Sáng kiến kinh nghiệm không khen, không thưởng vì sao giáo viên vẫn viết nhiều?

01/05/2024 06:43
Kim Oanh

GDVN - Sáng kiến kinh nghiệm vẫn có một vị trí đặc biệt trong đánh giá, xếp loại viên chức và xét thi đua cho mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các nhà trường.

Những năm học trước đây, nơi chúng tôi công tác luôn duy trì chế độ tiền thưởng đối với những cán bộ, giáo viên, nhân viên đạt giải sáng kiến kinh nghiệm theo các giải A, B, C. Vì thế, viên chức ở các nhà trường luôn tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm với số lượng rất lớn.

Nhiều người viết vì nếu đạt giải sẽ có tiền thưởng; có cơ hội để xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp; Bằng khen các cấp để làm tiền đề xét nâng lương trước hạn. Mấy năm nay, địa phương không còn thưởng tiền cho những viên chức đạt giải sáng kiến kinh nghiệm nữa.

Đặc biệt, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2024 không bắt buộc xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua phải có sáng kiến kinh nghiệm nhưng thực tế số lượng tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm ở các trường vẫn đông? Rõ ràng, sáng kiến kinh nghiệm vẫn đang có một sức hút rất lớn đối với phần đông giáo viên ở các nhà trường.

sang-kien-kinh-nghiem-2-8708-6316.jpg
Ảnh minh họa.

Sáng kiến kinh nghiệm vẫn có một vị thế đặc biệt trong việc xét thi đua

Việc chấm, công nhận giải và khen thưởng cho những viên chức ngành giáo dục đạt giải sáng kiến kinh nghiệm hiện nay ở các địa phương đang được thực hiện rất khác nhau. Có nơi, cho dù cùng trong một tỉnh (thành) nhưng có huyện thưởng và có huyện không thưởng cho những viên chức đạt giải vì phụ thuộc vào chủ trương, kinh phí của từng huyện, thị.

Vì thế, tại địa phương chúng tôi đang công tác từ mấy năm nay đã không còn khen thưởng cho những viên chức đạt giải sáng kiến kinh nghiệm nữa. Hằng năm, sau khi chấm sáng kiến kinh nghiệm, Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ gửi quyết định công nhận những sáng kiến đạt giải bằng file PDF qua email đến các nhà trường là thôi.

Ngoài ra, không khen, không thưởng, hoặc gửi giấy chứng nhận cho từng cá nhân như trước đây.

Đặc biệt, bắt đầu từ năm học 2023-2024 này, thực hiện theo Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 thì cán bộ, giáo viên, nhân viên khi xét, đề nghị danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở không cần sáng kiến kinh nghiệm nữa. Cụ thể, tại Điều 23 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 hướng dẫn:

“Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” để tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau đây:

1. Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;

2. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận”.

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế thì gần như đơn vị trường học nào cũng đều có đến 50%, thậm chí là 2/3 cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm theo lĩnh vực công tác của mình.

Cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các trường học tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm nhiều có chủ ý rất rõ ràng. Bởi thực tế, chỉ có danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở là thêm tiêu chí viên chức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà không cần sáng kiến vẫn được xét, đề nghị danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Còn lại, các danh hiệu thi đua khác, như: Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh trở lên và các hình thức Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh; Bộ, Chính phủ vẫn đang duy trì tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm như trước đây.

Chẳng hạn, khi viên chức muốn được xét, đề nghị tặng Bằng khen các cấp vẫn bắt buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm. Cụ thể, tại Điểm d Khoản 1 Điều 74 Luật Thi đua, khen thưởng quy định một trong các tiêu chuẩn tặng Bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh cho cá nhân đã hướng dẫn như sau:

“Có 02 lần liên tục được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc có liên tục từ 02 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 02 sáng kiến được công nhận và áp dụng có hiệu quả trong phạm vi cơ sở hoặc có 02 đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cơ sở”.

Vì thế, trường hợp viên chức được đề nghị cấp trên tặng Bằng khen bắt buộc phải có sáng kiến nữa mới đủ tiêu chuẩn đề nghị xét tặng. Bởi vậy, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 đã có một số thay đổi so với trước đây nhưng sáng kiến kinh nghiệm vẫn có một vị trí đặc biệt trong đánh giá, xếp loại viên chức và xét thi đua, thành tích cho mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các nhà trường.

Vì thế, sáng kiến kinh nghiệm vẫn có một “sức hút” lớn đối với viên chức ở các nhà trường là điều không khó hiểu.

Có bao nhiêu sáng kiến kinh nghiệm trong ngành giáo dục thực sự giúp thầy cô?

Bản thân người viết bài đã công tác trong ngành giáo dục gần 20 năm qua và đã tham gia gần như tất cả các phong trào, hội thi mà ngành giáo dục phát động. Bên cạnh trải nghiệm của bản thân, người viết luôn quan sát, tìm hiểu các phong trào, hội thi của ngành và thấy rằng sáng kiến kinh nghiệm đang được nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia nhất.

Nhiều người tham gia bởi nó dễ thực hiện nhất, thời gian thực hiện một sáng kiến kinh nghiệm cũng ngắn nhất.

Chẳng hạn, muốn thi giáo viên dạy giỏi; giáo viên chủ nhiệm giỏi như hiện nay cũng phải thực hiện một báo cáo giải pháp (gần tương đương với một sáng kiến kinh nghiệm) và thực hiện 1 tiết thực hành.

Để có một tiết thực hành tốt, làm vừa lòng 3 giám khảo tất nhiên giáo viên dự thi phải đầu tư rất nhiều, nháp rất nhiều và thậm chí phải có một kịch bản trước cho học sinh lớp mình dạy thực hành. Sự tương tác qua các hoạt động dạy học 45 phút trên lớp phải có sự chuẩn bị trước rất nhiều thời gian của cả thầy và trò.

Vất vả nhất là phong trào ôn thi học sinh giỏi văn hóa vì phải trải qua 6-7 tháng trời liên tục của cả thầy và trò miệt mài giảng dạy, học tập và đầu tư. Nhưng, khả năng học sinh rớt khá cao và trò rớt cũng là thầy rớt.

Trong khi đó, viết một sáng kiến kinh nghiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên hiện nay đa phần chỉ một vài buổi và làm một mình, không phải tương tác với học trò trong các hoạt động dạy và học nên khá đơn giản.

Nhiều giáo viên còn lên mạng internet tải về rồi chỉnh sửa hoặc xin của một đồng nghiệp công tác ở huyện, tỉnh khác về thay tên, đổi họ. Thậm chí, dịch vụ viết thuê sáng kiến kinh nghiệm hiện nay đang chào bán hằng ngày trên các trang mạng xã hội.

Vì thế, mỗi năm học, mỗi tỉnh (thành) có đến hàng chục ngàn sáng kiến kinh nghiệm nhưng thử hỏi có bao nhiêu giáo viên viết từ thực tế, từ trải nghiệm bản thân. Những sáng kiến kinh nghiệm đạt giải công bố ở đâu, áp dụng cho đơn vị, cho ngành giáo dục như thế nào vẫn là thông tin không mấy người được biết.

Thực tế, việc các văn bản hướng dẫn xét thi đua hiện nay đề cao sáng kiến/ đề tài khoa học/ công trình khoa học là đúng, phù hợp để nhằm nâng cao hiệu quả công việc. Tuy nhiên, cách triển khai, thực hiện hiện nay ở một số địa phương lại chưa tốt, dẫn đến thật giả lẫn lộn.

Người viết sáng kiến kinh nghiệm phần nhiều vì mục đích thi đua, vì lợi ích bản thân. Người chấm sáng kiến kinh nghiệm thường cơ cấu cán bộ, quản lý nhà trường; lãnh đạo, chuyên viên phòng, sở giáo dục và đâu đó chưa lấy tiêu chí khoa học làm thước đo.

Chấm theo cảm tính, chấm theo tên, vị trí công tác người viết nên những sáng kiến kinh nghiệm đạt giải xong thì đi đâu, về đâu chẳng ai biết.

Chỉ thấy, năm nào cấp trên cũng phát động; cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các nhà trường vẫn miệt mài viết sáng kiến kinh nghiệm. Các đơn vị có số lượng, có thành tích; cá nhân có thành tích để xét thi đua…rồi thôi. Hiệu quả, giá trị sáng kiến kinh nghiệm chẳng có ai đánh giá, kiểm nghiệm nó được áp dụng trước và sau khi công nhận giải như thế nào.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Kim Oanh