Tại Điều 11, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/7/2022) của Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu cơ sở đào tạo xây dựng, công bố và thực hiện đề án tuyển sinh để thực hiện trách nhiệm giải trình và cam kết đối với thí sinh, cơ quan quản lý nhà nước và xã hội.
Theo tìm hiểu, ngày 29/02/2024, Học viện Tài chính công bố đề án tuyển sinh đại học chính quy năm 2024 trên trang thông tin điện tử của nhà trường.
Đối chiếu với mẫu kê khai Đề án tuyển sinh tại Phụ lục III, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, có thể thấy thông tin trong đề án tuyển sinh năm 2024 của Học viện Tài chính khá đầy đủ đầy đủ tuy nhiên vẫn còn một số điểm đáng chú ý.
Số thí sinh nhập học cao hơn chỉ tiêu
Trong năm 2022 và 2023, nhà trường tuyển sinh theo 5 phương thức: (1) Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo; (2) Xét tuyển học sinh giỏi ở bậc trung học phổ thông; (3) Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; (4) Xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; (5) Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Theo thông tin tại bảng thống kê điểm trúng tuyển của 2 năm gần nhất, căn cứ chỉ tiêu và số trúng tuyển cho thấy Học viện Tài chính tuyển sinh một số ngành có thí sinh nhập học cao hơn chỉ tiêu.
Theo đó, năm 2022, có 7/10 ngành có số thí sinh nhập học cao hơn chỉ tiêu. Đến năm 2023 cũng có 3/10 ngành có số thí sinh nhập học cao hơn chỉ tiêu. Cụ thể như sau:
Đáng nói, thông tin công khai về điểm trúng tuyển của 2 năm gần nhất chưa được nhà trường kê khai chi tiết theo quy định.
Cụ thể, tại mục 8.2 tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT có quy định mẫu về bảng thống kê điểm trúng tuyển của 2 năm gần nhất. Trong đó có các đầu mục như: Lĩnh vực/Ngành/Nhóm ngành/tổ hợp xét tuyển; Phương thức xét tuyển; thống kê về chỉ tiêu, số nhập học, điểm trúng tuyển trong 2 năm gần nhất.
Tuy nhiên, đối chiếu với bảng kê điểm trúng tuyển của 2 năm gần nhất được kê khai trong đề án tuyển sinh cho thấy, Học viện Tài chính chỉ kê khai thông tin về chỉ tiêu, số nhập học, điểm trúng của từng chuyên ngành, từng tổ hợp theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Và đây cũng là điểm trúng tuyển đối với phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp (ở phần ghi chú của đề án tuyển sinh).
Ngoài ra, đối với phương thức xét tuyển học sinh giỏi trung học phổ thông chỉ được nhà trường ghi chú dưới bảng chứ không kê khai chỉ tiêu, số thí sinh nhập học, điểm trúng tuyển.
Với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội cũng chưa được kê khai đầy đủ vào bảng.
Kê khai thông tin về giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng chưa đầy đủ theo mẫu của Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT
Tại mục 10.3, chương I về danh sách giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng, theo quy định tại biểu mẫu số 03: Báo cáo các điều kiện đảm bảo chất lượng, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT thì thông tin giảng viên toàn thời gian, giảng viên thỉnh giảng phải được kê khai đầy đủ các nội dung từ họ tên, chức danh khoa học, trình độ chuyên môn, chuyên môn đào tạo và tên ngành tham gia giảng dạy, cụ thể như sau:
Đối chiếu với đề án tuyển sinh năm 2024 của Học viện Tài chính, hầu hết các thông tin về họ và tên, chức danh khoa học, trình độ chuyên môn, ngành tham gia giảng dạy ở phần danh sách giảng viên toàn thời gian đều được kê khai đầy đủ.
Tuy nhiên, ở phần danh sách giảng viên toàn thời gian chưa kê khai thông tin về chuyên môn đào tạo của từng giảng viên.
Theo báo cáo các điều kiện đảm bảo chất lượng, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT thì riêng giảng viên thỉnh giảng phải kê khai thêm về cơ quan công tác như sau:
Với danh sách giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy và tính chỉ tiêu tuyển sinh, nội dung kê khai khá đầy đủ, tuy nhiên ở phần này kê khai thiếu về cơ quan công tác theo quy định tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT.
Qua Báo cáo các điều kiện đảm bảo chất lượng tại Đề án tuyển sinh 2024 của Học viện Tài chính cho thấy, về quy mô đào tạo hình thức chính quy tính đến ngày 31/12/2023 như sau:
Đào tạo trình độ tiến sĩ có 237 người học lĩnh vực Kinh doanh và quản lý.
Đào tạo trình độ thạc sĩ có 1526 người học (1126 người học lĩnh vực Kinh doanh và quản lý; 400 người học lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi).
Đối với quy mô đào tạo của đại học chính quy có 17.087 sinh viên (Lĩnh vực Kinh doanh và quản lý có 15.440 sinh viên; Lĩnh vực Nhân văn có 715 sinh viên; Lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi có 878 sinh viên). Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy quy mô đào tạo đại học vừa làm vừa học của trường là 1223 sinh viên; hệ từ xa là 1835 sinh viên.
Về cơ sở vật chất, hiện trường có tổng diện tích đất là 138,920,34m2, như vậy, diện tích đất tính bình quân trên một người học chính quy là khoảng 7,3 m2(dựa trên tổng số người học chính quy của trường); Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của Học viện tính trên một sinh viên chính quy là 5,4m2/sinh viên.
Về danh sách giảng viên toàn thời gian giảng dạy đại học, theo báo cáo các điều kiện đảm bảo chất lượng, hiện Học viện Tài chính đang có 453 giảng viên, trong đó có 4 giảng viên là giáo sư, 52 giảng viên là phó giáo sư.
Từ thông tin tại đề án, được biết năm 2024 Học viện Tài chính tuyển sinh theo 5 phương thức với tổng chỉ tiêu (dự kiến) là 4.500 chỉ tiêu. Trong đó, chỉ tiêu xét tuyển thẳng và xét tuyển học sinh giỏi trung học phổ thông ít nhất bằng 60%; xét tuyển dựa vào kết quả đánh giá năng lực, đánh giá tư duy ít nhất 5%, số còn lại xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 và xét tuyển kết hợp.
Theo đề án tuyển sinh, năm học 2024 – 2025, Học viện dự kiến thu học phí như sau:
Chương trình chuẩn: 25 triệu đồng/sinh viên/năm học.
Chương trình định hướng chứng chỉ quốc tế: 50 triệu đồng/sinh viên/năm học.
Diện tuyển sinh theo đặt hàng: 43 triệu đồng/sinh viên/năm học.
Từ những năm học sau học phí có thể thay đổi khi nhà nước thay đổi chính sách về học phí, trường hợp tăng thì mức tăng không quá 10% so với năm học trước.
Học phí đối với lưu học sinh diện tự túc kinh phí: Theo quy định của Học viện đối với sinh viên nước ngoài diện tự túc kinh phí.
Chương trình liên kết đào tạo mỗi bên cấp một bằng đại học giữa Học viện Tài chính với Trường Đại học Greenwich (Vương quốc Anh), học phí không thay đổi trong suốt 4 năm học như sau:
Học 4 năm trong nước là: 70 triệu đồng/sinh viên/năm học (280 triệu đồng/sinh viên/khóa học)
Học 3 năm trong nước + 1 năm tại Trường Đại học Greenwich (Vương quốc Anh) là: 70 triệu đồng/sinh viên/năm học (cho 3 năm học trong nước); 490 triệu đồng/sinh viên/năm học (cho 1 năm học tại Trường Đại học Greenwich); tổng cộng là: 700 triệu đồng/sinh viên/khóa học.
Chương trình liên kết đào tạo Đại học Toulon cấp bằng học trong 3 năm: 19 Chuyên ngành Bảo hiểm - Ngân hàng - Tài chính là 171 triệu đồng (mức học phí bình quân: 57 triệu đồng/sinh viên/năm học); Chuyên ngành Kế toán - Kiểm soát - Kiểm toán là 180 triệu đồng (mức học phí 2 năm đầu là 57 triệu đồng/sinh viên/năm học, riêng năm cuối là 66 triệu đồng/sinh viên/ năm học)