Đào tạo trực tuyến: Đúng hướng nhưng cần quản lý nghiêm để đảm bảo chất lượng

31/05/2024 06:27
Bài và ảnh: Mộc Hương

GDVN-Cần có bộ tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp và các trường đăng ký kiểm định chương trình đào tạo trực tuyến tại các đơn vị hợp pháp, để đào tạo trực tuyến có chỗ đứng.

Ngày 30/5, Câu lạc bộ Mạng lưới bảo đảm chất lượng giáo dục đại học Việt Nam (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) phối hợp với Đại học Thái Nguyên tổ chức chương trình Hội thảo khoa học quốc gia “Đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến trong các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam”.

GDVN_toan cảnh.jpg
Toàn cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, có Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mạng lưới bảo đảm chất lượng giáo dục đại học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội); Tiến sĩ Mai Văn Trinh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Về phía Đại học Thái Nguyên có Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Hùng - Giám đốc Đại học Thái Nguyên cùng đại diện nhiều cơ sở giáo dục đại học trong cả nước.

Cần một tiếng nói chung để đảm bảo chất lượng giáo dục là tiêu chí hàng đầu của các trường đại học, cao đẳng

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Hùng - Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho biết: “Đại học Thái Nguyên là đại học vùng, đại học công lập, đào tạo nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến; thực hiện nhiệm vụ chiến lược phát triển bền vững vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước.

Đại học Thái Nguyên có gần 4.000 cán bộ, giảng viên và người lao động, trong đó có khoảng 2.500 giảng viên với khoảng 160 giáo sư, phó giáo sư; gần 1.000 tiến sĩ (chiếm tỉ lệ khoảng 40% giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên). Đội ngũ giảng viên có trình độ cao của Đại học Thái Nguyên ở tất cả các lĩnh vực: kỹ thuật và công nghệ, nông lâm nghiệp, quản lý tài nguyên và môi trường, công nghiệp, y học, giáo dục, khoa học cơ bản, kinh tế và quản lý, khoa học xã hội và nhân văn.

Hiện nay, Đại học Thái Nguyên đang tổ chức đào tạo gần 150 ngành đào tạo trình độ đại học, 64 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 35 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, 20 ngành đào tạo chuyên khoa y dược, 04 ngành đào tạo bác sĩ nội trú và 25 ngành đào tạo trình độ cao đẳng. Quy mô đào tạo của Đại học Thái Nguyên khoảng hơn 70.000 người học, trong đó có gần 6.000 người học trình độ sau đại học và gần 1.000 sinh viên quốc tế đến từ 18 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hằng năm, Đại học Thái Nguyên tuyển mới khoảng 15.000 sinh viên hệ chính quy.

Với sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đặc biệt là kể từ sau đại dịch Covid-19, đào tạo theo phương thức trực tuyến đã trở nên phổ biến và được áp dụng rộng rãi, hiệu quả tại Việt Nam. Nhận thức về đào tạo trực tuyến và khả năng ứng dụng các công nghệ hiện đại trong giáo dục ở Việt Nam đã có những thay đổi căn bản.

Tuy nhiên, cũng đặt ra rất nhiều thách thức về các điều kiện đảm bảo và kiểm soát chất lượng đào tạo theo hình thức đào tạo này như sự ra đời của Chat GPT và ứng dụng mạnh mẽ AI trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học; sự ra đời các công nghệ mới, phần mềm mới, công cụ mới hỗ trợ người dạy, người học; xuất hiện các chương trình đào tạo mới, hình thức đào tạo cấp bằng mới; nảy sinh những vấn đề mới liên quan đến đào tạo trực tuyến như Quy chế, điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện bảo đảm chất lượng, chuẩn đầu ra, đối tượng và phạm vi áp dụng,...

GDVN_Hùng.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Hùng - Giám đốc Đại học Thái Nguyên.

Nội dung của hội thảo tập trung các chủ đề chính đó là:

Đánh giá thực trạng công tác đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số;

Đề xuất một số giải pháp đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến; các chính sách về quản lý chất lượng đào tạo trực tuyến và hình thành văn hóa đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến trong các cơ sở giáo dục đại học;

Xây dựng cộng đồng nghiên cứu, kết nối và chia sẻ kết quả nghiên cứu về đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến tại Việt Nam.

Do đó, hội thảo cần tập trung đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số trong giáo dục đại học, đổi mới mô hình đào tạo, làm rõ quy định, quy chế đào tạo trực tuyến, đào tạo kết hợp, phát triển hệ thống đại học số đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thí điểm triển khai mô hình giáo dục đại học số, đưa ra định hướng công tác đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến đáp ứng chuẩn đầu ra trong bối cảnh chuyển đổi số (như: chương trình đào tạo, giáo trình - học liệu, cơ sở hạ tầng công nghệ, đội ngũ giảng viên, mô hình và hình thức đào tạo, phương pháp giảng dạy, đánh giá kết quả học tập, trải nghiệm tại doanh nghiệp,…), đẩy mạnh xây dựng hạ tầng số quốc gia về học tập, kho học liệu số chia sẻ dùng chung giữa các cơ sở giáo dục đại học,...”.

GDVN_Toàn.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam gửi lời chúc mừng và kỳ vọng: “Hội thảo với sự tham gia của các thành viên câu lạc bộ cũng như nhiều đơn vị đã đến tham dự để cùng chia sẻ và nói lên tiếng nói của các trường. Từ đó có văn bản gửi Hiệp hội để Hiệp hội kiến nghị lên Chính phủ cũng như các Bộ, ngành nhằm cải thiện điều kiện đảm bảo chất lượng của giáo dục đại học”.

GVDN_tặng hoa.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn tặng hoa chúc mừng Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Đức và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Hùng.

Đề xuất một số giải pháp, các tiêu chuẩn, tiêu chí, phương pháp kiểm tra, đánh giá mới

Phát biểu đề dẫn Hội thảo của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mạng lưới bảo đảm chất lượng giáo dục đại học Việt Nam cho biết: “Câu lạc bộ Mạng lưới bảo đảm chất lượng giáo dục đại học Việt Nam được thành lập từ cuối năm 2023 với mục tiêu cao nhất là một diễn đàn để tất cả các trường đại học, các doanh nghiệp, các nhà quản lý giáo dục và những ai quan tâm đến hoạt động bảo đảm chất lượng hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Hôm nay, Câu lạc bộ phối hợp với Đại học Thái Nguyên tổ chức “Đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến trong các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam”.

GDVN_thay Duc.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mạng lưới bảo đảm chất lượng giáo dục đại học Việt Nam phát biểu đề dẫn.

“Sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, và đặc biệt là kể từ sau đại dịch Covid-19, đào tạo theo hình thức trực tuyến đã trở nên phổ biến và đã được áp dụng rất rộng rãi, hiệu quả Việt Nam. Nhận thức về đào tạo trực tuyến và khả năng ứng dụng các công nghệ hiện đại trong giáo dục Việt Nam đã có những thay đổi căn bản. Và đến ngày hôm nay, không ai có thể nghi ngờ việc ứng dụng hình thức đào tạo trực tuyến trong đào tạo đại học nữa, vì nó đã trở thành một hình thức không thể thiếu. Tuy nhiên, từ những bối cảnh đó, những hoạt động đó, cũng đặt ra rất nhiều vấn đề trong giáo dục đại học.

Vấn đề thứ nhất, gần đây nhất, là sự ra đời của Chat GPT và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục, đặc biệt giáo dục đại học.

Vấn đề thứ hai, sự ra đời của các công nghệ mới, phần mềm mới, công cụ mới hỗ trợ giảng dạy.

Vấn đề thứ ba, bên cạnh hình thức đào tạo, hình thức giảng dạy mới, cũng xuất hiện những chương trình đào tạo mới, hình thức đào tạo cấp bằng mới, trong đó có cả cấp bằng theo hình thức từ xa, khá ổn ở nước ngoài nhưng còn có tâm lý nghi hoặc về chất lượng ở Việt Nam. Vậy, chúng ta phải làm thế nào để đưa ra những tiêu chí bảo đảm chất lượng, quy chế để xã hội tin, người học cầm tấm tốt nghiệp cũng phải yên tâm. Chứ không phải khi hỏi đến, nói đến học online là chúng ta cười khẩy.

Vấn đề thứ tư, từ tất cả những vấn đề như đã nói ở trên, nảy sinh một loạt liên quan đến những vấn đề như điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện bảo đảm chất lượng.

Từ những vấn đề nêu trên, bảo đảm chất lượng hoạt động đào tạo trực tuyến ngày nay phải là xây dựng được một hệ sinh thái hoàn chỉnh, từ thể chế, khung pháp lý, các công nghệ và công cụ để hỗ trợ người học và giảng viên trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học trong môi trường giáo dục đại học thân thiện, thông minh; gắn với đẩy mạnh xây dựng học liệu và khai phá dữ liệu; an toàn thông tin; đẩy mạnh STEM và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giáo dục đại học; xây dựng các phần mềm mô phỏng kết hợp với trí tuệ nhân tạo để kết hợp, tạo ra những hiệu quả đột phá trong giảng dạy, nghiên cứu và đào tạo trực tuyến” - thầy Đức nêu.

GDVN_kn.jpg
Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Theo Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mạng lưới bảo đảm chất lượng giáo dục đại học Việt Nam, hội thảo lần này được tổ chức với mục đích không chỉ là chia sẻ kinh nghiệm và hoàn thiện chính sách, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến trong các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam, mà cũng đề cập đến những nhân tố mới, cách tiếp cận mới trong xây dựng chương trình đào tạo trực tuyến, hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến; gắn đào tạo trực tuyến với nghiên cứu; với đổi mới chuẩn đầu ra; với công nghệ hiện đại, phương pháp dạy và học mới; với chất lượng nguồn nhân lực và chuẩn mực đạo đức và liêm chính trong nghiên cứu và đào tạo trực tuyến.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh, hội thảo tập trung đề xuất một số giải pháp, cũng như các tiêu chuẩn, tiêu chí và phương pháp kiểm tra, đánh giá mới với tầm nhìn hội nhập với các chuẩn mực quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam, nhằm mục tiêu cao nhất là định hướng cho các trường đại học - thành viên của Câu lạc bộ trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục đại học trong đào tạo và đào tạo cấp bằng theo hình thức trực tuyến trong hiện tại và tương lai, cũng như góp ý xây dựng, hoàn thiện chính sách với các cơ quan quản lý nhà nước.

Từ đó, cũng góp phần thể hiện vai trò tiên phong và dẫn dắt trong toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam, ở tất cả các cấp và các trình độ đào tạo trong việc sử dụng các công nghệ và phương thức hiện đại và thông minh trong giáo dục.

Các trường cần đăng ký kiểm định chương trình đào tạo trực tuyến tại các đơn vị uy tín, hợp pháp

Tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có báo cáo “Đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến - Cơ hội và thách thức”.

Theo đó, đảm bảo chất lượng trong dạy học trực tuyến cần quan tâm đến: Tổng quan và giới thiệu về học phần; Mục tiêu học tập và chuẩn đầu ra; Kiểm tra và đánh giá; Tài liệu giảng dạy; Hoạt động học tập và tương tác người học; Ứng dụng công nghệ vào khóa học; Hỗ trợ người học; Khả năng tiếp cận tài nguyên học tập.

Cụ thể, trong một buổi học sẽ có: 5 phút đầu (kiểm tra bài cũ), 5 phút tiếp theo (kiểm tra chuẩn bị bài mới), dành thêm một thời lượng nhất định học bài theo đề cương, và 5 phút cuối (kiểm tra hiểu bài vừa học). Mục tiêu của hệ thống đào tạo những sinh viên năng động, sáng tạo, tự học, học tập suốt đời.

Giáo sư Chử Đức Trình cũng đề cập: “Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn bàn chuyện mỗi năm học gồm có mấy học kỳ, chuyện đó đáng lẽ phải do các trường chủ động quyết định, miễn là đảm bảo chất lượng. Với bài toán này, chúng tôi kiểm tra sinh viên hàng ngày, không cần kiểm tra cuối kỳ.

Có một số trường đã sẵn sàng cho hoạt động này, nhưng cũng còn nhiều trường chưa sẵn sàng. Trường Đại học Công nghệ rất mong sẽ tiên phong thực hiện 4-5 học kỳ/năm học. Trước đây, có thể mỗi môn học phải học 15 tuần, thì bây giờ mỗi môn học chỉ học trong khoảng 5-6 tuần”.

Chia sẻ thêm về thực tế đào tạo trực tuyến tại nhà trường, Giáo sư Chử Đức Trình cho biết: “Hiện tại, khi sinh viên làm bài trên hệ thống, mới chỉ đánh giá được đúng - sai, chứ chưa chỉ ra được sai ở đâu. Vào buổi lên lớp tiếp theo, giảng viên sẽ trực tiếp là người chỉ ra lỗi sai cho các em sinh viên để tìm được đáp án đúng. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng có thể sớm cải tiến điều này”.

Tham gia Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Cương - Trưởng Phòng Đảm bảo chất lượng đào tạo (Trường Đại học Văn Lang) đã trình bày báo cáo về “Bảo đảm và kiểm định chất lượng đào tạo trực tuyến: Nguyên tắc, quy trình và bộ tiêu chuẩn”.

GDVN_Cương.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Cương - Trưởng Phòng Đảm bảo chất lượng đào tạo (Trường Đại học Văn Lang) trình bày tham luận.

Theo đó, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Cương đã đề cập đến một số lưu ý khi thực hiện kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trực tuyến. Đồng thời, đã có một số khuyến nghị:

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo: Rà soát, chỉnh sửa Thông tư số 39/2020/TT-BGDĐT ngày 09/10/2020 quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học; Xây dựng và ban hành hướng dẫn triển khai kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo trực tuyến; Chỉ ra lộ trình kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo trực tuyến.

Đối với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục: Cần tổ chức các khóa tập huấn để trang bị kiến thức, kỹ năng cho các kiểm định viên về tham gia đánh giá ngoài các chương trình đào tạo trực tuyến.

Đối với cơ sở giáo dục đại học: Xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, chú trọng đến bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến; Xây dựng kế hoạch kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo trực tuyến; Đăng ký và thực hiện kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo trực tuyến với các tổ chức kiểm định chất lượng hợp pháp trong và ngoài nước.

Cuối cùng là báo cáo tham luận của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) với chủ đề: “Xu thế và thách thức trong đào tạo trực tuyến trong các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam”.

Không nên lượng hóa 30% học phần đào tạo trực tuyến

Sau khi nghe 3 phần tham luận của các báo cáo viên, đã có nhiều ý kiến được chia sẻ tại Phiên thảo luận với thành phần chủ tọa bao gồm: Giáo sư Hà Thanh Toàn; Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức; Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Hùng.

GVDN_phiên tl.jpg
Phiên thảo luận với ban chủ tọa.

Trao đổi thảo luận về các nội dung: Thực trạng công tác đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến trong các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam; Xu hướng đảm bảo chất lượng giáo dục ở cơ sở giáo dục đại học; Định hướng công tác đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến trong bối cảnh chuyển đổi số; Định hướng công tác kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo từ xa, chương trình đào tạo trực tuyến, chương trình kết hợp đào tạo trực tiếp và trực tuyến; Đề xuất một số giải pháp đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhung - Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết, hiện tại, nhà trường đang có các chương trình đào tạo từ xa như Luật, Luật kinh tế, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin. Nữ Hiệu trưởng băn khoăn: “Đối với các ngành luật, kinh tế gặp nhiều thuận lợi hơn trong đào tạo từ xa, riêng đối với các ngành công nghệ vẫn còn gặp khó, bởi trong học phần vẫn phải thực hành thí nghiệm nhiều”.

GDVN_Mở.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhung - Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội.

Chia sẻ ý kiến tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Quang Đông - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cho biết: “Trường Đại học Ngoại ngữ cũng là một trong những đơn vị bắt buộc phải đưa các môn học, học phần vào học trực tuyến. Đào tạo trực tuyến chắc chắn là một xu hướng không thể cưỡng lại được, chắc chắn chúng ta phải làm và chúng ta đã buộc phải chuyển sang trực tuyến một phần trong suốt thời gian dịch Covid-19.

Mặc dù cũng đã có những bước cải tiến, nhưng trong thời gian qua vẫn còn gặp những thách thức. Một trong số đó là cái kiểm tra mức độ tương tác thực của người học, rõ ràng đây là một nội dung rất quan trọng. Có thực sự là học hay không, hay vào phần mềm rồi treo máy, mà thầy cô cứ trong tình trạng “tiếng tôi vang rừng núi, nhưng không ai trả lời”...

Chúng tôi cũng mong muốn các thầy cô về công nghệ sẽ có những cải tiến ứng dụng làm sao cho giảng viên có thể kiểm tra được mức độ tương tác của người học. Đó là việc mà tôi nghĩ chắc chắn các trường cần phải là nỗ lực.

GDVN_Đông.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Quang Đông - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ một số băn khoăn.

Thứ hai là về phương pháp, rõ ràng là khi mà chuyển đổi sang cái hình thức trực tuyến rất khó khăn, không đơn giản chỉ chuyển từ lớp học truyền thống sang cái lớp online là xong, còn nhiều chuyện nữa liên quan đến nội dung và hoạt động trên nền tảng đó. Chắc chắn, các trường phải đầu tư rất nhiều cho việc nâng cao, cải tiến những cái phương pháp giảng dạy trên nền tảng trực tuyến.

Thứ ba, tôi cũng nhất trí với đề xuất của Giáo sư Nguyễn Đình Đức về bộ tiêu chuẩn. Chúng ta phải phải đảm bảo chất lượng trực tiếp cũng như trực tuyến, ngang bằng nhau, thậm chí có thể vượt trội hơn trực tiếp. Thế thì chúng ta phải dùng một cái bộ tiêu chuẩn và phải đảm bảo tính đi đầu và phải bổ sung những cái tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp hơn để đánh giá chương trình đào tạo trực tuyến.

Song song với đó, chúng ta phải tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho chính những chuyên gia đánh giá, bởi bản thân người đánh giá cũng phải có kinh nghiệm, trải nghiệm dạy trực tuyến rồi thì mới đánh giá được”.

Thạc sĩ Đinh Quang Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đại Nam cũng nêu ý kiến tại hội thảo để đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến thì cần:

“Thứ nhất, trong quan điểm của các trường tư hiện nay cũng như Trường Đại học Đại Nam hiện nay, đang chạy theo hướng đa mục tiêu, tức là vừa phát triển về quy mô sinh viên, đồng thời làm sao duy trì được chất lượng cũng như cảm hứng học tập. Do đó, trong những giai đoạn trước đây, khi triển khai một số học phần đào tạo trực tuyến, thực sự là cũng chưa phải là câu chuyện ưu tiên hàng đầu đối với nhà trường. Vì nếu như vậy, trong cách thức triển khai, kinh nghiệm triển khai trong giai đoạn Covid-19 vừa rồi cho thấy cảm hứng học tập của sinh viên trong học tập trực tiếp vẫn rất quan trọng.

Thứ hai, khi quy mô sinh viên tăng lên, thì cái việc giải quyết bài toán số đông như thế nào trong việc triển khai đào tạo, cũng là một vấn đề đặt ra. Và khi đó, hội đồng trường và ban giám hiệu nhận ra vấn đề làm sao để học được mọi lúc, mọi nơi và thi được mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt trong đó có cả tiết giảm về chi phí đào tạo, đồng thời đưa ra được chất lượng như cam kết đối với xã hội.

Hiện nay, trong quá trình chuyển đổi số, nhà trường cũng đang tích cực triển khai những ứng dụng, hệ thống các lớp học trực tuyến, các bài học trực tuyến vào triển khai giảng dạy, nhưng chỉ triển khai ở những học phần mang tính lý thuyết và những học phần có thể giải quyết được quy mô số đông, khá nhẹ nhàng trong chương trình đào tạo. Ngoài ra, vấn đề liên quan đến tính đa ngành của trường đại học, chúng tôi cũng rất thận trọng khi áp dụng, nhất là khi trường có cả khối y dược, sức khỏe, những ngành công nghệ... vấn đề này nhà trường cũng còn nhiều băn khoăn.

Thứ ba, liên quan đến vấn đề về chính sách, khi đặt ra là 30% thời lượng các học phần, chương trình đào tạo được tổ chức trực tuyến được đặt ra trong giai đoạn trước, cũng là cái bước gỡ rối “nút thắt” trong triển khai. Thế nhưng, đến một lúc nào đó, cá nhân tôi cũng trực tiếp phụ trách đảm bảo chất lượng của trường cũng như trong tình hình xu thế thực tế, chúng ta cũng cần phải cân nhắc lại việc điều chỉnh lại những nội dung này, để đào tạo nó phù hợp hơn. Chúng ta cũng không nên đặt ra quá thiên về tỉ lệ phần trăm như vậy nữa, cá nhân tôi cho rằng khó có thể có tính toán ước lượng đâu là 30% hay 40%”.

Sẽ sửa Thông tư 39 về đào tạo từ xa

Tiến sĩ Mai Văn Trinh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng cho biết: “Tôi đồng ý cao nhất với việc chúng ta phải làm rõ khái niệm “thế nào là đào tạo trực tuyến”.

GDVN_Trinh.jpg
Tiến sĩ Mai Văn Trinh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Thứ hai, đúng là cơ chế, chính sách phải đi trước. Nhưng phải nói thật một điều, bản thân tôi cũng từng là người làm chính sách, nhưng khả năng tiên đoán, dự báo hiện nay của chúng ta còn chưa tròn chức năng, mà hầu như chỉ đang cố gắng để giải quyết những vấn đề được đặt ra trong thực tiễn sôi động. Lý do thì có muôn vàn lý do.

Thứ ba, đúng là chúng ta không thể quan niệm một cách đơn thuần là giảng dạy trực tuyến, hay học trực tuyến, mà phải là đào tạo trực tuyến. Tôi rất tâm đắc với ý kiến này.

Thứ tư, quan trọng nhất, góc độ của các nhà quản lý, khi công nhận văn bằng, câu hỏi đầu tiên tôi đặt ra là, liệu có đảm bảo chất lượng không, có xứng đáng được công nhận văn bằng không... Chúng ta phải nêu ra, giám sát và đánh giá kết quả đào tạo để đưa đến chất lượng thật. Chất lượng thật phải được công nhận thông qua một quá trình đánh giá khách quan, có đủ độ tin cậy. Như vậy, đương nhiên đào tạo trực tuyến sẽ có chỗ đứng.

Thứ năm, chúng ta có đưa ra số liệu thống kê các em thích học trực tuyến, nhưng phải lý giải được vì sao các em thích? Điều này cũng cần phải làm rõ”.

Bài và ảnh: Mộc Hương