Nhiệm vụ xét thi đua, khen thưởng của năm học 2023-2024 của các cơ sở giáo dục trên cả nước về cơ bản đã hoàn thành, danh sách đề nghị đã được chuyển lên cấp trên, nhưng dư âm của nó còn đọng lại trong tâm tư của giáo viên.
Vấn đề mà nhiều giáo tâm tư nhất, chính là sự không đều tay trong xét thi đua giữa các trường, trường tiên tiến cũng có cùng tỷ lệ giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như trường chỉ xếp hoàn thành nhiệm vụ.
Thực tế ai cũng biết, giáo viên công tác tại các trường “điểm”, trường tiên tiến, thường phải chịu áp lực nhiều hơn hẳn so với giáo viên công tác ở các trường khác.
Người viết đã từng trải nghiệm công tác ở trường “điểm” và cả trường “đại trà”; ở trường “điểm” bao giờ cũng nghiêm túc hơn hẳn về giờ giấc, hồ sơ giáo án … đến công tác kiêm nhiệm khác.
Ví dụ, cùng là giáo viên chủ nhiệm, ở trường “điểm” 15 phút đầu giờ hôm nào giáo viên cũng phải có mặt sinh hoạt với học sinh, còn ở trường khác có thể giáo viên chủ nhiệm có mặt sinh hoạt với lớp ngày mình có tiết hoặc vài buổi trong tuần.
Để nhà trường đạt được danh hiệu thi đua đứng đầu một cấp học của một địa phương, trở thành trường "điểm", đòi hỏi cả tập thể phải cùng nỗ lực phấn đấu, chứ không phải đơn giản mà đạt được, nhưng tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cũng đều 20%, nên tỷ lệ chiến sĩ thi đua cơ sở cũng chỉ tương đương 20%.
Vì vậy, khi xét thi đua, đánh giá viên chức, đã nảy sinh tình trạng mất công bằng giữa các đơn vị trong cùng một địa phương, một cấp học.
Ví dụ, trong một huyện có trường tiểu học A và trường tiểu học B, có cùng số giáo viên nhân viên là 50 người, trường A xếp loại thi đua đứng đầu huyện, trường B đứng cuối huyện.
Nhưng khi xếp loại viên chức cuối năm, mỗi trường đều có 10 người được xếp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thực tế, những người xếp hoàn thành tốt nhiệm vụ ở trường A có chất lượng công tác hơn hẳn những người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở trường B.
Những người được xếp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thường có sáng kiến kinh nghiệm, vô hình trung tỷ lệ xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã “khống chế” tỷ lệ chiến sĩ thi đua cơ sở.
Trường học có nhiều thành tích nhưng phải chung một tỷ lệ xếp loại như trường ít thành tích là bất cập mà ai cũng có thể thấy, đã có những trao đổi của giáo viên để khắc phục tình trạng "bất cập" này, đó chính là viết sáng kiến kinh nghiệm trong năm học 2024-2025.
Điều 23 Luật thi đua, khen thưởng ghi rõ: Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”
Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” để tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau đây:
1. Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;
2. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận.[1]
Giáo viên xếp loại viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ phải có sáng kiến kinh nghiệm mới đủ điều kiện xét chiến sĩ thi đua cơ sở.
Khó có thể “cạnh tranh” một suất Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng muốn được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, giáo viên chỉ còn cách có sáng kiến kinh nghiệm.
Thực tế, việc để có một sáng kiến kinh nghiệm được công nhận cấp huyện không khó, giáo viên có thể bằng nhiều cách để đạt mà thực sự yếu tố bỏ công sức của "chính chủ" không nhiều.
Giáo viên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở có nhiều quyền lợi hơn hẳn danh hiệu Lao động tiên tiến, nên năm học 2024-2025 nhiều giáo viên sẽ dùng "giải pháp" viết sáng kiến kinh nghiệm để đủ điều kiện được xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua.
Bên cạnh đó, hình thức Bằng khen cấp tỉnh cũng là mục tiêu phấn đấu của giáo viên hiện nay. Điểm d Khoản 1 Điều 74 Luật thi đua, khen thưởng quy định về Bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh cũng dành cho cá nhân đạt tiêu chuẩn: "Có 02 lần liên tục được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc có liên tục từ 02 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 02 sáng kiến được công nhận và áp dụng có hiệu quả trong phạm vi cơ sở hoặc có 02 đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cơ sở ".
Số lượng chiến sĩ thi đua cơ sở không còn giới hạn, bằng khen cấp tỉnh đòi hỏi phải có sáng kiến kinh nghiệm, lương mới có cơ cấu 10% tiền thưởng. Vì vậy, để thêm điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn, giáo viên sẽ tự nguyện viết sáng kiến kinh nghiệm trong năm học 2024-2025 sẽ tăng.
Không bắt buộc giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm, nhiều ý kiến cho rằng sẽ dẹp được chợ mua bán sáng kiến kinh nghiệm trên mạng xã hội. Tuy nhiên, "chợ" vẫn hoạt động nhộn nhịp, với nhiều lời rao mua bán, chuẩn bị cho công tác thi đua năm học 2024-2025.
Để công tác thi đua thực chất, người viết mong các cơ quan quản lý có giải pháp phù hợp với thực tế, để thi đua có tác dụng tích cực, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.