Máy móc là công cụ không thể thiếu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những cỗ máy này sau quãng thời gian sử dụng cần được bảo dưỡng để tiếp tục hoạt động trơn tru. Một khi đã hư hỏng thì việc thay thế hay sửa chữa thiết bị đều mất thời gian dẫn đến gián đoạn quá trình sản xuất.
Do đó, nhu cầu về lực lượng bảo dưỡng công nghiệp là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay, thông tin về ngành học này không nhiều. Đến nay chỉ có Trung tâm Đào tạo Bảo dưỡng Công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đào tạo bậc đại học ngành Bảo dưỡng Công nghiệp.
Nhu cầu nhân lực lớn
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trương, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bảo dưỡng Công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Ngành Bảo dưỡng Công nghiệp là kết quả của chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Pháp từ năm 1996.
Chương trình đào tạo ngành được chuyển giao theo mô hình IUT (Institut Universitaire de Technologie - Viện Đại học Công nghệ) và chỉ triển khai đào tạo bậc cao đẳng cho hai đơn vị là Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong bối cảnh tại Việt Nam ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài với trang thiết bị hiện đại được vận hành, nhu cầu đội ngũ cán bộ kỹ thuật vừa có kiến thức về chuyên môn vừa có kiến thức về quản lý và tổ chức bảo trì các dây chuyền công nghiệp hiện đại ngày càng tăng.
Do đó, từ năm 2018, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh quyết định đào tạo bậc đại học ngành Bảo dưỡng Công nghiệp. Cho tới thời điểm này, nhà trường đang là đơn vị duy nhất tại Việt Nam đào tạo ngành này bậc đại học”.
Hiện tại, kiến thức về bảo dưỡng, bảo trì máy móc thường được kết hợp trong khi theo học các ngành như ô tô, hàng không, cơ điện, cơ khí,... Vì vậy, một số người băn khoăn về mức độ cần thiết của việc đào tạo một ngành riêng như Bảo dưỡng Công nghiệp.
Giải đáp thắc mắc này, thầy Trương cho hay, ngành Bảo dưỡng Công nghiệp cung cấp cho người học hai mảng kiến thức gồm kỹ thuật bảo trì và tổ chức quản lý bảo dưỡng.
Kỹ thuật bảo trì bao gồm kiến thức tổng quát về Cơ khí, Điện – Điện tử, Thủy lực – Khí nén, Tự động hóa và Nhiệt lạnh, với tư duy bảo dưỡng được lồng ghép xuyên suốt nhằm giúp người học hiểu được nguyên lý hoạt động và kỹ thuật bảo trì tương ứng cho các loại máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất phổ biến.
Tổ chức quản lý bảo dưỡng cung cấp kiến thức về phương pháp, tổ chức, quản lý các chương trình bảo trì tiên tiến, giúp kỹ sư bảo trì đưa ra các giải pháp và chiến lược bảo trì hợp lý, đảm bảo tuổi thọ của thiết bị và kế hoạch sản xuất của nhà máy.
Ngoài ra, ngành Bảo dưỡng Công nghiệp còn cung cấp kỹ năng phân tích và đánh giá thiết bị, người học hoàn toàn có thể tham gia vào công tác nghiên cứu cải tiến thiết bị, giúp tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất.
Với các kiến thức nền tảng được đào tạo, sau khi đảm nhận các vị trí công việc khác nhau, kỹ sư Bảo dưỡng Công nghiệp sẽ dựa trên đặc thù của công việc mà tìm hiểu thêm kiến thức để hoàn thành nhiệm vụ. Do vậy, các bạn có thể đảm nhận công việc ở nhiều vị trí khác nhau khi doanh nghiệp cần”.
Bàn về nhu cầu nhân lực của ngành Bảo dưỡng Công nghiệp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trương nói thêm: “Ngành Bảo dưỡng Công nghiệp đang là ngành có nhu cầu rất cao không chỉ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp mà còn cả trong lĩnh vực dân dụng.
Công tác bảo trì không chỉ được thực hiện đối với dây chuyền sản xuất, mà còn với các trang thiết bị nhà xưởng. Theo thống kê, sinh viên ngành Bảo dưỡng Công nghiệp ra trường có việc làm đúng ngành đào tạo lên đến 95%.
Tuy nhiên, do đặc thù nền công nghiệp của Việt Nam đi lên từ sản xuất nhỏ lẻ, nhận thức về tầm quan trọng của công tác bảo trì chưa được xem trọng. Đồng thời, thông tin về ngành Bảo dưỡng Công nghiệp chưa được truyền thông rộng rãi. Điều này dẫn đến việc chưa đánh giá đúng tiềm năng và cơ hội nghề nghiệp của ngành, ít nhiều tác động đến sự lựa chọn của phụ huynh và học sinh về ngành Bảo dưỡng Công nghiệp”.
Sinh viên cần phát huy năng lực tự học
Ngành Bảo dưỡng Công nghiệp cung cấp cho sinh viên kiến thức trên nhiều lĩnh vực, bao gồm kiến thức về khoa học tự nhiên, cơ sở kỹ thuật về thiết bị công nghiệp, kỹ thuật bảo trì, tổ chức - quản lý bảo trì. Đây là ưu điểm nhưng đồng thời cũng là thách thức cho các bạn sinh viên, yêu cầu sinh viên phải phát huy năng lực tự học để lĩnh hội.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trương bày tỏ: “Lượng kiến thức lớn trong khi thời lượng đào tạo hạn chế khiến các sinh viên phải chịu khó tìm hiểu thông qua thời gian tự học nếu muốn nắm bắt đầy đủ.
Ngoài ra, các khối kiến thức trong chương trình đào tạo của ngành Bảo dưỡng Công nghiệp có liên hệ chặt chẽ với nhau, sinh viên luôn phải ôn tập lại kiến thức của môn đã học trước đó thì mới tiếp thu được các môn học mới.
Sinh viên học ngành Bảo dưỡng Công nghiệp được trang bị lượng kiến thức như vậy, nên sau khi tốt nghiệp sẽ có lợi thế trong quá trình xin việc so với các ngành đơn lẻ khác. Họ có thể đảm nhận tốt công việc ở nhiều vị trí khác nhau trong nhà máy như kỹ sư thiết kế, kỹ sư quản lý (dự án, kho, sản xuất,…), kỹ sư thi công/lắp đặt/vận hành/an toàn, kỹ sư bảo trì hệ thống,..."
Là ngành đào tạo liên quan trực tiếp đến bảo dưỡng máy móc, việc thực hành với sinh viên là yêu cầu bắt buộc. Được biết, khối lượng thực hành chiếm 40, 50% thời lượng học các môn chuyên ngành của sinh viên ngành Bảo dưỡng Công nghiệp.
Ngành Bảo dưỡng Công nghiệp được xây dựng với mục tiêu đào tạo nhân lực có khả năng đáp ứng nhu cầu về nhân sự chất lượng cao cho các nhà máy. Nơi hoạt động sản xuất diễn ra liên tục theo kế hoạch đã định.
Do đó, kỹ sư Bảo dưỡng Công nghiệp ngoài việc đòi hỏi phải có kiến thức rộng về nhiều lĩnh vực trong sản xuất công nghiệp, còn phải có khả năng phản ứng nhanh với các sự cố phát sinh, tối ưu hóa mối quan hệ giữa: Kỹ thuật – Kinh tế - An toàn trong sản xuất.
Vì thế, học tập thông qua thực hành chính là phương pháp được ngành áp dụng, vừa giúp sinh viên kiểm chứng lý thuyết, vừa tạo điều kiện cho các bạn luyện tập các kỹ năng và thao tác, tích lũy kinh nghiệm trước khi tốt nghiệp.
Là sinh viên đang theo học ngành Bảo dưỡng Công nghiệp, bạn Đoàn Trần Khánh Minh đã có những chia sẻ về quá trình học tập của mình: “Mặc dù mình chỉ mới đi qua 2 năm đầu đại học nhưng mình cảm thấy chương trình đào tạo rất dễ tiếp cận.
Tuy nhiên, không vì vậy mà ngành học trở nên chủ quan. Mình phải dành rất nhiều thời gian, công sức để học bằng cách hệ thống lại thông tin thông qua mindmap, tự soạn đề cương trong mỗi môn học để nắm chắc kiến thức hơn. Ngoài ra, mình còn tham gia học nhóm, trao đổi kiến thức cho bạn bè chung ngành hầu như tất cả các môn, khác ngành đối với những môn học tương ứng với ngành bạn theo học.
Dù chưa có được số điểm tuyệt đối ở các môn nhưng mình vẫn có sự nhiệt huyết và đam mê - điều đã được các thầy cô giảng viên của ngành Bảo dưỡng Công nghiệp truyền lại trong từng câu chữ, kiến thức chuyên ngành và các hoạt động học thuật được diễn ra tại trường".
Ngành học không "kén" sinh viên nữ
Là ngành liên quan đến kỹ thuật, công nghiệp, nhiều bạn học sinh băn khoăn ngành học trên sẽ không phù hợp với nữ giới. Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trương cho hay: "Cũng giống như các ngành kỹ thuật đang được đào tạo tại các trường kỹ thuật trong cả nước, tỷ lệ sinh viên nữ trong các nhóm ngành này luôn thấp hơn rất nhiều nếu đem ra so sánh với nhóm ngành Kinh tế và Xã hội.
Để hiểu rõ vấn đề này cần phải quay ngược về thời điểm sản xuất công nghiệp theo chân các nước phương Tây du nhập vào Việt Nam, hầu hết công nhân Việt Nam trong các nhà máy đều làm những công việc nặng nhọc do công nghệ điều khiển tự động chưa phát triển.
Điều này dần ảnh hưởng đến nhận thức của người Việt Nam về sản xuất công nghiệp là nặng nhọc và khô khan. Đó là lý do chính vì sao nhóm ngành kỹ thuật có tỉ lệ sinh viên nữ thấp hơn rất nhiều so với các nhóm ngành khác.
Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đến nay đã có những bước tiến vượt bậc giúp “mềm hóa” các ngành công nghiệp. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sản xuất công nghiệp gắn liền với tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Công nhân làm việc trong các nhà máy có sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại, các quy định ràng buộc về an toàn và đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Chưa kể, ngành Bảo dưỡng Công nghiệp đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học sẽ làm việc trong nhà máy ở vị trí kỹ sư. Đối với các công việc này, nữ hay nam đều có thể đảm trách”.
Cũng nói thêm về vấn đề này, bạn Đoàn Trần Khánh Minh chia sẻ: "Mình nghĩ vấn đề không phải là ngành Bảo dưỡng Công nghiệp “kén” sinh viên nữ mà là các bạn nữ phần nhiều đều không lựa chọn những môn học thiên về khoa học tự nhiên khi học Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Với những ngành khoa học tự nhiên nói chung hay kĩ thuật nói riêng thì tư duy logic và phân tích dựa trên số liệu theo tiêu chuẩn là điều tiên quyết.
Đó có thể là rào cản lớn đối với những bạn nữ muốn theo học khối ngành Kỹ thuật - đặc biệt là Bảo dưỡng Công nghiệp. Ngoài điều này, sẽ chẳng có giới hạn nào ngăn được đam mê và khả năng phát triển của các bạn nữ trên con đường trở thành cử nhân Bảo dưỡng Công nghiệp của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh".
Sinh viên ngành Bảo dưỡng công nghiệp ra trường làm gì?
Khi lựa chọn bất cứ một ngành học nào, bên cạnh vấn đề về sở thích, năng lực, điều các em học sinh quan tâm còn là cơ hội công việc sau khi tốt nghiệp.
Nói rõ hơn về tỷ lệ có việc làm của sinh viên ngành Bảo dưỡng Công nghiệp, thầy Trương thông tin, ngành Bảo dưỡng Công nghiệp bắt đầu đào tạo bậc đại học từ năm 2018. Đến nay đã có 3 khóa sinh viên tốt nghiệp, tỷ lệ có việc làm là 100%, trong đó, căn cứ theo thống kê về việc làm của sinh viên sau 1 năm ra trường, tỷ lệ làm đúng ngành của sinh viên Bảo dưỡng Công nghiệp là trên 95%.
Các công việc có thể đảm nhận sau khi ra trường của sinh viên khá đa dạng bao gồm: kỹ sư dự án, kỹ sư bảo trì, quản lý sản xuất, quản lý kho, kỹ sư bảo đảm chất lượng và an toàn…"
Anh Hồ Ngọc Tâm, cựu sinh viên ngành Bảo dưỡng Công nghiệp hiện đang phụ trách bảo trì 4 nhà máy xử lý nhiệt của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hyosung Việt Nam bày tỏ: "Tôi tự hào vì là thế hệ sinh viên được học tập chương trình chuyển giao cao cấp của Pháp. Tôi chọn ngành này vì nhu cầu việc làm lớn, thu nhập tốt, tính thực tiễn cao. Tất cả các môn học như Quản lý bảo dưỡng, Khí nén, Thủy lực, Hàn, Điện, Điện tử, Cơ khí, Lạnh điều hòa,... đều được áp dụng trong công việc hiện tại”.
Bên cạnh đó, anh Hồ Ngọc Tâm cũng chia sẻ về những kiến thức mà các bạn sinh viên nên bổ sung để có được lợi thế hơn khi bước vào thị trường lao động. Theo anh Tâm, thế giới đang đi nhanh về công nghệ AI, công tác bảo trì tiên tiến trong tương lai cần phải có kiến thức này nhằm giảm nhân công lao động và dự đoán chính xác hơn nhờ sự thông minh của máy tính.
Ngoài ra, vấn đề bôi trơn, chẩn đoán rung động cũng như các tiêu chuẩn trong bảo trì cũng cần được đào tạo cho sinh viên. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên cũng cần trau dồi ngoại ngữ và bổ sung kỹ năng mềm".
Về phía doanh nghiệp, anh Trần Minh Đức, Trưởng phòng Thu hút nhân tài - Công ty Cổ phần Sản xuất Nhựa Duy Tân cho biết: "Cả 3 nhà máy của chúng tôi đều cần nhân sự Bảo dưỡng Công nghiệp để bảo trì toàn diện máy móc. Vì vậy chúng tôi đã tuyển dụng các bạn học ngành Bảo dưỡng Công nghiệp từ khi ngành mới chỉ đào tạo bậc cao đẳng.
Hiện tại, duy nhất Trung tâm Đào tạo Bảo dưỡng Công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đào tạo đại học ngành Bảo dưỡng Công nghiệp. Do đó số lượng nhân lực ngành này không nhiều trong khi doanh nghiệp nào cũng cần.
Vì vậy trong tương lai chúng tôi muốn đặt vấn đề ký kết hợp tác với Trung tâm Đào tạo Bảo dưỡng Công nghiệp liên quan đến vấn đề thực tập, học bổng. Điều này vừa hỗ trợ các bạn sinh viên vừa giúp chúng tôi có nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về Bảo dưỡng Công nghiệp”.