Quy trình duyệt nghiêm ngặt, bài báo khoa học có dễ tự ý "thêm tên" 1 người vào?

13/05/2024 09:27
Nhi Anh

GDVN - Tạp chí quốc tế có uy tín kiểm duyệt bài xuất bản rất nghiêm ngặt. Do đó, việc một bài báo bị gỡ bỏ với những môi trường học thuật nghiêm túc ít khi xảy ra.

Gần đây dư luận xôn xao khi Tạp chí Environmental Science and Pollution Research gỡ bỏ bài báo "Trade openness and CO2 emanations: a heterogeneous analysis on the developing eight (D8) countries". Bởi trong số tác giả của bài báo có Giáo sư, Tiến sĩ Võ Xuân Vinh (ghi danh là tác giả thứ 5) - hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH).

Giáo sư Võ Xuân Vinh cũng từng là thành viên Hội đồng khoa học ngành kinh tế của Quỹ Nafosted giai đoạn 2016-2021.

Trong thông cáo báo chí chiều ngày 10/5/2024 của UEH về trường hợp của Giáo sư Võ Xuân Vinh, UEH cho biết nhà trường đã họp, làm rõ và có biên bản kết luận đối với vụ việc từ tháng 3/2024. Trên cơ sở đó, UEH kết luận: Bài báo bị rút liên quan đến quy trình xử lý của biên tập viên khách mời và hoạt động bình duyệt của tạp chí. Cá nhân Giáo sư Vinh không nhận tài trợ/thưởng từ nhà trường cho bài báo này. Ông Vinh cũng đã đưa được các minh chứng về việc bị lạm danh.

Để tìm rõ hơn về quy trình kiểm duyệt, xuất bản một bài báo khoa học quốc tế ra sao, đồng thời nhà khoa học có dễ bị "điền tên nhầm" vào bài viết không, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với nhiều nhà khoa học để cung cấp thêm góc nhìn cho độc giả.

Bài báo công bố quốc tế có sự kiểm duyệt nghiêm ngặt, qua nhiều khâu

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ cho rằng, với quy trình xuất bản thông thường, hệ thống tạp chí uy tín sẽ có email thông báo để xác nhận mức độ nghiên cứu, mức độ đóng góp, vai trò, nhiệm vụ của mỗi tác giả trong bài báo.

baibao.png
Nhà xuất bản Spinger đăng thông báo rút bài báo "Trade openness and CO2 emanations: a heterogeneous analysis on the developing eight (D8) countries". Ảnh chụp màn hình.

“Về vai trò, nhiệm vụ của từng tác giả, thông thường, khi gửi bài báo cho nhà xuất bản sẽ có phần thông tin về nhiệm vụ của từng tác giả trong công trình đó. Tất nhiên điều này không công bố trên bài báo nhưng bên nhà xuất bản sẽ có yêu cầu", Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận cho biết.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận cũng băn khoăn, sau khi bài báo bị gỡ bỏ, rõ ràng tác giả có nhiều cách lý giải khác nhau. Việc bài báo bị gỡ bỏ cũng ảnh hưởng đến uy tín của nhà khoa học. Trong một số trường hợp thì nhóm tác giả phải xin ý kiến vì đưa tên một người vào bài báo công bố quốc tế không phải là chuyện dễ.

Để bảo vệ các nhà khoa học chân chính, theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận, bản thân các nhà khoa học trước hết cần giữ gìn sự liêm chính học thuật.

Được biết, theo quyết định số Quyết định 251/QĐ-HĐQL-NAFOSTED của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia, nhà xuất bản Springer thuộc danh mục nhà xuất bản có tạp chí quốc tế có uy tín.

Trước đó, một giáo sư làm việc tại đại học ở Australia cũng chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về sự nghiêm ngặt của bài báo công bố quốc tế. Theo giáo sư, cần phải xem xét ứng viên đóng vai trò gì trong bài báo. Có nhiều loại tác giả bài báo như tác giả chính, tác giả danh dự, đồng tác giả… Chúng ta nên thẩm định vai trò của ứng viên là tác giả chính của bài báo hay tác giả chịu trách nhiệm với công chúng về bài báo.

Thêm vào đó, phải có sự ghi nhận đúng đắn về chất lượng nghiên cứu chứ không thể đánh đồng các công bố khoa học đều như nhau. Cách tốt nhất để đánh giá chất lượng nghiên cứu là đọc bài báo và chỉ có người trong chuyên ngành mới đánh giá đúng. Nhưng một cách gián tiếp khác là đánh giá qua tập san mà bài báo được công bố.

Giáo sư này cũng cho biết, sở dĩ công bố khoa học khó khăn vì quy trình bình duyệt thường mất nhiều thời gian. Thông thường, một bản thảo bài báo khoa học sẽ phải trải qua bình duyệt 6 tháng trước khi được công bố. Thời gian từ lúc nộp bản thảo đến lúc công bố bài báo, nếu tất cả đều thuận lợi, thường mất từ 6-12 tháng, nhưng cũng có khi 24 tháng.

Theo Springer, có 5 loại bài báo khoa học chính, bao gồm: bài báo nghiên cứu gốc (original research article), bài báo ngắn (short report or letter), bài điểm báo (review article), báo cáo trường hợp (case study) và bài báo về phương pháp nghiên cứu (methodology or method). [1]

Trường đại học phải trả một khoản phí để mua cơ sở dữ liệu khoa học

Cùng trao đổi với phóng viên, một phó giáo sư hiện đang quản lý một trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, đối với các tạp chí quốc tế có uy tín thì quy trình kiểm duyệt bài xuất bản sẽ rất nghiêm ngặt. Do đó, việc một bài báo bị gỡ bỏ với những tạp chí uy tín và môi trường học thuật nghiêm túc không phải là điều thường xuyên xảy ra. Trừ trường hợp những tạp chí kém chất lượng thì chuyện gỡ bài báo không phải là điều hiếm thấy.

Screenshot from 2024-05-12 13-48-37.png
Dữ liệu bài báo có tên Giáo sư Võ Xuân Vinh (tác giả thứ 5) đã không còn tồn tại trên hệ thống thư viện số của UEH. Ảnh chụp màn hình ngày 12/5.

“Tùy từng tạp chí sẽ có quy trình xét duyệt bài khác nhau, tuy nhiên, thông thường, trước khi bài báo được xuất bản, phía tạp chí sẽ gửi email cho từng tác giả để xác nhận họ có tham gia hay không. Bởi vì có một số tác giả không muốn để tên trong bài hoặc không phù hợp với chuyên môn thì họ sẽ phản hồi với tạp chí để bỏ tên ra khỏi danh sách nhóm tác giả.

Còn về việc nhà khoa học giải thích không biết nhóm tác giả tự ý thêm tên vào bài báo thì cũng khó hiểu”.

Về quy trình kiểm duyệt bài báo, vị phó giáo sư chia sẻ, sau khi bài báo gửi đi và được Ban biên tập đánh giá “qua cửa” sẽ tiếp tục được gửi cho các chuyên gia phản biện, nhận xét bản thảo (gọi là phản biện kín). Tác giả liên hệ (Corresponding authors) sẽ nhận lại phần phản biện để giải thích và bổ sung phù hợp rồi mới thực hiện các quy trình tiếp theo. Nghĩa là để một bài báo được xuất bản trên tạp chí quốc tế uy tín sẽ trải qua sự kiểm duyệt, đánh giá hết sức chặt chẽ, khoa học.

“Khâu phản biện kín hết sức quan trọng đối với việc xuất bản một bài báo trên tạp chí quốc tế. Chẳng hạn như tạp chí ở trường tôi, mặc dù là tạp chí ở trong nước nhưng cũng phải thực hiện quy trình phản biện kín để tác giả hay nhóm tác giả với chuyên gia phản biện bài báo đó không biết được danh tính của nhau, để tránh tình trạng “đi cửa sau”, không minh bạch”.

Việc một bài báo khoa học đăng tải trên tạp chí quốc tế bị gỡ bỏ có nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo vị phó giáo sư, có thể tác giả (nhóm tác giả) vi phạm các yếu tố liên quan đến liêm chính học thuật như đạo văn. Hoặc vi phạm liên quan đến kết quả nghiên cứu, chẳng hạn, các số liệu nghiên cứu đã từng được phân tích và sử dụng nhưng không trích dẫn nguồn cụ thể.

Mặc dù Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh lý giải rằng ông không biết tên mình bị đưa vào bài báo. Tuy nhiên, theo khảo sát ngày 10/5, trên hệ thống thư viện số của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh lại có dữ liệu của bài báo nêu trên, trong đó có trích dẫn đầy đủ tên các tác giả.

Về việc này, với kinh nghiệm của cấp quản lý trường đại học, phó giáo sư cho hay: “Khi một tài liệu quốc tế được đưa vào hệ thống cơ sở dữ liệu của một trường thì đã được phía sở hữu (nhà xuất bản) chấp thuận và trường đã phải trả một khoản phí nhất định để mua cơ sở dữ liệu khoa học (link hay tài khoản). Và chính các tác giả của bài báo cũng khẳng định uy tín khoa học thể hiện số lượng người tham khảo nhiều, đánh giá xuất sắc”, vị này cho biết thêm.

Tại đơn vị phó giáo sư này quản lý, cán bộ, giảng viên được phép tham gia, lựa chọn các nhóm tác giả để đóng góp vào các bài báo xuất bản trên tạp chí khoa học quốc tế, tuy nhiên, khi làm thủ tục để công nhận bài báo đó là được tính vào nghiên cứu khoa học và được thanh toán một phần tiền thì quan tâm chính đó là tác giả đó nó phải đúng với chuyên ngành, chứ không phải bài báo nào cũng được tính.

Về phía Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, trả lời phóng viên về vấn đề dữ liệu liên quan bài báo bị gỡ của Giáo sư Võ Xuân Vinh xuất hiện trong hệ thống thư viện online nhà trường, UEH lý giải: "UEH đầu tư các cơ sở dữ liệu học thuật trả phí (trong đó có tạp chí Springer) để phục vụ cho học tập, nghiên cứu và giảng dạy. Các nguồn tài liệu có trong các cơ sở dữ liệu trả phí và cơ sở dữ liệu nội sinh tự động kết nối đến cổng tìm kiếm thư viện UEH.

Thư viện cung cấp quyền truy cập các cơ sở dữ liệu đến cộng đồng người dùng UEH và không sao lưu toàn văn bài báo và không thể “gỡ bài” vì bản quyền thuộc về tạp chí. Thư viện chỉ đóng biểu ghi mô tả bài báo vì bài này không là sản phẩm trí tuệ của UEH". [2]

Đến ngày 12/5, dữ liệu bài báo quốc tế nêu trên đã không còn trên hệ thống thư viện trực tuyến của UEH.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://www.springer.com/us/authors-editors/authorandreviewertutorials/writing-a-journal-manuscript/types-of-journal-articles/10285504

[2]: https://giaoduc.net.vn/gs-vo-xuan-vinh-noi-bi-lam-danh-vi-sao-thu-vien-ueh-co-du-lieu-bai-bao-bi-go-post242639.gd

Nhi Anh