Thư viện nhà trường buổi trưa lúc nào cũng đông nghịt sinh viên. Thậm chí có bạn đọc xuyên trưa không về. Bên cạnh đó cũng có một bộ phận bị ảnh hưởng bởi yếu tố công nghệ, họ chuyển qua đọc thông tin trên mạng hay sách điện tử. Điều này cũng là một quy luật tất yếu của sự phát triển. Điều này đòi hỏi các cơ sở phát hành và phân phối sách phải thay đổi để thích ứng.
Với thư viện Trường Đại học Hàng hải, bên cạnh những sách báo in truyền thống thư viện cũng có những cơ sở dữ liệu quốc tế, tài liệu điện tử. Sắp tới, nhà trường dự kiến đầu tư một phần mềm quản lý thư viện hiện đại để các em không có điều kiện đến thư viện có thể ngồi ở nhà sử dụng app qua điện thoại là có thể đọc được sách, tìm được sách phục vụ cho việc học của mình”, thầy Thắng thông tin thêm.
Trong khi đó, theo Thạc sĩ Đỗ Lê Anh: “Sách truyền thống đang chịu sự cạnh tranh gay gắt, tuy nhiên, nó vẫn có đời sống riêng. Nếu sách đem lại được giá trị thực, xứng đáng, tôi tin là bạn đọc sẽ không quay lưng. Bản thân tôi vẫn thường xuyên mua và đọc sách giấy, nhất là các tác phẩm có giá trị. Để cạnh tranh và đứng vững trên thị trường, sách cũng cần có sự đổi mới về hình thức, chất liệu, nhất là đề tài, nội dung. Cần cân nhắc nội dung nào nên làm sách giấy, nội dung nào phù hợp với sách điện tử.
Với công nghệ hiện nay, thách thức lớn nhất là bản quyền sách, sách xuất bản sau một thời gian ngắn đã được up lên mạng và bán tại các trang mua bán tài liệu không chính thống. Hoặc, ở các trường học, bằng cách nào đó, bản thảo các bài giảng chưa xuất bản cũng bị lọt ra ngoài và đưa lên các trang như vậy.
Cũng bởi nguyên nhân này, việc phát hành sách bị ảnh hưởng trầm trọng. Nhà nước cần có chế tài để khắc phục hiện tượng này, đồng thời, các ban ngành, tổ chức cần nâng cao nhận thức của người đọc về bản quyền sách, chống sách lậu”.
Cần đọc sách đúng phương pháp và có sự chọn lọc
Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024, thầy Vũ Huy Thắng mong muốn gửi đến các bạn sinh viên Trường Đại học Hàng hải nói riêng cũng như các bạn trẻ nói chung rằng: “Giá trị của sách rất lớn, người ta vẫn nói rằng đó là kho tàng tri thức của nhân loại. Nếu như chúng ta mỗi ngày dành một chút thời gian để đọc sách sẽ trau dồi thêm được rất nhiều kiến thức bổ ích.
Tuy nhiên, đọc sách cũng cần có những phương pháp phải học chứ không phải đọc cho qua, đọc lấy được. Các bạn có thể ứng dụng các quy tắc đọc sách trong 21 ngày, 69 ngày… để biến việc đọc sách trở thành thói quen.
Nếu một ngày chúng ta đọc cả một quyển sách lớn sẽ không thể nhớ được mà phải dựa vào khả năng của bản thân để đọc sách bằng niềm đam mê, niềm yêu thích, cởi mở tâm hồn thì mới tiếp thu được. Thậm chí, nhiều bạn còn tập trung vài ngày đọc hết mấy quyển sách. Theo tôi như vậy là phản khoa học và không hiệu quả".
Ngoài ra, theo thầy Thắng, đọc sách cũng phải có chọn lọc bởi vì sách in hiện nay hay trên mạng internet vẫn tồn tại những loại sách kém chất lượng. Do vậy, trong quá trình đọc sách cần có kiến thức để chọn lọc được điều gì bổ ích, điều gì không nên đọc. Các bạn sinh viên có thể tham khảo sách do các thầy cô giáo giới thiệu nếu chưa biết nên bắt đầu đọc sách từ đâu.