"Người trong cuộc" nêu cách vận động xã hội hóa giáo dục có hiệu quả

26/06/2024 06:48
Trung Dũng

GDVN - Để tạo ra sự hiệu quả đối với hoạt động xã hội hóa giáo dục ở các trường công lập, trước hết cần phải làm đúng quy định, công khai, minh bạch kinh phí vận động.

Xã hội hóa giáo dục là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhất là trong điều kiện nguồn lực đầu tư của nhà nước cho giáo dục còn hạn chế như hiện nay. Qua ghi nhận, đa phần các ý kiến đều cho rằng, xã hội hóa giáo dục là giải pháp rất quan trọng và cần thiết để bổ sung và góp phần làm tăng tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo.

Đối với các trường công lập, hoạt động xã hội hóa giáo dục đã góp phần vào mục tiêu xây dựng trường, lớp ngày càng khang trang, sạch, đẹp, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh đến trường học tập, rèn luyện. Qua tìm hiểu tại rất nhiều trường học, mỗi năm các trường đều huy động xã hội hóa giáo dục từ phụ huynh học sinh, các “mạnh thường quân” một nguồn kinh phí để chỉnh trang khuôn viên, các công trình phụ trợ, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học... Điều này cho thấy, chủ trương xã hội hóa giáo dục đã, đang khai thác và phát huy tối đa tiềm năng của toàn xã hội đối với sự phát triển giáo dục.

GDVN_a1.png

Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực xã hội hóa lâu nay được coi là chủ đề "nhạy cảm" vì có không ít nhà trường đã làm "biến tướng" hoạt động này khiến cho xã hội có cái nhìn méo mó. Do đó, việc làm sao cho hoạt động xã hội hóa đi vào thực chất, có hiệu quả và tạo ra sự đồng thuận vẫn là điều khiến người trăn trở.

Trước thực tế đó, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận ý kiến của một số "người trong cuộc" có liên quan trực tiếp đến hoạt động này gồm: ngành giáo dục địa phương, nhà trường và nhà tài trợ để độc giả có cái nhìn bao quát hơn.

Không thể thiếu vắng vai trò của lãnh đạo ngành giáo dục địa phương

Chia sẻ dưới góc độ là quản lý ngành giáo dục địa phương, thầy Lê Thanh Kính - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, trong huy động nguồn lực xã hội hóa, để đạt hiệu quả thì sự quan tâm của Phòng Giáo dục và Đào tạo nhằm phối hợp với các trường trong công tác vận động là thực sự cần thiết.

Thầy Kính chia sẻ thêm: "Về cơ bản, điều kiện cơ sở vật chất tại các trường học trên địa bàn huyện Châu Đức trong những năm gần đây đã được đầu tư đầy đủ, khang trang. Vì thế, việc huy động nguồn lực xã hội hóa được ngành giáo dục Châu Đức hướng tới chủ yếu là hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Để đảm bảo tính thiết thực và ý nghĩa đối với việc huy động nguồn lực xã hội hóa, hằng năm Phòng Giáo dục và Đào tạo đều yêu cầu các trường trên địa bàn rà soát đối tượng cần sự trợ giúp của nguồn vận động xã hội hóa.

Trong đó, hướng dẫn các đơn vị thống kê và chia ra các nhóm đối tượng gồm: học sinh mồ côi có hoàn cảnh khó khăn và học sinh không mồ côi nhưng có hoàn cảnh khó khăn.

Sau khi nhà trường rà soát, sẽ gửi danh sách báo cáo về Phòng Giáo dục và Đào tạo về chế độ chính sách và phương tiện cần thiết mà các em đang thực sự cần để phục vụ cho hoạt động học tập. Từ đó, chúng tôi sẽ có tính toán đối với việc huy động nguồn lực ủng hộ.

Theo đó, ngoài nguồn tiền ủng hộ mà các trường kêu gọi được từ sự đóng góp xã hội hóa của cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh tại các trường thì Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng có sự chung tay. Đặc biệt, thông qua các đối tác và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện, chúng tôi cũng kêu gọi được sự ủng hộ của họ đối với hoạt động này".

Cũng theo lãnh đạo ngành giáo dục huyện Châu Đức, việc đa dạng trong huy động nguồn lực xã hội hóa đã giúp tất cả học sinh khó khăn đều có thẻ bảo hiểm y tế trước thời điểm thẻ bảo hiểm y tế cũ hết hạn.

Được biết, hạng mục mua thẻ bảo hiểm y tế, mua xe đạp để hỗ trợ học sinh khó khăn đã được ngành giáo dục huyện này chung tay cùng các trường học thực hiện trong nhiều năm nay.

Ảnh 1.jpg
Lê Thanh Kính - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: baobariavungtau.com.vn

Chia sẻ về cách làm của các trường trên địa bàn để tạo ra hiệu quả với hoạt động xã hội hóa, thầy Kính cho hay, sau khi rà soát trường hợp học sinh cần hỗ trợ thì tại các trường sẽ cho các lớp tổ chức vận động trước.

Nếu huy động từ các lớp không đủ thì giáo viên chủ nhiệm của các lớp đó sẽ báo cáo nhà trường, sau đó nhà trường huy động nguồn ủng hộ từ các lớp khác. Nếu vẫn không đủ, thì nhà trường sẽ báo cáo lại với Phòng Giáo dục và Đào tạo để bổ sung số kinh phí còn thiếu.

"Các khoản kinh phí được huy động từ nguồn xã hội hóa đều được công khai, minh bạch và lấy ý kiến từ các cuộc họp phụ huynh. Ai có nhiều thì đóng nhiều, ai có ít thì đóng ít, không ép buộc, vì thế việc đóng góp xã hội hóa không trở thành áp lực với phụ huynh. Từ đó cũng không nảy sinh những ý kiến bất bình giúp hoạt động xã hội hóa trong các trường từ đó cũng suôn sẻ hơn", lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức bày tỏ.

Thông tin thêm về một số kết quả đạt được từ việc huy động đa dạng nguồn lực xã hội hóa trong giáo dục, thầy Lê Thanh Kính cho hay, vì tạo được sự đồng thuận trong các nhà trường và sự tin tưởng từ các nhà tài trợ nên hiện nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng đã có kinh phí thường xuyên để hỗ trợ cho 4 học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Trong đó, 4 học sinh này được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng cho đến khi các em vào đại học. Ngoài ra, ngành Giáo dục huyện Châu Đức cũng đã vận động mạnh thường quân ủng hộ cho 11 học sinh khó khăn khác đang bị bệnh hiểm nghèo.

Về cách thức vận động hiệu quả, vị này cho biết, vẫn áp dụng thông qua việc tổ chức các cuộc thi để tìm kiếm nhà tài trợ. Đơn cử, Phòng Giáo dục và Đào tạo Châu Đức tổ chức giao lưu bóng đá, thông qua đó đã vận động được 30 phần quà cho các học sinh nghèo, mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng.

Chia sẻ thêm về cách làm để các doanh nghiệp, mạnh thường quân trên địa bàn "sẵn lòng" đóng góp khi vận động xã hội hóa, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức cho rằng, quá trình vận động cần đảm bảo sự công khai và đúng đối tượng.

"Khi vận động, Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ chủ động gửi thư ngỏ đến các doanh nghiệp trên địa bàn. Đây là những doanh nghiệp có nhiều hoạt động chăm lo cho an sinh xã hội và giáo dục. Thông qua đó, khi họ nắm bắt được việc vận động đó vào những hoạt động có ý nghĩa thì họ sẽ sẵn lòng để đồng hành", thầy Lê Thanh Kính nhấn mạnh.

Làm đúng luật, công khai khi vận động xã hội hóa là điều cần thiết

Từ phía nhà trường, thầy Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) cho rằng, để hoạt động xã hội hóa đạt được sự đồng thuận, trước hết các nhà trường cần phải bám sát quy định pháp luật và lựa chọn những nội dung vận động xã hội hóa trong khuôn khổ cho phép.

"Theo Thông tư 16 (Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho cơ sở giáo dục quốc dân - PV), các địa phương cũng đã có quy định chi tiết để các trường thực hiện. Tuy nhiên, không phải nhà trường nào cũng thực hiện đúng được điều đó.

Ở Nghệ An, ngành giáo dục và các địa phương cũng đã có văn bản quy định các bước để thực hiện. Nếu thực hiện được theo các bước đã được quy định thì rõ ràng hoạt động xã hội hóa sẽ diễn ra dân chủ, công khai. Ngược lại, nó sẽ trở nên biến tướng và không đảm bảo được nguyên tắc tự nguyện nếu các trường cố tình lách luật".

GDVN_a2.png
Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An). Ảnh: NVCC

Qua đó, theo quan điểm của thầy Tuấn Anh, mục đích mà hoạt động xã hội hóa hướng tới đa phần là tốt đẹp vì nó sẽ góp phần để hoàn thiện, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất phục vụ học tập cho học sinh hoặc hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

Tuy nhiên, có thể việc vận động và quá trình triển khai tại một trường học nào đó là tốt, đúng quy định, nhưng chỉ cần một vài ý kiến không thông suốt thì ngay lập tức nó sẽ tạo ra hiệu ứng đám đông. Từ đó nó trở thành sai quy định, không đảm bảo dân chủ và khiến phụ huynh hiểu sai về mục đích tốt đẹp của hoạt động xã hội hóa.

Vì thế, theo thầy Tuấn Anh, để đảm bảo được tính tự nguyện, dân chủ của hoạt động xã hội hóa thì nhà trường công khai, minh bạch các khoản thu chi. Bên cạnh đó, người đứng đầu nhà trường phải đồng hành cùng giáo viên chủ nhiệm trong công tác dân vận.

"Khi giải thích thấu đáo để phụ huynh thấy được lợi ích mà chính con của họ cũng được hưởng từ việc vận động xã hội hóa thì họ cũng không ngần ngại để đóng góp", Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương nói thêm.

Đáng nói, trong quá trình vận động xã hội hóa sẽ có đơn vị làm tốt nhưng cũng có những nơi luôn xảy ra những ý kiến trái chiều khi tổ chức vận động.

GDVN_a3.png
Mục đích mà hoạt động xã hội hóa hướng tới đa phần là tốt đẹp vì nó sẽ góp phần để hoàn thiện, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất phục vụ học tập cho học sinh. Ảnh: Trung Dũng

Về điều này, thầy Tuấn Anh cho biết: "Sẽ có hai nhóm trường làm tốt được công tác vận động xã hội hóa. Thứ nhất đó là nhóm trường có bề dày lịch sử và có thành tích giáo dục tốt. Tại những trường đó chắc chắn sẽ có những cựu học sinh thành đạt. Nếu có vận động thì phần lớn sẽ nhận được sự ủng hộ lớn từ lứa học trò thành đạt ấy.

Thứ hai là nhóm trường học đóng tại khu vực có nhiều doanh nghiệp hoạt động. Ở những địa phương này, nếu hiệu trưởng nhà trường có mối quan hệ tốt với các doanh nghiệp trên địa bàn đó thì chắc chắn hiệu quả xã hội hóa là rất cao.

Ngoài ra, đối với đối tượng là các doanh nghiệp thì việc lãnh đạo nhà trường lựa chọn những đơn vị có năng lực kinh tế và thực sự quan tâm đến giáo dục để vận động xã hội hóa sẽ được ủng hộ rất lớn. Quan trọng hơn hết, người đứng ra kêu gọi phải là người tạo được niềm tin đối với các nhà tài trợ đó.

Nói tóm lại, để việc vận động tạo ra được sự đồng thuận thì nhận thức của người đứng đầu nhà trường rất quan trọng. Trong đó, phải hướng đến lợi ích phục vụ học sinh và việc đồng thuận trước hết phải đạt được trong chính đội ngũ cán bộ, giáo viên của nhà trường. Nghĩa là người đứng đầu nhà trường phải nhìn thấy rõ được làm điều gì là cần thiết, cái gì cần đến sự vận động xã hội hóa thì mới kêu gọi".

Việc ủng hộ xã hội hóa giáo dục có ý nghĩa, nhà tài trợ sẵn sàng chi tiền

Dưới góc độ nhà tài trợ, doanh nhân Nguyễn Hữu Xuân - Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuân Phước Đạt cho rằng, để các doanh nghiệp, nhà hảo tâm "sẵn lòng" với việc ủng hộ kinh phí xã hội hóa thì vai trò đồng hành khi thực hiện của chính quyền địa phương, sự tri ân của ngành giáo dục sau mỗi lần đóng góp là rất cần thiết. Có như vậy mới khuyến khích được tinh thần ủng hộ bền vững từ phía các doanh nghiệp.

Được biết, doanh nhân Nguyễn Hữu Xuân là người đã bỏ kinh phí xây dựng công trình nhà 2 tầng với 10 phòng học khang trang và một số công trình phụ trợ trị giá 16,5 tỷ đồng cho Trường Tiểu học Xuân Thọ, xã Xuân Thọ, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa trong năm 2023.

ảnh 3.png
Doanh nhân Nguyễn Hữu Xuân - Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuân Phước Đạt. Ảnh: Báo Thanh Hóa

Theo tìm hiểu của phóng viên, Xuân Thọ là xã thuần nông của huyện Triệu Sơn. Những năm trước đây, đời sống của nhân dân còn khá vất vả, việc đi học của học sinh gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất học tập tại trường học thiếu thốn. Trong đó, Trường Tiểu học Xuân Thọ bị xuống cấp trầm trọng với những mảng tường bị bong tróc, rêu phong vì thời gian, nền xi-măng ẩm thấp, bàn ghế cũ kỹ. Công trình được doanh nhân Nguyễn Hữu Xuân tài trợ khởi công xây dựng từ tháng 2/2023. Sau 6 tháng, ngôi trường mới đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng giúp học sinh, giáo viên ở đây có nơi học tập đầy đủ, khang trang hơn.

Ngoài công trình Trường Tiểu học Xuân Thọ, doanh nhân Nguyễn Hữu Xuân cũng đã ủng hộ xây dựng một số công trình đường giao thông, mương thoát nước, cổng làng và nhiều hạng mục công trình khác trên địa bàn với tổng kinh phí trên 40 tỷ đồng.

Chia sẻ về nguyên nhân để làm những điều đó, anh Xuân cho biết, trong một lần về thăm quê, nhìn thấy Trường Tiểu học Xuân Thọ - nơi bản thân đã từng theo học bị xuống cấp, thiếu thốn, anh đã rất trăn trở. Do đó, anh quyết định đầu tư xây dựng để cho những thế hệ tương lai được phát triển toàn diện với mong muốn sẽ có nhiều người con, người em thành đạt hướng về quê hương, góp phần để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, nâng cao đời sống cho người dân, giúp cho những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, trở thành các công dân có tri thức.

Doanh nhân Nguyễn Hữu Xuân bày tỏ: "Động lực đầu tiên để bỏ kinh phí cho việc xây trường học ở quê hương là tôi muốn tri ân nhà trường, tri ân các thầy cô giáo đã dạy dỗ tôi. Đồng thời, đánh thức lòng hảo tâm của bạn bè, những người thành đạt hướng về quê hương để cùng chung tay làm đổi thay bộ mặt làng quê".

Ảnh 7.png
Ảnh minh họa: Trung Dũng

Qua trao đổi, vị Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuân Phước Đạt nhận định rằng, địa phương nào có người đứng đầu tâm huyết trong hoạt động vận động xã hội hóa cho giáo dục thì chắc chắn địa phương đó sẽ thu hút được nhiều nhà tài trợ.

"Trên thực tế khi biết tôi có ý định ủng hộ xây trường học ở quê hương, lãnh đạo từ cấp huyện đến cấp xã đều hết lòng ủng hộ. Dù có mong muốn hỗ trợ nhưng nếu không được địa phương đồng hành, tạo thuận lợi về các khâu thủ tục và giấy tờ pháp lý để triển khai thì ý định của tôi cũng khó thành hiện thực.

Trong đó, quan trọng nhất là khâu hỗ trợ, tư vấn để làm sao thiết kế không gian phòng học vừa đúng với ý tưởng của mình nhưng vẫn phù hợp với tiêu chuẩn phòng học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu".

Ngoài ra, vị doanh nhân này cũng cho hay, trong việc kêu gọi tinh thần của doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia vào hoạt động xã hội hóa giáo dục thì tổ chức mặt trận và công tác dân vận cũng đóng vai trò quan trọng.

Qua đó, anh Xuân cho rằng, có thể nhiều doanh nghiệp có kinh phí để tham gia xã hội hóa nhưng nếu việc kêu gọi không làm cho doanh nghiệp thấy được khó khăn, thiếu thốn thì họ cũng không sẵn lòng chi tiền.

"Đối với các doanh nghiệp không nằm trên địa bàn kêu gọi xã hội hóa thì hiệu quả nhất để họ nắm được là thông qua các dịp lễ hội lớn do địa phương tổ chức hoặc các dịp họp đồng hương. Thông qua những dịp như vậy nếu lãnh đạo địa phương vừa phát động kêu gọi vừa có lời mời chân thành với các doanh nghiệp thì họ sẽ luôn sẵn sàng đóng góp.

Quan trọng nhất, phải cho các nhà hảo tâm thấy được việc huy động xã hội hóa đó được dùng vào những hoạt động có ý nghĩa", Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuân Phước Đạt nói.

Ngoài ra, vị này cũng cho rằng, sau mỗi chương trình vận động xã hội hóa, lãnh đạo địa phương cũng nên có sự tri ân họ vào những dịp thích hợp, đó có thể là tặng bằng khen, quà lưu niệm để ghi nhận sự đóng góp của họ. Việc làm này không phải để đánh bóng tên tuổi cho cá nhân nào mà cho thấy sự giúp sức của các doanh nghiệp, mạnh thường quân trong hoạt động xã hội hóa đã được chính quyền và cộng đồng ghi nhận, từ đó cho thấy đồng tiền họ bỏ ra là thiết thực, giúp ích cho nhiều người.

Rõ ràng, việc huy động xã hội hóa trong giáo dục là cần thiết trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế. Các địa phương nếu có cách triển khai phù hợp, công khai, minh bạch thu chi, sử dụng nguồn lực tài trợ hiệu quả chắc chắn sẽ thu hút ngày càng được nhiều hơn nữa những doanh nhân, “mạnh thường quân” sẵn sàng tài trợ để cơ sở vật chất trường lớp, điều kiện học tập của học sinh ngày càng tốt hơn.

Trung Dũng