Trường ĐH Hòa Bình: Chương trình đào tạo ngành Dược học gắn liền với thực tế

18/06/2024 06:23
Thu Trang

GDVN -Với mục tiêu học đi đôi với hành, đào tạo gắn liền với thực tế, SV sẽ có nhiều cơ hội trải nghiệm tại các bệnh viện, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối thuốc.

Theo Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 09/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, đề ra mục tiêu phát triển ngành Dược Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đảm bảo tiếp cận thuốc cho người dân với mức chi phí hợp lý [1].

Là một trong những ngành học thuộc khối sức khỏe, ngành Dược luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm tìm hiểu của quý bậc phụ huynh và học sinh trong giai đoạn định hướng nghề nghiệp bởi nhu cầu nhân lực Dược của xã hội đang rất lớn với nhiều lựa chọn công việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau và giá trị ý nghĩa nhân văn cao đẹp của “ nghề thuốc".

Trường Đại học Hòa Bình là một trong những cơ sở giáo dục đào tạo ngành Dược học. Những năm gần, Khoa Dược - Trường Đại học Hòa Bình luôn nhận được nhiều sự quan tâm mạnh mẽ của người học.

Đào tạo và cung cấp nhân lực ngành Dược chất lượng cao

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ, Dược sĩ Vũ Đình Phóng, giảng viên Khoa Dược, Trường Đại học Hòa Bình chia sẻ, mục tiêu chung trong đào tạo ngành Dược của nhà trường là đào tạo và cung cấp nhân lực ngành Dược chất lượng cao dựa trên nền tảng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và thực hành nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần tạo ra những giá trị mới mang tính đột phá cho cộng đồng.

Đồng thời đào tạo Dược sĩ có sức khỏe, có phẩm chất đạo đức; có kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên, chính trị, pháp luật, công nghệ thông tin và ngoại ngữ; có khả năng nghiên cứu khoa học và ứng dụng những thành quả của khoa học công nghệ vào khởi nghiệp, hướng nghiệp và tự tạo việc làm.

Người học cũng sẽ nắm vững kiến thức nền tảng và chuyên sâu về các lĩnh vực như: phát triển nguồn nguyên liệu làm thuốc; bào chế, sản xuất thuốc; đảm bảo chất lượng thuốc; tổ chức và quản lý Dược; sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả; có kiến thức thực tế về lĩnh vực Dược; có kỹ năng phản biện; tư duy phân tích; tác phong và kỹ năng thực hành chuyên nghiệp; năng lực giao tiếp và cộng tác trong nghề nghiệp; có khả năng tự học, tự giải quyết vấn đề.

Chỉ ra một số điểm thuận lợi trong đào tạo ngành Dược học, thầy Phóng chia sẻ, từ trước đến nay, chúng ta vẫn truyền miệng câu nói "nhất y nhì dược" để nói về độ hot của ngành này.

Thầy Vũ Đình Phóng tham gia học tập, nghiên cứu khoa học tại Lab Sanken - Trường Đại học Osaka- Nhật Bản (người đứng ngoài cùng bên trái). Ảnh: NVCC
Thầy Vũ Đình Phóng tham gia học tập, nghiên cứu khoa học tại Lab Sanken - Trường Đại học Osaka- Nhật Bản (người đứng ngoài cùng bên trái). Ảnh: NVCC

Theo thống kê của ngành y tế năm 2020 , tỷ lệ dược sĩ trình độ đại học/1 vạn dân mới chỉ đạt khoảng 2,85, trong khi đó mục tiêu trong chiến lược quốc gia phát triển ngành dược giai đoạn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì con số này là 4,0 dược sĩ trình độ đại học/1 vạn dân. Điều đó thể hiện rằng nhu cầu nhân lực ngành này đang vô cùng lớn, cơ hội việc làm đang rất rộng mở với sinh viên ngành Dược học.

Ngoài ra, với mức thu nhập tốt, công việc không quá vất vả áp lực, môi trường làm việc thân thiện, có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp, phát triển chuyên môn cũng là những điểm thu hút thí sinh theo học ngành này.

Tuy nhiên, vì là ngành học thuộc nhóm ngành sức khỏe nên cũng có một số thách thức, theo thầy Phóng: “Yêu cầu đầu vào ngành Dược cũng khá khắt khe, chặt chẽ cả về học lực và hạnh kiểm, đạo đức.

Mặc dù vậy, theo cá nhân tôi, điều đó hoàn toàn đúng đắn và cần thiết bởi đây là khối ngành trực tiếp đào tạo ra nhân lực y tế phục vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng người dân.

Chính vì vậy, cán bộ y tế không những phải giỏi về chuyên môn nghiệp vụ mà cần phải có có đạo đức tốt đẹp khi hành nghề”.

Hình ảnh thực hành môn Dược lý tại phòng thực hành Khoa Dược – Trường Đại học Hòa Bình. Ảnh: NVCC
Hình ảnh thực hành môn Dược lý tại phòng thực hành Khoa Dược – Trường Đại học Hòa Bình. Ảnh: NVCC

Bên cạnh đó, sinh viên còn phải học nhiều môn liên quan đến Hoá, vốn là môn học khá khó và khô khan. Ngoài ra, nhiều học phần có thêm cả nội dung thực hành tại phòng thí nghiệm như: Hóa sinh, Dược liệu, Dược lý… khiến người học khá "vất".

Một số môn phải đi thực hành tại các cơ sở như: bệnh viện ( bệnh học, dược lâm sàng ), đi thực địa để tìm hiểu về cây thuốc và tri thức bản địa (thực vật, dược liệu, dược cổ truyền )…dẫn đến chi phí đào tạo tăng và học phí theo đó cũng cao hơn so với một số ngành nghề khác.

Tuy nhiên, ngành Dược học tại Trường Đại học Hòa Bình đang có mức thu học phí thuộc nhóm những trường có mức thu thấp nhất trong khu vực và trên cả nước. Bên cạnh đó, nhà trường còn có rất nhiều chính sách ưu tiên như: học bổng tài năng, học bổng doanh nghiệp…cho sinh viên khi theo học tại trường.

Để học tập và thành công trong ngành Dược học, sinh viên cần có những tố chất nhất định, thầy Phóng chia sẻ, người học sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn với những bạn có kiến thức vững vàng các môn khoa học tự nhiên khi học ở phổ thông như: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học.

Đặc biệt là môn Hóa học vì khi học Dược sinh viên sẽ được học khá nhiều môn học liên quan đến Hóa như: Hoá đại cương vô cơ, Hóa hữu cơ, Hóa lý, Hóa sinh, Hóa dược.

Sinh viên đi thực tập tại Trung tâm phân phối Dược phẩm và trang thiết bị y tế HAPU. Ảnh: NVCC
Sinh viên đi thực tập tại Trung tâm phân phối Dược phẩm và trang thiết bị y tế HAPU. Ảnh: NVCC

Ngoài ra, chăm chỉ; tỉ mỉ; cẩn thận; trung thực; tự giác và ham học hỏi cũng là những đức tính vô cùng cần thiết để theo đuổi và đạt được thành công ở lĩnh vực này.

Khối lượng kiến thức sinh viên phải tiếp thu và “ tiêu hóa “ khi theo ngành học này là rất lớn. Vì vậy các bạn hãy tìm cho mình phương pháp học tập hiệu quả và phù hợp, để tránh bị “choáng ngợp” giữa nhiều kiến thức, đặc biệt là những bạn vừa tốt nghiệp trung học phổ thông.

-Thạc sĩ, Dược sĩ Vũ Đình Phóng, giảng viên Khoa Dược, Trường Đại học Hòa Bình-

Nhu cầu nhân lực lớn, cơ hội nghề nghiệp rộng mở

Bàn về những vị trí việc làm của sinh viên sau khi ra trường, theo thầy Phóng, nhu cầu việc làm và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên tốt nghiệp ngành dược là vô cùng lớn.

Sinh viên tốt nghiệp có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc ở nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau như: cơ quan quản lý nhà nước ( Bộ Y tế, Sở Y tế, Phòng Y tế); Khoa Dược các bệnh viện, trung tâm y tế; Viện nghiên cứu (Viện Kiểm nghiệm thuốc TW; Viện Dược liệu…).

Sinh viên sau khi ra trường cũng có thể giảng dạy tại các trường đào tạo về y, dược; các nhà máy sản xuất thuốc; các công ty phân phối thuốc hoặc có thể tự thành lập công ty phân phối thuốc, các nhà thuốc bán lẻ…

Hình ảnh Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Túy – Trưởng Khoa Dược ( Nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội ), Tiến sĩ Vũ Thị Trâm- Phó Trưởng Khoa Dược ( Nguyên Trưởng Bộ môn Dược lực trường Đại học Dược Hà Nội ); Tiến sĩ khoa học Trần Văn Thanh ( Nguyên Trưởng Bộ môn Dược liệu trường Đại học Dược Hà Nội ) và các thầy cô chụp ảnh cùng sinh viên vào ngày lễ trao bằng tốt nghiệp Dược sĩ đại học. Ảnh: NVCC
Hình ảnh Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Túy – Trưởng Khoa Dược ( Nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội ), Tiến sĩ Vũ Thị Trâm- Phó Trưởng Khoa Dược ( Nguyên Trưởng Bộ môn Dược lực trường Đại học Dược Hà Nội ); Tiến sĩ khoa học Trần Văn Thanh ( Nguyên Trưởng Bộ môn Dược liệu trường Đại học Dược Hà Nội ) và các thầy cô chụp ảnh cùng sinh viên vào ngày lễ trao bằng tốt nghiệp Dược sĩ đại học. Ảnh: NVCC

Với mục tiêu học đi đôi với hành, đào tạo gắn liền với thực tế, sinh viên học tập tại Khoa Dược Trường Đại học Hòa Bình sẽ có nhiều cơ hội đi thực tế tại các bệnh viện, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối thuốc, các nhà thuốc…

Về chính sách ưu tiên, nhà trường có rất nhiều học bổng như: Học bổng tài năng, Học bổng doanh nghiệp…và các chính sách hỗ trợ, ưu đãi như: chính sách hỗ trợ sinh viên vùng khó khăn, chính sách hỗ trợ gia đình có từ hai người học trở lên, chính sách hỗ trợ sinh viên thuộc các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách…

Hình ảnh Tiến sĩ Lê Thị Hường Hoa – Phó Trưởng Khoa Dược ( Nguyên Trưởng khoa Mỹ phẩm – Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương ) hướng dẫn sinh viên Khoa Dược thực tập, tìm hiểu tài nguyên cây thuốc và tri thức bản địa tại Vườn Quốc gia Cúc Phương năm 2023. Ảnh: NVCC
Hình ảnh Tiến sĩ Lê Thị Hường Hoa – Phó Trưởng Khoa Dược ( Nguyên Trưởng khoa Mỹ phẩm – Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương ) hướng dẫn sinh viên Khoa Dược thực tập, tìm hiểu tài nguyên cây thuốc và tri thức bản địa tại Vườn Quốc gia Cúc Phương năm 2023. Ảnh: NVCC

Bên cạnh đó, nhà trường cũng có nhiều hoạt động của Đoàn thanh niên, Hội sinh viên và các phòng ban khác luôn quan tâm sâu sát, giúp đỡ các sinh viên trong suốt thời gian học tập tại trường.

Bạn Trần Thị Hằng, sinh viên Khoa Dược, Trường Đại học Hòa Bình chia sẻ, trong quá trình học, sinh viên được tạo điều kiện đi tham quan thực tế tại các vườn dược liệu, Vườn Quốc gia Cúc Phương. Sinh viên cũng được đi thực tập tại các nhà thuốc, bệnh viện… Đồng thời, các thầy, cô trong khoa luôn tạo điều kiện và quan tâm đến sinh viên.

Chia sẻ về kinh nghiệm học tập, theo Hằng, vì là ngành học đặc thù, khối lượng kiến thức khá lớn nên các bạn sinh viên cần chú ý tập trung nghe giảng, học bài ngay khi trên lớp. Tham gia đầy đủ các buổi thực tập, thực hành và luôn chuẩn bị bài trước để tránh bị thầy cô “ mời về “ và phải đi thực tập bù.

Cùng với đó, các bạn sinh viên có thể trao đổi thêm các tài liệu với anh chị khoá trước để trau dồi thêm kiến thức và kinh nghiệm học tập.

Bạn Đinh Viết Bằng, sinh viên năm cuối Khoa Dược, Trường Đại học Hòa Bình cho biết, trong quá trình học tập, sinh viên luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của giảng viên.

Đồng thời, sinh viên được đi trải nghiệm đi thực tế tại các bệnh viện, viện nghiên cứu, nhà máy sản xuất thuốc, vườn dược liệu. Điều này giúp sinh viên có nhiều kiến thức thực tế bổ sung, làm rõ cho những lý thuyết đã được học trên lớp.

Theo Bằng, phương pháp học là rất quan trọng khi học ngành này. Vì vậy, trong quá trình học cần có sự tương tác, trao đổi với các bạn và các thầy cô giáo. Thành lập các nhóm để cùng giúp nhau học, làm tăng tính hiệu quả học tập, đặc biệt trước mỗi kì thi để có kết quả tốt.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://giaoduc.net.vn/xep-cung-hang-iv-voi-trung-cap-khien-nganh-duoc-trinh-do-cao-dang-giam-suc-hut-post242665.gd

Thu Trang