Điểm mới trong tuyển sinh của Khoa Kỹ thuật hạ tầng và Môi trường đô thị - HAU

31/05/2024 09:44
Mạnh Đoàn

GDVN - Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam - Trưởng khoa Kỹ thuật hạ tầng và Môi trường đô thị chia sẻ về những điểm mới trong tuyển sinh năm 2024 của đơn vị. 

Khoa Kỹ thuật hạ tầng và Môi trường đô thị (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) hiện đào tạo ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông và ngành Kỹ thuật cơ sở hạ tầng (với 3 chuyên ngành: Chuyên ngành Kỹ thuật hạ tầng đô thị; Chuyên ngành Kỹ thuật môi trường đô thị; Chuyên ngành Công nghệ cơ điện công trình).

chi-tieu-tuyen-sinh-2024 khoa-ky-thuat-ha-tang-va-moi-truong-do-thi-HAU.JPG
Chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy năm 2024 của Khoa Kỹ thuật hạ tầng và Môi trường đô thị (khoanh màu đỏ). (Ảnh: website nhà trường)

Trong những năm vừa qua, Khoa Kỹ thuật hạ tầng và Môi trường đô thị có sự thay đổi trong phương thức xét tuyển và năm 2024 Khoa tăng 50 chỉ tiêu tuyển sinh.

Để tìm hiểu thêm về nội dung trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam - Trưởng Khoa Kỹ thuật hạ tầng và Môi trường đô thị, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

PV:Trong ba năm qua, Khoa Kỹ thuật hạ tầng và Môi trường đô thị có sự thay đổi trong tỷ lệ phương thức xét tuyển.

Cụ thể, năm 2022, nhà trường dành 70% chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả học tập tốt nghiệp trung học phổ thông; 15% chỉ tiêu được xét tuyển dựa vào kết quả đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và 15% chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Đến năm 2023, Khoa dành 40% chỉ tiêu xét tuyển cho phương thức xét tuyển dựa điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông; 60% chỉ tiêu xét tuyển còn lại dành cho xét kết quả học tập tốt nghiệp trung học phổ thông (giảm 10%) chứ không xét tuyển dựa vào kết quả năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Năm 2024, Khoa giữ nguyên tỷ lệ xét tuyển trong 2 phương thức như năm 2023.

Xin thầy cho biết vì sao Khoa dừng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và dành 40% chỉ tiêu xét tuyển dựa trên điểm thi trung học phổ thông?

daihockientruc-bnkdt120241-1692.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam - Trưởng khoa Kỹ thuật hạ tầng và Môi trường đô thị, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. (Ảnh: NTCC)

Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam: Qua 1 năm xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, thực tế cho thấy số lượng các hồ sơ nộp vào các ngành của khoa rất ít. Trong khi đó, Khoa có thể tuyển thí sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông với kết quả cao.

Việc đơn giản các phương thức tuyển sinh cũng giúp thí sinh thuận lợi hơn khi đăng ký nguyện vọng, giảm thiểu trục trặc, rủi ro cho thí sinh.

Bên cạnh đó, đơn vị tuân thủ đúng hướng dẫn tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo là khuyến khích các trường đại học xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Vì vậy, Khoa đã đề xuất Hội đồng tuyển sinh của nhà trường điều chỉnh tỷ lệ và phương thức xét tuyển như trên.

PV:Tiêu chí và cách thức trong xét tuyển học bạ của Khoa ra sao, thưa tiến sĩ?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam: Đối với phương thức xét tuyển học bạ, Khoa xét tuyển sớm dựa trên kết quả học tập của 5 học kỳ đầu của 3 năm trung học phổ thông (theo đúng đề án tuyển sinh của nhà trường và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Điểm sàn xét tuyển theo phương thức này vào nhóm ngành của khoa năm nay là 18 điểm (cho tổ hợp 3 môn xét tuyển) và không có môn nào dưới 5 điểm.

PV: Năm 2024, Khoa giữ nguyên tỷ lệ chỉ tiêu với 2 phương thức xét tuyển như năm 2023 và tăng thêm 50 chỉ tiêu. Xin thầy chia sẻ lý do?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam: Năm 2023, Khoa rất thành công trong công tác tuyển sinh khi đạt chỉ tiêu theo đề án và chất lượng điểm đầu vào ở mức cao so với các khối ngành kỹ thuật của nhà trường và các cơ sở đào tạo khác. Do vậy, năm nay Khoa vẫn đề xuất giữ nguyên tỷ lệ và phương thức xét tuyển như năm trước.

Trên cơ sở điểm trúng tuyển các năm 2022, 2023 đều tăng, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp gửi về Khoa/Trường rất nhiều, năng lực đào tạo, đội ngũ giảng viên vượt trội so với quy mô đào tạo hiện tại... nên Khoa đã đề xuất tăng 50 chỉ tiêu ở năm 2024.

sinh-vien-khoa-ky-thuat-moi-truong-va-do-thi-truong-dai-hoc-kien-truc-ha-noi (3).jpg
Khoa Kỹ thuật hạ tầng và Môi trường đô thị tổ chức sự kiện "Gặp gỡ và định hướng nghề nghiệp sinh viên chuyên ngành Công nghệ cơ điện công trình" nhằm giải đáp những thắc mắc cho sinh viên trong quá trình học tập và định hướng công việc sau này. (Ảnh: NVCC)

PV: Qua quan sát cho thấy, điểm chuẩn các ngành/chuyên ngành của Khoa (nhóm ngành 4) trong ba năm qua có biến động nhẹ (năm 2021, mức điểm chuẩn là 20; năm 2022 là 22,5 và năm 2023 là 21,45)

Thầy vui lòng chia sẻ về sự biến động về mức điểm chuẩn trên?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam: Như đã đề cập ở trên, kết quả tuyển sinh những năm qua của Khoa đều đạt, mức điểm chuẩn xét tuyển vào các ngành của Khoa cũng ở mức phù hợp để vừa đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh đề ra, vừa đảm bảo chất lượng tuyển sinh đầu vào.

Với chỉ tiêu tuyển sinh và việc đăng ký nộp hồ sơ xét tuyển sớm như năm nay, dự kiến điểm chuẩn của nhóm ngành 4 vào Khoa sẽ không có thay đổi lớn (dự kiến chênh lệch 0,5 điểm so với năm trước).

PV: Năm 2024, Khoa có điểm mới nào trong chương trình đào tạo, thực hành, thực tập, hoạt động nghiên cứu khoa học… , thưa thầy?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam: Năm 2024 là năm bản lề, năm kỷ niệm 55 năm thành lập Khoa, và đơn vị cũng đang thực hiện công tác kiểm định cho các chương trình đào tạo.

Dự kiến, năm nay Khoa sẽ có nhiều hoạt động để chào mừng và hưởng ứng. Điển hình là hội thảo khoa học “Phát triển hạ tầng đô thị xanh thông minh”; triển lãm về ngành và hội chợ tư vấn việc làm; các buổi tham quan chuyên môn phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị bên ngoài sẽ được tổ chức...

sinh-vien-khoa-ky-thuat-moi-truong-va-do-thi-truong-dai-hoc-kien-truc-ha-noi (1).jpg
Các sinh viên của Khoa được đi thực tế ngoài công trường (Ảnh: NVCC)

PV: Ngành Kỹ thuật cơ sở hạ tầng có 3 chuyên ngành gồm Kỹ thuật hạ tầng đô thị; Kỹ thuật môi trường đô thị và Công nghệ cơ điện công trình.

Thầy có thể chia sẻ về điểm giống và khác trong đào tạo 3 chuyên ngành trên, để thí sinh lựa chọn đúng chuyên ngành phù hợp với năng lực.Nếu thí sinh chọn chưa đúng chuyên ngành phù hợp với năng lực, thí sinh có thể bổ sung kiến thức, kỹ năng ra sao để ra trường làm đúng chuyên ngành mình thích, thưa tiến sĩ?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam: Các chuyên ngành trên đều hướng tới đào tạo các kỹ sư kỹ thuật cơ sở hạ tầng, cùng đóng góp chuyên môn, kiến thức để thiết kế, xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, giúp cho đô thị được hiện đại, đáng sống.

Chương trình đào tạo 3 chuyên ngành trên được xây dựng tích hợp, linh hoạt giúp cho người học nắm bắt được các kiến thức chung, kiến thức cơ sở ngành và kiến thức chuyên ngành chuyên sâu như theo chuẩn đầu ra đã đề cập trong các chương trình đào tạo.

Người học cũng có điều kiện học liên thông ngang để thuận lợi cho quá trình hoàn thành các học phần. Sinh viên các chuyên ngành có cơ hội học nhóm, làm đồ án nhóm, để có thể chia sẻ, tự học hỏi kiến thức chuyên sâu...

Vì vậy, sinh viên khi ra trường có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực liên quan, cũng có thể học bổ sung thêm các kiến thức gần để có thể làm việc hoặc xét tuyển học tập ở bậc sau đại học các ngành liên quan.

PV: Cơ hội việc làm đối với sinh viên của Khoa trong những năm gần đây ra sao nhất là khi đô thị tại các thành phố ngày càng phát triển, thưa tiến sĩ?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam: Vấn đề việc làm sau khi ra trường luôn được người học và xã hội quan tâm. Lãnh đạo Khoa đã nhiều lần trao đổi và chia sẻ trên các hệ thống thông tin, truyền thông của nhà trường và các cơ quan báo chí.

Có thể nói, các đô thị ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao thì không thể thiếu vai trò, trách nhiệm của các kỹ sư kỹ thuật cơ sở hạ tầng.

Các kỹ sư kỹ thuật cơ sở hạ tầng đóng góp nguồn nhân lực để góp phần xây dựng đồng bộ, hiện đại hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đô thị, đảm bảo theo các xu hướng phát triển đô thị trong tương lai như: đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị đáng sống…

PV: Khoa có những chương trình học bổng nào dành cho sinh viên, thưa thầy?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam: Khoa luôn quan tâm đến người học, lấy người học làm trung tâm, và luôn bên cạnh, sát cánh cùng các em. Các em có hoàn cảnh khó khăn hoặc được kết quả tuyển sinh đầu vào cao nhất… luôn được các thầy cô cố vấn học tập quan tâm, chia sẻ và thông tin lại cho Ban lãnh đạo Khoa để kịp thời động viên, chia sẻ, khuyến khích, giúp các em yên tâm học học tập.

Khoa luôn duy trì một khoản kinh phí do các cơ quan, doanh nghiệp tài trợ để dành khen thưởng, trao học bổng cho tân sinh viên hoặc trong buổi trao bằng tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiều thầy cô trong khoa cũng luôn sẵn sàng đóng góp, ủng hộ đột xuất cho các em khi gặp hoàn cảnh khó khăn như dịch bệnh, thiên tai,…

PV: Thầy vui lòng chia sẻ thêm về các thành tích của Khoa?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam: Với bề dày truyền thống đào tạo như đề cập ở trên, tập thể Khoa và cá nhân các thầy cô trong khoa đã nhận được nhiều bằng khen các cấp như: Huân chương lao động hạng 2, bằng khen của Thủ tướng chính phủ, bằng khen của Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Bằng khen của các Hội nghề nghiệp như: Hội đồng giải thưởng Loa Thành, Hội Quy hoạch phát triển đô thị; Hội Cấp thoát nước Việt Nam.

sinh-vien-khoa-ky-thuat-moi-truong-va-do-thi-truong-dai-hoc-kien-truc-ha-noi (2).jpg
sinh-vien-khoa-ky-thuat-moi-truong-va-do-thi-truong-dai-hoc-kien-truc-ha-noi (5).jpg
Sinh viên của Khoa Kỹ thuật hạ tầng và Môi trường đô thị tham gia các cuộc thi. (Ảnh: NVCC)

Các giảng viên trong Khoa cũng thường xuyên tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp như: Cấp Bộ, cấp Tỉnh, cấp trường…đóng góp lớn vào quá trình chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp và xã hội.

Phong trào học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên trong khoa cũng có nhiều điểm sáng, nhiều sinh viên của khoa đã đạt các giải cao trong các cuộc thi như: đạt giải nhất, nhì, ba cuộc thi Olympic cơ học toàn quốc, môn Thủy Lực;

Đạt giải ba, giải khuyến khích cuộc thi sinh viên khởi nghiệp toàn quốc; giải ba VIFOTEC, giải thưởng Holcim Awards và nhiều giải thưởng dành cho các đồ án tốt nghiệp xuất sắc hằng năm.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn thầy.

Chia sẻ thêm về quá trình hình thành và phát triển của Khoa Kỹ thuật hạ tầng và Môi trường đô thị, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam cho hay, đơn vị là một trong những Khoa có bề dày truyền thống đào tạo; là 1 trong 2 Khoa được thành lập từ ngày thành lập trường. Đến tháng 9/2024, Khoa kỉ niệm 55 năm thành lập.

Sự hình thành và phát triển của Khoa đã được đăng tải chi tiết trên website của Khoa.

Trong đó, nổi bật là sự phát triển không ngừng về các ngành nghề được đào tạo như: Từ năm 1998 trở về trước khoa được giao nhiệm vụ đào tạo 2 chuyên ngành là Cấp thoát nước và Kỹ thuật hạ tầng đô thị.

Đến năm 2004, Khoa đã mở thêm chuyên ngành Kỹ thuật môi trường đô thị; Năm 2015 mở thêm ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông và năm 2019 mở thêm chuyên ngành Công nghệ cơ điện công trình.

Đội ngũ giảng viên của đơn vị cũng không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Nhiều giảng viên là cựu sinh viên của Khoa, họ từng đơn vị tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc của các chuyên ngành được đào tạo và không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn.

Hiện số lượng các giảng viên là tiến sĩ trở lên chiếm gần 40%, được đào tạo từ các cơ sở đào tạo uy tín ở trong và nước ngoài, nhiều giảng viên đang tiếp tục học lên.

Mạnh Đoàn