Trường ĐH Văn Hiến: Nhiều ngành tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm cao trên 90%

20/05/2024 06:38
Thu Trang

GDVN - Việt Nam học, Ngôn ngữ Pháp, Văn hoá học là những ngành có điểm chuẩn cao trong nhiều năm tại Trường Đại học Văn Hiến

Trường Đại học Văn Hiến được thành lập theo quyết định số 517/TTg ngày 11/7/1997 và được chuyển đổi sang loại hình trường tư thục theo quyết định số 58/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Với mong muốn vươn tới văn hóa, tri thức, lưu giữ truyền thống hiếu học và đào tạo nhân tài cho xã hội, Trường Đại học Văn Hiến chọn biểu tượng Khuê Văn Các thuộc quần thể di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám làm logo và biểu trưng của Nhà trường.

Trên website của trường thông tin về sứ mạng như sau: “Trường Đại học Văn Hiến là cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng, với ngành nghề đào tạo đa dạng. Nhà trường luôn đổi mới chương trình đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế, chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá Việt Nam và linh hoạt theo yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước”.

Đến năm 2030, Trường Đại học Văn Hiến trở thành một trong những cơ sở giáo dục đại học theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp có uy tín cao ở Việt Nam, hội nhập khu vực và tiếp cận chuẩn quốc tế.

Hiện, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức là hiệu trưởng nhà trường.

Trường có trụ sở chính tại 613 Âu Cơ, Phường Phú Trung, Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ sở đào tạo: 624 Âu Cơ, Phường 10, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh; Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Khu đô thị Nam Thành phố; 665 - 667 - 669 Điện Biên Phủ, Phường 1, Quận 3; Số 8 - 14 Nguyễn Bá Tuyển, Phường 12, Quận Tân Bình; 2A2 Quốc lộ 1A, Phường Thạnh Xuân, Quận 12.

Ổn định phương thức tuyển sinh

Theo Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Văn Hiến từ năm 2019 – 2023, các phương thức tuyển sinh đại học chính quy của trường không có nhiều thay đổi.

STT
Tên phương thức tuyển sinh
Năm 2019
Năm 2020
Năm 2021
Năm 2022
Năm 2023
1
Xét tuyển thẳng
x
x
x
x
2
Xét theo kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông
x
x
x
x
x
3
Xét kết quả học bạ bậc trung học phổ thông
x
x
x
x
x
4
Xét kết quả đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
x
x
x
x
x
5
Xét tuyển môn ngữ văn và thi tuyển môn cơ sở ngành và chuyên ngành đối với ngành Thanh nhạc, Piano và Quản lý thể dục thể thao
x
x
x
x
x

Cụ thể, năm 2019, nhà trường sử dụng 4 phương thức xét tuyển như sau:

Phương thức 1: Tuyển sinh theo kết quả Kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia.

Phương thức 2: Tuyển sinh theo kết quả học bạ trung học phổ thông học kỳ 1 và học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 hoặc học kỳ 1 và học kỳ 2 lớp 12 theo tổ hợp môn xét tuyển; hoặc xét tuyển dựa trên điểm trung bình chung cả năm lớp 12.

Phương thức 3: Xét kết quả bài kiểm tra đánh giá năng lực của Đại học Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh.

Phương thức 4: Ngành năng khiếu: Xét tuyển môn ngữ văn và Thi tuyển môn cơ sở ngành và chuyên ngành đối với ngành Thanh nhạc và Piano.

Năm học 2020, nhà trường sử dụng thêm phương thức: Xét tuyển thẳng theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và ưu tiên xét tuyển thẳng các đối tượng theo quy định của Trường Đại học Văn Hiến.

Các năm 2021,2022, 2023 nhà trường giữ ổn định 5 phương thức xét tuyển.

Theo thông tin từ Đề án tuyển sinh năm 2024, nhà trường sử dụng 5 phương thức xét tuyển bao gồm:

Phương thức 01: Tuyển sinh theo kết quả học bạ trung học phổ thông.

Phương thức 02: Tuyển sinh theo kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Phương thức 03: Xét tuyển thẳng theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phương thức 04: Xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Phương thức 05: Kết hợp thi tuyển và xét tuyển.

+ Ngành Thanh nhạc và ngành Piano xét điểm môn Văn và tham dự kỳ thi riêng do Trường tổ chức gồm môn cơ sở và chuyên ngành

+ Ngành Đạo diễn điện ảnh, truyền hình và ngành Công nghệ điện ảnh, truyền hình có tổ hợp là V00, H01: xét điểm 2 môn và tham dự kỳ thi năng khiếu vẽ do Trường tổ chức

Về tổ hợp xét tuyển, nhà trường sử dụng các tổ hợp xét tuyển sau: A00 (Toán, Vật lý và Hóa học); A01(Toán, Vật lý, tiếng Anh); B00 (Toán, Sinh học và Hóa học); C04 (Toán, Ngữ văn, Địa lý); C08 (Ngữ văn, Hóa học, Sinh học); D07 (tiếng Anh, Toán, Hóa học); D01(Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh);; D10 (Toán, Địa lí, tiếng Anh); D15 (Ngữ văn, Địa lý, tiếng Anh).

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam qua Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Văn HIến, trong 5 năm trở lại đây, nhà trường mở thêm một số ngành đào tạo mới, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội trong tình hình hiện nay.

Năm 2019, nhà trường mở thêm ngành Tài chính ngân hàng; Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng

Năm 2021, trường mở thêm các ngành mới gồm: Kế toán; Thương mại điện tử; Công nghệ thực phẩm; Truyền thông đa phương tiện; Quan hệ công chúng;

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024 được đăng tải trên website Trường Đại học Văn Hiến, năm nay nhà trường tuyển 11.750 chỉ tiêu theo 5 phương thức.

Bên cạnh đó, năm 2024, nhà trường có thêm 5 ngành học mới bao gồm: Kiểm toán; Quản trị nhân lực; Quan hệ quốc tế; Công nghệ điện ảnh, truyền hình; Kỹ thuật xây dựng.

Chỉ tiêu tuyển sinh các ngành cụ thể của Trường Đại học Văn Hiến năm 2024. (Ảnh chụp màn hình Đề án tuyển sinh năm 2024)
Chỉ tiêu tuyển sinh các ngành cụ thể của Trường Đại học Văn Hiến năm 2024. (Ảnh chụp màn hình Đề án tuyển sinh năm 2024)

Tỷ lệ sinh viên có việc làm nhiều ngành đều ở mức 90% trở lên

Về điểm chuẩn, năm 2019, điểm chuẩn các ngành khối xã hội nhân văn theo phương thức xét điểm Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Trường Đại học Văn Hiến có mức điểm chuẩn cao tại trường.

Cụ thể, Việt Nam học có điểm chuẩn cao nhất là 18 điểm, tiếp theo là ngôn ngữ Pháp (17,2); văn hóa học (17), ngôn ngữ Trung Quốc (16); ngôn ngữ Nhật, quản trị khách sạn (15,5); văn học (15,25); công nghệ sinh học (15,05).

Riêng 2 ngành năng khiếu là thanh nhạc và piano tuyển điểm theo từng môn xét tuyển và thi tuyển. Cụ thể, điểm chuẩn của 2 ngành: xét tuyển môn văn (5.0), thi tuyển môn cơ sở (5.0), thi tuyển môn chuyên ngành (7.0).

Các ngành học có điểm chuẩn cao tại Trường Đại học Văn Hiến.
Các ngành học có điểm chuẩn cao tại Trường Đại học Văn Hiến.

Năm 2020, cũng theo điểm chuẩn của phương thức xét Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ngành Công nghệ sinh học; Việt Nam học và Ngôn ngữ Pháp lấy điểm chuẩn cao nhất là 17,15 điểm.

Năm 2021, ngành Ngôn ngữ Pháp cao nhất là 20,5, tiếp theo là ngành Việt Nam học, Văn hoá học đều có điểm chuẩn 20. Nếu so với năm 2020 một số ngành như Việt Nam học, Văn hoá học, Logictics và quản lý chuỗi cung ứng, Ngôn ngữ Anh và một số ngành khác tăng 1,5 đến 3,5 điểm.

Năm 2022, điểm trúng tuyển cao nhất là ngành Quản trị kinh doanh; Quan hệ công chúng với 23 điểm.

Năm 2023, điểm chuẩn trúng tuyển vào 34 ngành đào tạo tại trường theo phương thức điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông dao động từ 15.15 - 24.03 điểm.

Ngành có điểm trúng tuyển cao nhất là ngành Truyền thông đa phương tiện khi có điểm trúng tuyển tới 24.03 điểm Ngành có điểm trúng tuyển cao thứ 2 là ngành Quan hệ công chúng, Ngôn ngữ Anh lấy 24 điểm.

Nhóm ngành theo xu thế thời đại công nghệ 4.0 như: Công nghệ thông tin, Marketing, Tài chính - Ngân hàng, Thương mại điện tử có điểm trúng tuyển từ 23 - 23.51 điểm.

Nhóm ngành truyền thống của trường như: Việt Nam học, Văn hóa học, Xã hội học, Đông Phương học có điểm trúng tuyển từ 17 - 19 điểm.

Ngoài ra, theo Đề án tuyển sinh năm 2023 theo thống kê về tỷ lệ sinh viên có việc làm từ khi tốt nghiệp của Trường Đại học Văn Hiến ở từng lĩnh vực/ngành đào tạo, nhìn chung đa số các ngành đều ở mức từ 90% trở lên.

Những ngành có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao tại Trường Đại học Văn Hiến.
Những ngành có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao tại Trường Đại học Văn Hiến.

Theo đó, ngành Ngôn ngữ Trung Quốc có tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm là 92,33%; ngành Ngôn ngữ Nhật có tỉ lệ 92.31%; ngành Văn học có tỉ lệ 100%.

Theo đề án tuyển sinh 2024 của trường, mức học phí dự kiến từ 900,000 - 1,000,000đ/tín chỉ áp dụng tùy ngành và dự kiến không tăng trong suốt khóa đào tạo.

Thu Trang