Những năm gần đây, nhiều cơ sở giáo dục đại học hướng tới đào tạo đa ngành, chạy theo thị hiếu của thị trường. Hàng loạt các ngành mới ra đời, có những trường mở thêm cả chục ngành mới, thậm chí không phù hợp với thế mạnh cũng như sứ mạng của mình.
Việc trường đại học mở thêm các ngành mới sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho sinh viên lựa chọn ngành nghề theo học. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, việc mở ngành tràn lan, thiếu kiểm soát, ồ ạt chạy theo thị hiếu có thể dẫn nhiều hệ lụy, có trường không tuyển sinh được phải đóng ngành.
Sứ mệnh dạy kinh tế nhưng lại mở một loạt ngành kỹ thuật
Theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, năm nay nhà trường mở thêm 6 ngành mới bao gồm: Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin và Quan hệ lao động.
Trong khi đó, Chiến lược phát triển Trường Đại học Kinh tế Quốc dân giai đoạn 2021-2030 (Ban hành kèm theo Quyết định số 314/QĐ-ĐHKTQD, ngày 20/7/2021 của Hiệu trưởng) đã nêu sứ mệnh của trường là: "Tiên phong trong đổi mới, phát triển và phổ biến tri thức về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh; thu hút và đào tạo nhân tài; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phụng sự sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.
Đào tạo ra các nhà lãnh đạo và những doanh nhân hàng đầu của Việt Nam.
Trung tâm nghiên cứu xuất sắc, đề xuất xây dựng đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tư vấn giải pháp cho các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp".
Do đó, việc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mở một loạt ngành thiên về kỹ thuật cũng gây nhiều băn khoăn liệu có xa rời sứ mạng của trường hay không?
Trong khi đó, một số ngành được xem là truyền thống của trường lại tuyển sinh khó khăn. Ví dụ như năm 2022, ngành Kinh tế học chỉ tiêu của trường là 110 nhưng chỉ có 67 sinh viên trúng tuyển nhập học (chỉ đạt 60,9%); Ngành Kế toán chỉ tiêu của trường là 345 nhưng chỉ có 247 sinh viên trúng tuyển nhập học (chỉ đạt 71,6%).
Năm 2023, Ngành Kinh tế học, chỉ tiêu của trường là 125 nhưng chỉ có 78 sinh viên trúng tuyển nhập học (chỉ đạt 62,5%); Ngành Kế toán chỉ tiêu của trường là 345 nhưng chỉ có 254 sinh viên trúng tuyển nhập học (chỉ đạt 73,6%). Đó là những chỉ dấu cho việc các thế mạnh đào tạo của trường có thể đang bị mai một, không thu hút được tuyển sinh.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: Hiện nay, để mở ngành học mới các trường cần làm đề án mở ngành nêu rõ các tiêu chí đảm bảo chất lượng như đội ngũ giảng viên cơ hữu, chương trình đào tạo có đúng sứ mệnh khi thành lập trường hay không, đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là bao nhiêu, cơ sở vật chất có bao nhiêu phòng học, đảm bảo học trực tiếp và học trực tuyến như thế nào… Các trường đủ điều kiện sẽ được tự chủ mở ngành.
“Tuy nhiên, không thể để trường nào cũng có thể tùy tiện mở ngành ồ ạt. Nhiều trường ồ ạt mở ngành mới ra sau đó không tuyển sinh được phải đóng ngành gây ảnh hưởng đến người học. Bởi khi đã mở ngành, đã tuyển sinh mà lại đột ngột đóng ngành sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những sinh viên đã theo học".
Năm 2024, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mở thêm rất nhiều ngành về kỹ thuật, theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong gây nhiều băn khoăn rằng tại sao thế mạnh của trường là đào tạo kinh tế mà lại cần đào tạo Hệ thống thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Trí tuệ nhân tạo…
“Nhà trường cần chứng minh được ví dụ như những vấn đề của các ngành Kinh tế mà cần đến trí tuệ nhân tạo, hay cần đến kỹ thuật của hệ thống thông tin. Hoặc nhà trường cần chỉ rõ trong những ngành Kinh tế có bao nhiêu lĩnh vực cần đến Trí tuệ nhân tạo, hệ thống thông tin ngay bây giờ mà trường phải đào tạo ngay”, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong nhấn mạnh.
Cũng theo thầy Dong, để khắc phục tình trạng nhiều trường đại học mở ngành ồ ạt, xa rời sứ mệnh cũng như thế mạnh của mình cơ quan quản lý cần có quy định chặt chẽ hơn. Đồng thời cần có cơ quan thẩm định chất lượng các ngành mới mở này.
“Các trường cần nâng cao chất lượng đào tạo vì chất lượng là sự sống còn của trường, nguồn nhân lực của đất nước”, thầy Dong bày tỏ.
Chia sẻ với phóng viên, một số học sinh lớp 12 trên địa bàn thành phố Hải Phòng nói rằng, các em chọn ngành, chọn trường dựa trên nhiều yếu tố. Tuy nhiên, khi nghe tới việc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có thế mạnh đào tạo về kinh tế nhưng lại mở thêm 6 ngành kỹ thuật, các em thấy rất băn khoăn khi có nhu cầu lựa chọn những ngành này.
"Em và bạn bè có mong muốn học ngành liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Chúng em đã lập nhóm tìm hiểu, chia sẻ thông tin cho nhau về ngành này. Và thiên hướng là sẽ tìm đến các trường có thế mạnh về đào tạo kỹ thuật, công nghệ như Đại học Bách Khoa Hà Nội; Học viện Bưu chính Viễn thông; Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia) chứ sẽ không chọn ngành này của Đại học Kinh tế Quốc dân. Bởi giảng viên, cơ sở vật chất, các cơ hội phát triển, mối quan hệ với cộng đồng doanh nghiệp lĩnh vực này ở các trường có sứ mạng, thế mạnh về lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật sẽ ưu thế hơn trường thế mạnh về đào tạo kinh tế. Anh em từng là cựu sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng bất ngờ khi năm nay trường mở một loạt ngành thiên về kỹ thuật. Cũng tương tự, ngành Hệ thống thông tin cũng vậy. Theo em, trường có thế mạnh về lĩnh vực kỹ thuật sẽ có nhiều điều kiện tốt cho việc đào tạo ngành này", nam sinh Nguyễn Hải Đăng (Thành phố Hải Phòng) chia sẻ.
Một chuyên gia giáo dục cho rằng, trường công lập đào tạo cần gắn liền với sứ mệnh khi thành lập. Việc các trường chạy theo yếu tố kinh tế, mở rộng đào tạo ngành chạy theo thị hiếu nhưng không phải lợi thế của trường chỉ là sự "ăn xổi, ở thì". Dù quy định hiện hành không ngăn cấm bất cứ cơ sở đại học nào mở ngành học mới nếu đủ tiêu chuẩn nhưng việc nhiều trường lâu nay chỉ đào tạo ngành kỹ thuật, công nghệ mà mở thêm mã ngành kinh tế; nhiều trường chuyên đào tạo kinh tế lại lấn sân sang khối ngành kỹ thuật gây ra những lo ngại là có cơ sở. Phụ huynh, học sinh đang thiếu thông tin về nguồn nhân lực nên chỉ chạy theo những chuyên ngành được gọi là nóng, thời thượng… điều này rất nguy hiểm bởi nó có thể làm biến dạng cơ cấu về nhân lực của xã hội. Chỗ thừa thì thừa mà chỗ thiếu thì rất thiếu.
Mở ngành Hệ thống thông tin, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân căn cứ vào đâu?
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân hiện đã công khai Đề án mở ngành Hệ thống thông tin trên trang thông tin điện tử của trường. Trong đề án mở ngành, lý giải sự cần thiết mở ngành Hệ thống thông tin, nhà trường đã phân tích và dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực ngành Hệ thống thông tin; Phân tích và dự báo nhu cầu sử dụng nhân lực ngành Hệ thống thông tin; Phân tích và dự báo nhu cầu nhân lực và yêu cầu về năng lực người học sau khi tốt nghiệp; đồng thời chỉ ra xu hướng đào tạo ngành Hệ thống thông tin và sự phù hợp mở ngành đào tạo tại trường hiện nay.
Các kết quả khảo sát của trường đều cho về kết quả "đẹp".
Cũng trong đề án mở ngành nhà trường dẫn chứng tại buổi “Tọa đàm về nhu cầu nhân lực các ngành đào tạo mới trình độ đại học của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân” được tổ chức vào ngày 29/1/2024, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng việc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mở các ngành đào tạo mới thuộc lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin là hoàn toàn phù hợp với xu thế hiện nay cũng như chủ trương của Bộ về việc khuyến khích, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tuy nhiên, đại diện của Bộ cũng khuyến nghị nhà trường khi xây dựng chương trình đào tạo cho các ngành mới nên làm nổi bật sự ứng dụng của công nghệ trong các lĩnh vực Kinh tế, Quản lý và Quản trị Kinh doanh, vốn được coi là thế mạnh của Trường Đại học kinh tế Quốc dân.
Có bao nhiêu giảng viên cơ hữu tham gia giảng dạy ngành Hệ thống thông tin?
Theo đề án, giảng viên tham gia giảng dạy chương trình Hệ thống thông tin là các giảng viên từ Viện Công nghệ thông tin và kinh tế số kết hợp với Khoa Toán Kinh tế.
Số lượng viên chức và người lao động cơ hữu của Viện Công nghệ thông tin và kinh tế số là 30 người (28 giảng viên cơ hữu). Đội ngũ cán bộ, giảng viên gồm: 1 phó giáo sư, 12 tiến sĩ, 15 thạc sĩ, 2 chuyên viên.
Số lượng viên chức và người lao động cơ hữu của Khoa Toán Kinh tế là 48 người (46 giảng viên cơ hữu, 1 nghiên cứu viên chính, 01 chuyên viên). Đội ngũ giảng viên gồm: 1 giáo sư, 1 phó giáo sư, 16 tiến sĩ, 27 thạc sĩ.
Trong đó, danh sách giảng viên tham gia giảng dạy ngành Hệ thống thông tin được nhà trường liệt kê gồm 78 giảng viên cơ hữu (1 giáo sư, 2 phó giáo sư, 33 tiến sĩ, 40 thạc sĩ, 1 chủ nhiệm) và 3 giảng viên thỉnh giảng, kiêm giảng
Theo Đề án mở ngành Hệ thống thông tin của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thời gian dự kiến triển khai tổ chức thực hiện chương trình đào tạo là tháng 9/2024.
Giai đoạn thực hiện đề án mở ngành từ 2024 - 2028 (dự kiến 4 năm học/ 08 học kỳ). Nhà trường dự kiến tuyển sinh vào tháng 9/2024 và mỗi năm đều tuyển sinh thêm khóa mới. Chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến là 50 sinh viên/khóa/năm.
Từ tháng 9/2028 trở đi, dự kiến quy mô tuyển sinh là 100 sinh viên/ năm học tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất và số lượng giảng việc có đủ điều kiện giảng dạy hay không.
Bị đình chỉ hoạt động ngành đào tạo, trường xử lý sao?
Đề án mở ngành Hệ thống thông tin cũng đưa ra những phương án xử lý trong trường hợp nhà trường bị đình chỉ hoạt động ngành đào tạo.
Theo đó, đối với người học, trong trường hợp trường bị đình chỉ đào tạo ngành Hệ thống thông tin, sinh viên có thể được xem xét chuyển sang học một chương trình, một ngành đào tạo khác trong lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, hoặc chuyển cơ sở đào tạo theo Điều 16 Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ban hành quy chế đào tạo trình độ đại học.
Đối với người dạy (giảng viên), nhà trường sẽ sắp xếp giảng viên tham gia giảng dạy các học phần phù hợp chuyên môn ở các ngành khác trong trường. Hoặc nhà trường sẽ sắp xếp công việc, thỏa thuận với giảng viên theo quy định của pháp luật, hợp đồng làm việc…
Đối với cơ sở đào tạo và các bên liên quan, nhà trường sẽ xác định nội dung chưa phù hợp, tiến hành phân tích, đánh giá và thực hiện các giải pháp (theo từng trường hợp) để được cho phép hoạt động ngành trở lại.