Ngành CNTT nhiều năm có điểm chuẩn cao nhất ở ĐH Kinh tế- Kỹ thuật Công nghiệp

28/04/2024 06:16
Thu Trang

GDVN - Ngành Công nghệ thông tin là ngành có điểm chuẩn cao nhất trong nhiều năm tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp.

Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp được thành lập theo Quyết định số 1206/QĐ-TTg ngày 11 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp I, tiền thân là Trường Trung cấp Kỹ thuật III, được thành lập năm 1956.

Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp. Ảnh: Website nhà trường
Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp. Ảnh: Website nhà trường

Trên website nhà trường có thông tin về sứ mạng của trường như sau: “Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp là cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng hoạt động theo cơ chế tự chủ; thực hiện các chức năng giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng, đáp ứng mục tiêu xã hội và yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”.

Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp có 4 địa điểm đào tạo, trong đó cơ sở Nam Định có 2 địa điểm tại 353 Trần Hưng Đạo, Thành phố Nam Định và phường Mỹ Xá, Thành phố Nam Định. Tại cơ sở Hà Nội có 2 địa điểm tại 454 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng và 218 Lĩnh Nam, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội.

Hiện, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hoài là Chủ tịch Hội đồng trường; Hiệu trưởng nhà trường là Tiến sĩ Trần Hoàng Long.

Theo Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp từ năm 2019 – 2023, trường áp dụng đa dạng các phương thức tuyển sinh đại học chính quy.

STT
Tên phương thức tuyển sinh
Năm 2019
Năm 2020
Năm 2021
Năm 2022
Năm 2023
1
Xét tuyển thẳng
x
x
x
x
2
Xét theo kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông
x
x
x
x
x
3
Xét kết quả học tập bậc trung học phổ thông
x
x
x
x
x
4
Xét kết quả đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.
x
x
5
Xét kết quả đánh giá Tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức
x
x

Năm 2019, trường thực hiện 2 phương thức tuyển sinh là: Xét tuyển dựa trên kết quả của Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia; Xét tuyển theo kết quả học tập bậc trung học phổ thông.

Trong năm 2020 và 2021, nhà trường tuyển sinh theo 3 phương thức là: Xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển theo kết quả học tập bậc trung học phổ thông; Xét tuyển thẳng.

Đến năm 2022, nhà trường sử dụng thêm 2 phương thức xét tuyển là: Xét tuyển dựa theo kết quả Kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức; Xét kết quả đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.

Năm 2023, nhà trường giữ ổn định các phương thức tuyển sinh như năm 2022

Năm 2024, nhà trường dự kiến duy trì chỉ tiêu và các phương thức tuyển sinh như năm 2023. Cụ thể các phương thức xét tuyển như sau:

Phương thức 1: Xét tuyển theo kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì tổ chức.

Chỉ tiêu tuyển sinh, ngành và tổ hợp môn xét tuyển: Dành tối đa 5 % trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh được xác định để xét tuyển theo phương thức này.

Xác định điểm xét tuyển: Điểm xét từng ngành được xác định theo điểm tổng của bài thi đánh giá tư duy.

Phương thức 2: Xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Chỉ tiêu tuyển sinh: Dành tối đa 5% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh được xác định để xét tuyển theo phương thức này.

Xác định điểm xét tuyển: Điểm xét từng ngành được xác định theo điểm tổng của bài thi đánh giá năng lực.

Phương thức 3: Xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.

Đối tượng và điều kiện xét tuyển:

Thí sinh tham dự thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 và có đăng ký sử dụng kết quả để xét tuyển đại học;

Đủ điều kiện tốt nghiệp trung học phổ thông theo quy định;

Đạt ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu do Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhà trường quy định.

Đối với ngành Ngôn ngữ Anh, điểm môn Tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển tối thiểu đạt từ 6,00 điểm trở lên.

Chỉ tiêu tuyển sinh, ngành và tổ hợp môn xét tuyển: Dành tối đa 70% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh được xác định để xét tuyển theo phương thức này.

Thí sinh có thể sử dụng chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế để quy đổi điểm thay thế môn Tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển.

Phương thức 4: Xét tuyển kết quả học bạ trung học phổ thông.

Đối tượng và điều kiện xét tuyển:

Thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương;

Điểm học tập phải ≥ 20 điểm nếu đăng ký xét tuyển tại cơ sở Hà Nội với mã ngành DKK và ≥ 18 điểm nếu đăng ký xét tuyển tại cơ sở Nam Định với mã ngành DKD. Trong đó điểm học tập được xác định như sau:

Dựa vào kết quả học bạ trung học phổ thông để xét tuyển, cụ thể: Điểm trung bình của học kỳ 1 lớp 11, học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 của từng môn trong tổ hợp xét tuyển

Hạnh kiểm học kỳ 1 lớp 12 đạt loại khá trở lên.

Đối với ngành Ngôn ngữ Anh điểm tổng kết môn Tiếng Anh các học kỳ xét tuyển đạt 7.00 điểm trở lên.

Chỉ tiêu tuyển sinh, ngành tuyển sinh và tổ hợp môn xét tuyển: Dành tối thiểu 20% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh được xác định để xét tuyển theo phương thức này.

Phương thức 5: Xét tuyển thẳng

Xét tuyển thẳng đối với những thí sinh thuộc các đối tượng được quy định tại khoản 2 điều 7 Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành đào tạo giáo viên mầm non hiện hành.

Tuyển thẳng theo đề án tuyển sinh riêng của nhà trường: Tiêu chí xét tuyển thẳng áp dụng theo Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp đối với thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 và các năm trước.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam qua Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, trong 5 năm trở lại đây, nhà trường mở thêm một số ngành đào tạo mới, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội trong tình hình hiện nay.

Cụ thể, trong năm 2019, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp bắt đầu tuyển sinh ngành Ngôn ngữ Anh.

Năm 2020, nhà trường tuyển sinh ngành Công nghệ kỹ thuật máy tính và Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.

Năm 2021, trường bắt đầu mở ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô.

Năm 2022, nhà trường tuyển sinh ngành Bảo hiểm; Marketing; Logistic và chuỗi quản lý cung ứng và Khoa học dữ liệu.

Để có góc nhìn tổng quan hơn về bức tranh tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thống kê tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường qua các năm:

Về điểm chuẩn qua các mùa tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, các ngành như: Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hoá là những ngành học thường nằm trong top ngành điểm chuẩn cao (theo phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông).

Năm 2019, điểm chuẩn của 15 ngành đào tạo tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp dao động từ 14 đến 18,5.

Cụ thể, tại cơ sở Hà Nội ngành có điểm chuẩn cao nhất là ngành Công nghệ thông tin có điểm chuẩn là 18,5; tiếp theo là Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hoá lấy 18,25 điểm.

Tại cơ sở Nam Định, Công nghệ dệt may có điểm chuẩn cao nhất là 15,50 điểm.

Năm 2020, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp lấy điểm chuẩn 15-19,5 theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020.

Tại cơ sở Hà Nội, các ngành thuộc nhóm Công nghệ thông tin có điểm chuẩn cao nhất, kế đó là Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa 18,5. Các ngành còn lại của cơ sở Hà Nội và Nam Định hầu hết 15-17 điểm.

Những ngành có điểm chuẩn cao tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp
Những ngành có điểm chuẩn cao tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp

Năm 2021, ngành Công nghệ thông tin và Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa tại cơ sở Hà Nội có điểm chuẩn cao nhất là 22,50. Ngành Công nghệ thông tin cũng là ngành có điểm chuẩn cao nhất tại cơ sở Nam ĐỊnh trong năm học này với mức điểm là 19 điểm.

Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp lấy điểm chuẩn đại học 2022 dao động từ 19-24 điểm. Ngành Công nghệ thông tin tại cơ sở Hà Nội có mức điểm chuẩn là 24 điểm, đây vẫn là một trong những ngành thuộc top điểm cao tại trường.

Năm 2023, tại cơ sở Hà Nội của Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, điểm chuẩn dao động từ 19 - 24 điểm. Trong đó, ngành Kinh doanh thương mại và Công nghệ thông tin có điểm chuẩn cao nhất là 24 điểm.

Tại cơ sở Nam Định của Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, điểm chuẩn dao động từ 17,5 - 19 điểm. Các ngành Ngôn ngữ Anh, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử có điểm chuẩn cao nhất là 19 điểm.

Thu Trang