Theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Đông Đô, trụ sở chính của nhà trường tại xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có diện tích đất là 33.500 m2, diện tích sàn là 3.750 m2; Cơ sở đào tạo tại 60B Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội) có diện tích là 2.646 m2, diện tích sàn gồm 2.060 m2.
Trụ sở chính không giảng dạy
Để tìm hiểu về cơ sở đào tạo của Trường Đại học Đông Đô, phóng viên đã đến trụ sở chính của Trường Đại học Đông Đô tại xã Phú Nghĩa, (huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
Nơi đây có diện tích đất là 33.500 m2 với 3.750 m2 sàn, cách cơ sở đào tạo 60B Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội) khoảng 19km.
Trụ sở chính của nhà trường nằm giáp ranh với Quốc lộ 6, nếu đi từ chiều Hà Đông (Hà Nội) về Xuân Mai (Chương Mỹ) sẽ có tấm biển chỉ dẫn Trường Đại học Đông Đô ở bên tay phải.
Ngay ngoài cổng của nhà trường là tấm biển: "Trường Đại học Đông Đô bị cây cảnh mọc che khuất một phần. Đi qua cổng bảo vệ, ở bên phải là khu dịch vụ bể bơi, tiếp đó là bãi đỗ xe tải (bên trái) và sân tập lái xe ô tô ở trong cùng.
Nhân viên bảo vệ cho hay, nhà trường hiện không đào tạo sinh viên tại nơi đây. Mọi hoạt động đào tạo được tập trung tại cơ sở ở 60B Nguyễn Huy Tưởng.
"Chỗ những chiếc xe tải để đằng kia cũng được cho thuê làm bãi đỗ...", nhân viên bảo vệ cho hay.
Nam nhân viên bảo vệ cho biết thêm, nhà trường không còn đào tạo sinh viên ở đây nhưng khi có những dịp cắm trại, nhà trường vẫn tổ chức cho sinh viên về đây.
Khi được phóng viên đề xuất vào bên trong để tham quan nhằm sau này "học lái xe ô tô", nhân viên bảo vệ từ chối.
Về nội dung trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện nhà trường thông tin: "Nhà trường thực hiện đào tạo thực hành tại cơ sở Phú Nghĩa theo kế hoạch đào tạo của từng khoa, ngành nên có thời điểm sẽ không có sinh viên thực hành tại cơ sở Phú Nghĩa".
Hoạt động tuyển sinh của Trường Đại học Đông Đô ra sao?
Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Đông Đô sử dụng 5 phương thức tuyển sinh.
Các phương thức đó là: dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét học bạ trung học phổ thông; Kết hợp giữa kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi năng khiếu; kết hợp giữa kết quả học tập trung học phổ thông và thi năng khiếu; xét tuyển hồ sơ đối với thí sinh đáp ứng với ngưỡng đầu vào và các điều kiện nộp hồ sơ theo quy định.
Năm 2024, nhà trường có 1.616 chỉ tiêu tuyển sinh cho 17 ngành đào tạo trình độ đại học.
Cụ thể, ngành học có chỉ tiêu tuyển sinh nhiều nhất là ngành Dược học với 240 chỉ tiêu; Ngành Điều dưỡng với 200 chỉ tiêu; Ngành Quản trị kinh doanh là 170 chỉ tiêu; Ngành Ngôn ngữ Trung Quốc 160 chỉ tiêu; Ngành Luật Kinh tế 120 chỉ tiêu...
Đối với hệ sau đại học, ba ngành đào tạo bậc thạc sỹ đều có 20 chỉ tiêu tuyển sinh như Quản lý kinh tế, Quản trị kinh doanh, Quản lý công. Bốn ngành có 15 chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo thạc sỹ như, Tài chính ngân hàng, Kiến trúc, Quản lý xây dựng, Quản lý tài nguyên và môi trường.
Đối với bậc đào tạo tiến sĩ, nhà trường chỉ dành 5 chỉ tiêu tuyển sinh cho ngành Quản trị kinh doanh.
Quy mô đào tạo đại học của nhà trường tính đến ngày 31/12/2023 là 1.614 sinh viên, trong đó đào tạo đại học chính quy là 1.550 sinh viên.
Theo quy mô đào tạo của nhà trường, khối ngành sức khỏe có số lượng sinh viên đông nhất với 551 sinh viên. Trong đó, 468 sinh viên ngành Dược học, 30 sinh viên ngành Điều dưỡng và 53 sinh viên ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học.
Tiếp đó là khối ngành về Kinh doanh và Quản lý với 344 sinh viên. Trong đó, ngành Quản trị kinh doanh là 175 sinh viên, ngành Tài chính ngân hàng là 82, ngành Kế toán là 53 và ngành Thương mại điện tử là 34.
Khối ngành Nhân văn có quy mô đào tạo là 190 sinh viên của 3 ngành ngôn ngữ. Cụ thể, ngành Ngôn ngữ Anh là 25 sinh viên, ngành Ngôn ngữ Nhật là 26 và ngành Ngôn ngữ Trung Quốc là 139.
Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu, nhà trường có tổng diện tích đất là 36.146 m2. Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của trường tính trên một sinh viên chính quy là 5,52 m2/người.
Tổng nguồn thu hợp pháp/năm của nhà trường năm 2023 là 20.650.000.000 đồng. Tổng chi phí đào tạo trung bình của một sinh viên/năm 2023 là 9.687.000 đồng.
Theo thông tin về tình hình tuyển sinh 2 năm gần nhất (2023, 2022) cho thấy, nhiều ngành Trường Đại học Đông Đô tuyển sinh khá èo uột.
Đơn cử như ngành Kiến trúc, chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 chỉ tiêu là 100, số nhập học bỏ trống. Năm 2023, chỉ tiêu là 50 số nhập học là 1, tỷ lệ nhập học chỉ đạt 0,02%.
Ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường, tình hình tuyển sinh cũng rất khó khăn. Theo thống kê của trường, số chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 là 100 nhưng số nhập học nhà trường bỏ trống ở bảng kê. Năm 2023 chỉ tiêu là 100, số nhập là 3, tỷ lệ nhập học chỉ 0,03%.
Ngành Quản lý nhà nước, trong 2 năm 2022, 2023, số chỉ tiêu tuyển sinh đều là 100 nhưng số nhập học ở bảng kê đều ghi 0.
Theo giới thiệu trên website của Trường Đại học Đông Đô, nhà trường có tên viết tắt là HDIU, đơn vị được thành lập vào ngày 03 tháng 10 năm 1994 theo Quyết định số 534/TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Sứ mệnh của nhà trường là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, trình độ cao; Thực hiện chuyển giao công nghệ; cung cấp các dịch vụ tư vấn; Đào tạo đa ngành để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Về tầm nhìn, thích nghi với sự biến đổi của thành tựu khoa học; Cuộc cách mạng 4.0 và thay đổi của thị trường lao động để thay đổi nội dung, phương pháp lãnh đạo, quản lý, dạy và học. Đến năm 2030 phải đạt thương hiệu quốc gia; Đến năm 2040 đạt thương hiệu tầm quốc tế.
Về giá trị cốt lõi, nhà trường có nêu, tạo ra môi trường thuận lợi để mọi người phát huy sáng tạo, phát triển tài năng, mang lại cho người học môi trường học tập - nghiên cứu tiên tiến để nâng cao kiến thức, phát triển kỹ năng, sáng kiến để tự thân lập nghiệp, cạnh tranh được việc làm và cơ hội học tập ở môi trường quốc tế.
Hiện nay, Hiệu trưởng nhà trường là Tiến sĩ Nguyễn Thái Sơn; Chủ tịch Hội đồng trường là Tiến sĩ Trịnh Hữu Tuấn.