Xuất bản là ngành công nghiệp sản xuất nội dung, in ấn và phân phối sách, tạp chí, báo chí và tranh ảnh đến với đại chúng. Trong thời đại công nghiệp 4.0 phát triển như hiện nay đã tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với ngành học này.
Theo thống kê, hiện nay tại Việt Nam có 03 cơ sở đào tạo ngành Xuất bản là: Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (đào tạo ngành Kinh doanh xuất bản phẩm) và Học viện Báo chí và Tuyên truyền (đào tạo hai chuyên ngành Biên tập xuất bản và Xuất bản điện tử).
Tại Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, ngành Kinh doanh xuất bản phẩm được xét theo 2 phương thức xét tuyển: xét học bạ và xét theo kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Trong 3 năm gần đây, điểm đầu vào ngành học này có nhiều biến động ở mỗi phương thức, xét theo các tổ hợp C00; D01; A00 .
Với phương thức xét tuyển theo kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, điểm đầu vào cho tổ hợp C00 năm 2021 là 20 điểm, tăng 3,25 điểm trong năm 2022 với số điểm là 24,25. Năm 2023, mức điểm cho tổ hợp này có dấu hiệu giảm còn 23 điểm.
Với 2 tổ hợp D01; A00, năm 2021 điểm chuẩn là 19 điểm, sau đó tăng trong năm 2022 ở mức 23,25 điểm và giảm còn 22 điểm trong năm 2023.
Theo phương thức xét học bạ, năm 2021 điểm đầu vào cho tổ hợp C00 là 21 điểm và tăng 4 điểm trong năm 2022 ở mức 25 điểm, sau đó giảm nhẹ ở năm 2023 với 22,70 điểm.
Với tổ hợp D01; A00 mức điểm chuẩn năm 2021 là 20 điểm và cũng có dấu hiệu tăng trong năm 2022 ở mức 24 điểm. Năm 2023, điểm chuẩn cho các tổ hợp này là 21,88 điểm.
Có thể thấy, mức điểm chuẩn ngành Kinh doanh xuất bản phẩm tại Trường Đại học Văn hoá Hà Nội có nhiều biến động qua các năm theo từng tổ hợp xét tuyển.
Năm 2024, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tuyển sinh theo 5 phương thức bao gồm: Tuyển thẳng theo Quy định trong Quy chế tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024; Xét tuyển theo kết quả học bạ Trung học phổ thông; Xét tuyển kết hợp học bạ Trung học phổ thông với quy định của Trường; Xét tuyển kết hợp kết quả học bạ Trung học phổ thông với điểm thi năng khiếu.
Theo đó, tổng chỉ tiêu xét tuyển của trường là 1850 và được phân bổ cho các phương thức. Trong đó, với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 là 65% chỉ tiêu; Phương thức xét học bạ Trung học phổ thông là 15% chỉ tiêu và các phương thức khác là 20% chỉ tiêu.
Trong trường hợp xét tuyển các phương thức khác chưa đủ chỉ tiêu, chỉ tiêu còn lại được chuyển sang xét tuyển theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Năm nay, ngành Kinh doanh xuất bản phẩm dự kiến tuyển sinh 90 chỉ tiêu, xét các tổ hợp C00, D01, D09, D15.
Tại Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, ngành Kinh doanh xuất bản phẩm cũng được xét theo 02 phương thức là Xét học bạ và Xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, theo các tổ hợp C00;D01; D10; D15
Với phương thức xét học bạ, điểm chuẩn đầu vào ngành học này trong 3 năm trở lại đây có xu hướng tăng liên tục. Cụ thể, năm 2021 mức điểm chuẩn là 15,50 điểm, năm 2022 là 18,50 điểm và năm 2023 mức điểm chuẩn là 21,5 (xét theo thang điểm 30).
Với phương thức xét theo kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, năm 2021 và 2022 điểm đầu vào ở mức ổn định là 15 điểm và tăng mạnh trong năm 2021 với 21 điểm.
Mức điểm chuẩn ngành Kinh doanh xuất bản phẩm tại Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh tăng trong 3 năm gần đây với cả 2 phương thức và các tổ hợp xét tuyển, dao động từ 15 - 21,5 điểm.
Năm 2024, trường dự kiến tuyển 80 chỉ tiêu cho ngành học này, giữ ổn định 4 tổ hợp xét tuyển như các năm về trước.
Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ngành Xuất bản được đào tạo với 2 chuyên ngành đó là chuyên ngành Biên tập xuất bản và chuyên ngành Xuất bản điện tử.
Theo phương thức xét học bạ, mức điểm chuẩn được xét theo thang điểm 10. Cụ thể, với chuyên ngành Xuất bản điện tử, điểm chuẩn năm 2021 là 8,80 điểm và tăng liên tục trong 2 năm tiếp theo, điểm lần lượt theo từng năm là 8,85 (năm 2022) và 9 điểm năm 2023.
Với chuyên ngành Biên tập xuất bản, mức điểm chuẩn năm 2021 và 2022 là 8,9 và tăng trong năm 2023 với 9,08 điểm.
Xét theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, tổ hợp được áp dụng xét tuyển cho cả 2 chuyên ngành là A16, C15, D01, R22, trên thang điểm 30.
Theo đó, năm 2021, điểm đầu vào cho chuyên ngành Xuất bản điện tử cao nhất là 25,4 điểm xét theo các tổ hợp C15; D01; R22 và 24,9 điểm cho tổ hợp A16.
Năm 2022, điểm chuẩn cao nhất cho chuyên ngành Xuất bản điện tử là 26,03 xét theo tổ hợp C15, các tổ hợp D01; R22 lấy điểm chuẩn là 25,53 điểm và tổ hợp A16 là 25,03 điểm.
Tương tự trong năm 2023, điểm chuẩn cao nhất của chuyên ngành này vẫn là tổ hợp C15 với 26 điểm, đứng sau là tổ hợp D01; R22 với 25,5 điểm và tổ hợp A16 là 25 điểm.
Với chuyên ngành Biên tập xuất bản, mức điểm chuẩn trong 2 năm 2021 và 2022 giữ ổn định. Theo đó, cao nhất là tổ hợp C15 với 26,25 điểm, sau đó là tổ hợp D01; R22 ở mức điểm 25,75 và tổ hợp A16 với số điểm chuẩn 25,25.
Năm 2023, điểm chuẩn của các tổ hợp đều giảm. Cụ thể với tổ hợp C15 là 26.03 điểm, tổ hợp D01; R22 là 25,53 điểm và tổ hợp A16 là 25,03 điểm.
Nhìn chung, mức điểm chuẩn chuyên ngành Xuất bản điện tử và chuyên ngành Biên tập xuất bản có sự thay đổi qua mỗi năm với từng tổ hợp và phương thức xét tuyển. Đối với phương thức xét tuyển theo kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, ngưỡng điểm đầu vào cho cả 2 chuyên ngành đều trên 24,5 điểm.
Năm 2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến tuyển 2400 chỉ tiêu. Trong đó, 2050 chỉ tiêu là tuyển sinh đại học chính quy bằng đại học thứ nhất và 350 chỉ tiêu cho tuyển sinh đại học chính quy bằng đại học thứ hai.
Trên cơ sở đó, trường tuyển 50 chỉ tiêu cho chuyên ngành Xuất bản điện tử và 50 chỉ tiêu cho chuyên ngành Biên tập xuất bản, xét tuyển các tổ hợp A16; C15; D01; A01.
Năm nay, trường sử dụng 03 phương thức xét tuyển bao gồm: Xét học bạ; Xét tuyển kết hợp; Xét tuyển theo căn cứ kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024.