Cần tăng chế tài với tội liên quan in sách lậu, SGK giả để đối tượng 'chùn tay'

29/06/2024 07:23
Mộc Trà

GDVN- Theo Phó Giám đốc NXB Tổng hợp TPHCM, pháp luật cần tăng nặng chế tài với tội liên quan in sách giả, sách lậu để mang tính răn đe cao.

Vấn nạn sản xuất, buôn bán xuất bản phẩm giả vẫn luôn là vấn đề nhức nhối, tồn tại dai dẳng trong nhiều năm qua. Vấn nạn xuất bản phẩm bị in giả, in lậu không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các đơn vị xuất bản và phát hành; mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng dẫn đến triệt tiêu sự sáng tạo của đội ngũ tác giả.

Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành chỉ ra, những loại sách thường bị in lậu là sách giáo khoa, tham khảo, sách giáo trình; sách dạy và học ngoại ngữ; sách văn học; sách phổ biến kiến thức, sách chính trị, pháp luật... [2]

Trong lĩnh vực giáo dục, nhiều năm qua, sách giáo khoa, sách tham khảo của các nhà xuất bản cũng luôn là một trong những loại sách bị làm giả với số lượng lớn. Gần đây nhất, Công an thành phố Đà Nẵng đã phá thành công chuyên án SGK-192, triệt phá đường dây chuyên sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả quy mô lớn, với số lượng lên tới hơn 4 triệu cuốn sách...

Theo đó, Cơ quan công an đã thu giữ 1 triệu con tem, 600.000 cuốn sách giả thành phẩm và bán thành phẩm, trị giá khoảng 12 tỷ đồng, toàn bộ máy in, máy cắt, máy đóng kim, máy may chỉ, máy dán keo, xe ô tô, bản kẽm, giấy in... [2]

S5-1718937707215.jpg
Sách giáo khoa giả bị phát hiện, thu giữ. Ảnh: Công an thành phố Đà Nẵng.

Nhiều hệ lụy trước vấn nạn sách giả, sách lậu vẫn đang diễn ra nhức nhối

Trao đổi về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh nhìn nhận: “Có thể thấy, sách giả, sách lậu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến văn hóa đọc hiện nay. Sách giả, sách lậu ngày càng tinh vi và biến hóa muôn hình vạn trạng hơn, nhất là trong thời đại cách mạng công nghệ, khi độc giả dễ dàng chọn mua sách qua các trang thương mại điện tử.

Ngoài ra, không khó để thấy, trên mạng xã hội, trong các hội nhóm, rất nhiều bài đăng bán sách, thanh lý, chuyển nhượng cửa hàng, xả kho với giá sách rẻ có khi chỉ bằng nửa giá sách thật, nên dễ dàng tiếp cận với đông đảo khách hàng”.

z5582675058224_00afb034eb9feb73c0378040a577d316.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: NVCC.

Nữ đại biểu chỉ ra: “Sách lậu, sách giả trước hết gây ảnh hưởng tiêu cực đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất bản: Tác giả, chủ sở hữu không thu được tiền bản quyền và dễ dẫn tới việc cạnh tranh thiếu lành mạnh trên thị trường. Vấn nạn này khiến chất xám, công sức của tác giả không được ghi nhận và tôn trọng, từ đó ảnh hưởng tới sự sáng tạo và uy tín của tác giả cũng như các nhà xuất bản.

Các ấn phẩm kém chất lượng, thậm chí có lỗi trong nội dung và hình thức ảnh hưởng tới việc tiếp nhận thông tin và tri thức của độc giả cũng như định hướng văn hóa đọc, giá trị thẩm mỹ trong văn hóa đọc”.

Cùng quan điểm với những chia sẻ trên, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quỳnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cũng nhận định, vấn nạn sách lậu, sách giả có thể kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Cụ thể, nữ đại biểu cho biết: “Trước tiên, vấn nạn này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng, khi rất dễ mua phải những sản phẩm kém chất lượng, có thể chứa đựng nhiều sai sót về nội dung. Ngoài ra, sách lậu, sách giả còn gây thiệt hại lớn cho các tác giả và nhà xuất bản, làm mất đi nguồn thu hợp pháp, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành xuất bản. Hơn nữa, điều này cũng góp phần làm giảm giá trị của tri thức và giáo dục”.

Tình trạng sản xuất, kinh doanh, buôn bán xuất bản phẩm giả không chỉ là vấn nạn của ngành xuất bản, gây thiệt hại kinh tế lớn cho các đơn vị làm sách chân chính, mà còn làm thất thu ngân sách nhà nước.

Chính vì vậy, theo Đại biểu Nguyễn Thị Hà, ngăn chặn in lậu sách giáo khoa là vấn đề rất quan trọng cho sự phát triển của ngành xuất bản, đặc biệt thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Đình Ba ­- Phó Giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh cũng thêm một số chia sẻ cụ thể hơn về những ảnh hưởng, thiệt hại trước vấn nạn sách giả, sách lậu.

Ông Trần Đình Ba cho biết: “Sách lậu, sách giả gây hậu quả nghiêm trọng cho các nhà xuất bản, công ty sách, có thể nói gọn, đó là thiệt hại về kinh tế, và thiệt hại tinh thần. Thiệt hại kinh tế rõ ràng nhất khi sách lậu, sách giả cướp một phần nguồn thu của sách thật, khiến khâu kinh doanh, phát hành của các đơn vị xuất bản làm ăn chân chính bị cạnh tranh không lành mạnh, gặp khó. Đây là hậu quả thấy rõ nhất.

Chưa hết, vấn nạn này còn làm nhiễu loạn thị trường khi cùng đầu sách, sách giả, sách lậu in giá cao hơn nhưng đưa ra chính sách khuyến mãi tốt hơn để lừa độc giả. Thiệt hại tinh thần là không thể đong đo đếm hết được. Các đơn vị xuất bản chân chính đầu tư mọi nguồn lực cho cuốn sách, nhưng bị làm giả, khiến từ tác giả, dịch giả cho đến đội ngũ biên tập viên, kinh doanh, phát hành đều bị ảnh hưởng, mất niềm tin, nhụt ý chí với nghề.

Sách giả, sách lậu lẫn lộn với sách thật và đến tay người tiêu dùng, khi độc giả mua phải sách lậu, sách giả và phản ứng, thương hiệu nhà xuất bản, công ty sách làm ra ấn phẩm sách thật sẽ bị ảnh hưởng về uy tín, thương hiệu...

Đó mới chỉ là một vài trong số không ít những hậu quả dễ thấy từ vấn nạn sách lậu, sách giả”.

Nâng cao chất lượng công cụ chống hàng lậu, hàng giả

Đại biểu Nguyễn Thị Hà cho rằng: “Để đẩy lùi vấn nạn sách giả, sách lậu đang ngày càng tinh vi và nhức nhối, cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của các đơn vị xuất bản với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt, phải kiên quyết, xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm.

Đồng thời, nâng cao phát triển các công nghệ in ấn chất lượng cao, công cụ chống hàng lậu, hàng giả như tem chống hàng giả, mã QR truy xuất nguồn gốc, thông tin của sách bản quyền.

Quan trọng hơn cả là việc tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về các hệ lụy của sách giả, sách lậu; nâng cao nhận thức cho người dân về nhận biết sách thật - sách giả; nâng cao ý thức của độc giả về việc lựa chọn sử dụng sách thật là tôn trọng pháp luật và là việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của chính mình”.

Theo Đại biểu Trần Thị Quỳnh, để ngăn chặn vấn nạn sách lậu, sách giả, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quỳnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định. Ảnh: NVCC.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quỳnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định. Ảnh: NVCC.

“Trước tiên, cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến sản xuất và buôn bán sách giả. Cần phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn để giám sát chặt chẽ thị trường sách.

Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức của người dân về việc sử dụng sách chính hãng, thông qua các chiến dịch tuyên truyền, giáo dục.

Mặt khác, đề xuất cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng để có thể phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

Ngoài ra, cần đầu tư vào công nghệ để hỗ trợ việc giám sát và kiểm tra sách, chẳng hạn như sử dụng mã QR hoặc các biện pháp chống giả mạo khác.

Cũng cần có các biện pháp khuyến khích người tiêu dùng mua sách chính hãng, như các chương trình giảm giá, ưu đãi khi mua sách từ các nhà xuất bản uy tín” - Đại biểu Trần Thị Quỳnh phân tích.

Nhà xuất bản, công ty sách chủ động trong việc phát hiện, cảnh báo tới độc giả

Từ thực tế hiện trạng sách giả, sách lậu hoành hành và việc chống vấn nạn này gặp nhiều khó khăn, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Pháp luật cần tăng nặng chế tài với tội in sách giả, sách lậu để mang tính răn đe cao với việc làm ảnh hưởng tới ngành xuất bản, một ngành văn hóa đặc thù. Nên phạt nặng về kinh tế đối với tội này để các đối tượng phải “chùn tay”.

z5583805115992_0d28b4406d39f100a3a2297783d0f0ab.jpg
Ông Trần Đình Ba ­- Phó Giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Một số nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội cũng có trách nhiệm liên đới trong việc sách giả, sách lậu khi không quét, hoặc quét không kỹ đầu vào của ấn phẩm sách, dẫn đến có nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội lưu hành mặt hàng sách lậu, sách giả, thậm chí thu tiền quảng cáo, gián tiếp tiếp tay các trang bán sách giả, sách lậu khiến các nhà xuất bản, công ty sách lao đao khi kinh doanh online”.

“Trong khi việc xử lý vấn nạn này còn nhiều khó khăn, bản thân các nhà xuất bản, công ty sách cũng phải chủ động trong việc phát hiện, cảnh báo tới độc giả về những ấn phẩm sách giả, hướng dẫn cách thức phân biệt sách giả, sách thật. Việc này cần sự hỗ trợ to lớn của báo chí, truyền thông.

Đồng thời, độc giả cũng cần nâng cao kỹ năng trong việc lựa chọn, mua sách. Nên mua sách trực tiếp các nhà xuất bản, công ty sách, nhà phát hành sách uy tín hoặc trên trang web của các đơn vị này nếu không có điều kiện mua hàng trực tiếp để có được sự đảm bảo về chất lượng sách thay vì mua sách từ những trang bán hàng mập mờ thông tin...” - ông Trần Đình Ba nhấn mạnh .

Tài liệu tham khảo:

[1] https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/nhan-dien-hanh-vi-pham-in-lau-lam-gia-xuat-ban-pham-1491910417

[2] https://giaoduc.net.vn/bo-truong-bo-gddt-tang-bang-khen-cho-luc-luong-cong-an-da-nang-post243632.gd

Mộc Trà