HSB chỉ còn áp tiêu chuẩn chiều cao với thí sinh cho ngành Quản trị và An ninh

07/06/2024 09:00
Lưu Diễm

GDVN - Trường Quản trị và Kinh doanh, ĐHQGHN thay đổi tiêu chí về chiều cao, thể lực và thị giác đối với thí sinh xét tuyển ở một số ngành.

Theo thông tin mới nhất từ phía Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB), Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà trường chỉ còn giữ tiêu chuẩn chiều cao với các thí sinh ứng tuyển vào ngành Quản trị và An ninh. Theo đó, để ứng tuyển vào ngành này, thí sinh nữ phải cao 1m58 trở lên, thí sinh nam trên 1m65, có thể lực và thị giác tốt.

Trước đó, theo Đề án tuyển sinh năm 2024, Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB), Đại học Quốc gia Hà Nội công bố chỉ tiêu tuyển sinh là 500 sinh viên cho 4 ngành ở bậc đại học, gồm: Quản trị doanh nghiệp và Công nghệ; Marketing và Truyền thông; Quản trị Nhân lực và Nhân tài; Quản trị và An ninh.

Cũng theo đề án, đối tượng, điều kiện tuyển sinh của trường có đặt ra yêu cầu chung xét tuyển với tất cả các ngành là nữ cao từ 1,58 m; nam cao từ 1,65 m, thể lực tốt, thị giác tốt (trừ trường hợp có năng khiếu thì xét riêng).

Song, mới nhất, Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã thay đổi và chỉ áp dụng đối với ngành Quản trị và An ninh giống các năm 2021 và 2022 đã thực hiện tuyển sinh trước đó.

443712981_992339046232448_851570443195393843_n.jpg
Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội sử dụng phương thức tuyển sinh kết hợp gồm: sơ tuyển (đánh giá hồ sơ và trí thông minh cảm xúc EQ) + xét tuyển. Ảnh: fanpage nhà trường.

Theo tìm hiểu của phóng viên, thông thường, chỉ có các trường thuộc lĩnh vực công an, quân đội mới đặt ra tiêu chuẩn về sức khỏe, trong đó, có yêu cầu về chiều cao đối với thí sinh. Ngoài ra, có những ngành học đặc thù ở một số trường đòi hỏi về chiều cao để đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp sau này, chẳng hạn như: ngành Quay phim của Học viện Báo chí và Tuyên truyền; ngành Giáo dục Quốc phòng và An ninh của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội;...

Được biết, Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội) sử dụng phương thức tuyển sinh kết hợp gồm: sơ tuyển (vòng 1 và vòng 2: đánh giá hồ sơ của thí sinh và đánh giá trí thông minh cảm xúc EQ) + xét tuyển (vòng 3).

Lý giải về việc đưa ra tiêu chí chiều cao, thể lực, thị giác và đánh giá trí tuệ thông minh cảm xúc EQ trong điều kiện xét tuyển trước đó, đại diện Trường Quản trị và Kinh doanh cho biết:

Chuẩn đầu vào, khung chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra của các ngành học cử nhân ở Trường Quản trị và Kinh doanh được thiết kế dựa theo những luận cứ khoa học kết hợp với khảo sát kỹ xu thế và nhu cầu tuyển dụng các trợ lý cho trưởng phòng, giám đốc, hội đồng quản trị của doanh nghiệp.

Đa số các chủ doanh nghiệp đều đánh giá cao 6 giá trị cốt lõi mà nhà trường giúp sinh viên tự đánh giá và tự rèn luyện liên tục, bao gồm: sức khỏe, đạo đức, ý chí, tài năng, tình yêu và trách nhiệm. Đối với các vị trí trợ lý đã nêu ở trên, thì chỉ số trí tuệ thông minh cảm xúc (EQ) và chiều cao phù hợp luôn là những tiêu chuẩn được nhiều nhà tuyển dụng quan tâm.

Song, hiện tại, Trường Quản trị và Kinh doanh chỉ giữ những tiêu chí này cho ngành Quản trị và An ninh. Bởi lẽ, cơ sở đào tạo có Viện An ninh phi truyền thống hợp tác cùng chuyên gia các ngành nhằm đào tạo thế hệ sinh viên có đủ điều kiện và khả năng đảm nhiệm các nhiệm vụ bảo đảm an ninh phi truyền thống cho nhà nước, tổ chức và doanh nghiệp.

Đây cũng là một trong những lý do mà nhà trường thiết kế các chương trình đào tạo có tính đến yếu tố chiều cao trong tổng thể các tiêu chí đánh giá và lựa chọn sinh viên đầu vào.

Bên cạnh đó, theo đại diện Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội), trong 5 năm qua, hàng nghìn thí sinh đã tham gia dự quy trình xét tuyển vào Trường Quản trị Kinh doanh. Đa số các bậc phụ huynh đều hài lòng với chất lượng đào tạo của nhà trường. Chất lượng đầu vào và quy trình giáo dục đạt kiểm định quốc tế khi hướng đến mục tiêu 100% các cử nhân có cơ hội việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Xuyên suốt quá trình theo đuổi sứ mệnh đào tạo và chất lượng giáo dục này, Trường Quản trị Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận thấy rằng ngoài những yếu tố về học lực và kỹ năng, thì sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và hình thể cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp, tự tin của các cử nhân là trợ lý hôm nay và sẽ là các nhà lãnh đạo, nhà quản trị trong tương lai.

442414279_992338972899122_6393807047141755591_n.jpg
Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024 là 500 sinh viên cho 4 ngành ở bậc đại học. Ảnh: fanpage nhà trường.

Ngoài ra, đại diện Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định nhà trường luôn cố gắng kết hợp hài hòa các tiêu chí để đánh giá và lựa chọn thí sinh có đủ điều kiện theo học.

Tiêu chí chiều cao hay cân nặng chưa đạt của thí sinh còn trẻ tuổi có thể được cải thiện theo cam kết rèn luyện cá nhân khi tham gia phỏng vấn hay được ưu tiên xét tuyển nếu có điểm các yếu tố trí tuệ thông minh cảm xúc EQ và kết quả học tập xuất sắc, hoặc có năng khiếu phù hợp với từng chương trình tại trường.

Được thành lập từ năm 1995 theo mô hình tự chủ, Trường Quản trị Kinh doanh có sứ mệnh “đào tạo tài năng trẻ để trở thành các nhà lãnh đạo, quản trị và điều hành xuất sắc cho cả khu vực công và khu vực tư”. Đến nay nhà trường có hơn 15.000 cựu học viên thành đạt. Đây là lý do cơ bản mà nhà trường thiết kế và triển khai 4 chương trình đào tạo bậc đại học có tính liên ngành theo đặc thù và sứ mệnh của cơ sở giáo dục.

Mặt khác, cũng theo ý kiến của đại diện nhà trường, các chương trình đào tạo tại Trường Quản trị và Kinh doanh không mang tính đại trà như các chương trình chuẩn đang dạy bằng tiếng Việt, mà là các chương trình đào tạo chất lượng cao theo chuẩn châu Âu (được kiểm định bởi ACQUIN).

Từ năm 2, sinh viên được học tập bằng tiếng Anh theo chuẩn đầu ra (kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, EQ) gắn với các vị trí công tác cụ thể, với tổng số tín chỉ trung bình là 160 tín chỉ trong 4 năm học.

Chiều 6/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi Đại học Quốc gia Hà Nội về việc bảo đảm các nguyên tắc cơ bản trong tuyển sinh.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, căn cứ quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non (Quy chế tuyển sinh), Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội khẩn trương chỉ đạo Trường Quản trị và Kinh doanh nghiêm túc rà soát các tiêu chí và điều kiện xét tuyển của nhà trường trong Đề án tuyển sinh đại học năm 2024 theo quy định tại Điều 4 về nguyên tắc cơ bản trong tuyển sinh của Quy chế, trong đó, để bảo đảm công bằng đối với thí sinh về cơ hội dự tuyển, nhà trường phải tuân thủ và bảo đảm không để thí sinh nào bị mất cơ hội dự tuyển do những quy định không liên quan tới trình độ, năng lực (trừ những quy định của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng mang tính đặc thù trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh); hoặc do quy trình tuyển sinh gây phiền hà, tốn kém.

Điều 13, Luật giáo dục 2019 số 43/2019/QH14 nêu rõ quyền và nghĩa vụ học tập của công dân như sau:

1. Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập.

2. Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện để người học phát huy tiềm năng, năng khiếu của mình.

3. Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật Trẻ em, người học là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật, người học thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập.

Lưu Diễm