Đánh giá viên chức, xếp thi đua nhiều điểm mới nhưng sáng kiến vẫn quan trọng

25/05/2024 06:44
NGUYÊN KHANG

GDVN - Một số danh hiệu, hình thức thi đua cao vẫn yêu cầu có sáng kiến mới đủ điều kiện nên sáng kiến vẫn có một vị thế đặc biệt trong việc xét viên chức, xét thi đua.

Thời điểm này, các trường đã và đang thực hiện việc xét loại viên chức và xét thi đua cuối năm học 2023-2024 cho cán bộ, giáo viên, nhân viên của đơn vị mình để ra quyết định công nhận xếp loại viên chức và đề nghị cấp trên xét, công nhận các danh hiệu thi đua cho cá nhân và tập thể.

Điều đặc biệt là bắt đầu từ năm học 2023-2024, các nhà trường thực hiện xét viên chức theo hướng dẫn của Nghị định 48/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và xét thi đua theo hướng dẫn của Luật Thi đua, khen thưởng 2022.

Việc xét viên chức và xét thi đua có những điểm mới, xét viên chức ở mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không nhất thiết phải có sáng kiến; xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở cũng không bắt buộc phải sáng kiến kinh nghiệm đạt giải.

Thế nhưng, nếu không có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải liệu giáo viên có dễ dàng được xét viên chức ở mức cao nhất và xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở hay không? Hơn nữa, một số danh hiệu, hình thức thi đua cao vẫn yêu cầu phải có sáng kiến kinh nghiệm mới đủ điều kiện. Vì thế, sáng kiến kinh nghiệm vẫn có một vị thế rất đặc biệt trong việc xét viên chức và xét thi đua ở các nhà trường.

sang_kien_1.jpg
Ảnh minh họa: Báo Lao động

Sáng kiến kinh nghiệm vẫn rất…quan trọng

Chúng tôi cho rằng sáng kiến kinh nghiệm được cấp có thẩm quyền chấm đạt giải vẫn rất quan trọng đối với từng cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các nhà trường.

“Quan trọng” không hẳn là những sáng kiến kinh nghiệm đem lại những giá trị thực tiễn cho cá nhân người thực hiện, cho đơn vị công tác của họ vì thực tế có không ít sáng kiến kinh nghiệm đạt giải chỉ là những ý tưởng nằm trên giấy, công nhận giải xong thì không được triển khai, áp dụng trong công việc.

Thế nhưng, sự “quan trọng” của sáng kiến kinh nghiệm là nó sẽ giúp cho những cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các nhà trường có thêm một tiêu chí danh giá để họ tự đánh giá và nhà trường nhìn vào để xếp loại viên chức và xét thi đua cho họ.

Theo hướng dẫn của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 thì những viên chức được xếp loại Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải hoàn thành các chỉ tiêu được giao và có ít nhất 50% chỉ tiêu hoàn thành vượt mức. Trong khi, nhiều trường học hiện nay đang đưa ra những chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ được giao và cách tính chỉ tiêu vượt mức đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên của đơn vị luôn có sáng kiến kinh nghiệm.

Điều dễ dàng nhìn thấy là sáng kiến kinh nghiệm đạt giải được tính 1 chỉ tiêu vượt mức và chỉ tiêu vượt mức này vẫn được đánh giá cao hơn các chỉ tiêu vượt mức khác vì lâu nay sáng kiến kinh nghiệm vẫn được đề cao ở các nhà trường- đứng trên các thành tích của các phong trào và hội thi khác.

Thực tế, giai đoạn thực hiện Nghị định 56/2015/NĐ-CP về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức thì mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải có sáng kiến kinh nghiệm và xét thi đua những năm qua từ danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên bắt buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải.

Vì thế, cho dù năm nay là năm đầu tiên các nhà trường thực xét viên chức theo hướng dẫn của Nghị định 48/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP và xét thi đua theo hướng dẫn của Luật Thi đua, khen thưởng 2022 thì sáng kiến kinh nghiệm vẫn luôn có một ưu thế không hề nhỏ ở các trường học.

Vì sao sáng kiến kinh nghiệm vẫn chiếm ưu thế trong xét loại viên chức và xét thi đua?

Đối với thành tích của giáo viên ở các trường học thì ngoài hiệu quả giảng dạy (tỉ lệ học sinh giỏi/tốt) mà giáo viên đạt được trong năm học, một số phong trào được đề cao là viết sáng kiến; làm đồ dùng dạy học; ôn thi học sinh giỏi; thi giáo viên giỏi; duy trì sĩ số; thu các khoản tiền trường đầy đủ…sẽ được tính vào các chỉ tiêu vượt mức.

Trong khi đó, ôn thi học sinh giỏi thì mỗi môn chỉ cần 1 giáo viên và không phải giáo viên nào ôn thi cũng có học sinh đạt giải. Thi giáo viên chủ nhiệm giỏi; thi giáo viên dạy giỏi thì phải theo chu kỳ 2 năm/ lần đối với cấp huyện và 4 năm/ lần đối với cấp tỉnh.

Thu các khoản tiền trường hay duy trì sĩ số lớp học phải là những giáo viên chủ nhiệm mới có thể thực hiện được…Chính vì thế, chỉ có phong trào sáng kiến kinh nghiệm là cán bộ, giáo viên, nhân viên nào cũng có thể viết được hằng năm.

Sự mặc định, đề cao sáng kiến kinh nghiệm cũng là điều dễ hiểu vì nó đã tồn tại, chi phối quá lâu trong việc đánh giá, xếp loại viên chức và xét thi đua của cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các nhà trường công lập.

Vì vậy, khi xét viên chức, nhất là từ năm nay đã bị khống chế chỉ xét tối đa 20% ở mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nên những giáo viên có sáng kiến kinh nghiệm cũng thường có một lợi thế cộng vào các chỉ tiêu vượt mức. Khi có nhiều thành tích cộng lại sẽ là một ưu thế so với các đồng nghiệp trong đơn vị.

Xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở thì theo hướng dẫn tại Điều 23 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 quy định như sau: “Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” để tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau đây:

1. Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;

2. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận.”

Như vậy, nếu không có sáng kiến thì viên cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các nhà trường phải đạt xếp loại viên chức ở mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhưng, nếu không có sáng kiến kinh nghiệm thì dễ gì được xếp loại Hoàn thành xuất sắc khi chỉ tiêu chỉ còn có 20%.

Bên cạnh đó, các danh hiệu thi đua từ chiến sĩ thi đua cấp tỉnh trở lên; hình thức khen thưởng từ Bằng khen cấp tỉnh (thành phố) trở lên đều bắt buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm.

Điều này cho thấy sáng kiến kinh nghiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các nhà trường công lập vẫn luôn được đề cao. Muốn có thành tích, muốn được xếp loại viên chức ở mức cao, muốn có danh hiệu thi đua và khen thưởng ở mức cao thì việc đương nhiên là phải có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải.

Càng nhiều sáng kiến càng chiếm ưu thế cho viên chức trong xếp loại viên chức và xét thi đua hằng năm. Thực tế cho thấy, giáo viên vẫn đang miệt mài viết, hy vọng vào sáng kiến kinh nghiệm bởi họ thừa hiểu nếu không có sáng kiến sẽ bất lợi trong xét viên chức và xét thi đua.

Vì thế, những sáng kiến kinh nghiệm vẫn được ra đời, cho dù đó là những đề tài có chất lượng thực tiễn hay những đề tài trên giấy thì những cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường học muốn có danh hiệu thi đua bắt buộc phải viết, phải có sáng kiến đạt giải.

Có danh hiệu thi đua cao cũng đồng nghĩa với lợi ích đi kèm khi mức tiền khen thưởng cao hơn; được xét nâng lương trước hạn; được chia tiền thu nhập tăng thêm (đối với những nơi có chủ trương này) cao hơn nên một bộ phận giáo viên dù muốn, dù không vẫn tiếp tục viết sáng kiến kinh nghiệm.

Bởi, không có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải thì quyền lợi cá nhân bị ảnh hưởng mà khi quyền lợi bị ảnh hưởng thì viên chức ở các trường công lập sẽ tìm cách khắc phục. Việc viết sáng kiến kinh nghiệm để hy vọng đạt giải là điều mà nhiều giáo viên đã và đang hướng đến- cho dù việc xét thi đua và đánh giá, xếp loại viên chức đã có một số điểm mới từ năm học 2023-2024 này.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG