Làm sao để quản lý chất lượng hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử?

05/06/2024 06:05
Huệ Phương

GDVN- Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về việc với những hình thức thương mại điện tử, làm sao để quản lý về chất lượng, đảm bảo quyền lợi của khách hàng.

Chiều ngày 4/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp 7 nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực công thương, sẽ tập trung vào: Công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; Giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các FTA và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; Việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên là người trả lời chính. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Diên.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đăng đàn trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn.

Giải pháp ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử

Phát biểu tại phiên chất vấn, Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thương mại điện tử đang thúc đẩy nền kinh tế số của đất nước. Tuy nhiên, hoạt động thương mại điện tử thời gian qua đã và đang bị các đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ xuất xứ và lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các hành vi này ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động.

Vị đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để hạn chế, ngăn chặn hành vi vi phạm của nhóm đối tượng này. Qua đó, hướng tới phát triển thương mại điện tử lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Minh Hoàng.jpg
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cũng đề cập đến giải pháp bảo mật và an toàn thông tin cá nhân trong thương mại điện tử.

Cụ thể, Đại biểu Dương Minh Ánh cho biết, một trong những hạn chế của thương mại điện tử là khó xây dựng lòng tin của người tiêu dùng. Trong đó, vấn đề về bảo mật và an toàn thông tin cá nhân, các trường hợp vi phạm dữ liệu cá nhân và gian lận thương mại khiến cử tri lo lắng, do dự khi tiến hành thanh toán trực tuyến. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp về vấn đề trên.

Ánh.jpg
Đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Ảnh: quochoi.vn.

Trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, chúng ta đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn đó là người tiêu dùng phải đối mặt với mất an toàn dữ liệu cá nhân; hàng giả, hàng kém chất lượng, tính an toàn thấp chưa được kiểm soát chặt chẽ đã và đang bao vây, sẵn sàng đổ bộ vào nước ta, ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp sản xuất cũng như người tiêu dùng; thách thức thứ 3 là thất thu thuế.

Bộ trưởng cho biết, tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân, mua bán, chiếm đoạt dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng tuy không phổ biến nhưng thời gian qua, Bộ Công Thương đã nhận diện rõ vấn đề này; đã nghiên cứu tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và Nghị định 55 hướng dẫn thi hành luật, trong đó có bổ sung nhiệm vụ tổ chức và cá nhân trong việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, như phải xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin, bảo đảm an toàn, an ninh của người tiêu dùng. Ngày 01/7/2024, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực, hy vọng sẽ góp phần khắc phục tình trạng trên.

Thời gian tới, để khắc phục tình trạng này, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Công an xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm các quy định của pháp luật toàn diện các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thương mại điện tử. Đẩy mạnh truyền thông về các quy định mới của pháp luật; Yêu cầu các tổ chức cá nhân kinh doanh xây dựng quy tắc bảo mật thông tin; yêu cầu sàn giao dịch điện tử công khai chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng.

Về giải pháp chống hàng giả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã thường xuyên khuyến nghị đến người sản xuất trong nước chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhất là trên môi trường thương mại điện tử.

Bộ Công Thương cũng trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và nghị định hướng dẫn triển khai đề án chống hàng giả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử, và triển khai cơ chế trực tuyến 24/7 để tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng cả nước. Riêng trong năm 2023, đã tiếp nhận và gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm và chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng qua thương mại điện tử.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp các bộ ngành chức năng tham mưu Chính phủ xem xét ban hành nghị định về quản lý hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử. Theo đó, tách bạch giữa luồng hàng hóa thông thường với hàng hóa thương mại điện tử để tăng cường quản lý người bán nước ngoài qua kênh này.

Bên cạnh đó, tham mưu Chính phủ xem xét bãi bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng với hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ, tránh tình trạng nhập khẩu qua thương mại điện tử cạnh tranh với hàng trong nước mà không bị áp thuế.

Cùng với đó, có cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Đẩy mạnh cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, nhất là trên thương mại điện tử. Đồng thời, tăng cường kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng nhập qua môi trường điện tử.

Đối với giải pháp chống thất thu thuế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, theo thống kê, nộp thuế trong lĩnh vực này của năm 2003 tăng trên 16% so với năm 2022. Tuy nhiên, vẫn còn thất thu thuế trong lĩnh vực này.

Bộ Công Thương tích cực phối hợp với ngành thuế và Bộ Tài chính chia sẻ dữ liệu của hơn 900 website và gần 300 ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử để thực hiện rà soát và tăng cường quản lý thuế trong thương mại điện tử.

Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử chia sẻ liên thông với các bộ ngành liên quan để phục vụ công tác quản lý thuế và hải quan. Khẩn trương hoàn thành kết nối hệ thống giữa cơ quan chức năng của Bộ Công Thương và Tổng cục thuế để trao đổi dữ liệu các website ứng dụng thương mại điện tử bán hàng trong tháng 6/2014.

Tăng cường phối hợp với Bộ Công an trong áp dụng định danh điện tử cho người bán trên sàn giao dịch để tăng cường hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế. Tích cực thanh kiểm tra, xử lý vi phạm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân hoạt động trên thương mại điện tử không kê khai thuế.

Bộ trưởng cũng cho biết, để tăng cường quản lý hướng dẫn hỗ trợ người tiêu dùng, Bộ đã công khai danh sách các website thương mại điện tử về phản ánh về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Về lo ngại lợi dụng biện pháp này để cạnh tranh không lành mạnh, nói xấu nhau, Bộ trưởng cho biết Bộ thực hiện quy trình tiếp nhận, công khai thông tin rất chặt chẽ với các yêu cầu cụ thể…

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu ngành logistics trong tương lai

Tại phiên chất vấn, Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên chia sẻ, trong thời gian qua, mạng xã hội xôn xao những cuộc livestream bán hàng trên các ứng dụng, doanh thu đạt cả trăm tỷ đồng một ngày.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đặt câu hỏi cho Bộ trưởng: “Những thông tin quảng bá đó có đúng hay không? Với hình thức kinh doanh thương mại điện tử, cần phải làm thế nào để quản lý được chất lượng của các sản phẩm theo hình thức kinh doanh này?”.

Bên cạnh đó, giá bán của các sản phẩm qua hình thức thương mại điện tử thấp hơn nhiều so với giá bán buôn, gây bất ổn thị trường.

Vị đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ việc cần nhận định vấn đề trên như thế nào và có cách xử lý thế nào? Đồng thời, có thể học hỏi kinh nghiệm nào trên thế giới để giải quyết triệt để vấn đề này.

040620240353-z5506437436145_cf74f5a81f7e5b29b7058e42c1844998.jpg
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên. Ảnh: quochoi.vn.

Theo Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, hoạt động xuất khẩu đã đạt được những kết quả khá ấn tượng, thể hiện ở việc xuất siêu liên tục trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, hàng hóa của Việt Nam vẫn phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước, đồng thời trước tình hình diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới gây bất lợi cho vận tải hàng hóa quốc tế.

Bên cạnh đó, dịch vụ logistics và năng lực vận tải trong nước còn hạn chế, vẫn phải phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài, nên cước vận tải tăng cao, làm giá hàng hóa tăng theo, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Vì vậy, Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu bền vững.

Liên quan đến vấn đề thương mại xuyên biên giới đặt ra nhiều rủi ro đối với nền kinh tế và doanh nghiệp trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, Bộ Công Thương đã khuyến nghị các doanh nghiệp và người sản xuất ở trong nước cần phải chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh với các hàng ngoại nhập, đồng thời, đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt và thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, trong hoạt động xuất khẩu trực tuyến thường xuyên tổ chức các cuộc thanh, kiểm tra, kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ để tránh hàng giả, hàng kém chất lượng nhập khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đề xuất Chính phủ sớm ban hành nghị định về quản lý hải quan; sửa đổi quy định miễn thuế giá trị gia tăng; có cơ chế, chính sách khuyến khích, ràng buộc các doanh nghiệp về sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường kiểm soát nguồn gốc xuất xứ; khuyến khích, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam tận dụng xuất khẩu trực tuyến…

Đồng thời, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ có cơ chế ưu đãi về tín dụng, về thuế cho doanh nghiệp để có thể xây dựng được kho bãi, trung tâm logistics ở vùng biên giới và địa phương nên dành những quỹ đất hợp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các kho ngoại quan và hạ tầng logistics để đáp ứng được yêu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của mình.

Diên.jpg
Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ có cơ chế ưu đãi về tín dụng, về thuế cho doanh nghiệp để có thể xây dựng được kho bãi, trung tâm logistics ở vùng biên giới và địa phương nên dành những quỹ đất hợp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp. Ảnh: quochoi.vn.

Về vai trò của dịch vụ logistics trong góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian qua hoạt động này còn một số hạn chế là nhận thức về vai trò, vị trí của logistics còn khác nhau dẫn đến triển khai không đồng bộ; một số quy định chồng chéo và chưa phù hợp; cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư xứng đáng.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục trình Chính phủ về chiến lược phát triển logistics trong giai đoạn tới, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối trong nước và quốc tế. Đồng thời, phát triển dịch vụ logistics gắn liền với phát huy tối đa lợi thế về địa lý, đặc điểm tự nhiên của vùng. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và hội nhập quốc tế; xây dựng đội ngũ nhân lực đủ sức để đáp ứng yêu cầu của ngành này phát triển trong tương lai.

Phát biểu tranh luận với Bộ trưởng Bộ Công Thương về công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử, Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng, cần phải có chế tài xử lý vi phạm trong thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra hàng hóa của các doanh nghiệp kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn, cần sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp. Đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị Bộ trưởng nêu rõ những giải pháp khắc phục triệt để vấn đề này, bảo vệ người tiêu dùng.

Hạ.jpg
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam. Ảnh: quochoi.vn.

Cho rằng việc livestream bán hàng trên nền tảng mạng xã hội có doanh thu 1 ngày có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng, Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên đặt vấn đề: Với những hình thức thương mại điện tử như vậy, làm sao để quản lý về chất lượng, đảm bảo quyền lợi của khách hàng; đồng thời, có nguy cơ hàng giả tràn lan, vậy Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý Thị trường nhận định và xử lý vấn đề này như thế nào?

Trả lời tranh luận của Đại biểu Tạ Văn Hạ và Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, việc quản lý hoạt động livestream bán hàng trên thương mại điện tử rất khó khăn, không chỉ trách nhiệm của ngành công thương mà rất nhiều ngành như công nghệ thông tin, tài chính. Giải pháp tốt nhất là Bộ sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan để kiểm tra, kiểm soát và xử lý; sử dụng lực lượng quản lý thị trường để phát hiện, đấu tranh làm rõ những hành vi sai phạm, nhất là tìm các địa điểm mà đối tượng tập kết hàng hóa, thường xuyên giao dịch.

Đồng thời, phải tiếp tục rà soát cơ chế chính sách, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật; đảm bảo hoàn thiện, nâng cao vai trò quản lý nhà nước của chính quyền địa phương trong việc xem xét, xử lý xung đột về lợi ích ban đầu xảy ra trong các trường hợp này.

Đối với các trường hợp có căn cứ là vi phạm, Bộ sẽ hoàn tất hồ sơ chuyển hồ sơ tới các cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời làm tốt công tác truyền thông để người tiêu dùng nhận thức và tránh được những hiện tượng này.

Trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng hàng giả, gian lận thương mại

Đại biểu Trịnh Minh Bình - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long đặt câu hỏi: “Bộ trưởng có giải pháp như nào nếu người đứng đầu, lãnh đạo quản lý công chức, địa bàn để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gian lận thương mại, gây bức trong nhân dân?”.

Bình.jpg
Đại biểu Trịnh Minh Bình - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: quochoi.vn.

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Trịnh Minh Bình, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, nguyên nhân xảy ra tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng là vì lợi nhuận.

Điều này cần quy trách nhiệm cho từng cơ quan chức năng, từng tổ chức, đồng thời bày tỏ “người đứng đầu” là của địa phương hay của ngành hay của cơ quan?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, đây là yêu cầu cần thiết nhưng nếu dồn trách nhiệm cho một người thì chưa đầy đủ và cần phải tính toán. Điều này tùy thuộc vào sự vào cuộc của nhiều cơ quan, tổ chức liên quan mới có thể áp dụng các biện pháp, chế tài áp dụng để xử lý.

Thời gian tới, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ ngành, cơ quan chức năng sẽ tham mưu cho Chính phủ nên quy định như thế nào, đồng thời tiếp tục nghiên cứu vấn đề này sao cho đảm bảo hiệu quả.

Gỡ khó cho ngành công nghiệp dệt may, da giày

Tại phiên chất vấn, Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay, ngành công nghiệp dệt may, da giày chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, phụ liệu, lệ thuộc vào đối tác nước ngoài, giá trị gia tăng không được cải thiện, chi phí trên các lĩnh vực tăng nên giá thành sản phẩm tăng theo, sức hấp dẫn với các nhà đầu tư giảm dần dẫn đến làn sóng chuyển dịch đầu tư sang các nước khác, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và tiêu dùng của nước ta về ngành này và việc làm của người lao động.

Vị đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết vấn đề này và hướng xử lý tình trạng trên.

040620240404-z5506855212568_6bee5d27a3b67dc61cf773ff8b0268b2.jpg
Toàn cảnh phiên chất vấn chiều ngày 4/6. Ảnh: quochoi.vn.

Liên quan đến câu hỏi của Đại biểu Phạm Văn Hòa về ngành dệt may, da giày nước ta hiện đang lệ thuộc vào nguyên liệu của nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, đây là xu hướng nước ngoài đang chuyển dịch các ngành này sang nước khác.

“Sản phẩm của ngành dệt may, da giày trong khoảng 10 năm qua luôn chiếm tỉ trọng trong cơ cấu xuất khẩu lớn trong các hàng xuất khẩu của nước ta, đồng thời đóng góp cho tăng trưởng giá trị xuất khẩu, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động… Tuy nhiên đến thời điểm này, Việt Nam không còn là thiên đường cho các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, thâm dụng đất đai” - Bộ trưởng cho biết thêm.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận thấy, việc các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp dệt may, da giày chuyển dịch sang các nước khác là điều dễ hiểu. Tất cả các ngành sản xuất của Việt Nam đều phải đặt mục tiêu làm chủ nhiều hơn về việc cung ứng nguyên liệu.

Vì vậy, Bộ Công Thương nêu rõ, trong lĩnh vực công thương có 4 quy hoạch ngành quốc gia (gồm quy hoạch về năng lượng, về điện, xăng dầu khí đốt quốc gia và quy hoạch về khai thác, chế biến khoáng sản...) sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu để phục vụ nhu cầu sản xuất là rất lớn, đồng thời đóng góp vào nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Trong tương lai, ngoài ngành dệt may và da giày, tất cả các ngành sản xuất khác phải khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ bằng cách khai thác các tài nguyên khoáng sản tại chỗ, từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu, nâng giá trị sản phẩm xuất khẩu, chứ không chỉ tạo ra giá trị gia công như hiện nay.

Huệ Phương