HV Chính sách và phát triển: Nhiều mục ở đề án tuyển sinh không đúng Thông tư 08

14/05/2024 06:24
Minh Chi

GDVN -Đối chiếu theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT, đề án tuyển sinh đại học 2024 của Học viện Chính sách và Phát triển có một số nội dung không được công khai. 

Tại Điều 11, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/7/2022), Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu cơ sở đào tạo xây dựng, công bố và thực hiện đề án tuyển sinh để thực hiện trách nhiệm giải trình và cam kết đối với thí sinh, cơ quan quản lý nhà nước và xã hội.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học phải hoàn thành công bố đề án tuyển sinh 30 ngày trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển. Năm 2024, thí sinh đăng ký xét tuyển từ ngày 10/7, như vậy hạn cuối cơ sở giáo dục phải công bố đề án tuyển sinh là ngày 10/6.

Tính đến đầu tháng 5/2024, hầu hết các trường đều đã công bố đề án tuyển sinh đại học.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 14/3/2024, Học viện Chính sách và Phát triển công bố đề án tuyển sinh đại học chính quy năm 2024 trên trang thông tin điện tử của nhà trường.

Từ thông tin tại đề án, được biết năm 2024 Học viện Chính sách và Phát triển tuyển sinh trong cả nước với 1.800 chỉ tiêu.

Nhìn chung, các nội dung công khai tại đề án đều được thực hiện khá đầy đủ theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuy nhiên vẫn còn một số thông tin không được công khai theo quy định tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT.

A1 (15).jpg
Học viện Chính sách và Phát triển (Tên tiếng Anh: Academy of Policy and Development) được thành lập theo Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 04/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ, là trường đại học công lập thuộc hệ thống giáo dục đại học quốc dân. Ảnh: website nhà trường

Đường link dẫn thông tin tình hình việc làm trên website nhà trường không truy cập được

Cụ thể tại mục 7, chương I về tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, Học viện Chính sách và Phát triển đã thống kê đầy đủ các nội dung theo quy định từ tên nhóm ngành/ngành đào tạo, mã ngành, chỉ tiêu tuyển sinh, số sinh viên trúng tuyển nhập học, số sinh viên tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm sau 12 tháng.

Tuy nhiên, có 2 nhóm ngành Pháp luật (ngành Luật kinh tế) và Nhân văn (ngành Ngôn ngữ Anh) không có số liệu về chỉ tiêu tuyển sinh, số sinh viên trúng tuyển nhập học, số sinh viên tốt nghiệp cùng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm sau 12 tháng.

Trong khi đó, đối sánh với đề án tuyển sinh năm 2023 ở cùng nội dung thì 2 nhóm ngành này vẫn được kê khai đầy đủ chỉ tiêu và số sinh viên trúng tuyển nhập học (chưa có sinh viên tốt nghiệp và tỷ lệ có việc làm).

Theo thông tin tại danh mục ngành được phép đào tạo, nhà trường bắt đầu đào tạo ngành Luật kinh tế vào năm 2019, ngành Ngôn ngữ Anh vào năm 2022.

anh-1.png
Thông tin về số lượng sinh viên 2 nhóm ngành Pháp luật và Nhân văn không được kê khai số liệu tại đề án tuyển sinh năm 2024 của Học viện Chính sách và Phát triển. Ảnh chụp màn hình

Chưa kể, đường link công khai việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp trên trang thông tin điện tử của Học viện được dẫn tại đề án có lỗi truy cập, phóng viên không tìm thấy thông tin theo đường link được kê khai tại đề án tuyển sinh.

tempsnip.png
Đường link công khai về tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp trên trang thông tin điện tử của Học viện Chính sách và Phát triển không hiển thị thông tin. Ảnh chụp màn hình

Có 3/10 ngành học tuyển vượt chỉ tiêu từ 3% trở lên

Về thông tin tuyển sinh 2 năm gần nhất, theo tìm hiểu, 2 năm 2023 và 2022, Học viện không có sự thay đổi về phương thức xét tuyển. Theo đó, có 3 phương thức xét tuyển được sử dụng.

Tuy nhiên bảng thống kê điểm trúng tuyển 2 năm gần nhất chỉ có thông tin của điểm trúng tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, không có điểm trúng tuyển phương thức xét tuyển riêng. Mẫu kê khai này cũng tương tự các năm 2023, 2022.

Như vậy, thí sinh không có thông tin về kết quả tuyển sinh theo các phương thức riêng để theo dõi.

điểm tt.JPG
Thông tin điểm trúng tuyển chỉ thống kê với phương thức xét điểm thi trung học phổ thông. Ảnh chụp từ đề án tuyển sinh năm 2024
điểm tt - mẫu.JPG
Trong khi đó, biểu mẫu kê khai theo quy định tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT yêu cầu cần thống kê điểm trúng tuyển theo phương thức xét tuyển. Ảnh chụp màn hình

Ngoài ra, theo thông tin tại bảng thống kê điểm trúng tuyển của 2 năm gần nhất, căn cứ chỉ tiêu và số trúng tuyển cho thấy Học viện Chính sách và Phát triển tuyển sinh một số ngành vượt chỉ tiêu.

Theo đó, năm 2022, có 4/10 ngành tuyển sinh vượt, tương tự năm 2023 cũng có 4/10 ngành tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Trong đó, riêng năm 2023, có 3/4 ngành tuyển vượt từ 3% trở lên so với chỉ tiêu, gồm: ngành Kế toán (vượt 8 sinh viên - tương đương 8%), ngành Kinh tế phát triển (vượt 20 sinh viên ngành - tương đương 20%), ngành Kinh tế số (vượt 14 sinh viên - tương đương 11,67%).

Khoản 3, Điều 10, Nghị định 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nêu:

Phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh để đào tạo trình độ đại học vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 03% đến dưới 10%;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 10% đến dưới 15%;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 15% đến dưới 20%;

d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 20% trở lên.

Kê khai thông tin về giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng không theo mẫu của Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT

Tại mục 10.3, chương I về danh sách giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng, theo quy định tại biểu mẫu số 03: Báo cáo các điều kiện đảm bảo chất lượng, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT thì thông tin giảng viên toàn thời gian, giảng viên thỉnh giảng phải được kê khai đầy đủ các nội dung từ họ tên, chức danh khoa học, trình độ chuyên môn, chuyên môn đào tạo và tên ngành tham gia giảng dạy; riêng giảng viên thỉnh giảng phải kê khai thêm về cơ quan công tác. Cụ thể như sau:

mẫu gv.JPG
Mẫu kê khai danh sách giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng theo quy định tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT. Ảnh chụp màn hình

Tuy nhiên, đối chiếu với đề án tuyển sinh năm 2024 của Học viện Chính sách và Phát triển, các nội dung trên gần như bị lược bỏ hết. Bảng thống kê giảng viên cơ hữu chỉ kê khai số lượng trình độ chuyên môn giảng viên ở từng lĩnh vực, không có họ tên cũng như chuyên môn đào tạo của các giảng viên.

Với danh sách giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy và tính chỉ tiêu tuyển sinh (Tính đến ngày 31/12/2023), nội dung kê khai được rút gọn hết, chỉ còn số lượng trình độ chuyên môn của các giảng viên ở 2 khối ngành III và VII.

Ngoài ra, phần đề mục 10.3 Danh sách giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng có ghi kèm phụ lục danh sách kèm theo, tuy nhiên phóng viên không tìm thấy bất kì phụ lục nào được công khai tại đề án.

ds gv 1.JPG
Thông tin giảng viên cơ hữu được Học viện Chính sách và Phát triển công khai tại đề án tuyển sinh 2024. Ảnh chụp màn hình
ds gv 2.JPG
Thông tin giảng viên thỉnh giảng được Học viện Chính sách và Phát triển công khai tại đề án tuyển sinh 2024. Ảnh chụp màn hình

Tình trạng này cũng tương tự với đề án tuyển sinh năm 2023 của Học viện. Trong khi đó, tại đề án tuyển sinh năm 2022, phụ lục danh sách kèm theo được kê khai đầy đủ, song cũng không có sự phân định rõ ràng giữa danh sách giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng.

gv.JPG
Danh sách công khai không chia rõ danh sách giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng. Vì vậy, nhìn vào danh sách giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng được công khai tại đề án tuyển sinh năm 2022, sẽ rất khó để người xem biết đâu là ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng. Ảnh chụp màn hình

Theo đề án tuyển sinh, năm học 2024 – 2025, Học viện dự kiến thu học phí 550.000 đồng/Tín chỉ (tương đương 1.850.000 đồng /tháng; 18.500.000 đồng/năm). Lộ trình tăng học phí hàng năm không quá 15% và thực hiện theo Nghị định số 81/NĐ-CP ngày 27/08/2021 của Chính phủ và Nghị định số 97/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ.

Ngoài chương trình chuẩn, Học viện Chính sách và Phát triển còn tuyển sinh chương trình dạy bằng tiếng Anh. Phương thức và thời gian tuyển sinh tương tự chương trình chuẩn.

Theo thông báo, năm học 2024 – 2025, học phí các chương trình này được thu ở mức 850.000 đồng/tín chỉ (tương đương 2.800.000 đồng/tháng, 28.000.000 đồng/năm).

Học viện Chính sách và Phát triển cam kết lộ trình tăng học phí hàng năm không quá 15% và thực hiện theo Nghị định số 81/NĐ-CP ngày 27/08/2021 của Chính phủ và Nghị định số 97/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ.

Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 8, Mục 2 của Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục nêu rõ:

"Điều 8. Vi phạm quy định về tổ chức tuyển sinh

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Thông báo tuyển sinh, công bố đề án tuyển sinh không đúng hoặc không đầy đủ thông tin theo quy định của pháp luật hiện hành;..."

Minh Chi