Ngày 25/5 tới đây, Nghị định 35/2024/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” có hiệu lực.
Nghị định 35 có một số điểm mới. Theo đó, thời gian công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ được nhân hệ số 2 khi tính thời gian công tác để xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú".
Một trong những tiêu chuẩn để xét tặng Nhà giáo Nhà giáo ưu tú là phải có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 15 năm trở lên, và với Nhà giáo nhân dân là từ 20 năm trở lên.
Liên quan đến nội dung trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với các thầy cô là hiệu trưởng các trường phổ thông ở một số xã đảo thuộc huyện Vân Đồn, Quảng Ninh.
Theo thầy Phạm Hữu Thoả - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Minh Châu (xã Minh Châu, Vân Đồn, Quảng Ninh), nhà trường được thành lập từ năm 1960, đến nay nhà trường vẫn chưa có giáo viên nào được xét tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú.
"Cá nhân tôi rất đồng tình với chính sách ưu tiên cho giáo viên giảng dạy ngoài xã đảo được nhân đôi thời gian công tác. Điều này rất hợp lí. Thực tế, có những giáo viên từ đất liền ra ngoài xã đảo công tác gặp nhiều rất khó khăn", thầy Thoả nói.
Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường hiện có 24 thầy cô, trong đó có một nửa giáo viên từ đất liền ra công tác và ở tại khu tập thể, cuối tuần, thầy cô lại tranh thủ về nhà. Một nửa giáo viên còn lại là người địa phương.
Từ bến phà trung tâm huyện Vân Đồn ra ngoài xã Minh Châu cách khoảng 20 cây số. Nếu đi tàu khách (ngày 2 chuyến, sáng 7h, chiều 13h) sẽ có hai loại tàu, tàu gỗ giá vé 100 nghìn đồng/lượt đi trong khoảng 2 tiếng đồng hồ, còn tàu đi nhanh khoảng 150-200 nghìn đồng/lượt mất khoảng 1 tiếng đồng hồ.
"Khó khăn lớn nhất với các thầy cô là công tác trong điều kiện xa nhà. Kể từ đầu tháng 1/2024, giáo viên ở ngoài xã đảo được hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng phí đi lại (Nghị quyết 25/2023 của Hội đồng Nhân dân tỉnh), đây cũng là sự động viên, khích lệ rất lớn với thầy cô", thầy Thoả cho biết.
Theo vị hiệu trưởng chia sẻ, ngoài đảo, trường học cũng khó khăn trong sử dụng nguồn nước sinh hoạt. Có những trường ở xã đảo khác phải mua nước, còn nhà trường bơm nước giếng khoan lên bể cho học sinh, giáo viên sử dụng.
Theo lãnh đạo nhà trường, đơn vị hiện có giáo viên công tác lâu năm nhất là 23 năm, còn bản thân thầy Thoả đã công tác tại nhà trường được 20 năm.
Với điều kiện, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú, thầy Thoả nhận định, để đáp ứng đạt các tiêu chuẩn là khó với giáo viên các xã đảo.
Theo đó, các tiêu chuẩn xét tặng nhà giáo ưu tú, đòi hỏi giáo viên phải có các thành tích như được tặng bằng khen ở cấp bộ, ban, ngành, tỉnh hoặc các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước.
Trong khi đó, ở nhà trường, nhiều bộ môn chỉ có một giáo viên nên việc trao đổi chuyên môn, học hỏi gặp khó khăn. Đến kỳ nghỉ hè, giáo viên mới có đợt đi tập huấn trong đất liền.
"Các thầy cô cũng ít được tham gia các cuộc thi giao lưu nên họ còn e ngại khi đăng ký", thầy Thoả chia sẻ.
Lãnh đạo nhà trường chia sẻ thêm, để giáo viên ngoài xã đảo đáp ứng các tiêu chuẩn xét tặng nhà giáo ưu tú như có 2 sáng kiến cấp cơ sở hoặc biên soạn một báo cáo chuyên đề hoặc biên soạn 1 tài liệu bồi dưỡng cấp tỉnh, đòi hỏi cần tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp huyện, cấp tỉnh.
"Tôi cũng có đề xuất với Phòng Giáo dục và Đào tạo là cho các thầy cô có năng lực, được tham gia một modul nào đó trong đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật để thi cấp tỉnh", thầy Thoả chia sẻ.
Chia sẻ về đội ngũ giảng dạy của nhà trường, thầy Thoả nói, nhà trường đang có sự thừa thiếu giáo viên cục bộ. Ví dụ như môn Âm nhạc, nếu có hai giáo viên thì thừa, một giáo viên thì thiếu. Vì vậy, nhà trường phải bố trí sắp xếp để phù hợp số lượng biên chế đội ngũ giáo viên của đơn vị.
Bên cạnh đó, đối với giáo viên hợp đồng, họ cũng thường lựa chọn công tác tại đất liền để thuận lợi cho việc thi tuyển viên chức. Vì vậy, nhà trường cũng phải vận động tuyên truyền để tuyển giáo viên hợp đồng.
Hiện nay, nhà trường có 9 lớp từ khối 1 đến khối 9. Lớp đông thì 23 học sinh, lớp ít thì 13 học sinh. Tổng số học sinh của trường là 156 em. Khó khăn với học sinh là tài liệu sách tại thư viện hiện có khoảng 3000 sách, còn truyện, đầu sách song ngữ còn hạn chế.
Về mặt cơ sở vật chất, nhà trường đã đảm bảo về phòng học bộ môn nhưng trang thiết bị còn chưa đồng bộ.
Nhiều tiêu chuẩn giáo viên xã đảo rất khó đạt
Chia sẻ với phóng viên, cô Nguyễn Thị Giang Hậu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bản Sen (xã Bản Sen, Vân Đồn, Quảng Ninh) cho hay, việc nhân đôi thời gian công tác với giáo viên công tác tại các xã đảo sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên. Những giáo viên đang giảng dạy ở đất liền được bố trí ra ngoài xã đảo công tác, họ sẽ tập trung phấn đấu các tiêu chuẩn khác khi tiêu chuẩn về thời gian công tác được nhân đôi.
Với tiêu chuẩn để xét tặng nhà giáo ưu tú như có 2 sáng kiến cấp cơ sở hoặc biên soạn một báo cáo chuyên đề hoặc biên soạn 1 tài liệu bồi dưỡng cấp tỉnh, cấp Bộ, cô Hậu cho hay, đối với những tiêu chí trên là khó với nhà trường, còn với cấp huyện thì giáo viên nhà trường có thể thực hiện được.
Hơn hai mươi năm công tác trong nghề, trong đó có ba năm công tác tại trường thuộc xã đảo, nhớ lại những ngày đầu đi lại bằng tàu, cô Hậu kể:
"Có những hôm trời mưa to, tôi đi tàu từ đất liền ra ngoài đảo, gặp mưa dông sóng lớn, tôi mặc áo mưa nhưng vẫn bị ướt hết người".
Nữ hiệu trưởng cho hay, công tác ở các khu vực này, thầy cô khó khăn trong đi lại, khó khăn về nguồn nước sinh hoạt dù được dùng nước miễn phí. Theo đó, giáo viên được dùng nước sinh hoạt từ bể chứa trên khu vực đồi nhưng chưa có hệ thống lọc. Tuy nhiên, vào những ngày mưa, nước rất đục, bẩn.
Ở địa phương, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, phụ huynh cũng ít có sự quan tâm đến học sinh. Có những trường hợp sinh sống ở trên tàu, vào những hôm mưa to gió lớn, nhà trường cũng thông báo cho các em nghỉ học, khi tạnh mưa thì đến trường.
"Có những học sinh nghỉ học không đến trường, giáo viên phải nắm bắt tình hình và đến tận nhà để vận động phụ huynh. Vừa qua, tỉnh có chế độ hỗ trợ bán trú cho học sinh, cũng đã tạo điều kiện để học sinh đi học đầy đủ", cô Hậu nói và cho hay, giáo viên nhà trường cũng đóng góp để ủng hộ cho các hộ nghèo tại địa phương.
Về khó khăn đối với nhà trường, cô Hậu cho hay, khi cơ sở vật chất xuống cấp, đơn vị dự trù dự toán tài chính để làm nhưng kinh phí cao hơn bởi phải thuê người từ đất liền ra sửa chữa.
Theo cô Trần Thị Kim Trâm, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Minh Châu, đối với tiêu chuẩn xét tặng nhà giáo ưu tú, giáo viên vùng xã đảo để được nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo rất là khó. Bởi lẽ, thầy cô ít có sự tham gia giao lưu các cuộc thi nên cũng không có thành tích.
Bên cạnh đó, giáo viên nỗ lực trau dồi chuyên môn nhưng học sinh không được gia đình quan tâm đến học hành, khó để giáo viên nâng cao chuyên môn.
"Có em học sinh lớp 1, chậm biết đọc, biết viết được giáo viên nhận kèm cặp miễn phí tại nhà nhưng phụ huynh không cho con đến. Hay như vào gần cuối kỳ, nhà trường cũng bồi dưỡng miễn phí cho học sinh miễn phí nhưng có lớp chỉ 10 học sinh đến", cô Trâm nói.
Theo cô Trâm, cuộc sống của người dân địa phương gắn liền với du lịch và đánh bắt hải sản. Vì vậy, phụ huynh thường định hướng cho con em học hết phổ thông đi làm nghề của gia đình.
"Công việc rửa bát tại nhà hàng, khách sạn khu du lịch, nhân viên cũng nhận được 500 nghìn đồng/ngày", cô Thoả chia sẻ.
Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm, đối với tiêu chuẩn giáo viên phải có hai sáng kiến cấp cơ sở, giáo viên có thể đạt được, còn tiêu chuẩn về tham gia biên soạn 1 tài liệu bồi dưỡng hoặc 1 báo cáo chuyên đề cấp bộ, tỉnh là khó.
Đối với tiêu chuẩn về chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có học sinh giỏi cấp huyện, đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện sẽ được nhà trường đề xuất lên cấp trên. Tuy nhiên, việc xét duyệt cũng phải dựa trên chỉ tiêu.