Nếu hạ đầu vào ĐH để tuyển được nhiều hơn, rủi ro chất lượng đầu ra sẽ rất lớn

06/06/2024 08:49
Thùy Trang

GDVN - Hạ thấp đầu vào mở thêm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho nhiều học sinh nhưng không được hạ thấp hơn ngưỡng tối thiểu để đảm bảo chất lượng.

Những năm gần đây, việc nhiều trường đại học sử dụng phương thức xét tuyển học bạ với điểm chuẩn chỉ từ 15-16 điểm đã trở thành chủ đề gây tranh cãi. Có ý kiến cho rằng việc này có thể mở rộng cơ hội học tập cho học sinh, nhưng cũng có ý kiến băn khoăn về chất lượng đầu vào liệu có đảm bảo?

Hạ thấp đầu vào cần đảm bảo ngưỡng tối thiểu để duy trì chất lượng

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Thọ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, hiện nay, các trường đại học trên thế giới, bao gồm cả các trường đại học có thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng của thế giới vẫn đang sử dụng kết quả học tập theo học bạ là một tiêu chí quan trọng để xét tuyển. Điều này cho thấy, kết quả học tập theo học bạ là một tiêu chí tốt để đánh giá năng lực của học sinh.

PGS.TS Bùi Đức Thọ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Thọ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế Quốc. Ảnh: NVCC.

Nếu sử dụng kết quả học tập theo học bạ để xét tuyển, các trường cần có thêm tiêu chí khác để đánh giá được toàn diện năng lực của người học. Việc này sẽ đảm bảo lựa chọn được thí sinh đáp ứng đủ chất lượng đầu vào và đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh cũng như giữa các phương thức xét tuyển. Đồng thời, các trường nên sử dụng kết quả học tập trung bình của cả 3 năm để đánh giá được cả quá trình, cũng như để khuyến khích học sinh phấn đấu học tập ngay từ năm lớp 10.

Tuy nhiên, phương thức xét tuyển học bạ chỉ đánh giá một phần nhất định, có nguy cơ rủi ro thiếu công bằng giữa các thí sinh. Nguy cơ này xảy ra nếu giữa các lớp, hay giữa các trường trung học phổ thông trong phạm vi tuyển sinh có mức độ đánh giá kết quả học tập không đồng đều; lớp dễ, lớp khó, trường dễ, trường khó.

Ngoài ra, thầy Bùi Đức Thọ cho rằng chất lượng đầu vào là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra và các trường cần xác định được ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu đầu vào. Hạ thấp đầu vào sẽ mở thêm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho nhiều học sinh hơn nhưng không được hạ thấp hơn ngưỡng tối thiểu để đảm bảo chất lượng.

Theo Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhà trường chưa bao giờ xét tuyển bằng phương thức xét điểm học bạ một cách thuần túy.

Trước đây, trường có xét tuyển kết hợp thí sinh là các học sinh thuộc hệ chuyên của các trường trung học phổ thông chuyên hoặc trường trung học phổ thông trọng điểm quốc gia. Nhà trường dành khoảng 10% chỉ tiêu cho đối tượng xét tuyển này. Khi xét tuyển đối tượng này, trường kết hợp điểm trung bình chung 3 năm trung học phổ thông và điểm thi 2 môn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (trong đó có môn bắt buộc là môn Toán).

Về chất lượng đầu vào của các thí sinh trúng tuyển bằng phương thức kết hợp, điểm trúng tuyển vào trường dao động từ 26,5 - 28 điểm, tương đương trung bình khoảng 8,85 - 9,3 điểm một môn.

Từ năm 2024, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân bỏ phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm trung bình chung 3 năm cấp ba với điểm thi 2 môn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông dựa trên 3 căn cứ.

Thứ nhất, qua phân tích dữ liệu hồ sơ đầu vào các năm, nhà trường nhận thấy phần lớn các thí sinh thuộc đối tượng này thường có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (IELTS, TOEFL,…), chứng chỉ quốc tế (SAT, ACT), bài thi đánh giá năng lực, tư duy. Điểm này có độ trùng rất cao với các đối tượng xét tuyển khác theo phương thức xét tuyển kết hợp của trường. Việc bỏ đối tượng này, không ảnh hưởng đến cơ hội xét tuyển vào trường của các học sinh lớp chuyên, trường chuyên/trường trọng điểm quốc gia.

Thứ hai, theo kết quả theo dõi và phân tích kết quả học tập hàng năm của trường, nhóm các sinh viên trúng tuyển theo phương thức này có kết quả không xuất sắc bằng các nhóm đối tượng xét tuyển kết hợp khác.

Thứ ba, thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tinh giản các phương thức xét tuyển, trong những năm vừa qua trường đã nghiên cứu và điều chỉnh, giản lược các phương thức xét tuyển đảm bảo tinh gọn và hiệu quả.

Mức điểm chuẩn học bạ từ 15 đến 18 điểm/3 môn không đủ căn cứ để nói đây là mức điểm cao hay thấp, cũng không đủ căn cứ để xác định các trường có đào tạo được sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra hay không.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Thọ đánh giá, mức điểm đầu vào như vậy, các trường đại học sẽ rất khó khăn trong tổ chức đào tạo để các em sinh viên đạt được chuẩn đầu ra. Những trường này cần phải có những điều kiện đảm bảo chất lượng khác rất tốt mới có thể bù đắp được mức thấp hơn trung bình của sinh viên đầu vào.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, không nên đặt nặng vấn đề điểm chuẩn học bạ vì điều quan trọng nhất và bắt buộc để học sinh xét tuyển đại học là học sinh tốt nghiệp được trung học phổ thông.

thay-nguyen-duc-nghia-2183-3466.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa – nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Nếu nhìn dưới góc độ các trường đại học, việc xét điểm học bạ trung học phổ thông cũng có sự phân tầng giữa các trường đại học.

Đối với một số trường có bề dày lâu năm, “top” đầu nếu sử dụng phương thức xét học bạ thì điểm chuẩn phương thức này cũng rất cao. Đối với những trường khác, nguồn xét học bạ trung học phổ thông là một nguồn giúp trường tuyển đủ chỉ tiêu. Đối với những trường chưa có mức độ cạnh tranh, thu hút cao thì điểm chuẩn theo học bạ vẫn thấp.

Việc xét tuyển theo học bạ cũng là một cơ hội cho các thí sinh có điểm học không cao ở những vùng khó khăn. Các thí sinh không thể xét tuyển theo các phương thức có tính cạnh tranh cao khác như điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông hay điểm thi của các kỳ thi đánh giá năng lực mà các em không có điều kiện tham gia.

“Về điểm chuẩn đầu vào của phương thức xét tuyển này, không nên đánh giá thấp các thí sinh có điểm đầu vào chưa cao vì quá trình học tập trong trường đại học quan trọng hơn điểm đầu vào. Trong trường đại học, các em sẽ tiếp tục được rèn luyện về kiến thức và kỹ năng”, thầy Nghĩa cho hay.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng cho rằng, không nên “kì thị” phương thức xét tuyển học bạ trung học phổ thông.

Về nguyên tắc tự chủ, các trường đại học có quyền tự chủ trong việc xây dựng phương án tuyển sinh và phải trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, các trường được tuyển sinh, không bắt buộc các trường phải theo một tiêu chí chung.

Tuyển sinh chỉ là một yếu tố trong quá trình đào tạo đại học, quan trọng hơn là cách thức đào tạo. Trường đại học phải nhận thức được số lượng sinh viên đáp ứng được nhu cầu xã hội, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tuyển sinh năm sau do chất lượng đào tạo không đủ. Trường cần cải tiến công tác đào tạo, đánh giá sinh viên để đảm bảo đầu ra.

Bên cạnh đó, các trường cần có trách nhiệm với sinh viên khó khăn, yếu kém, phải có cách để họ đáp ứng được nhu cầu xã hội sau khi tốt nghiệp. Cán bộ giảng dạy, thiết bị, quy định đào tạo của trường mới là yếu tố then chốt để đảm bảo chất lượng đầu ra.

Cùng quan điểm, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên chia sẻ, điểm đầu vào thấp cũng tạo điều kiện, cơ hội vào đại học cho nhiều học sinh vùng sâu, vùng xa không có điều kiện kinh tế và điều kiện học tập.

Quan điểm này phần nào phản ánh mong muốn của các trường đại học trong việc thu hút được nhiều thí sinh, từ đó nâng cao tính công bằng và bình đẳng trong tuyển sinh. Điều này cũng góp phần thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục, mở rộng cơ hội tiếp cận đại học cho tất cả các tầng lớp xã hội.

Nâng cao chương trình đào tạo để “siết” đầu ra

Theo nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, không thể khẳng định, một sinh viên có chuẩn đầu vào thấp thì không thể trở thành một sinh viên xuất sắc. Đối với đào tạo đại học, quá trình đào tạo có hiệu quả hay không sẽ đánh giá qua chuẩn đầu ra đại học.

Việc “siết chặt” đầu ra không phải là hạn chế sinh viên tốt nghiệp hay hạ tỷ lệ tốt nghiệp của sinh viên. Mỗi một chương trình đào tạo tại đại học sẽ được nghiên cứu, xây dựng và có thước đo chuẩn đầu ra riêng, nhà trường sẽ căn cứ vào chuẩn đầu ra để xét tốt nghiệp cho sinh viên. Để “siết” đầu ra, nhà trường phải nghiên cứu và đặt ra một chuẩn nhất định cho từng chương trình học và thực hiện nghiêm theo chuẩn đầu ra.

1aff1c6e4de5edbbb4f4.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên. Ảnh: NVCC.

Cùng bàn về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng khẳng định, nếu trong quá trình đào tạo, trường có đầu vào cao, công tác đào tạo sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn. Tuy nhiên, ở các đại học vùng hay những trường thành viên của đại học vùng, việc xét tuyển thí sinh có điểm đầu vào thấp là việc “bất khả kháng”. Những bất lợi về ngành nghề đào tạo và vị trí địa lý cũng ảnh hưởng đến điểm đầu vào.

Nguyên nhân là do nhiều học sinh hiện nay có xu hướng không học đại học và lựa chọn đi làm từ sớm tại các khu công nghiệp với thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng. Hoặc các bạn lựa chọn vào trường cao đẳng nghề, vì sẽ được hỗ trợ toàn bộ học phí đồng thời có thể học liên thông 1-2 năm để lấy bằng đại học. Những người có ý định học đại học lại tập trung nhiều về các thành phố lớn để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn trong tương lai. Bên cạnh đó, nhiều ngành đào tạo không được học sinh đề cao nên điểm đầu vào cũng bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng nhận định, điểm chuẩn đầu vào chỉ quyết định một phần chất lượng đào tạo và đầu ra của trường. Nếu chất lượng đào tạo tốt thì vẫn có thể đảm bảo chất lượng đầu ra thuận lợi và còn phụ thuộc rất nhiều vào triết lý đào tạo của trường.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Thọ, chuẩn đầu ra được xác định trước khi tuyển sinh và được nêu rõ trong chương trình đào tạo. Chuẩn đầu ra tối thiểu phải đạt chuẩn đầu ra bậc 6 trong khung năng lực quốc gia Việt Nam. Sinh viên muốn ra trường, phải đạt được các chuẩn đầu ra mà các trường đã công bố.

Để đánh giá mức độ đạt được các chuẩn đầu ra của người học, hiện nay các trường thường đánh giá qua bài thi, khóa luận, đồ án, đề án, chuyên đề. Để xác định được chuẩn đầu ra của mỗi chương trình đào tạo, các trường đã phải khảo sát nhiều đơn vị liên quan; đánh giá nhu cầu sử dụng lao động sau tốt nghiệp, đánh giá và tổng hợp các năng lực cần có của người học sau tốt nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động.

Đồng thời, định kỳ, các trường phải rà soát chương trình đào tạo, đánh giá lại mức độ phù hợp với yêu cầu công việc sau khi người học tốt nghiệp. Do vậy, theo thầy Thọ, nếu các trường làm tốt việc xây dựng chương trình đào tạo, sinh viên đạt chuẩn đầu ra sẽ có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu của công việc sau khi tốt nghiệp.

Để sinh viên đạt được chuẩn đầu ra theo thiết kế của chương trình đào tạo, có nhiều yếu tố ảnh hưởng, trong đó, chất lượng đầu vào là một yếu tố quan trọng. Vì vậy, các trường thường phải xác định được ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu đầu vào. Nếu dưới ngưỡng đảm bảo, trường khó có thể đào tạo được để sinh viên đạt được các chuẩn đầu ra đã tuyên bố.

Nếu các trường hạ chuẩn đầu vào mà thiếu căn cứ, hạ đầu vào chỉ để tuyển được nhiều hơn thì rủi ro chất lượng đầu ra sẽ rất lớn. Trường hợp hạ đầu vào mà vẫn siết đầu ra, đồng thời, các yếu tố đảm bảo chất lượng khác không cải thiện, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp sẽ thấp, gây tổn thất xã hội lớn.

Theo thầy Bùi Đức Thọ, muốn mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học, hạ chuẩn đầu vào mà vẫn đảm bảo chất lượng đầu tạo, đạt chuẩn đầu ra, các trường cần dựa trên kết quả phân tích dữ liệu đào tạo đã có để xác định chuẩn tối thiểu cho đầu vào.

Bên cạnh đó, tập trung đầu tư cho các yếu tố đảm bảo chất lượng khác như chất lượng đội ngũ giảng viên, tỷ lệ sinh viên/giảng viên, chương trình đào tạo, tài liệu, cơ sở vật chất, công nghệ phục vụ dạy và học, chuyển đổi số trong quản trị đại học.

Thùy Trang