Đề nghị bổ sung dự án Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng luật năm 2024

29/05/2024 16:04
Huệ Phương

GDVN- ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung đề nghị Quốc hội đồng ý cho xây dựng Luật Nhà giáo và bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 29/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; và nhiều nội dung quan trọng khác.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Cần khắc phục những hạn chế trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018

Quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới, Đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, sau một thời gian triển khai chương trình, giáo viên và học sinh đánh giá đây là một chương trình có nhiều tính ưu việt so với chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Đình Gia.jpg
Đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: quochoi.vn.

Vị đại biểu cho biết, các giáo viên đều cho rằng, chương trình giáo dục lần này đã thể hiện được tính toàn diện, cơ bản, thiết thực, hiện đại, đảm bảo giáo dục đức, thể, mỹ, chú trọng thực hành và vận dụng kiến thức vào cuộc sống, phát huy vai trò chủ động và tiềm năng của học sinh.

“Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, chương trình vẫn còn một số bất cập về trang thiết bị, cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học. Quá trình triển khai chương trình này, ngân sách Trung ương không bố trí mua sắm, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, mà giao cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, ngân sách địa phương rất khó khăn, cùng với những vướng mắc trong thủ tục đấu thầu, mua sắm đầu tư công.

Cho đến nay, nhiều thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn chưa được đầu tư thỏa đáng, ảnh hưởng đến chất lượng của chương trình.

Bên cạnh đó, việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cũng còn nhiều khó khăn. Cho dù ngành giáo dục đã nỗ lực rất lớn trong việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên khi triển khai chương trình, tuy nhiên, đối với các môn giáo dục tích hợp và giáo dục tự chọn, nội dung này còn rất khó khăn.

Đối với giáo viên hiện có, khó khăn trước hết về thời gian, kinh phí, cũng như không đủ năng lực để tiếp nhận một lượng kiến thức mới và rộng để chỉ trong một thời gian ngắn mà đủ điều kiện dạy các chương trình này.

Đối với các cơ sở đào tạo sư phạm, đến nay, đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp vẫn khó khăn. Cho nên, cơ bản các cơ sở giáo dục vẫn chia lẻ môn tích hợp để dạy riêng như chương trình 2006. Đối với các môn tự chọn, môn năng khiếu... có những môn nhiều học sinh lựa chọn nhưng lại không có giáo viên hoặc ít giáo viên, không đủ để giảng dạy; hoặc có những môn có giáo viên nhưng không có học sinh đăng ký. Đó là những khó khăn, bất cập” - Đại biểu Trần Đình Gia phân tích thêm.

Một vấn đề nữa được vị đại biểu đề cập đó là ở bậc tiểu học: “Thời gian gần đây, số lượng học sinh vào tiểu học rất lớn, cùng với việc biên chế một lớp học ở khối tiểu học chỉ 35 học sinh/lớp, trong khi khối trung học cơ sở và trung học phổ thông là 45 học sinh/lớp. Trong khi việc tuyển dụng rất khó khăn, đặc biệt là giáo viên môn Tin học và Ngoại ngữ, đây cũng là một khó khăn trong giáo dục tiểu học ở nhiều địa phương”.

Cuối cùng, Đại biểu Trần Đình Gia nêu quan điểm đối với việc quản lý dạy thêm, học thêm. “Theo tôi, việc dạy thêm, học thêm cũng là một nhu cầu khách quan của xã hội, nếu được quản lý, hướng dẫn tổ chức một cách có hiệu quả.

Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn, quản lý, tổ chức dạy thêm, học thêm, đặc biệt là dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường hiện nay còn rất hạn chế. Do đó, vẫn còn một số trường hợp lạm dụng, dẫn đến ảnh hưởng đến uy tín của ngành. Tôi nghĩ rằng, đối với vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm có một văn bản hướng dẫn về việc tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường”.

Vị đại biểu cho biết, những nội dung này đã được phản ánh trong Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa khắc phục hoặc khắc phục còn rất hạn chế.

Do vậy, đại biểu cho rằng, Quốc hội, Chính phủ và cấp ủy, chính quyền các địa phương cùng với ngành giáo dục cần phải vào cuộc để khắc phục những vấn đề này.

Đề xuất giảm học phí cho sinh viên y khoa

Trong phiên họp sáng nay (ngày 29/5), nhiều đại biểu cũng phát biểu liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đề xuất chính sách giảm học phí cho sinh viên y khoa, vừa đảm bảo nguồn sinh viên, đặc biệt là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội đạt được nguyện vọng trở thành bác sĩ.

290520240852-z5486446539146_a5b52e9d8f8bfeff3f36dfc5120d143e.jpg
Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. Ảnh: quochoi.vn.

Cụ thể, Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu cho rằng, trong báo cáo cũng nhận định, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chưa giảm; tỉ số giới sinh ra sống chưa thay đổi… điều này có thể ảnh hưởng lâu dài đến cơ cấu dân số Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân mất bình đẳng giới tính.

“Việt Nam nằm trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới; tuổi thọ trung bình của Việt Nam liên tục tăng, tính đến năm 2022 đạt 73,6 tuổi. Tuy nhiên, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam cao nhưng số năm sống khỏe mạnh tính từ khi sinh ra mới chỉ đạt 65 năm. Như vậy, người dân Việt Nam có gần 10 năm sống với gánh nặng bệnh tật, nhất là sau đại dịch Covid-19 biến đổi về cơ cấu bệnh tật đã diễn ra” - nữ đại biểu cho biết và cho rằng, tất cả những việc này tạo áp lực lên hệ thống y tế, an sinh xã hội nhất và các dịch vụ chăm sóc y tế.

Đại biểu Trần Khánh Thu cho biết thêm, năm 2017, Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới. Sau 7 năm triển khai thực hiện, công tác dân số đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng vẫn còn một số chỉ tiêu ước tới năm 2025 không đạt.

Điều này khẳng định, mức sinh thay thế trên toàn quốc chưa bền vững, có biến động khó lường, mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể, chưa có giải pháp đồng bộ với thời kỳ “dân số vàng” và thích ứng với già hóa dân số…

Có nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, trong đó có nguồn lực đầu tư cho công tác dân số bị cắt giảm mạnh trong khi đó mục tiêu lại đặt ra toàn diện, nhiệm vụ tăng lên so với giai đoạn trước;

Cán bộ làm công tác dân số cơ sở kiêm nhiệm thêm nhiều nhiệm vụ; chế độ chính sách đãi ngộ cho cán bộ công chức dân số xã, cộng tác viên dân số chưa thỏa đáng.

Để đạt được các mục tiêu để làm chậm tốc độ già hóa dân số, khuyến khích tỉ lệ sinh, đặc biệt tăng thời gian sống khỏe cho người dân, theo đó, cần phải cải thiện hệ thống y tế, tăng cường năng lực y tế cơ sở, đào tạo nhân lực y tế và phát triển dịch vụ y tế chất lượng cao ở mọi lứa tuổi; bảo đảm đủ nguồn lực đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện công tác dân số nói chung và công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi nói riêng.

“Mục tiêu của ngành y tế không chỉ trị bệnh - cứu người mà còn nâng cao sức khỏe cả thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Nhân lực y tế có vai trò quan trọng, quyết định đến sự thành công hay thất bại trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng góp phần làm nên bền vững dân số. Nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ có chất lượng chuyên môn tốt giúp công tác khám chữa bệnh và dự phòng bệnh tật tốt” - nữ đại biểu khẳng định.

Theo Đại biểu Trần Khánh Thu, thời gian qua, Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã có nhiều chủ trương nâng cao chất lượng y tế cơ sở; cải cách lương cho cán bộ y tế. Tuy nhiên, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là bác sĩ với thời gian dài, trong khi học phí các trường y khoa luôn có mức học phí cao nhất.

Nữ đại biểu dẫn chứng, có những trường công lập mức học phí lên đến 82,2 triệu đồng/năm; có những trường ngoài công lập lên đến 180 triệu đồng/năm. Với thời gian đào tạo dài đã tạo nên khó khăn đối cũng như thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Do đó, Đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị Chính phủ xây dựng chính sách hỗ trợ cho sinh viên học ngành bác sĩ y khoa, trên cơ sở hỗ trợ học phí với cam kết sau khi ra trường sẽ làm việc theo sự phân công của Nhà nước. Như vậy vừa đảm bảo nguồn sinh viên, đặc biệt là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội đạt được nguyện vọng trở thành bác sĩ, đồng thời giải quyết được vấn đề nguồn nhân lực y tế tại các vùng sâu, vùng xa, vùng thiếu bác sĩ.

Đề nghị bổ sung dự án Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, hệ thống giáo dục nghề nghiệp với sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, đóng vai trò quan trọng hàng đầu đối với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, góp phần tăng năng suất lao động, thúc đẩy tiến trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

290520241138-z5486993351413_f940412e900ecad3295fc3569689dc35.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. Ảnh: quochoi.vn.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp giữ vai trò nòng cốt, có tính chất đột phá quyết định sự thành công của sự nghiệp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, được nhấn mạnh tại văn kiện đại hội Đảng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy trong nhiều năm qua Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo, xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp cả về số lượng và chất lượng.

Cơ chế, chính sách và chế độ đãi ngộ từng bước được điều chỉnh, bổ sung phù hợp theo yêu cầu thực tiễn, động viên về vật chất, tinh thần để đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp an tâm công tác, yêu nghề và tận tụy cống hiến cho sự nghiệp đổi mới giáo dục nói chung, giáo dục nghề nghiệp nói riêng.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo tác động đến cấu trúc và mô hình sản xuất, mô hình phát triển nhân lực, tác động đến thế giới việc làm và kỹ năng người lao động, tác động đến hệ thống giáo dục nghề nghiệp, hình thành trường học ảo, lớp học ảo.

Mô hình trường học số thông minh đòi hỏi đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp cần tăng cường kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng thích ứng, năng lực đổi mới sáng tạo, kiến thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ trong quản lý điều hành giảng dạy và đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới mô hình đào tạo, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý.

Trước yêu cầu phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở linh hoạt, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời trong bối cảnh khoa học kỹ thuật, công nghệ và thị trường lao động thay đổi nhanh, phát triển kinh tế đất nước gắn với tăng trưởng xanh và các mục tiêu phát triển bền vững.

Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho rằng, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, thể hiện ở góc độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp, khả năng thích ứng linh hoạt, tư duy, năng lực đổi mới sáng tạo, đạo đức và tác phong công nghiệp. Đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế là yêu cầu thiết yếu.

Nữ đại biểu cho biết: “Trong thực tiễn hiện nay, vẫn còn nhiều vấn đề bất cập như một số bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, giáo dục nghề nghiệp.

Một số quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách đối với nhà giáo, giáo dục nghề nghiệp mới được ban hành đang triển khai áp dụng nhưng lại phải chỉnh sửa, bổ sung theo sự điều chỉnh của các văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

Một số văn bản, chính sách về tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh, đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo, giáo dục nghề nghiệp chậm được sửa đổi, ban hành, do vậy chưa tạo được động lực thúc đẩy phát triển đội ngũ này.

Chưa có chính sách đủ mạnh để thu hút đội ngũ những người có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề cao. Ví dụ như nghệ nhân, chuyên gia, người đào tạo là người của doanh nghiệp tham gia đào tạo các cấp, trình độ giáo dục nghề nghiệp, trong đó có việc quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với họ. Nếu so sánh với những người cùng trình độ đào tạo làm việc trong lĩnh vực sản xuất hoặc trong các lĩnh vực khác thì mức lương thu nhập của nhà giáo dục nghề nghiệp thấp hơn rất nhiều.

Đó là, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng không thu hút được những người có trình độ, có tay nghề giỏi, có thực tế sản xuất chuyển về làm nhà giáo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, nhiều nhà giáo, giáo dục nghề nghiệp có trình độ tay nghề giỏi lại muốn chuyển ra làm việc tại các doanh nghiệp.

Cùng với đó, công tác dự báo nhu cầu về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp chưa hiệu quả, chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, nhất là đối với cán bộ, công chức, viên chức nhiều nơi chưa gắn với yêu cầu công việc, vị trí việc làm, trong khi nguồn kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho rằng, những hạn chế, bất cập nêu trên đang làm ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và thị trường lao động.

Để góp phần khắc phục những vấn đề nêu trên, nữ đại biểu đề nghị Quốc hội đồng ý cho xây dựng Luật Nhà giáo và bổ sung dự án Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024; trong đó quy định đầy đủ các nội dung nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp trong thời kỳ mới.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả chỉ thị 21/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chiến lược, Quy hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển đội ngũ và triển khai các bộ công cụ, chỉ số đo lường, đánh giá chất lượng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp phục vụ thống kê, dự báo nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng.

Bố trí và sử dụng hợp lý, hiệu quả đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp và quy hoạch phát triển đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp.

Xem xét có cơ chế, chính sách riêng đặc thù với lĩnh vực đào tạo nghệ thuật và thể thao

Phát biểu tại phiên thảo luận về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết: “Một, về việc phát triển đội ngũ nhà giáo, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Tình trạng thiếu đội ngũ nhà giáo chuyên môn không chỉ xảy ra ở khối giáo dục phổ thông mà bao gồm cả khối giáo dục nghề nghiệp. Qua việc tham gia đoàn khảo sát, chúng tôi được biết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập cứ loay hoay trong câu chuyện muốn tồn tại thì phải có học sinh, muốn có học sinh thì phải mở những ngành nghề “hot”.

Muốn mở ngành nghề thì lại phải có đủ giảng viên cơ hữu theo đúng quy định. Muốn có giáo viên thì phải tuyển dụng mà muốn tuyển dụng thì lại phải vướng theo các quy định về giảm số người làm trong biên chế nhà nước tối thiểu 10% cán bộ giảng viên mỗi năm. Do đó, việc tuyển dụng không được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Câu chuyện về “quả trứng, con gà, cái nào trước” đang trở thành bài toán khó giải và đau đầu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong khi đó cả nước có khoảng gần 83.000 nhà giáo thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Theo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đội ngũ nhà giáo, giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 sẽ giảm xuống còn 67.000 nhà giáo.

Ngoài ra, quy hoạch cũng định hướng phát triển thu hút 50.000 nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề tham gia vào giảng dạy các cấp, trình độ của giáo dục nghề nghiệp. Việc giảm về số lượng đội ngũ nhà giáo trong biên chế nhưng lại tăng số lượng giảng viên thỉnh giảng sẽ dẫn đến nhiều khó khăn, thách thức hơn đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, vì không phải nghề nào cũng dễ dàng mời được giảng viên thỉnh giảng khi nguồn kinh phí của các trường công lập hiện nay rất hạn chế vì đang thực hiện tự chủ. Việc giữ chân các nhà giáo giỏi và việc thu hút các nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề tham gia vào giảng dạy cần phải có cơ chế mở, chính sách ưu tiên, ưu đãi đủ mạnh để giữ chân họ ở lại bám trường, bám lớp. Do vậy, tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu và tìm giải pháp để tháo gỡ những khó khăn nêu trên.

Nội dung thứ hai, về tiến độ thực hiện lộ trình tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai còn chậm so với kế hoạch đề ra bởi một số lý do sau:

Một, Chính phủ ra Nghị quyết 165 quy định giữ nguyên mức thu học phí năm học 2020-2021, không tăng theo Nghị định 81 trong 3 năm học để đảm bảo an sinh xã hội sau đại dịch Covid-19. Điều này ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của các cơ sở giáo dục.

Thứ hai, một số bộ, ngành, địa phương chưa ban hành hướng dẫn về nguyên tắc, cách tính định mức kinh tế kỹ thuật để đảm bảo cơ sở cho các địa phương và các trường thực hiện.

Thứ ba, còn vướng mắc ở một số chính sách dẫn đến khó thực hiện tự chủ.

Thứ tư, năng lực quản trị của một số cơ sở giáo dục còn yếu, chưa sẵn sàng cho việc tự chủ.

Thứ năm, tiềm lực cơ sở vật chất của cơ sở đào tạo chưa đủ mạnh để có thể đảm bảo tự chủ.

Thứ sáu, cơ chế đặt hàng của Nhà nước còn hạn chế.

Theo tôi, quan điểm về tự chủ chính là thay đổi về phương thức quản lý, thay vì bao cấp thì giờ đây Nhà nước sẽ đặt hàng dựa trên định mức giá chi phí đào tạo đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, như vậy là Nhà nước không buông tay với các cơ sở giáo dục.

290520241004-z5486811198197_e3f9b795ac509892834fbaa67fe616e8.jpg
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn.

Từ những phân tích trên, Đại biểu Dương Minh Ánh đưa ra một số kiến nghị, đề xuất:

Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành cho phép các trường đại học được giãn thời gian thực hiện lộ trình tự chủ, sớm ban hành hướng dẫn về nguyên tắc, cách tính định mức kỹ kinh tế kỹ thuật để làm cơ sở cho các địa phương và các cơ sở giáo dục thực hiện. Đồng thời, thực hiện cơ chế đặt hàng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 151 về quản lý tài sản công, Nghị định 60 về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định 120 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là tiền đề quan trọng để các cơ sở sự nghiệp công lập vận dụng vào thực tiễn khi tổ chức thực hiện.

Thứ ba, Nhà nước đầu tư ban đầu về cơ sở vật chất cho các đơn vị sự nghiệp công lập để tạo đà phát triển.

Thứ tư, tăng cường đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị thực hiện lộ trình tự chủ theo quy định, đánh giá kết quả của các đơn vị, cá nhân trong thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, riêng đối với lĩnh vực đào tạo, nghệ thuật và thể thao là hai ngành rất đặc thù nên đề xuất hai lĩnh vực này chỉ tự chủ ở mức 3 là tự chủ một phần bởi các trường này có quy mô nhỏ, số lượng tuyển sinh đầu vào không đông do phải tuyển chọn học sinh có năng khiếu, chi phí đào tạo cao, thời gian đào tạo dài dẫn đến việc thu học phí của người học gặp khó khăn. Do đó, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Từ đó, đề nghị Chính phủ xem xét có cơ chế, chính sách riêng đặc thù với lĩnh vực đào tạo nghệ thuật và thể thao, sớm phê duyệt nghị định đào tạo chuyên sâu đặc thù đối với lĩnh vực nghệ thuật để đảm bảo cho các cơ sở đào tạo này phát huy được chất lượng và hiệu quả.

Ngoài ra, trong báo cáo Chính phủ có nêu nguồn lực đầu tư cho giáo dục dạy nghề còn hạn chế. Tuy nhiên, hạn chế thế nào, vướng vướng mắc ra sao thì trong báo cáo không nêu rõ nên đề nghị Chính phủ bổ sung vào báo cáo nguyên nhân, lý do tồn tại, hạn chế này và nêu giải pháp khắc phục. Đồng thời, kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương bố trí đủ ngân sách chi cho giáo dục và dạy nghề.

Huệ Phương