Đề án tuyển sinh Trường Đại học Thương Mại: Không kê khai giảng viên thỉnh giảng

20/06/2024 06:25
Ngọc Diệp

GDVN - Thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng của Trường Đại học Thương mại không được kê khai theo mẫu của Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT.

Trường Đại học Thương mại (tên tiếng Anh: Thuongmai University; viết tắt: TMU) là trường đại học công lập, đào tạo đa ngành. Sứ mạng của trường là đào tạo nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, có năng lực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, có khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động trong nước và quốc tế; nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách, chuyển giao tri thức trong lĩnh vực kinh tế và thương mại hiện đại, đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng và nâng cao vị thế của Việt Nam.

Tầm nhìn đến năm 2040, cơ sở giáo dục này trở thành trường đại học đa ngành theo định hướng đổi mới sáng tạo, hội nhập và phát triển bền vững trong khu vực Châu Á.

Trường Đại học Thương mại có trụ sở chính tại số 79 đường Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

Hiện nay, Trường Đại học Thương mại do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng là hiệu trưởng; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hữu Đức là Chủ tịch Hội đồng trường.

gdvn-truong-dai-hoc-thuong-mai-4-1984.jpg
Khuôn viên trường Đại học Thương mại. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Đến thời điểm hiện tại, Trường Đại học Thương mại đã công bố đề án tuyển sinh đại học năm 2024 trên website nhà trường kèm Quyết định số 282/QĐ-ĐHTM ngày 01 tháng 3 năm 2024.

Qua tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, các nội dung công khai tại Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Thương mại về cơ bản đã thực hiện theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Năm học này, tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy của Trường Đại học Thương mại là 4.950 chỉ tiêu (tăng 100 chỉ tiêu so với năm 2023 – 4.850 chỉ tiêu).

Trong đó, chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển là 1 – 2%; Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 40%; Xét tuyển theo kết quả học tập cấp trung học phổ thông cho sinh viên trường chuyên/trọng điểm quốc gia là 4 – 5%; Xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy là 10 – 15%; và Xét tuyển kết hợp là 40 – 45%.

chỉ tiêu.png
Phân bổ chỉ tiêu các phương thức xét tuyển Trường Đại học Thương mại. Ảnh chụp màn hình

Năm 2024, nhà trường vẫn giữ ổn định phương thức tuyển sinh của như năm 2023.

Căn cứ đề án tuyển sinh, Trường Đại học Thương mại được phép đào tạo 18 ngành học.

Năm nay, đơn vị này tuyển sinh 38 chương trình đào tạo, trong đó có 27 chương trình đào tạo chuẩn, 3 chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp và 8 chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP) bắt đầu tuyển sinh từ năm 2024.

Từ kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 và 2023 cho thấy, điểm trúng tuyển của các ngành/chương trình đào tạo của trường tương đối cao (dao động từ 25 – 27 điểm). Riêng năm 2023, 3 ngành có điểm chuẩn xét tuyển ở mức 27 điểm – cao nhất trường là ngành Marketing (Marketing thương mại), Marketing (Marketing số) và Kinh doanh quốc tế (Thương mại quốc tế).

Tuy nhiên, đối chiếu với các thông tin được công khai theo mẫu quy định tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT về Ban hành quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non, thì ở Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Thương mại có một số thông tin bị thiếu.

z5547008732295_9fd564dc27cf0dd7e1b319108f9a4d43.jpg
Mục công khai về điểm trúng tuyển trong 2 năm gần nhất (2022 và 2023) trong Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Thương mại. Ảnh chụp màn hình.

Cụ thể, mục 8.2 Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT có mẫu về bảng thống kê điểm trúng tuyển của 2 năm gần nhất, với các mục thông tin như: Lĩnh vực/Ngành/Nhóm ngành/tổ hợp xét tuyển; Phương thức xét tuyển; thống kê về chỉ tiêu, số nhập học, điểm trúng tuyển trong 2 năm gần nhất (tại mục 8.2).

Nhưng mục 8.2 trong đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Thương mại không kê chi tiết một số thông tin về chỉ tiêu, số nhập học của từng chuyên ngành, từng tổ hợp; còn các phương thức xét tuyển khác được nhà trường dẫn link.

82-5277.png
Mục 8.2 của Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy định về thống kê điểm trúng tuyển 2 năm gần nhất trong đề án tuyển sinh. Ảnh chụp màn hình.

Còn về thống kê khảo sát của nhà trường cho thấy tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 12 tháng ở mức cao; nhiều ngành/chuyên ngành có tỉ lệ đạt 100%.

ab.png
Thống kê khảo sát tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 12 tháng của Trường Đại học Thương mại. Ảnh chụp màn hình

Được biết, năm 2024, học phí của Trường Đại học Thương mại dao động từ 2.400.000 – 3.500.000 đồng/tháng, cụ thể:

Học phí các chương trình đào tạo chuẩn từ 2.400.000 – 2.600.000 đồng/tháng theo từng chương trình đào tạo.

Học phí các chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP): 3.500.000 đồng/tháng.

Học phí các chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp: 2.600.000 đồng/tháng.

Thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng không được kê khai theo mẫu

Đối chiếu thông tin trong đường link công khai về các điều kiện đảm bảo chất lượng của Trường Đại học Thương mại cho thấy, phần kê khai này không theo mẫu số 03 báo cáo các điều kiện đảm bảo chất lượng của Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT.

z5549445918073_a26a6d4e938bcbbb48f4eeb3163d8396.jpg
Thông tin kê khai về quy mô đào tạo hình thức chính quy theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT. Ảnh chụp màn hình
z5547602921791_a751b70bd1a5406c42e1b0e17009a970.jpg
Thông tin kê khai về quy mô đào tạo của Trường Đại học Thương mại tại đề án tuyển sinh 2024. Ảnh chụp màn hình

Bên cạnh đó, mục danh sách giảng viên không có thông tin về giảng viên thỉnh giảng.

z5547150087683_2607789a79c2cf8393d66068e3c76f41.jpg
Mẫu số 03 báo cáo các điều kiện đảm bảo chất lượng của Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT có mục kê khai về giảng viên thỉnh giảng. Ảnh chụp màn hình

Còn về thông tin công khai về đội ngũ cơ hữu của trường năm học 2023 – 2024, Trường Đại học Thương mại có tổng số 493 giảng viên. Trong đó, có 3 giáo sư, 38 phó giáo sư, 237 tiến sĩ, 256 thạc sĩ.

Giảng viên cơ hữu theo ngành tổng là 458 người (3 giáo sư, 38 phó giáo sư, 223 tiến sĩ, 235 thạc sĩ);

Giảng viên cơ hữu môn chung tổng là 35 người (14 tiến sĩ, 21 thạc sĩ).

Cụ thể thông tin công khai về giảng viên cơ hữu năm học 2023 – 2024 như sau:

Thông tin công khai về giảng viên cơ hữu Trường Đại học Thương mại. Ảnh chụp màn hình

Thông tin công khai về giảng viên cơ hữu Trường Đại học Thương mại. Ảnh chụp màn hình

Dẫu vậy, mục này vẫn kê khai thiếu thông tin về chuyên môn đào tạo của giảng viên theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT.

z5553894877687_a388bead2d421ab0a1da7d9aa570dc41.jpg
Mẫu kê khai của Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT có yêu cầu cơ sở giáo dục đại học kê khai "chuyên môn đào tạo" đối với giảng viên toàn thời gian

Căn cứ đường link công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng được dẫn từ Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Thương mại cho thấy, tổng diện tích đất của trường quản lý là 43.381m2 và tổng diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo, nghiên cứu là 47.926m2.

Diện tích đất trên/sinh viên của Trường Đại học Thương mại là 2,32 m2/sinh viên; tỷ lệ diện tích sàn/sinh viên là 2,57 m2/sinh viên.

Theo Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT ngày 05 tháng 2 năm 2024 về chuẩn cơ sở giáo dục đại học có quy định chỉ số đánh giá chuẩn diện tích đất/người học là 25m2/người; và diện tích sàn/người học là 2,8m2/người.

Tiêu chí của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học thuộc Thông tư này có phạm vi áp dụng cho cơ sở giáo dục đại học từ năm 2025.

Như vậy, đến năm 2025 khi áp dụng chuẩn cơ sở giáo dục đại học theo Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT, nếu Trường Đại học Thương mại chưa mở rộng về diện tích thì sẽ không đạt chuẩn.

Ngọc Diệp