Du học "bán phần" ngành Kiến trúc, Kiến trúc nội thất ở Úc, Pháp có gì đặc biệt?

04/06/2024 06:42
Mạnh Đoàn

GDVN - Sinh viên Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội (HAU) có cơ hội học tập ở cả Việt Nam và nước ngoài như Úc, Pháp.

Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) hiện có 3 chương trình đào tạo liên kết quốc tế cho thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông chọn lựa theo học.

Cụ thể, chương trình Cử nhân Kiến trúc nội thất (liên kết với ĐH Curtin - Úc, học bằng tiếng Anh, trong đó 2 năm học tại Hà Nội và 2,5 năm tại Úc, bằng do ĐH Curtin cấp);

Chương trình Cử nhân Kiến trúc Pháp (liên kết với trường ĐH Kiến trúc Quốc gia Normandie - Cộng hòa Pháp, học bằng tiếng Pháp, có thể học hoàn toàn tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội hoặc chuyển tiếp sang Pháp) và Chương trình tiên tiến ngành Kiến trúc (bằng do Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cấp, học bằng tiếng Anh).

Vậy những chương trình cử nhân trên có gì đặc biệt về đào tạo và cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Chiến Thắng - Viện trưởng Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) có những chia sẻ về nội dung trên.

z5488033074565_a25565c0439ddcef4f525714109ba906.jpg
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Chiến Thắng - Viện trưởng Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế. (Ảnh: NVCC)

PV: Đối với kiến trúc các công trình xây dựng, vật liệu xây dựng của những nước như Pháp, Úc, có điểm gì đặc biệt, khác với Việt Nam? Sinh viên được trau dồi kiến thức, kỹ năng về kiến trúc, vật liệu xây dựng của những nước trên ra sao để có thể áp dụng khi làm việc tại Việt Nam?

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Chiến Thắng: Các nước như Pháp, Úc có truyền thống kiến trúc lâu đời và đều là những quốc gia có truyền thống đào tạo kiến trúc và nội thất tiên tiến trên thế giới. Trong đó, kiến trúc Pháp không chỉ nổi tiếng với các công trình theo phong cách Gothic, Phục Hưng, Baroque, đặc biệt là Cổ điển Pháp và sau đó là các công trình hiện đại, sau hiện đại và đương đại.

Các kiến trúc sư Pháp đã đóng góp những phong cách và công trình quan trọng cho thế giới, trong đó có Việt Nam. Chúng ta đã công nhận các công trình thời Pháp thuộc là một trong những di sản kiến trúc và văn hóa quan trọng của chúng ta.

Trong đào tạo kiến trúc sư, các trường đại học mỹ thuật quốc gia (École des Beaux-Arts) giảng dạy phong cách kiến ​​trúc hàn lâm từ thế kỷ 19. Điều này đã góp phần đào tạo các kiến trúc sư đầu tiên của Việt Nam ở thế kỷ 20.

Hiện tại, các phương pháp đào tạo kiến trúc sư của Pháp luôn nằm trong top của thế giới.

Còn ở Úc, Đại học Curtin luôn nằm trong top các trường đại học kiến trúc nội thất uy tín nhất. Năm 2022, Đại học Curtin đứng thứ 51 thế giới về đại học kiến trúc theo bảng xếp hạng Bảng xếp hạng đại học thế giới Quacquarelli Symonds (QS World University Rankings).

Là quốc gia "trẻ" nhưng kiến trúc Úc lại đi đầu thế giới trong các giải pháp thiết kế thân thiện với môi trường.

du-hoc-ban-phan-quoc-te-vien-dao-tao-va-hop-tac-quoc-te-hau.png
Sinh viên Chương trình Cử nhân Kiến trúc Pháp thực hành làm gạch lát từ chất liệu gốm tại Xưởng gốm Chi. (Ảnh: NVCC)

Đó là kiến trúc xanh, hướng tới việc tạo dựng môi trường xây dựng bền vững trong tương lai thông qua các chiến lược thiết kế thụ động, thiết kế chủ động, tái chế vật liệu, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo bền vững với môi trường, nâng cao chất lượng môi trường trong nhà, sử dụng nước hiệu quả… Bên cạnh đó, Úc cũng luôn là nước có các thành phố đáng sống nhất trên thế giới, trong đó Perth (nơi có đại học Curtin) luôn nằm trong top 10 của bảng xếp hạng.

Với những lợi thế như vậy, các bạn sinh viên theo học trong chương trình sẽ có những thuận lợi được học trong những môi trường tiên tiến nhất, đẳng cấp cao nhất, cập nhật những kiến thức, kỹ năng và thái độ chuyên nghiệp trong thiết kế kiến trúc. Từ đó, sinh viên có thể dễ dàng thích ứng những môi trường làm việc chuyên nghiệp trong tương lai, trong đó có Việt Nam.

PV: Sinh viên học ngành Kiến trúc, Kiến trúc nội thất (Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế) có điểm tương đồng và sự khác biệt nào giữa hai ngành học này? Sinh viên có cơ hội việc làm ra sao sau khi ra trường?

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Chiến Thắng: Điểm tương đồng là cả hai ngành đều đòi hỏi sự sáng tạo các không gian có chất lượng cao, có các cấu trúc phức tạp theo nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của xã hội. Chất lượng thiết kế đều cần tới những kiến trúc, kỹ năng thực tế, sự sáng tạo trong xử lý các loại vật liệu, màu sắc, trang thiết bị, hệ thống kỹ thuật công trình…

Sinh viên trong cả hai ngành không chỉ cần phải có kiến thức vững vàng về các nguyên lý thiết kế sáng tạo, kết cấu tiên tiến, vật liệu xây dựng và kỹ thuật xây dựng mà còn phải hiểu biết sâu rộng về văn hóa, xã hội, kinh tế, môi trường…

du-hoc-ban-phan-quoc-te-vien-dao-tao-va-hop-tac-quoc-te-hau.2.png
Sinh viên và giảng viên Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế tham gia Workshop tại Đại học Chulalongkorn Thái Lan. (Ảnh: NVCC)

Cả hai ngành đều yêu cầu các khả năng, kỹ năng cứng và kỹ năng mềm như ngoại ngữ, công nghệ thông tin, khả năng làm việc nhóm và độc lập, các kỹ năng thể hiện bằng hình ảnh hai chiều và ba chiều...

Về sự khác biệt, thiết kế kiến trúc tập trung vào thiết kế tổng thể các công trình kiến trúc, đơn lẻ hoặc nằm trong một tổ hợp lớn, kết nối không gian nội thất và ngoại thất trong một chỉnh thể hoàn chỉnh. Điều này nhằm mang lại những công trình có chất lượng thẩm mỹ, với hình khối bên ngoài ấn tượng và sáng tạo cùng với các không gian hợp lý bên trong.

Trong khi đó, kiến trúc nội thất tập trung nhiều hơn vào nội thất, từ tổng thể không gian, dây chuyền sử dụng, các chi tiết trang trí với màu sắc, chất liệu, hệ thống kỹ thuật đa dạng, phù hợp với chức năng sử dụng, ngôn ngữ kiến trúc bên ngoài đã được xác định và nhiều yêu cầu khác…

Điểm khác biệt giữa hai ngành trên là sinh viên ngành Kiến trúc thường cần phải nắm vững kiến thức về quy hoạch, tổ chức không gian tổng thể, kết cấu và kỹ thuật xây dựng hơn. Trong khi đó, sinh viên ngành Kiến trúc nội thất thường cần có khả năng làm việc với cấu trúc không gian, màu sắc, ánh sáng và các chất liệu nội thất.

Sau khi ra trường, sinh viên có nhiều cơ hội việc làm trong cả hai ngành.

Cụ thể, với các nội dung đào tạo như trên, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc về tư vấn thiết kế, nghiên cứu chuyên sâu, học tập nâng cao, quản lý thiết kế trong các chuyên ngành được được đào tạo, cả trong môi trường trong nước và quốc tế rộng mở.

Sinh viên ngành Kiến trúc có thể làm việc tại các công ty thiết kế kiến trúc, các công ty xây dựng, hoặc làm freelance thiết kế và giám sát các dự án xây dựng.

Sinh viên ngành Kiến trúc nội thất có thể làm việc trong các công ty thiết kế nội thất, các studio thiết kế, cửa hàng trang trí nội thất, hoặc làm freelance thiết kế và tư vấn cho các dự án trang trí nội thất ở trong nước và quốc tế.

PV: Đối với chương trình đào tạo tiên tiến ngành Kiến trúc có điểm giống và khác biệt như nào với 2 chương trình liên kết đào tạo?

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Chiến Thắng: Điểm giống của các chương trình tại Viện Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội là về môi trường quốc tế, các chương trình đều tạo điều kiện cho sinh viên học tập và thực hành cùng với chuyên gia quốc tế đến từ các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Hàn Quốc... Điều này giúp sinh viên tiếp cận và học hỏi từ những người có kinh nghiệm và kiến thức đa dạng.

Giảng viên có trình độ cao: Các giảng viên trong các chương trình có trình độ cao, tốt nghiệp tại các trường đại học nổi tiếng trên thế giới, có kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm thực tiễn trong ngành kiến trúc, nội thất, quy hoạch và cảnh quan. Các giảng viên thỉnh giảng là các nhà thiết kế chuyên nghiệp hành nghề thiết kế và nghiên cứu trong thực tiễn.

Phát triển cá nhân và tư duy sáng tạo: Phương pháp đào tạo của các chương trình tập trung vào việc phát triển cá nhân, tư duy phản biện và tư duy sáng tạo của sinh viên. Các học phần thực hành, workshop không chỉ giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng trong lĩnh vực kiến trúc mà còn khám phá sâu hơn về văn hóa, di sản và nghệ thuật, mở rộng hiểu biết và bối cảnh nghề nghiệp của mình.

Các chương trình tạo ra một môi trường đào tạo đa dạng và phong phú, giúp sinh viên phát triển không chỉ về kiến thức chuyên môn mà còn về kỹ năng cá nhân và hiểu biết văn hóa.

Có ba điểm khác biệt chính về văn bằng và chương trình đào tạo giữa ba chương trình này:

Loại văn bằng: Chương trình tiên tiến ngành Kiến trúc cung cấp văn bằng Kiến trúc sư chính quy của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Chương trình Cử nhân Kiến trúc Pháp cung cấp văn bằng Cử nhân kiến trúc bởi trường Đại học Kiến trúc Quốc gia Normandie (Pháp).

vien-dao-tao-va-hop-tac-quoc-te-truong-dai-hoc-kien-truc-ha-noi (4).JPG
Sinh viên của 3 Trường: Đại học Deakin (Úc), Trường Kiến trúc - cảnh quan, Học viện Giáo dục Manipal (Ấn Độ) và sinh viên các Chương trình của Viện Đào tạo & Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tham dự Workshop Khám phá làng nghề Sơn mài Hạ Thái, Thường Tín, Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Chương trình Cử nhân Kiến trúc Nội thất cung cấp văn bằng Cử nhân kiến trúc nội thất bởi Đại học Curtin (Úc).

Về phương thức đào tạo: Chương trình tiên tiến ngành Kiến trúc sử dụng phương thức thi năng khiếu (vẽ) kết hợp xét học bạ đầu vào; Chương trình Cử nhân Kiến trúc Pháp được giảng dạy toàn bộ bằng tiếng Pháp bởi các giảng viên Pháp và Việt, với sinh viên quốc tế thuộc khối Pháp ngữ tham gia học tập; Chương trình Cử nhân Kiến trúc nội thất được giảng dạy toàn bộ bằng tiếng Anh bởi các chuyên gia, giảng viên quốc tế và Việt Nam cung cấp một phần chương trình học tại Việt Nam và một phần ở Úc.

Về thời gian và nơi học tập: Sinh viên trong chương trình tiên tiến ngành Kiến trúc và Cử nhân Kiến trúc Pháp học toàn bộ chương trình tại Việt Nam, có thể học chuyển tiếp tại Pháp và các đối tác của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội theo các chương trình được ký kết.

Sinh viên trong chương trình Cử nhân Kiến trúc nội thất học hai năm tại Việt Nam và các năm còn lại tại Úc để nhận bằng Cử nhân từ Đại học Curtin.

PV: Tiêu chuẩn trong xét tuyển đầu vào và tiêu chuẩn đầu ra, cùng mức học phí đối với các thí sinh học các chương trình cử nhân tại Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế ra sao, thưa thầy?

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Chiến Thắng: Chương trình tiên tiến ngành Kiến trúc là chương trình đào tạo kiến trúc sư chính quy của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, chương trình đạt chuẩn kiểm định năm 2023 cùng các chương trình Kiến trúc (khoa Kiến trúc), quy hoạch đô thị và nông thôn (khoa Quy hoạch đô thị và nông thôn) và Kỹ thuật Xây dựng dân dụng và công nghiệp.

Do đó chương trình cũng áp dụng phương thức thi năng khiếu (vẽ) kết hợp xét học bạ đầu vào. Chương trình có chỉ tiêu tuyển sinh là 50 sinh viên. Học phí dự kiến từ 35-40 triệu đồng/năm.

Các chương trình liên kết đào tạo Cử nhân Kiến trúc Pháp và Cử nhân Kiến trúc Nội thất thực hiện phương thức xét tuyển hồ sơ, phỏng vấn đầu vào theo sự thống nhất của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội với các trường đối tác, chỉ tiêu là 50 sinh viên/năm. Học phí (dự kiến) của chương trình Cử nhân Kiến trúc Pháp là 75 triệu đồng/năm. Học phí (dự kiến) của chương trình Cử nhân Kiến trúc Nội thất là 82,5 triệu đồng/năm.

PV: Các chương trình học bổng đối với sinh viên của Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế hiện nay ra sao, thưa thầy?

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Chiến Thắng: Sinh viên của Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế được tiếp cận với nhiều nguồn học bổng cả từ Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, từ các doanh nghiệp hợp tác với nhà trường và Viện, và cả từ các đối tác quốc tế.

Các nguồn học bổng phong phú cho cả các cấp học từ cử nhân tới tiến sỹ. Ngoài ra Viện còn triển khai rất nhiều các dự án quốc tế trong các lĩnh vực chuyên ngành kiến trúc, quy hoạch, cảnh quan… sẽ là cơ hội rất tốt cho sinh viên có thể tham gia ở các cấp học khác nhau.

PV: Sinh viên khi học tập tại Viện sẽ được tham gia các hoạt động ngoại khóa (workshop, cuộc thi...) ra sao?

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Chiến Thắng: Triết lý đào tạo của Viện Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội là "kiến trúc sư là những con người của thực địa", với mục tiêu đào tạo các kiến trúc sư thời đại hội nhập, có hiểu biết sâu sắc về tri thức bản địa và văn hóa địa phương.

Điều này giúp sinh viên không chỉ am hiểu về cách sử dụng các chất liệu công nghiệp mà còn về tri thức bản địa về chất liệu và phương thức xây dựng, đồng thời hướng tới bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.

Trong quá trình học, sinh viên tham gia các buổi tham quan, hội thảo với các nhà kiến trúc và di sản văn hóa để hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa địa phương. Các sinh viên cũng được tham gia vào việc thực hiện các dự án thiết kế liên quan đến di sản văn hóa, để áp dụng kiến thức vào thực tiễn.

Viện Đào tạo và Hợp tác Quốc tế cũng có nhiều hoạt động giao lưu với các trường đại học lớn trên thế giới như Liên minh các trường Đại học Kiến trúc Quốc gia Pháp, Đại học Nam Úc, ĐH Queensland, Đại học Deakin (Úc), ĐH Chulalongkorn (Thái Lan) và nhiều trường khác.

Với các chương trình giao lưu như trên, sinh viên sẽ được tiếp xúc với nhiều văn hóa khác nhau và mở rộng góc nhìn, từ đó phát triển kỹ năng và hiểu biết vững chắc về kiến trúc và di sản văn hóa.

Các hoạt động như workshop về bảo tồn di sản văn hóa thông qua thiết kế kiến trúc sáng tạo và bền vững, cũng là cơ hội để sinh viên áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế và trau dồi kinh nghiệm.

PV: Thầy có thể chia sẻ thêm về đội ngũ giảng viên của Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế?

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Chiến Thắng: Đội ngũ giảng viên, chuyên gia của Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế là niềm tự hào đối với các chương trình đào tạo. Họ là các chuyên gia, nhà thiết kế, kiến trúc sư tốt nghiệp tại các Trường Đại học hàng đầu trên thế giới như Đại học Harvard, Đại học Kiến trúc Boston, Đại học Catholic Hoa Kỳ, Đại học Hawaii Manoa, Rensselaer Polytechnic Institute (Hoa Kỳ); Đại học Lille, Đại học Bordeaux Montaigne, ĐH Kiến trúc & Cảnh quan QG Bordeaux…

Bên cạnh đó là các giảng viên đang hành nghề kiến trúc sư thực tế tại thị trường Việt Nam và trên thế giới. Qua đó, giúp sinh viên tiếp cận, học hỏi không chỉ từ lý thuyết mà còn từ những kiến thức, kinh nghiệm thực tế quý báu để có thể áp dụng vào thực tế một cách linh hoạt và hiệu quả.

Chia sẻ quá trình đào tạo trong 9 năm qua, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Chiến Thắng cho hay, Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế (IITC) – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội được thành lập vào ngày 16/11/2015 theo Quyết định số 1240/QĐ-ĐHKT-TH về việc “Thành lập Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế”.

Trong 9 năm qua, Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế đã đạt được nhiều thành tựu đáng chú ý và trải qua những sự thay đổi quan trọng trong phương thức tuyển sinh và đào tạo.

Cụ thể, viện nhanh chóng phát triển thành một điểm đến uy tín cho sinh viên quốc tế muốn theo đuổi lĩnh vực Kiến trúc, kiến trúc cảnh quan, kiến trúc nội thất.

Chức năng của Viện không chỉ đảm nhận vai trò đào tạo quốc tế mà còn quản lý hợp tác quốc tế, tư vấn du học và việc làm, cùng với quản lý hoạt động ngoại ngữ của trường.

Viện đã thực hiện nhiều chương trình hợp tác quốc tế trong đào tạo, bao gồm các workshop và chương trình chuyên môn nghiệp vụ cho sinh viên.

Sinh viên của Viện đã đạt được nhiều giải thưởng lớn cả trong nước và quốc tế, là minh chứng cho chất lượng đào tạo và sự thành công của chương trình. Các giải thưởng bao gồm giải nhất và giải cao nhất trong các cuộc thi thiết kế, cũng như giải thưởng trong các cuộc thi kiến trúc quốc tế.

Những thành tựu và sự thay đổi này đã giúp Viện Đào tạo và Hợp tác Quốc tế trở thành một điểm đến hàng đầu cho sinh viên quốc tế muốn theo đuổi ngành kiến trúc và là niềm tự hào của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Trân trọng cảm ơn tiến sĩ!

Mạnh Đoàn