Chính thức thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều nội dung liên quan đến GD

28/06/2024 09:45
Mộc Hương

GDVN- Dự thảo Luật đã bổ sung giao UBND TP quy định trình tự, thủ tục công nhận, thu hồi quyết định công nhận CSGD CLC; đánh giá, kiểm định, bảo đảm duy trì chất lượng.

Sáng nay (28/6), với tỉ lệ đồng thuận rất cao (462/470) đại biểu có mặt tán thành, tỉ lệ 95,06% tổng số đại biểu), Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô năm 2012).

Luật đã bám sát 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo và 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025; có 7 quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.

280620240848-z5580959100631_e172b0c93b6a9b2b7323c333131d2ad8.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và ý kiến của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý một số quy định liên quan đến lĩnh vực phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô.

Về biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch (tại các khoản 1, 2, 3 Điều 18) có quy định:

Trong khu vực nội đô lịch sử, không mở rộng diện tích đất của các bệnh viện hiện có; không mở rộng, xây dựng mới khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp không có trụ sở chính hoặc địa điểm đào tạo trong khu vực nội đô lịch sử trước thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì không được đặt địa điểm đào tạo trong khu vực nội đô lịch sử.

Cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị trong đô thị trung tâm không phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô phải thực hiện việc di dời.

Thẩm quyền quyết định việc di dời các cơ sở, trụ sở: Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục, biện pháp và lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức trung ương.

280620240850-z5580966246992_2eab4b4ba072cf9d2bf45e2fa8e14cc1.jpg
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn.

Giao thành phố quy định trình tự, thủ tục công nhận, thu hồi quyết định công nhận cơ sở giáo dục chất lượng cao

Về phát triển giáo dục và đào tạo, dự thảo Luật đã bổ sung quy định giao Ủy ban nhân dân thành phố quy định trình tự, thủ tục công nhận, thu hồi quyết định công nhận cơ sở giáo dục chất lượng cao, việc đánh giá, kiểm định, bảo đảm duy trì chất lượng của cơ sở giáo dục chất lượng cao (điểm b khoản 5 Điều 22) để bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ trong quá trình thực hiện.

Theo đó, Điều 22. Phát triển giáo dục và đào tạo:

1. Phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo để Thủ đô là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.

2. Đầu tư, xây dựng hệ thống trường học công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học bảo đảm không gian, cảnh quan sư phạm trong và ngoài nhà trường, đội ngũ giáo viên phục vụ tối đa nhu cầu học tập của học sinh; bảo đảm bố trí quỹ đất xây dựng trường học ở vị trí thuận lợi; không bố trí trường học gần nghĩa trang, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm tiếng ồn, không khí.

3. Cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố được thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài.

Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, trình tự, thủ tục, chương trình giáo dục, việc cấp văn bằng, chứng chỉ thực hiện liên kết giáo dục, giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp.

4. Hội đồng nhân dân thành phố quy định các nội dung sau đây:

a) Cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, cơ sở giáo dục công lập có nhiều cấp học, cơ sở giáo dục công lập thực hiện liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục nước ngoài;

b) Mức hỗ trợ và lộ trình thực hiện việc hỗ trợ học phí cho học sinh phổ thông và trẻ em mầm non trên địa bàn thành phố không phân biệt trường công lập, dân lập và tư thục; mức hỗ trợ học phí học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng cho người học thường trú tại Hà Nội.

5. Ủy ban nhân dân thành phố quy định các nội dung sau đây:

a) Các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục của cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học;

b) Trình tự, thủ tục công nhận, thu hồi quyết định công nhận cơ sở giáo dục chất lượng cao; việc đánh giá, kiểm định, bảo đảm duy trì chất lượng của cơ sở giáo dục chất lượng cao;

c) Việc điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đối với một số môn học, hoạt động giáo dục bổ trợ tại cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao để phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô theo hướng tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế.

6. Ủy ban nhân dân thành phố quyết định công nhận, thu hồi quyết định công nhận cơ sở giáo dục chất lượng cao.

Cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp tham gia thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học

Về phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (Điều 23), xác định: Phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học và công nghệ; ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực. Lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô bao gồm: công nghệ số, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo - tự động hóa, công nghệ môi trường, giảm phát thải các-bon, ứng phó với biến đổi khí hậu và các lĩnh vực khác do Hội đồng nhân dân thành phố quyết định. Ủy ban nhân dân thành phố ban hành danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm, quy chế quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Thủ đô.

Hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ được áp dụng các chính sách sau đây:

a) Nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô, dự án sản xuất thử nghiệm cấp thành phố được giao theo phương thức tuyển chọn hoặc giao trực tiếp theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố;

b) Tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách thành phố được áp dụng hình thức khoán kinh phí theo kết quả, sản phẩm của nhiệm vụ khoa học và công nghệ;

c) Doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được nhận chuyển giao không bồi hoàn tài sản, kết quả, sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách thành phố khi đáp ứng đủ điều kiện về năng lực ứng dụng, phát triển kết quả, sản phẩm để phục vụ quản lý, phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô;

d) Doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ hoạt động trên địa bàn thành phố được hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách thành phố để hình thành trung tâm nghiên cứu và phát triển, phòng thí nghiệm, nhận chuyển giao công nghệ thuộc các lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô.

Tại khoản 4, Điều 23 quy định: Cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tổ chức khoa học và công nghệ công lập khác trên địa bàn thành phố được thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp, tham gia góp vốn vào doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thuộc quyền sở hữu trí tuệ của chính cơ sở, tổ chức đó.

Viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tổ chức khoa học và công nghệ công lập khác trên địa bàn thành phố được tham gia góp vốn, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở, tổ chức đó thành lập hoặc tham gia thành lập khi được sự đồng ý của người đứng đầu cơ sở, tổ chức.

Khoản 5, Điều 23: Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô hoạt động trên địa bàn thành phố được hỗ trợ chi phí ươm tạo, bao gồm chi phí tổ chức hoạt động tuyển chọn dự án, chi phí thuê chuyên gia, nhân công lao động trực tiếp, dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chi phí sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung.

Ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực giáo dục

Về ưu đãi đầu tư đối với giáo dục (theo điểm b, khoản 1, Điều 43) được quy định như sau: Trên địa bàn thành phố, các dự án đầu tư được ưu đãi gồm: Dự án đầu tư thành lập mới cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học; cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông tại các vùng khó khăn về kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố; cơ sở đào tạo người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

280620240854-z5580999724991_8e410e17c9cb8a14937b08dccbb29f9b.jpg
Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) bằng hình thức biểu quyết điện tử. Ảnh: quochoi.vn.

Danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược của Thủ đô:

Một là, đầu tư xây dựng đô thị vệ tinh, phát triển đường sắt đô thị, giao thông công cộng khối lượng lớn nội vùng và liên vùng, phát triển khu công nghệ cao, xử lý ô nhiễm môi trường;

Hai là, công nghiệp chế tạo, sản xuất mạch tích hợp bán dẫn, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip bán dẫn, pin công nghệ mới, vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo phát triển và chế tạo hệ thống đầu máy, toa xe, thông tin tín hiệu, điều khiển đường sắt, điều khiển giao thông đô thị, thành phố thông minh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;

Ba là, phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch.

Theo Luật Thủ đô, căn cứ các dự án thuộc diện ưu tiên thu hút đầu tư trên, nhà đầu tư hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề xuất dự án đầu tư.

Sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh

Luật Thủ đô mở rộng các công trình, hạng mục công trình thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, ngành trung ương đóng trên địa bàn thành phố cũng được thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư và được nhượng quyền khai thác, quản lý.

Để tạo cơ sở cho việc thực hiện chủ trương xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực, Luật quy định cho phép đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hà Nội, đơn vị sự nghiệp công lập có cơ sở trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc (bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ) và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập khác trên địa bàn thành phố thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Mộc Hương