Chủ đề viết, chấm sáng kiến kinh nghiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường phổ thông những năm qua đã được báo chí đã phản ánh khá nhiều. Có những thầy cô viết bằng tâm huyết nhưng không đạt giải; có không ít giáo viên xin xỏ, cóp, dán lại đạt giải và tất nhiên từ năm học 2022-2023 trở về trước thì sáng kiến kinh nghiệm có giá vô cùng trong việc xét thi đua.
Nếu viên chức có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải là có cơ hội được khen thưởng, có danh hiệu thi đua và được nâng lương trước thời hạn. Không có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải thì cố gắng đến mấy, có bao nhiêu thành tích từ những phong trào, hội thi khác cũng chỉ được xét danh hiệu Lao động tiên tiến mà thôi.
Vì thế, nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các nhà trường thi nhau viết sáng kiến kinh nghiệm. Nhưng, thực tế có không ít giáo viên không viết mà đi xin, đi tải từ mạng internet về thay tên, đổi họ và bằng cách nào đó đạt giải.
Có người bị mất lòng đồng nghiệp vì chuyện chấm sáng kiến kinh nghiệm
Hiện nay, những sáng kiến kinh nghiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên cấp Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở sẽ do Phòng Giáo dục và Đào tạo chấm và Ủy ban nhân dân huyện (thị, thành phố) ra quyết định công nhận giải.
Tuy nhiên, trước khi gửi đến Phòng Giáo dục và Đào tạo thì các trường học sẽ thực hiện chấm vòng trường. Về cơ bản, cấp trường chấm chỉ loại những đề tài sao chép (nếu phát hiện) và những đề tài quá yếu về nội dung, còn lại sẽ công nhận giải cấp trường (chủ yếu là giải A) để gửi đi với hy vọng sẽ có thành tích cho đơn vị.
Những sáng kiến kinh nghiệm do cấp trường chấm chọn ở cấp Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở không có giá trị xét thi đua và đánh giá, xếp loại viên chức cho cá nhân. Những năm trước đây, phải là những đề tài được huyện ra quyết định công nhận giải mới có giá trị xét thi đua từ Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên.
Vì thế, điều mà cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các trường mong muốn là đạt giải cấp huyện và giải gì cũng được nên không ít giáo viên, nhân viên tranh thủ các mối quan hệ của mình để có giải.
Một giáo viên kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn của một trường Trung học cơ sở chia sẻ câu chuyện bản thân đã từng tham gia chấm sáng kiến kinh nghiệm vòng trường rằng: năm đó, giáo viên này được phân công chấm sáng kiến kinh nghiệm của tổ chuyên môn mình đang quản lí cùng với thầy hiệu trưởng nhà trường.
"Trong số rất nhiều sáng kiến của tổ, có một đề tài của một giáo viên là em gái của thầy chuyên viên phụ trách chuyên môn của Phòng Giáo dục và Đào. Giáo viên này cũng đã luống tuổi và không biết gì về tin học nên mọi thứ mà liên quan đến văn bản, in ấn đều phải nhờ giáo viên trong tổ, trong trường làm giúp.
Khi đọc sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên này, tôi và thầy hiệu trưởng phát hiện nội dung được sao chép trên mạng internet mà không chỉnh sửa lại- kể cả tên đề tài, chỉ khác mỗi họ tên giáo viên thực hiện và tên đơn vị công tác mà thôi.
Vì thế, tôi và thầy hiệu trưởng không xếp giải và tất nhiên nhà trường không gửi đi thi cấp huyện. Vì vấn đề tế nhị nên khi ban giám hiệu công bố kết quả vòng trường thì không đả động cụ thể đến tên một số giáo viên sao chép trên mạng mà chỉ thông báo những giáo viên đạt giải vòng trường.
Tuy nhiên, giáo viên này không kiểm soát được cảm xúc của mình mà có thái độ, lời lẽ không phù hợp với người chấm, cho rằng những người chấm “chơi xấu” mình. Sau đó, giáo viên này tiếp tục đem chuyện tổ trưởng và hiệu trưởng chấm sáng kiến của mình nói với nhiều đồng nghiệp khác bằng những lời lẽ rất khó nghe.
Trước tình thế như vậy, hai giám khảo chấm sáng kiến đã gặp riêng và góp ý nhẹ nhàng, tế nhị là sáng kiến kinh nghiệm này không phù hợp vì có “một số ý trùng” với sáng kiến kinh nghiệm được đăng tải trên mạng internet nhưng giáo viên này cứ khăng khăng là tôi viết thì làm sao nói là lấy trên mạng với một thái độ bực tức, trịnh thượng.
Trước tình huống như vậy, thầy hiệu trưởng và tổ trưởng chuyên môn phải mở đường link tên sáng kiến đã được lưu từ trước và so sánh với sáng kiến kinh nghiệm “trùng nội dung” của giáo viên này.
Chính vì giống nhau đến từng câu chữ, từng dấu câu nên giáo viên đó không thể nói được gì nhưng lại tìm cách chống chế là tôi xin của của một cô giáo ở địa phương khác mà họ nói là họ viết. Tuy nhiên, cô giáo này vẫn tỏ ra thái độ hậm hực, khó chịu đối với người chấm sáng kiến kinh nghiệm", vị giáo viên này chia sẻ.
Giáo viên này chia sẻ tiếp: "Sang năm học sau, thầy hiệu trưởng hết nhiệm kỳ nên được điều động đi một trường khác, bản thân tôi cũng được thuyên chuyển về một trường gần nhà.
Người mới lên thay thế nên giáo viên kia tiếp tục gửi lại sáng kiến kinh nghiệm mà tôi và thầy hiệu trưởng cũ đã chấm rớt. Sáng kiến này đã lọt qua vòng trường và đạt giải C cấp huyện nên năm đó giáo viên này được xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Sau này, có dịp gặp lại nhau tại một đám cưới của đồng nghiệp, cô đồng nghiệp cũ đã “nói mát” với tôi rằng sáng kiến kinh nghiệm của chị mà em và hiệu trưởng chấm rớt sau này đạt giải cấp huyện.
Tôi nghe và chỉ cười vì những chuyện như vậy thường không hiếm ở một số địa phương hiện nay. Vì thế, việc sáng kiến kinh nghiệm của một đồng nghiệp mà tôi và hiệu trưởng cũ chấm rớt vòng trường, sau này gửi đi lại đậu vòng huyện cũng dễ hiểu vô cùng vì anh trai cô giáo này là chuyên viên phụ trách chuyên môn của Phòng Giáo dục và Đào tạo".
Ai quyết định giải sáng kiến kinh nghiệm?
Theo cách chấm sáng kiến kinh nghiệm hiện nay đối với cấp Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở ở một số địa phương đang làm thì những sáng kiến của giáo viên đậu giải A vòng trường sẽ nộp lên Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Thực tế cho thấy, trong số những sáng kiến kinh nghiệm đạt giải luôn có không ít những đề tài được chấm theo kiểu “ngoại giao”, chấm theo vị trí công tác.
Mặc dù việc chấm sáng kiến kinh nghiệm luôn có 2 giám khảo, có thể một lãnh đạo phòng hoặc 1 chuyên viên kết hợp chấm với một giáo viên cốt cán, hoặc một quản lý nhà trường. Nhưng, người quyết định ai đạt giải thường vẫn là lãnh đạo, chuyên viên ở Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Vì vậy, không ít sáng kiến kinh nghiệm đạt giải là người thân (vợ/ chồng/anh/chị/em ruột, bạn bè thân quen…) của người chấm. Dù sáng kiến không tốt cũng có thể được xếp giải C- giải thấp nhất nhưng cũng đủ điều kiện để được xét, đề nghị các danh hiệu thi đua.
Nếu chịu khó quan sát, mọi người dễ dàng nhìn thấy những giải A thường rơi vào một số vị trí lãnh đạo, chuyên viên, một số hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hoặc tổ trưởng hội đồng cốt cán của các bộ môn (những người mà anh chấm cho tôi- tôi chấm cho anh).
Chính vì vậy mà một số phong trào thi đua hiện nay ở một số nơi- trong đó có phong trào viết, chấm sáng kiến kinh nghiệm chưa được khách quan theo đúng tiêu chí đặt ra.
Vì thế, việc viết, chấm sáng kiến kinh nghiệm ở một số địa phương luôn có những thị phi sau mỗi lần công bố giải- những thị phi đó không phải là không có cơ sở khi nhìn vào danh sách những người đạt giải sáng kiến kinh nghiệm hằng năm.
Từ năm học 2023-2024 này, theo Luật thi đua khen thưởng năm 2022 thì việc xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở có thêm đối tượng viên chức được xếp Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tuy nhiên, các danh hiệu khác, cao hơn đều yêu cầu có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải nên cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các nhà trường vẫn luôn chú trọng để tham gia phong trào này.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.