Theo Báo cáo tóm tắt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, vẫn còn một số hạn chế.
Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo đầy đủ số 832/BC-UBTVQH15 ngày 17/5/2024 về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Ủy ban Thường vụ Quốc hội kính trình Quốc hội báo cáo tóm tắt như sau:
Về tình hình và kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri: Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.216 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực được nhiều cử tri quan tâm như: Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Giao thông Vận tải; Giáo dục, đào tạo; Nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, có 2.210 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,7%.
Tuy nhiên, còn một số hạn chế:
Đối với việc tập hợp, tổng hợp kiến nghị cử tri: Việc gửi Báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri qua các đợt tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau Kỳ họp thứ 6 của một số Đoàn đại biểu Quốc hội chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; có kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương vẫn được tập hợp yêu cầu các cơ quan Trung ương giải quyết.
Đối với Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương: Có 4 vấn đề lớn nhất được tổng hợp thông qua ý kiến cử tri. Cụ thể như sau:
Quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa thống nhất
Trong đó, quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa thống nhất nên còn vướng mắc, khó triển khai thực hiện, gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân:
Cụ thể, cử tri tỉnh Bắc Kạn phản ánh trong quá trình thực hiện chính sách khuyến khích để xét cấp học bổng đối với học sinh trường trung học phổ thông chuyên của Bắc Kạn có vướng mắc giữa quy định về hạnh kiểm, học lực với quy định đánh giá, xếp loại kết quả rèn luyện, kết quả học tập của học sinh.
Qua giám sát cho thấy, tại điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định số 84 ngày 17/7/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục (Nghị định số 84) quy định về đối tượng xét, cấp học bổng khuyến khích học tập: “Học sinh khối trung học phổ thông chuyên trong cơ sở giáo dục đại học, học sinh trường chuyên có hạnh kiểm tốt, học lực giỏi trong kỳ xét học bổng…”. Tuy nhiên, tại Thông tư số 22 ngày 20/7/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông (Thông tư số 22) lại đánh giá về kết quả rèn luyện và kết quả học tập của học sinh theo 04 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt, không đánh giá học sinh có hạnh kiểm tốt, học lực giỏi nên các địa phương không có cơ sở để triển khai thực hiện chính sách học bổng khuyến khích học tập theo Nghị định số 84.
Để giải quyết vướng mắc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 7103 ngày 19/12/2023, trong đó đề nghị các địa phương thực hiện chính sách học bổng khuyến khích học tập cho đối tượng xét, cấp học bổng khuyến khích học tập theo cách chuyển tương đương: Học sinh đạt kết quả “Rèn luyện đạt mức Tốt, kết quả học tập đạt mức Tốt” được tính tương đương như học sinh đạt kết quả “Hạnh kiểm tốt, học lực giỏi”. Tuy nhiên, công văn nêu trên chỉ là công văn hành chính, không thể dùng thay thế văn bản quy phạm pháp luật.
Học bổng khuyến khích học tập được quy định tại Nghị định số 84 là chính sách tốt đẹp hỗ trợ thiết thực về tài chính của Nhà nước dành cho học sinh khối trung học phổ thông chuyên trên phạm vi toàn quốc nhằm giảm bớt khó khăn về tài chính cho gia đình học sinh, đồng thời khuyến khích học sinh phấn đấu học tập nhưng chưa được triển khai hiệu quả trên thực tế do quy định thiếu thống nhất giữa Nghị định số 84 và Thông tư số 22.
Đây đều là các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu xây dựng trình Chính phủ ban hành hoặc trực tiếp ban hành.
Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương rà soát tổng thể trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 84 hoặc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 22 cho phù hợp với thực tiễn để kịp thời thực hiện học bổng khuyến khích học tập cho học sinh; đồng thời rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu xây dựng trình ban hành và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Phản ánh giáo viên phải dạy thêm giờ nhưng không được hưởng tiền lương dạy thêm giờ
Một hạn chế thứ hai là: Vẫn còn tình trạng giải quyết kiến nghị cử tri chưa thể hiện rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của một số Bộ, ngành Trung ương.
Theo đó, cử tri tỉnh Bình Dương phản ánh về việc giáo viên các trường học mầm non, các trường tiểu học, các trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Tân Uyên phải dạy thêm giờ do thiếu giáo viên nhưng không được hưởng tiền lương dạy thêm giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07 ngày 08/3/2013 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập (Thông tư liên tịch số 07).
Trả lời cử tri, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu: Chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 07 và đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện chi trả tiền lương dạy thêm giờ cho nhà giáo theo quy định.
Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa làm rõ về khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân dẫn đến việc giáo viên tại thành phố Tân Uyên không được hưởng lương dạy thêm giờ để đưa ra giải pháp giải quyết kiến nghị cử tri.
Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát việc thực hiện chi trả tiền lương dạy thêm giờ của giáo viên trên địa bàn thành phố Tân Uyên, cần làm rõ nguyên nhân không thực hiện chi trả tiền lương dạy thêm giờ cho giáo viên, trên cơ sở đó có giải pháp để giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri.
Ngoài ra, còn một số hạn chế khác được đề cập qua ý kiến kiến nghị của cử tri:
Còn có chính sách ưu đãi thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 chưa được đưa vào cuộc sống do văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định đầy đủ về đối tượng được thụ hưởng.
Việc giải quyết một số vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân cần có sự chỉ đạo, kiểm tra sát sao của Bộ, ngành cùng với sự phối hợp giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương.
Từ đó, kiến nghị: Đối với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội: Các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các Đoàn đại biểu Quốc hội nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý KNCT; đảm bảo tiến độ, thời gian gửi báo cáo tổng hợp KNCT sau khi đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri theo quy định.
Đối với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương: Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành giải quyết những hạn chế như đã nêu trong báo cáo; rà soát giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri.