Đào tạo chuyên ngành Ký sinh trùng y học còn gặp khó, cơ sở GD có kiến nghị

01/05/2024 06:54
Mộc Trà

GDVN-Ký sinh trùng y học là môn học của các ngành khoa học sức khỏe, tuy nhiên, công tác đào tạo tại các CSGD đại học hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Ký sinh trùng y học là môn học trong chương trình đào tạo các ngành khoa học sức khỏe

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Minh Châu - Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng, Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế (gọi tắt là Trường Đại học Y Dược Huế) cho biết: “Ở chương trình đào tạo đại học, Ký sinh trùng y học là môn y học cơ sở của các ngành khoa học sức khỏe, riêng đối với chương trình Cử nhân Kỹ thuật xét nghiệm y học đây là môn cơ sở ngành, chuyên ngành.

Do ký sinh trùng là tác nhân gây bệnh truyền nhiễm phổ biến và là vấn đề sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (2024) nhiều bệnh ký sinh trùng do giun sán và vi nấm xếp vào nhóm bệnh nhiệt đới bị lãng quên (Neglected Tropical Diseases), nên gặp nhiều khó khăn trong chẩn đoán và điều trị. Bên cạnh đó, do vắc-xin và huyết thanh hiệu quả cho bệnh ký sinh trùng ở người là chưa sẵn có, ít nhóm thuốc điều trị. Vì vậy, vấn đề phòng lây nhiễm có ý nghĩa quan trọng, nên môn này sẽ trang bị cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng liên quan đến các tác nhân ký sinh trùng gây bệnh ở người.

Đây là nền tảng cần thiết để sinh viên học tập và phát triển những môn học ở các năm sau, cũng như tích hợp vào các nội dung các môn học khác để có thể tiếp cận chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh một cách tổng thể và toàn diện hơn. Riêng đối với ngành Cử nhân Kỹ thuật xét nghiệm y học thì đây là môn học cơ sở ngành và chuyên ngành.

Bên cạnh đó, Việt Nam là nước nhiệt đới, có các điều kiện về sản xuất, sinh hoạt đời sống có nguy cơ cao cho việc nhiễm ký sinh trùng gây bệnh, vì vậy đào tạo Ký sinh trùng y học là nội dung cần thiết trong chương trình đào tạo đại học, giúp sinh viên tiếp cận những vấn đề không những của chỉ một người bệnh riêng lẻ mà còn có ý nghĩa khi tiếp cận trong chăm sóc sức khỏe, tư vấn phòng bệnh cho cộng đồng”.

MC.png

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Minh - Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng (Trường Đại học Hà Nội), Trưởng khoa Vi sinh-Ký sinh trùng (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cũng cho biết thêm: “Chuyên ngành Ký sinh trùng gồm nhiều ngành nhỏ như vi nấm, giun sán, đơn bào, sốt rét, tiết túc y học, trong đó một số dễ bị lãng quên, một số lại đang dần tái nổi. Hơn nữa, khí hậu Việt Nam rất phù hợp với sự phát triển của nhiều loài ký sinh trùng, điều này đặt ra yêu cầu cần phổ biến, cập nhật lĩnh vực này ở cả 2 bậc học: đại học và sau đại học.

Sinh viên đại học cần có cái nhìn tổng quan về chuyên ngành Ký sinh trùng để phục vụ định hướng việc làm sau tốt nghiệp cũng như việc hành nghề sau khi chọn chuyên ngành. Bởi lẽ, ký sinh trùng nói chung có liên quan đến nhiều chuyên ngành khác nhau, bệnh do ký sinh trùng cũng có thể xuất hiện ở nhiều chuyên khoa khác...”.

Theo thầy Minh, đối với sinh viên, điểm hấp dẫn nhất là được tiếp cận chuyên ngành từ nhiều hướng khác nhau.

“Không chỉ về lâm sàng phát hiện bệnh, mà còn về cận lâm sàng xét nghiệm phục vụ chẩn đoán cũng như dịch tễ học phòng chống bệnh và nhiều hoạt động nghiên cứu cộng đồng. Ký sinh trùng là một trong số ít chuyên ngành vừa là lâm sàng, vừa có cả cận lâm sàng” - thầy Minh nói.

z5379309566385_10741cf02bd33b869fd81b787abfdc28.jpg

Sinh viên Bùi Quang Minh - lớp Y2 Y học dự phòng (Trường Đại học Y Hà Nội) chia sẻ: “Là một sinh viên ngành Bác sĩ y học dự phòng, khi học môn Ký sinh trùng, tôi cảm thấy đây là một môn học thiết thực cho nhiệm vụ phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng.

Khi học về ký sinh trùng, tôi hiểu thêm về đặc điểm của các loại ký sinh trùng, từ đó, tôi có thêm kiến thức để tuyên truyền, hướng dẫn mọi người cách phòng tránh bệnh do ký sinh trùng gây ra”.

Hướng dẫn thực hành cho sinh viên đại học.jpg
Giảng viên Trường Đại học Y Dược Huế hướng dẫn thực hành cho sinh viên đại học. Ảnh: NTCC.

Thêm nhiều vị trí việc làm cho người học

Cũng theo Phó Giáo sư Phạm Ngọc Minh, tại Trường Đại học Y Hà Nội, các chuyên ngành sau được tiếp cận với Bộ môn Ký sinh trùng: Bác sĩ Đa khoa; Bác sĩ Y học cổ truyền; Bác sĩ Y học dự phòng; Cử nhân Điều dưỡng; Cử nhân Y tế công cộng; Cử nhân Dinh dưỡng.

“Mỗi chuyên ngành đều có chuẩn đầu ra và mục tiêu học tập khác nhau, do đó cách tiếp cận cũng khác nhau. Ví dụ: Sinh viên Bác sĩ Đa khoa và Y học cổ truyền thường ưu tiên tiếp cận theo hướng phát hiện, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý do ký sinh trùng gây ra. Sinh viên Bác sĩ Y học dự phòng và Cử nhân Y tế công cộng tập trung hơn vào vấn đề phát hiện và phòng chống bệnh ở cộng đồng.

Hiện nay, một số nhóm ký sinh trùng còn khá phổ biến, tỉ lệ nhiễm cao ở cộng đồng. Điều này đặt ra yêu cầu mở rộng các cơ sở khám, điều trị bệnh do ký sinh trùng cũng vì lý do này mà ngày càng được mở rộng và phát triển hơn.

Ngoài ra, do đặc thù liên quan đến nhiều chuyên ngành khác như dự phòng, dịch tễ học, thú y… cũng mở rộng nhiều cơ hội việc làm cho người học. Sự xuất hiện nhiều cơ sở mới về đào tạo y dược và chuyên ngành ký sinh trùng cũng mở ra thêm nhiều vị trí việc làm hơn cho người học” - thầy Minh chia sẻ thêm.

thay Minh.png

Về phía Trường Đại học Y Dược Huế, Bộ môn Ký sinh trùng hiện đang được giảng dạy cho các ngành đào tạo đại học sau: Bác sĩ Y khoa, Bác sĩ Răng Hàm Mặt, Bác sĩ Y học cổ truyền, Bác sĩ Y học dự phòng, Dược sĩ, Cử nhân Kỹ thuật xét nghiệm y học, Cử nhân Y tế công cộng, Cử nhân Điều dưỡng, Hộ sinh.

z5379312134075_0cf3c7266551a7bba1c3b8652eacea82.jpg

Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh - cựu sinh viên lớp XNYH 19-23B (Trường Đại học Y Dược Huế), hiện đang làm việc tại Khoa Xét nghiệm (Bệnh viện Tai Mũi Họng miền Trung) cũng chia sẻ: “Ký sinh trùng là 1 trong 4 môn chuyên ngành của ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học, tôi thấy môn học có tính ứng dụng cao trong chẩn đoán và phát hiện bệnh. Bộ môn này cũng giúp tôi rèn luyện tính cẩn thận, tỉ mỉ...

Tuy vậy, khi còn là sinh viên, tôi thấy bộ môn này có kiến thức khá nhiều và khó nhớ, ký sinh trùng phong phú về loài, hình thức sinh sản, gây bệnh đa dạng. Nhưng nhờ phương pháp giảng dạy, hệ thống kiến thức của thầy cô giúp sinh viên dễ dàng tiếp thu, ghi nhớ hơn, cũng như luôn luôn giúp đỡ nhiệt tình và giải đáp mọi thắc mắc của sinh viên”.

Theo Phó Giáo sư Ngô Thị Minh Châu, một trong những hoạt động đổi mới mạnh mẽ trong công tác dạy học tại Trường Đại học Y Dược Huế hiện nay là đổi mới chương trình đào tạo theo phương pháp dạy học tích hợp dựa trên chuẩn năng lực theo hướng hội nhập quốc tế.

Theo đó, chương trình này hiện đang triển khai cho chương trình đào tạo Bác sĩ Y khoa và Bác sĩ Răng Hàm Mặt.

“Vì vậy, cách tiếp cận để dạy học cho mỗi chương trình là khác nhau tùy theo chuẩn năng lực nghề nghiệp yêu cầu của mỗi ngành đào tạo. Mặc dù chương trình chỉ mới thực hiện cho 2 ngành đào tạo trên, tuy nhiên, với những gì đã được nhà trường tập huấn, hỗ trợ để xây dựng chương trình đổi mới trong đào tạo, và trên cơ sở xác định phải đổi mới phương pháp dạy học để bắt kịp xu hướng đào tạo trong các khối ngành khoa học sức khỏe của khu vực và thế giới, bộ môn đã có những thay đổi phù hợp trong xây dựng chương trình, mục tiêu dạy học, cách thức triển khai chương trình với mỗi ngành đào tạo để hướng tới đạt chuẩn năng lực của ngành nghề đó.

Do đặc thù của Ký sinh trùng y học là môn y học cơ sở của nhiều chương trình đào tạo nói chung và là môn cơ sở ngành/chuyên ngành của ngành Cử nhân Kỹ thuật xét nghiệm y học nói riêng, nên hiện tại ở bậc đại học không có đào tạo chuyên ngành Ký sinh trùng riêng biệt, mà tiếp cận chuyên ngành riêng chỉ có ở bậc sau đại học.

Cho nên, về cơ hội việc làm của sinh viên, xin chia sẻ chi tiết các con số về cơ hội việc làm của sinh viên ngành Cử nhân Kỹ thuật xét nghiệm y học sau tốt nghiệp, vì đây là ngành đào tạo mà bộ môn có tham gia giảng dạy ở nhiều học phần, bao gồm các học phần cơ sở ngành và chuyên ngành. Cụ thể trong giai đoạn 2015-2019, có 83,3%-100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm và tỉ lệ làm việc đúng ngành đào tạo là 93,9%-100%” - nữ phó giáo sư cho hay.

Cán bộ trẻ của bộ môn Ký sinh trùng hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho sinh viên tại phòng thí nghiệm.jpg
Cán bộ trẻ của Bộ môn Ký sinh trùng (Trường Đại học Y Dược Huế) hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho sinh viên tại phòng thí nghiệm. Ảnh: NTCC.

Chương trình Cử nhân Kỹ thuật xét nghiệm y học là chương trình đào tạo đại học đầu tiên của Trường Đại học Y Dược Huế nói riêng và của Đại học Huế nói chung được đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn của Mạng lưới Các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA) và nhà trường đã được nhận chứng đạt chuẩn chất lượng của AUN-QA vào 8/2023.

Khó khăn vì đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế

Chia sẻ về một số ưu thế trong công tác đào tạo của Trường Đại học Y Hà Nội, Phó Giáo sư Phạm Ngọc Minh chỉ ra: “Trường có cơ sở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - là nơi sinh viên, học viên có thể tiếp cận bệnh nhân thuận lợi hơn, phục vụ việc học tập, nâng cao năng lực và tích lũy kinh nghiệm.

Lưu lượng bệnh nhân tương đối lớn tại bệnh viện tạo điều kiện cho sinh viên, học viên có nhiều cơ hội học tập hơn.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Y Hà Nội nói chung và Bộ môn Ký sinh trùng nói riêng có bề dày lịch sử đào tạo và nghiên cứu qua nhiều thế hệ”.

Tuy nhiên, công tác đào tạo tại Trường Đại học Y Hà Nội cũng gặp một số khó khăn, một phần do đội ngũ giảng viên hiện nay còn non trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm và hạn chế về số lượng. Mặt khác, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy thực hành tại trường còn hạn chế về quy mô và số lượng.

z5372097169410_c33b41dc938a631b648b33cb8aeed051.jpg
Đội ngũ giảng viên Bộ môn Ký sinh trùng (Trường Đại học Y Hà Nội). Ảnh: NTCC.

“Những năm qua, Trường Đại học Y Hà Nội và Bộ môn Ký sinh trùng (nói riêng) luôn tích cực trong công tác thu hút và tuyển dụng nhân lực, đặc biệt là nhân lực có trình độ cao, bắt đầu từ việc tham gia các hoạt động đào tạo của nhà trường như: Thỉnh giảng tại trường cũng như tại các cơ sở thực hành. Tham gia đánh giá các hội đồng khóa luận cho sinh viên. Thẩm định sách và chương trình đào tạo của nhà trường.

Đối với việc phát triển đội ngũ: Nhà trường chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện tối đa để cán bộ tham gia các Hội nghị, Hội thảo chuyên ngành cũng như các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn nhằm nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn. Đồng thời, liên kết với các trường y trong và ngoài nước, mở ra nhiều cơ hội học tập cho cán bộ” ­- thầy Minh thông tin.

Về công tác đào tạo Bộ môn Ký sinh trùng y học tại Trường Đại học Y Dược Huế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Minh Châu cho biết: “Nhà trường có ưu thế rất lớn đó là có nguồn nhân lực được đào tạo tốt và bài bản”.

Hiện tại, bộ môn có 2 tiến sĩ có học hàm phó giáo sư; 1 cán bộ đang theo học tiến sĩ theo dự án PACE-UP tại Đại học Tubingen, Cộng hòa liên bang Đức; 5 thạc sĩ, trong đó có 3 thạc sĩ được đào tạo theo chương trình liên kết giữa Trường Đại học Y Dược Huế và Đại học Sassari, Cộng hòa Ý.

“Mặt khác, chúng tôi có cơ sở vật chất tốt để có thể thực hiện các nghiên cứu chuyên ngành khác nhau. Các máy móc trang thiết bị hiện tại của bộ môn có thể giúp thực hiện các nghiên cứu từ cơ bản đến chuyên sâu về các lĩnh vực giun sán, đơn bào, vi nấm.

Chúng tôi cũng tự hào về ưu thế của mình trong hợp tác nghiên cứu, đặc biệt hợp tác quốc tế. Chúng tôi hiện đang có hợp tác nghiên cứu với dự án PACE-UP, Đại học Tubingen, Đại học Sassari, Cộng hòa Ý, và đang tìm kiếm thêm các cơ hội hợp tác khác.

Cuối cùng, phải kể đến lợi thế đó là bộ môn luôn nhận được sự ủng hộ từ nhà trường trong các hoạt động phát triển nguồn nhân lực, giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Với các lợi thế như vậy, trong 2 năm học vừa qua bộ môn chúng tôi đã hoàn thành tốt các chương trình giảng dạy của nhà trường ở bậc đại học và sau đại học, đã hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu các cấp, xuất bản nhiều bài báo quốc tế và trong nước, và đạt được một số giải thưởng về khoa học công nghệ các cấp” - cô Châu chia sẻ.

Bên cạnh đó, Phó Giáo sư Ngô Thị Minh Châu cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn trong công tác đào tạo của bộ môn.

Cụ thể, đó là áp lực của việc phải cập nhật chương trình, nội dung đào tạo trong xu thế đổi mới và phát triển ngày càng nhanh của giáo dục y học.

“Tuy nhiên, tập thể cán bộ của bộ môn xác định khó khăn này chính là thách thức, là mục tiêu để chúng tôi cố gắng hơn nữa để phát triển, góp phần vào xây dựng nhà trường ngày càng vững mạnh, hướng tới đạt chuẩn khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, các chính sách tuyển dụng của nhà trường luôn có những ưu tiên cho cán bộ có học hàm, học vị.

Mặt khác, theo ý kiến cá nhân tôi, việc quan trọng không kém trong công tác nhân sự đó là tuyển dụng được những người trẻ có tâm huyết với đổi mới giáo dục y khoa và dấn thân trong công tác nghiên cứu khoa học.

Hiện tại, nhà trường luôn hỗ trợ cán bộ trong việc học tập, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và các kỹ năng mềm khác phục vụ giảng dạy, cũng như trong các hoạt động nghiên cứu khoa học” - nữ phó giáo sư phân tích.

Tập thể cán bộ của Bộ môn Ký sinh trùng, Trường Đại học Y- Dược, Đại học Huế.jpg
Tập thể cán bộ của Bộ môn Ký sinh trùng (Trường Đại học Y Dược Huế). Ảnh: NTCC.

Nhiều kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao chất lượng đào tạo

Từ những khó khăn trong công tác đào tạo tại Trường Đại học Y Dược Huế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Minh Châu cho biết: “Để tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho chuyên ngành Ký sinh trùng y học, theo ý kiến cá nhân tôi cần phát triển và gắn kết chuyên ngành này với các chuyên ngành khác của khoa học y sinh để có thể tiếp cận các vấn đề một cách tổng thể và sâu hơn.

Đồng thời, chúng tôi cũng mong nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ từ các cấp lãnh đạo có liên quan để phát triển nhân lực cũng như cơ sở trang thiết bị trong giảng dạy, nghiên cứu ở các cơ sở đào tạo về các ngành khoa học sức khỏe.

Từ đó, cán bộ chuyên ngành có điều kiện nâng cao năng lực trong nghiên cứu, giảng dạy, tiếp cận được với sự phát triển trong đào tạo và nghiên cứu chuyên ngành của khu vực và thế giới”.

Tham gia báo cáo khoa học tại Hội nghị Ký sinh trùng toàn quốc lần thứ 50 (1).JPG
Trường Đại học Y Dược Huế tham gia báo cáo khoa học tại Hội nghị Ký sinh trùng toàn quốc lần thứ 50. Ảnh: NTCC.

Còn về phía Trường Đại học Y Hà Nội, từ những khó khăn trong thực tiễn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Minh bày tỏ: “Nhà trường có một số kiến nghị để tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực có liên quan đến chuyên ngành:

Thứ nhất, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm mở rộng cơ hội đào tạo hợp tác cũng như nâng cao chất lượng đào tạo.

Thứ hai, tăng cường truyền thông, giới thiệu chuyên ngành, thu hút người học.

Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, khuyến khích cán bộ và người học tham gia nghiên cứu.

Thứ tư, tích cực triển khai các hội nghị, hội thảo chuyên ngành nhằm phổ biến cập nhật kiến thức.

Thứ năm, mời giảng viên chất lượng cao tham gia công tác giảng dạy, nghiên cứu.

Thứ sáu, ký kết, hợp tác mở rộng cơ sở thực hành cho sinh viên, học viên”.

z5378965114419_4eb88f82a0aed7adcba3f8f1602d4896.jpg
Sinh viên Trường Đại học Y hà Nội trong giờ học. Ảnh: NTCC.

Hỗ trợ sinh viên làm nghiên cứu khoa học

Đối với những sinh viên theo đuổi định hướng nghiên cứu, Phó Giáo sư Ngô Thị Minh Châu cho biết, ngay từ khi còn đang học, Trường Đại học Y Dược Huế đã có các hoạt động hỗ trợ sinh viên làm nghiên cứu khoa học.

“Sinh viên có thể đề xuất ý tưởng nghiên cứu và thảo luận với giảng viên để đăng ký thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học được Nhà trường tài trợ kinh phí dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Ngoài ra, nếu sinh viên có kết quả học tập tốt thì cũng có cơ hội bốc thăm làm đề tài luận văn tốt nghiệp hoặc thực hiện nghiên cứu trong chương trình của Đề án học thuật cho tất cả sinh viên hệ đào tạo Bác sĩ Y khoa, đây cũng là một cơ hội cho sinh viên thực hiện nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng tổ chức Hội nghị Khoa học sinh viên cấp trường hằng năm, hoặc Hội nghị Khoa học Công nghệ tuổi trẻ Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế, đây là cơ hội để sinh viên tham gia báo cáo khoa học được chấm giải thưởng, và các đề tài nghiên cứu chất lượng tốt có thể tham gia hội nghị khoa học cấp cao hơn như Hội nghị Khoa học và Công nghệ Tuổi trẻ ngành Y tế, hoặc các hội nghị chuyên ngành khác nhau.

Năm nay, Bộ môn Ký sinh trùng hiện đang hướng dẫn một nhóm sinh viên Y khoa và Kỹ thuật xét nghiệm thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên; hai sinh viên Kỹ thuật xét nghiệm làm đề tài làm luận văn tốt nghiệp; và một nhóm sinh viên Y khoa làm đề tài của đề án học thuật” - cô Châu chia sẻ thêm.

Mộc Trà