Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong tổng số 1.071.395 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp, có 37% thí sinh đăng ký thi bài thi Khoa học tự nhiên và 63% thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội. So với năm ngoái, số thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội tăng 7,7% và đây cũng là tỷ lệ cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Từ năm 2018 đến nay, tỷ lệ thí sinh đăng ký bài thi này thường chiếm khoảng 48-56%.
Sau khi kết thúc buổi thi các môn tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) theo hình thức trắc nghiệm, nhiều giáo viên đã có một số đánh giá về đề thi.
Đề thi đã có những câu hỏi tiệm cận với chương trình giáo dục phổ mới
Với bài thi tổ hợp Khoa học xã hội, bao gồm các môn thành phần: Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân. Đa số các giáo viên cho rằng đề thi tổ hợp Khoa học xã hội năm nay bám rất sát ma trận của đề thi minh họa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trước đó. Đề thi vừa sức với thí sinh, nhưng vẫn đảm bảo có độ phân hóa tốt. Bên cạnh đó, các thầy cô cũng cho rằng đề thi năm nay đã xuất hiện nhiều câu hỏi tiệm cận với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Ninh – Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đánh giá, đề thi môn Lịch sử năm nay về cơ bản khá giống những năm trước. Trong đó, khoảng 30 – 32 câu hỏi đầu tiên là những câu rất cơ bản, phù hợp với đối tượng học sinh thi xét tốt nghiệp trung học phổ thông; còn 7 – 8 câu cuối (đặc biệt từ câu 37 – 40 khá khó), sẽ tạo ra sự phân hóa nhất định cho những thí sinh thi xét tuyển vào đại học.
“Đề thi có chi tiết tiệm cận, có sử dụng tư liệu (sơ cấp và thứ cấp) của chương trình giáo dục phổ thông mới. Và đây cũng sẽ là xu thế của đề thi từ những năm sau khi thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2018”, Tiến sĩ Ninh nhận định, và dự đoán phổ điểm của thí sinh sẽ từ 6 – 7/10 điểm.
Cô Hoàng Hồng Nga – Tổ trưởng tổ Lịch sử, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đánh giá, đề thi môn Lịch sử năm nay có phạm vi nằm trong chương trình học lớp 11 và lớp 12, không rơi vào các vùng giảm tải, đảm bảo cả chương trình chuẩn và chương trình dành cho giáo dục thường xuyên.
Đề thi cũng đảm bảo yêu cầu dùng đề đánh giá năng lực của học sinh tốt nghiệp hệ trung học phổ thông về kiến thức, kĩ năng nhận thức lịch sử về cả lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam, theo phân bố chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, đề thi cũng đảm bảo yêu cầu phân hóa học sinh, dành cho các trường cần tuyển lựa các em học sinh có tư duy, kĩ năng về môn Lịch sử nói riêng và hướng các ngành xã hội nói chung. Có những câu các em học sinh cần phải đọc kĩ, phân tích làm rõ các thuật ngữ, các nội hàm các phương án từ đó mới chắc chắn loại bỏ được phương án nhiễu và chọn được phương án đúng.
Cũng theo cô Hồng Nga, năm 2024 là năm cuối thí sinh thi theo nội dung chương trình giáo dục phổ thông 2006, vì thế đề thi đã có những dạng câu hỏi tiếp cận với dạng đề thi mới dùng cho chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đó là những dạng thức câu hỏi sử dụng các đoạn sử liệu trích dẫn từ các nguồn vừa trong sách giáo khoa, vừa trong các nguồn tư liệu lịch sử đáng tin cậy. Từ việc đọc hiểu các đoạn trích, học sinh vận dụng kiến thức đọc hiểu sử liệu trong hoàn cảnh cụ thể của từng câu, học sinh có thể lựa chọn được đáp án đúng.
"Nếu như đề thi kiểu cũ mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra câu dẫn từ chủ quan của người ra đề thì đề năm nay đã có những dạng thức trong câu dẫn là các đoạn văn bản để liên kết ý được hỏi với sử liệu. Do đó năng lực của học sinh cần được nâng lên một bước là cần đọc hiểu, khắc phục cách học vẹt, học máy móc, học thụ động", cô Hồng Nga nhận định.
Tương tự với môn thi Giáo dục công dân, môn Địa lý, các giáo viên đều đánh giá đề thi có phân hoá kiến thức rõ ràng, câu hỏi khó bắt đầu từ các câu vận dụng cao, đề sát với các đề thi minh hoạ và đề thi khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nội dung chủ yếu tập trung vào chương trình Giáo dục công dân lớp 12. Đề thi đảm bảo được mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa có độ phân hóa phù hợp cho mục tiêu xét tuyển đại học.
Bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên có độ phân hóa cao
Tương tự bài thi Khoa học xã hội, nhận định về đề thi tổ hợp Khoa học tự nhiên năm nay, đa số giáo viên đều đánh giá đề thi có độ phân hóa cao hơn so với năm ngoái. Đề thi đáp ứng tốt mục tiêu vừa xét tốt nghiệp, vừa tuyển sinh đại học.
Đánh giá về đề thi môn Vật lý (nằm trong bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên), thầy Trần Hiếu (giáo viên dạy môn Vật lý tại Hà Nội) cho rằng đề thi vẫn giữ ổn định theo cấu trúc quen thuộc như các năm trước. So với năm ngoái, đề thi năm nay có phần khó hơn (chủ yếu tập trung ở phần phân loại học sinh).
Đề thi có một phần nhỏ (chiếm 10%) kiến thức lớp 11 ở mức độ nhận biết - thông hiểu, không làm khó các bạn học sinh. Đề thi có tính phân hóa mạnh, đáp ứng tốt mục tiêu vừa xét tốt nghiệp, vừa tuyển sinh đại học.
“Học sinh ôn tập cơ bản có thể dễ dàng đạt được điểm 6-7. Còn để chinh phục điểm 8, 9, yêu cầu học sinh phải học chắc kiến thức để “ăn điểm” trọn vẹn ở các câu thông hiểu - nhận biết và có khả năng vận dụng kiến thức. Và học sinh phải rất xuất sắc thì mới có thể chinh phục được điểm 10 tuyệt đối vì với 4 câu phân loại ở cuối đề thi khá dài, thí sinh cần phải nhạy bén để nhận ra bản chất vật lý và xử lý linh hoạt thì mới có thể giải quyết trọn vẹn trong giới hạn thời gian 50 phút”, thầy Trần Hiếu nhận xét.
Chia sẻ thêm, thầy Hiếu cho biết, về mặt nội dung đề thi, ở phần nhận biết - thông hiểu có câu hỏi lý thuyết về điện trở thay đổi theo nhiệt độ khiến nhiều học sinh lúng túng và mất điểm đáng tiếc nếu không học chắc kiến thức lớp 11.
Ở mức độ vận dụng của đề thi năm nay (tham khảo câu 34 - Mã đề 213) về sóng dừng 2 đầu cố định có ý tưởng ra đề khá hay. Mặc dù rất đơn giản nhưng lại đi kèm theo hình vẽ ròng rọc khiến cho các bạn học sinh có phần lúng túng nếu không hiểu được bản chất Vật Lý tuy nhiên nếu đọc kỹ thì sẽ dễ dàng làm được.
Dự đoán về phổ điểm năm nay, thầy Hiếu cho rằng đỉnh của phổ điểm cả nước sẽ là 7 điểm và điểm trung bình sẽ tương đồng với năm ngoái.
Tương tự đề thi Vật lý, nhận xét về đề thi môn Hóa Học (nằm trong bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên), thầy Phạm Duy Hiếu (giáo viên dạy môn Hóa học tại Hà Nội) cũng cho rằng đề thi Hóa học năm nay về cơ bản không có nhiều sự thay đổi khác biệt so với những năm gần đây về nội dung và phạm vi kiến thức.
Trong đó, phần lớn câu hỏi trong đề thi đều thuộc chương trình lớp 12. Về độ khó có thể đánh giá là ngang bằng với năm 2023, nhìn chung thì khá “dễ thở” với các bạn học sinh.
Nhận định chi tiết đề thi Hóa học, thầy Phạm Duy Hiếu cho hay đề thi vẫn là các dạng bài tập quen thuộc, không có câu hỏi lạ nhưng học sinh cần đọc kỹ đề, làm thật cẩn thận để tránh những sai lầm đáng tiếc ở những câu “cho điểm”.
“Đề năm nay xuất hiện 3 câu vận dụng cao để phân loại ở mức 9-10 điểm, tuy nhiên cấu trúc không khác nhiều so với những năm trước, những học sinh giỏi đều có khả năng làm được nếu có đủ thời gian. Ngoài ra, đề năm nay cũng có khá nhiều câu liên hệ tới thực tế rất thiết thực với học sinh, tôi đánh giá đây là một điểm tốt khi học sinh sẽ được tiếp cận và hiểu hơn về mối quan hệ mật thiết giữa môn Hóa học với đời sống. Các em học sinh trung bình dễ dàng đạt được 5 điểm. Học sinh trung bình - khá có thể đạt được 7 đến 8 điểm nếu nắm vững nền tảng lý thuyết, vì đề có tới khoảng 28 câu hỏi lý thuyết (tương đương với 70% số câu hỏi trong đề). Phổ điểm môn Hóa học năm nay sẽ không khác nhiều so với năm trước, đỉnh của phổ điểm có thể dao động từ 7 đến 7,5 điểm", thầy Hiếu nhận định.
Cũng có những đánh giá chi tiết về đề thi môn Sinh học (nằm trong bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên), thầy Nguyễn Duy Khánh (giáo viên môn Sinh học) cho rằng, đề thi năm nay đã có sự tiệm cận với chương trình giáo dục phổ thông 2018, đi theo xu hướng tăng cường khai thác kiến thức lý thuyết, đưa về bản chất lý thuyết của môn Sinh học, tránh tình trạng học tủ, học vẹt. Đề thi vừa phù hợp với đối tượng thi tốt nghiệp, vừa phù hợp với học sinh xét tuyển đại học.
Cụ thể, đề thi môn Sinh học năm nay có 40 câu. Trong đó có 4 câu là nội dung kiến thức lớp 11 và 36 câu là nội dung kiến thức lớp 12. Đối với 30 câu đầu trong đề thi, là những câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, tương đối dễ và phù hợp với học sinh thi để xét tốt nghiệp. Với 30 câu này, học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức sách giáo khoa, ôn luyện theo hướng dẫn của giáo viên thì việc đạt 5 – 6 điểm là không khó.
Tuy nhiên, 10 câu cuối của đề thi môn Sinh học năm nay có tính phân hoá cao hơn rất nhiều so với đề thi năm 2023. Theo thầy Nguyễn Duy Khánh, đây là những câu có xu hướng giảm bớt phần tính toán, xác suất thống kê, thay vào đó là sử dụng các kênh hình, bảng biểu, đồ thị để khai thác tối đa khả năng suy luận, tư duy của học sinh.
"Với những câu hỏi phân hóa này sẽ giúp học sinh cạnh tranh trong việc xét tuyển vào đại học, đặc biệt là các trường đại học top đầu có sử dụng môn Sinh học để xét tuyển đầu vào", thầy Nguyễn Duy Khánh nhận định.
Chiều nay (28/6), thí sinh sẽ hoàn thành bài thi cuối cùng là Ngoại ngữ.
Dự kiến, công tác chấm thi sẽ được hoàn thành chậm nhất vào 17h ngày 14/7/2024, kết quả thi được công bố vào 8h00 ngày 17/7/2024.
Sau đây là gợi ý đáp án đề thi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên do Ban chuyên môn Tuyensinh247.com thực hiện, thí sinh có thể tham khảo:
Gợi ý đáp án đề thi tổ hợp môn Khoa học xã hội:
Theo báo cáo nhanh của Bộ Giáo dục và Đào tạo về về buổi thi môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội sáng nay, nhìn chung buổi thi diễn ra an toàn, trật tự, nghiêm túc, đúng Quy chế.
Trong đó, với bài thi Khoa học tự nhiên, môn Vật lý có 346.925 thí sinh đăng ký dự thi, tỷ lệ dự thi đạt 99.66%. Môn Hóa học có 347.846 thí sinh đăng ký dự thi, tỷ lệ dự thi đạt 99.60%. Môn Sinh học có 343.325 thí sinh đăng ký dự thi, tỷ lệ dự thi đạt 99.75%.
Với bài thi Khoa học xã hội, môn Lịch sử có 709.726 thí sinh đăng ký dự thi, tỷ lệ dự thi đạt 95.32%. Môn Địa lý có 708.143 thí sinh đăng ký dự thi, tỷ lệ thí sinh dự thi đạt 95.22%. Môn Giáo dục công dân có 585.610 thí sinh đăng ký dự thi, tỷ lệ dự thi đạt 95.06%.
Sáng nay, có 9 thí sinh bị đình chỉ thi. So với năm 2023, số thí sinh bị đình chỉ thi trong buổi thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội đã giảm đáng kể (năm 2023, số thí sinh vi phạm kỷ luật là 22 thí sinh).