Theo thông tin trên website, Trường Đại học Lương Thế Vinh là trường đại học dân lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo được thành lập ngày 05/12/2003 theo Quyết định số 259/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đến ngày 02/10/2018, Trường Đại học Lương Thế Vinh được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1292/QĐ-TTg về việc chuyển đổi sang loại hình trường tư thục.
Hiện nay, Trường Đại học Lương Thế Vinh do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Quốc Chánh là hiệu trưởng; thầy Lê Hồng Khanh là Chủ tịch Hội đồng trường.
Chỉ tiêu 2.000 nhưng số nhập học cao nhất chỉ đạt 18%/năm
Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam qua đề án tuyển sinh của Trường Đại học Lương Thế Vinh các năm 2021, 2022, 2023 cho thấy, chỉ tiêu tuyển sinh của trường có xu hướng tăng lên.
Theo bảng số liệu trên cho thấy, năm 2019 trường có 1.456 chỉ tiêu, đến năm 2021 và năm 2022 tăng lên 2.203 chỉ tiêu/năm.
Tuy nhiên, điều đáng nói là số nhập học theo từng năm ít hơn rất nhiều so với chỉ tiêu và không ổn định. Đơn cử, năm 2022, số nhập học chỉ đạt 11,53% so với chỉ tiêu; năm 2021, số nhập học nhiều hơn năm 2022, nhưng cũng chỉ đạt 18,57% so với chỉ tiêu. Đặc biệt, năm 2019, số nhập học của trường chỉ có 8/1.456 số chỉ tiêu (tuyển được chưa đến 1% số chỉ tiêu)
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lê Hồng Khanh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Lương Thế Vinh cho biết, việc thực hiện xác định chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo trình độ đại học của nhà trường thực hiện đúng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Thông tư số 01/2019/TT-BGDĐT về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT ngày 28/02/2018 quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non).
Tuy nhiên, thầy Khanh cho biết nhà trường gặp một số khó khăn nhất định trong công tác tuyển sinh.
Thứ nhất, về lý do khách quan, nhà trường là cơ sở giáo dục đại học tư thục nằm ở địa phương cách xa trung tâm kinh tế xã hội lớn nên khó để cạnh tranh trong công tác tuyển sinh so với cơ sở giáo dục đại học khác ở thành phố lớn như Hà Nội.
Chưa kể, trong số các ngành đào tạo của trường, có 8 ngành trùng với các trường đại học công lập đóng trên địa bàn tỉnh Nam Định (như Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Trường Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp cơ sở Nam Định). Do vậy, người học thường ưu tiên chọn trường công lập vì mức học phí thấp hơn trường tư để theo học.
Chưa kể, cùng với ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhà trường cũng như nhiều trường đại học tư thục địa phương khác gặp khó khăn cho công tác tuyển sinh.
Thứ hai, về lý do chủ quan, thầy Khanh cho rằng, với các ngành đào tạo của trường hiện nay đều được nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước tuyển sinh và đào tạo với nhiều hình thức, trong đó có đào tạo từ xa để phù hợp và thuận tiện cho người vừa đi làm, vừa đi học. Trong khi đó, nhà trường lại chưa đào tạo từ xa đối với các ngành này nên cũng là một khó khăn trong thu hút người học.
Để tăng quy mô đào tạo hàng năm, nhà trường sẽ làm hồ sơ đề án trình Bộ Giáo dục và Đào tạo để cấp phép cho trường được đào tạo từ xa, đáp ứng được nhu cầu của nhóm đối tượng vừa đi làm, vừa đi học.
Quy mô đào tạo nhỏ, hiệu quả tuyển sinh thấp
Theo đề án tuyển sinh các năm gần đây của nhà trường cho thấy, quy mô đào tạo đại học chính quy tính từ ngày 31/12/2020 (19 người) đến ngày 31/12/2021 là 72 người, tức chỉ tăng 53 người.
Và từ ngày 31/12/2021 (72 người) đến ngày 31/12/2022 (58 người), quy mô đào tạo đại học chính quy của trường lại giảm 14 người.
Chia sẻ với phóng viên, thầy Khanh cho biết, năm 2019 và năm 2020, kết quả tuyển sinh của nhà trường thấp. Điều này do nhiều nguyên nhân khách quan, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thời điểm đó, nhân sự phòng tuyển sinh của nhà trường có sự thay đổi nên chưa có nhiều phương án tuyển sinh phù hợp trong tình hình đặc thù giãn cách xã hội. Chính vì thế, nhà trường không tuyển được nhiều sinh viên theo hệ đào tạo đại học chính quy.
Sau thời gian đó, Ban Giám hiệu nhà trường đã đôn đốc chỉ đạo phòng tuyển sinh làm truyền thông để tuyên truyền quảng bá, thu hút người học nên kết quả tuyển sinh đã khả quan.
Trường Đại học Lương Thế Vinh với quy mô đào tạo nhỏ, hiệu quả tuyển sinh thấp đã và đang đặt ra vấn đề gây lãng phí cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên của trường.
Trước vấn đề này, thầy Khanh chia sẻ: "Hội đồng trường cũng nhìn nhận vào thực tế nếu kết quả tuyển sinh thấp so với năng lực đào tạo thì sẽ gây lãng phí cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên. Để khắc phục tình trạng này, Hội đồng trường đã họp và thống nhất chủ trương mở thêm các ngành học mới trình độ đại học nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội".
Về quy mô đào tạo thạc sĩ, theo bảng số liệu trên, quy mô đào tạo thạc sĩ của trường tăng giảm không ổn định. Cụ thể, tính từ ngày 31/12/2020 (người 69 người) đến ngày 31/12/2021 (53 người), quy mô đào tạo thạc sĩ của trường giảm 16 người.
Và từ ngày 31/12/2021 (53 người) đến ngày 31/12/2022 (101 người), quy mô đào tạo thạc sĩ của trường lại tăng khoảng 48 người.
Thầy Khanh cho biết, nhà trường đang đào tạo trình độ thạc sĩ đối với ngành Quản trị kinh doanh và ngành Thú y. Trong đó, với ngành Quản trị kinh doanh, số lượng các cơ sở giáo dục đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép đào tạo thạc sĩ ngành này tăng lên, với định hướng nghiên cứu hoặc định hướng ứng dụng. Tuy nhiên, Trường Đại học Lương Thế Vinh đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh với định hướng ứng dụng nên chỉ tuyển được khoảng 50-60% chỉ tiêu.
Còn với ngành Thú y trình độ thạc sĩ, thầy Khanh cho rằng đây là ngành chuyên sâu đặc thù nên số lượng người có nhu cầu học ít.
Cũng theo bảng số liệu trên, với đào tạo đại học hệ vừa làm vừa học, từ ngày 31/12/2021 (43 người) đến ngày 31/12/2022 (126 người), quy mô đào tạo hệ này của nhà trường tăng 83 người.
Lý giải vì sao đưa vào đào tạo hệ vừa làm vừa học, thầy Khanh cho biết điều này là do Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các cơ sở giáo dục đại học được đa dạng hóa các hình thức đào tạo (chính quy, liên thông, vừa làm vừa học).
"Về quy mô tuyển sinh và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, nhà trường luôn tuân thủ và thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Với đối tượng vừa làm vừa học, thời gian đào tạo được nhà trường thiết kế theo quy định của Bộ là nhiều hơn 20% so với chương trình đào tạo chính quy. Nhà trường tuyển sinh các hệ đào tạo này đều không vượt so với chỉ tiêu đã xác định trong đề án tuyển sinh hàng năm", thầy Khanh chia sẻ.
Theo Điểm c, Khoản 4, Điều 1 Thông tư số 10/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 28/04/2023 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT ngày 18/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non quy định:
"Chỉ tiêu tuyển sinh đại học của lĩnh vực không được tăng so với năm tuyển sinh trước liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh của lĩnh vực đó nếu tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp trình độ đại học có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp của lĩnh vực đó đạt dưới 80% hoặc tỉ lệ thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của lĩnh vực đó ở năm tuyển sinh liền kề trước năm tuyển sinh đạt dưới 80%, trừ trường hợp ngành đào tạo có chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng được tính chỉ tiêu riêng".