Chủ tịch nước dự lễ ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở tại TP.HCM

01/07/2024 14:11
Theo Baochinhphu.vn

GDVN - Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được hình thành từ việc kiện toàn 3 lực lượng sẵn có gồm: Bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và dân phòng.

Sáng 1/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Tô Lâm tới dự lễ ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

a1.jpg
Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Vũ Phong

Cùng tham dự buổi lễ có: Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải; Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh…

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được hình thành từ việc kiện toàn 3 lực lượng sẵn có gồm: Bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và dân phòng.

Trong thời gian tới, lực lượng này sẽ là "cánh tay nối dài" của công an xã trong bám sát địa bàn cơ sở, gần dân, hiểu dân, phối hợp, hỗ trợ đắc lực thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được thông qua vào ngày 28/11/2023 tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Trong ngày hôm nay, không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh mà các địa phương trên cả nước đồng loạt ra mắt lực lượng này.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, kỳ họp lần thứ 16 Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khoá X đã thông qua Nghị quyết quy định tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ an ninh trật tự; tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh trật tự; mức hỗ trợ, bồi dưỡng và mức chi đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thành lập 4.861 tổ bảo vệ an ninh trật tự với tối đa 15.031 thành viên.

a2.jpg
Các đại biểu tham dự buổi lễ. Ảnh: VGP/Vũ Phong

Theo Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở có 6 nhóm nhiệm vụ mang tính chất hỗ trợ công an cấp xã, gồm: Nắm tình hình về an ninh trật tự; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; quản lý hành chính về trật tự xã hội; vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; tuần tra bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự khi được điều động.

Kinh phí bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở do ngân sách nhà nước bảo đảm và các nguồn tài chính huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được Ủy ban nhân dân cấp xã bố trí địa điểm làm việc; được trang bị trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận, phương tiện, thiết bị cần thiết, công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ.

Lực lượng này được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng. Theo đó, tổ trưởng được hỗ trợ 6,5 triệu đồng/tháng; tổ phó được hưởng 6,3 triệu đồng/tháng và tổ viên được hưởng 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, còn được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế và các chế độ, chính sách khác.

a3.jpg
Chủ tịch nước động viên lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP/Vũ Phong

Chú trọng tuyển chọn, huấn luyện, bồi dưỡng cho lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

Phát biểu giao nhiệm vụ, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đã được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và hôm nay, ngày 1/7/2024, Luật chính thức có hiệu lực thi hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong công tác bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở.

Luật được ban hành đã thể chế hóa kịp thời chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, đó là: "Quan tâm xây dựng lực lượng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cơ sở đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở".

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, với sự vào cuộc khẩn trương của Chính phủ, Bộ Công an và các bộ, ngành, cấp ủy các địa phương và sự hưởng ứng ủng hộ của nhân dân, chỉ trong thời gian ngắn, công tác cụ thể hóa, hướng dẫn, thi hành Luật và chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng đã hoàn thành.

Cũng theo Chủ tịch nước, tại Thành phố Hồ Chí Minh, việc kế thừa và phát huy những kết quả đạt được của 3 lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và dân phòng để thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là dấu mốc quan trọng để khẳng định bước phát triển mới trong huy động, tổ chức lực lượng quần chúng tham gia bảo đảm an ninh trật tự, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên địa bàn Thành phố.

Trong thời gian tới, để phát huy vai trò, vị trí của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trên địa bàn Thành phố, Chủ tịch nước đề nghị tập trung xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở thực sự là "cánh tay nối dài" của lực lượng công an nhân dân trong phục vụ nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân.

a4.jpg
Diễn tập tình huống trấn áp tội phạm tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Vũ Phong

Cấp ủy, chính quyền các cấp cần thống nhất nhận thức, xác định vị trí, tầm quan trọng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đầy đủ, toàn diện với từng địa bàn cơ sở; chú trọng làm tốt công tác tuyển chọn, huấn luyện, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

Đồng thời, quan tâm, bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện bảo đảm hoạt động và chế độ chính sách cho lực lượng này. Có cơ chế động viên, khích lệ lực lượng này tham gia lâu dài, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Chủ tịch nước cùng yêu cầu tập trung giải quyết những vấn đề nhạy cảm về an ninh trật tự, liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, không để kẻ địch, phần tử xấu xuyên tạc, kích động, lôi kéo gây mất an ninh trật tự, xói mòn niềm tin của nhân dân.

Tập trung đấu tranh phòng chống tội phạm, chuyển hóa các địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, tệ nạn xã hội gắn với xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, với Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở, Thành phố Hồ Chí Minh đã nghiêm túc quán triệt triển khai, ban hành đề án xây dựng và bố trí lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động cho lực lượng.

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục theo dõi, kịp thời điều chỉnh, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để lực lượng này phát huy trong thời gian sắp tới.

Thành phố cũng sẽ tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền nhằm tạo nhận thức thống nhất và phối hợp hành động, tăng cường kiểm tra công tác triển khai tại các quận, huyện và cơ sở, quan tâm đến công tác tuyển chọn để bảo đảm số lượng và chất lượng các thành viên cũng như điều kiện hoạt động thực tế tại cơ sở; đồng thời tạo điều kiện để Công an Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương tổ chức tập huấn nghiệp vụ và xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên cho lực lượng.

Theo Baochinhphu.vn