Giáo viên quay cuồng tìm minh chứng cho việc đánh giá trường chuẩn

19/06/2024 08:40
Thuận Phương

GDVN - Thời đại công nghệ số, tài liệu được lưu giữ trên máy, cũng không giúp giáo viên nhẹ gánh hơn trong việc tìm hồ sơ minh chứng cho trường để lên chuẩn quốc gia.

Việc công nhận một trường học đạt chuẩn quốc gia sẽ giúp cho nhà trường được nâng cấp về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Điều này là động lực phấn đấu cho cho cả thầy và trò.

Tuy nhiên, để được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia theo từng mức độ lại không hề đơn giản, nhà trường, giáo viên phải trải qua một quá trình vất vả, gian nan trong việc chuẩn bị kỹ hồ sơ, minh chứng để cấp có thẩm quyền nhà nước khảo sát, đánh giá xác định mức đạt được tiêu chuẩn theo quy định của cơ quan quản lý.

minh chứng trường chuẩn 1.jpg
Một số tiêu chí và yêu cầu minh chứng (Ảnh tác giả)

Việc tìm hồ sơ minh chứng với hàng chục tiêu chí trong vòng 5 năm khiến cán bộ quản lý nhà trường và giáo viên tốn rất nhiều thời gian, công sức.

30 năm trong nghề và 3 lần tìm minh chứng công nhận trường chuẩn

Hơn 20 năm trước, lần đầu tiên tôi cùng đồng nghiệp đi thu thập minh chứng để phục vụ việc trường được công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ 1.

Quy trình phải làm các bước như lập hội đồng tự đánh giá; lập kế hoạch tự đánh giá; thu thập, xử lý và phân tích các minh chứng; đánh giá các mức đạt được theo từng tiêu chí; viết báo cáo tự đánh giá; công bố báo cáo tự đánh giá và triển khai các hoạt động sau khi hoàn thành báo cáo tự đánh giá.

Bước thu thập, xử lý và phân tích các minh chứng của 5 năm gần nhất khiến không ít giáo viên oải.

5 tổ chuyên môn đã được thành lập thành các tổ thu thập minh chứng với các nội dung thu thập khác nhau.

Nhìn vào bảng nội dung yêu cầu minh chứng cần thu thập, tôi và nhiều đồng nghiệp thấy nhiều nội dung không thực sự phù hợp. Bởi, tất cả những cái gọi là minh chứng trên giấy tờ là phần việc của từng bộ phận trong nhà trường đã được làm vào từng thời điểm.

Tuy nhiên, đến thời điểm làm hồ sơ để trường lên chuẩn, giáo viên lại được yêu cầu đến từng bộ phận liên quan tìm lại trong đống hồ sơ suốt 5 năm qua để ghi nhận vào một tờ phiếu rằng có những giấy tờ này.

Nhiều tiêu chí không thuộc phần việc của giáo viên, các thầy cô giáo cũng không có quyền lưu giữ nhưng vẫn phải đi tìm.

Tiêu chí 1.1
1
[H1-1.1-01]
Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường
2
[H1-1.1-02]
Sổ nghị quyết của nhà trường
Tiêu chí 1.2
1
[H1-1.2-01]
Quyết định thành lập hội đồng trường
2
[H1-1.2-02]
Quyết định thành lập hội đồng thi đua khen thưởng
3
[H1-1.2-03]
Quy chế hoạt động của Hội đồng trường
4
[H1-1.2-04]
Kế hoạch hoạt động của hội đồng thi đua khen thưởng
Tiêu chí 1.3
1
[H1-1.3-01]
Nghị quyết của chi bộ
2
[H1-1.3-02]
Chương trình hoạt động của công đoàn.
3
[H1-1.3-03]
Chương trình hoạt động của Đội thiếu niên.
4
[H1-1.3-04]
Kết quả phân loại chi bộ cuối năm
Tiêu chí 1.7
1
[H1-1.7- 01]
Kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên của cán bộ quản lý, giáo viên, kế hoạch sinh hoạt chuyên môn
2
[H1-1.7- 02]
Bảng phân công chuyên môn
3
[H1-1.7- 03]
Bảng nhận lương và các khoản phụ cấp khác
4
[H1-1.7- 04]
Sáng kiến kinh nghiệm của hiệu trưởng và phó hiệu trưởng
Tiêu chí 1.8
1
[H1-1.8- 01]
Kế hoạch của nhà trường
2
[H1-1.8- 02]
Kế hoạch chuyên môn trường
3
[H1-1.8- 03]
Kế hoạch chuyên môn tổ
4
[H1-1.8- 04]
Sổ báo giảng
5
[H1-1.8- 05]
Sổ biên bản họp chuyên môn trường

Nhìn vào bảng ví dụ về các minh chứng ở trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy nhiều phần việc hoàn toàn là những giấy tờ thuộc các bộ phận trong nhà trường quản lý.

Ví như, tiêu chí 1.1; 1.2 chính là một số quyết định mà hiệu trưởng ban hành. Hay như tiêu chí 1.3 là chương trình hoạt động của công đoàn, của đội thiếu niên; Kế hoạch thăm danh lam thắng cảnh ở địa phương do tổng phụ trách đội quản lý.

Như tiêu chí 1.8: Kế hoạch chuyên môn, kế hoạch tổ chuyên môn, sổ báo giảng (qua từng năm)...do Phó hiệu trưởng quản lý.

Hoặc là tiêu chí 4.2 yêu cầu có các minh chứng như hoạt động thư viện xanh (do bộ phận thư viện quản lý);

Danh sách học sinh nhận quà (do khuyến học phụ trách). Có những tiêu chí như 4.1 yêu cầu minh chứng là biên bản họp cha mẹ học sinh trường, lớp, kế hoạch hoạt động, quy chế hoạt động…năm học nào xong đều được nhà trường lưu trữ vào một tệp tài liệu riêng.

Do không thuộc phần việc của mình, cũng không được quyền quản lý, vì thế khi yêu cầu tìm minh chứng, các thầy cô giáo đã phải tất tả đến từng bộ phận để hỏi, để tìm những tài liệu này đang được lưu giữ ở đâu?

Thầy cô thắc mắc: "Những tài liệu thuộc bộ phận nào ban hành, quản lý thì bộ phận ấy phải tự chuẩn bị, sao yêu cầu giáo viên đi tìm?". Câu trả lời quen thuộc của nhiều hiệu trưởng là giáo viên đi tìm cũng là một bước kiểm tra ban đầu giúp cho những bộ phận ấy chuẩn bị cho đầy đủ.

Có những minh chứng hiển thị trước mắt nhưng vẫn phải thu thập bằng cách chụp hình kẹp vào hồ sơ như việc phải có minh chứng về các phòng học, phòng chức năng, nhà vệ sinh, cổng trường, sân trường.

Để thu thập đầy đủ những cái gọi là minh chứng như trên, giáo viên phải tới từng bộ phận, hỏi, tìm người phụ trách, thậm chí vào cả máy tính của nhà trường để kiểm tra xem các tài liệu mình cần đã đủ chưa để ghi chú vào tờ phiếu khảo sát đường link lưu giữ những tài liệu.

Có giáo viên cẩn thận đã in những minh chứng ấy và kẹp vào bộ tài liệu mình đã tìm kiếm được. Tuy nhiên, không ít tiêu chí lại có chung một minh chứng. Dẫn đến tình trạng, nhóm này đi tìm minh chứng đôi khi lấy lại của nhóm kia đã lưu trước đó. Thế là, giáo viên lại mất thêm thời gian đi tìm, in lại.

Hàng tháng trời kiểm tra, thẩm định trước khi cấp trên về công nhận trường chuẩn

Việc chuẩn bị tài liệu minh chứng của giáo viên cũng mới chỉ là bước đầu. Theo tiết lộ của một hiệu trưởng, phòng giáo dục và đào tạo sở tại sẽ thành lập một đoàn cán bộ (là phó hiệu trưởng cùng hiệu trưởng) của các trường với hàng chục thành viên tiếp tục đi kiểm tra, thẩm định trước. Đoàn sẽ mở hồ sơ ra xem xét vô cùng kỹ lưỡng.

Thời gian kiểm tra của đoàn sở tại về các minh chứng mà nhà trường đã lưu lại cũng mất hàng tháng trời. Nếu đầy đủ hồ sơ, trường sẽ chờ cấp trên (sở giáo dục và đào tạo, ban ngành liên quan) về công nhận. Nếu thiếu hồ sơ, minh chứng, nhà trường phải bổ sung kịp cho đến khi đầy đủ, đúng yêu cầu. Sau khi các công đoạn thu thập, kiểm tra hoàn tất, đoàn kiểm định của sở giáo dục và đào tạo sẽ về để kiểm tra lần cuối và công nhận trường đạt chuẩn (mức độ 1 hoặc 2...).

Hàng loạt minh chứng cần phải thu thập cuối cùng chỉ để kẹp hồ sơ nhưng đã làm mất không ít thời gian của các bộ phận trong nhà trường.

Gần 30 năm trước, tôi và nhiều đồng nghiệp cũng đã từng bỏ bao thời gian, công sức đi tìm minh chứng thì hiện nay, thời đại công nghệ số, tất cả tài liệu được lưu giữ trên máy, trên các phần mềm quản lý cũng không giúp giáo viên chúng tôi nhẹ gánh hơn trong việc tìm hồ sơ minh chứng cho trường lên chuẩn quốc gia.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thuận Phương