Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 1596/QĐ-BGDĐT về Danh mục ngành đào tạo thí điểm các trình độ của giáo dục đại học. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 7/6/2024.
Trong đó, lĩnh vực Nghệ thuật có 6 ngành được thí điểm ở trình độ đại học, bao gồm Quản lý nghệ thuật, Công nghệ âm nhạc, Quản lý âm nhạc, Nghệ thuật số, Phục chế mỹ thuật, Giám tuyển mỹ thuật.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây là tín hiệu mừng đối với khối ngành Nghệ thuật nhằm góp phần đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Giám tuyển mỹ thuật cần được đào tạo chính quy
Trong số các ngành Nghệ thuật thuộc danh mục thí điểm, giám tuyển mỹ thuật có thể còn là một khái niệm còn xa lạ với nhiều người.
Công việc của giám tuyển rất đa dạng, trong đó nổi bật nhất là giám sát, tuyển chọn tác phẩm, nghệ sĩ để tham gia sự kiện nghệ thuật.
Trao đổi cùng Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nghệ sĩ thị giác Nguyễn Như Huy cho hay bản thân chính là người chuyển ngữ khái niệm “curator” trong nghệ thuật quốc tế thành “giám tuyển”. Anh Huy chia sẻ: “Tôi cho rằng đây là một bước đi táo bạo và ở góc độ là một giám tuyển đang thực hành công việc, tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương thí điểm ngành này của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thực tế, muốn phát triển nghệ thuật Việt Nam hiện tại chắc chắn đòi hỏi phải có đào tạo về khía cạnh này của nghệ thuật, trước hết là cho người xem, bởi chỉ khi hiểu được công việc giám tuyển, thì người xem mới có thể hiểu được các ý nghĩa mới mẻ và sâu xa của một tác phẩm được giám tuyển”.
Là một trong những giám tuyển độc lập đầu tiên của Việt Nam, anh Huy đã gặp nhiều khó khăn khi không có trường lớp đào tạo chính quy tại quê nhà. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, anh tự đọc, tự nghiên cứu qua sách vở, internet, bạn bè quốc tế, các buổi giao lưu nghệ thuật để có kinh nghiệm thực chiến trong nghề giám tuyển.
Dù ủng hộ việc mở ngành giám tuyển nhưng anh Huy cho rằng việc tổ chức đào tạo chính quy một ngành học hoàn toàn mới mẻ trong hiện trạng cụ thể hạ tầng giáo dục nghệ thuật của Việt Nam hiện nay thì cần nhiều thời gian nghiên cứu và xây dựng chương trình.
“Chương trình đào tạo giám tuyển phải cung cấp được một số nội dung: các định chế nghệ thuật, đối tượng nghệ thuật và các hình thái giám tuyển, các hệ tư tưởng văn hoá, các chủ đề về giới và tình dục, mỹ học, sinh thái học, truyền thông, lý thuyết về chủ thể tính, về sự kết hợp các mối quan tâm, các thủ phương pháp của công việc lý thuyết vào với môn phê bình nghệ thuật đương thời và thuyết chống phân biệt chủng tộc, thị trường nghệ thuật và sự tiêu thụ văn hoá, thuyết lệch pha, sự di trú, các tư tưởng và lịch sử văn hoá bản địa, khảo cổ học về truyền thông và các hệ sinh thái mới…” - anh Nguyễn Như Huy cho biết.
Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp là một trong những cơ sở đào tạo có bề dày lịch sử lâu đời liên quan đến các lĩnh vực hội họa, mỹ thuật, thiết kế, điêu khắc…
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Hùng Cường, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cho biết, hiện nhà trường chưa giảng dạy kiến thức về giám tuyển.
Theo thầy Cường, mỗi ngành đều có lĩnh vực hoạt động riêng và đều có lợi thế riêng. Nếu được học chuyên sâu thì người học cũng sẽ có cơ hội làm việc tốt trong xu hướng xã hội phát triển đa dạng về các hoạt động nghệ thuật.
Về kế hoạch mở rộng đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực Nghệ thuật trong danh mục thí điểm, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp chưa có kế hoạch mở thêm.
Dù vậy, thầy Cường cũng cho biết: “Với xu hướng phát triển của xã hội thì trong tương lai sẽ cần đến nguồn nhân lực hoạt động trong các ngành này. Việc mở thêm ngành cũng là giải pháp thiết thực kịp thời đáp ứng nhu cầu xã hội về lĩnh vực mỹ thuật”.
Đa dạng cơ hội nghề nghiệp với ngành Quản lý nghệ thuật
Khác với Giám tuyển mỹ thuật, Quản lý nghệ thuật là nội dung được đào tạo trong một số ngành học đại học.
Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Hoàng Công Dụng, Trưởng khoa Văn hóa - Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho biết, ngành Quản lý nghệ thuật có thể có một số điểm tương đồng với ngành Quản lý văn hóa.
“Chúng ta thấy cả hai ngành đều là quản lý ngành do đó đều có sự tương đồng về các kiến thức liên quan đến nội dung quản lý. Trong đó có thể nói đến chủ thể quản lý, khách thể quản lý, phương thức quản lý, quy trình quản lý.
Xét theo góc độ nào đó, cấu trúc văn hóa theo cách tiếp cận truyền thống sẽ có văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, với nghệ thuật thì được thể hiện thông qua các tác phẩm thẩm mỹ trong đó có cả tác phẩm thể hiện thông qua “vật chất hữu hình” (kiến trúc, điêu khắc, hội họa...) và “tinh thần” (âm nhạc, điện ảnh...)” - thầy Dụng chia sẻ.
Hiện tại, ngành Quản lý văn hóa của trường có các học phần liên quan đến nghệ thuật như Quản lý thiết chế và các hoạt động văn hóa nghệ thuật; Quản lý hoạt động biểu diễn; Nghệ thuật thực hành; Phương pháp dàn dựng chương trình nghệ thuật; Thiết kế sân khấu trang phục…
Theo thầy Dụng, việc cho thí điểm đào tạo ngành Quản lý nghệ thuật chắc chắn sẽ mang đến cơ hội tốt cho những người đam mê nghệ thuật.
Trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” [1].
Với quan điểm này, người làm việc trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật sẽ có nhiều cơ hội để hoạt động, phát triển.
Thầy Dụng cũng chia sẻ, nếu được đào tạo, sinh viên ngành Quản lý nghệ thuật sẽ có cơ hội việc làm rất lớn. Các bạn ra trường có thể công tác tại cơ quan, đơn vị nghệ thuật các cấp từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã; làm việc tại các cơ quan thông tấn, đài truyền hình, đài tiếng nói, trung tâm văn hóa tỉnh, thành phố, các sở văn hóa thể thao và du lịch, khu di tích văn hóa; tổ chức sự kiện, truyền thông tại các doanh nghiệp…
Tại khoa Văn hóa - Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, sinh viên ngành Quản lý văn hóa có công việc ngay từ năm thứ ba, thậm chí có em đi làm từ đầu năm thứ hai. Trong những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau một năm luôn đạt 100%.
“Căn cứ tầm nhìn, sứ mệnh của trường Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương và điều kiện thực tiễn, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tìm hiểu, nghiên cứu; nếu phù hợp sẽ đề xuất xây dựng đề án mở ngành Quản lý nghệ thuật” - thầy Dụng bày tỏ.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://dangcongsan.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/van-hoa-phai-duoc-dat-ngang-hang-voi-kinh-te-chinh-tri-xa-hoi-604706.html