Trường Đại học Hải Dương là trường công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương, được thành lập ngày 26 tháng 07 năm 2011 trên cơ sở nâng cấp từ Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hải Dương và được đổi tên theo Quyết định số 378/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Sứ mệnh của trường là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hoạt động dịch vụ của tỉnh Hải Dương, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, sản phẩm khoa học, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của tỉnh Hải Dương và cả nước.
Hiện, Tiến sĩ Vũ Đức Lễ là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; Tiến sĩ Tạ Thị Thúy Ngân là Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Dương.
Nhà trường hiện có 3 cơ sở đào tạo. Trong đó, cơ sở 1 nằm ở khu đô thị phía nam Thành phố Hải Dương (xã Liên Hồng - Thành phố Hải Dương). Cơ sở 2 nằm ở số 42 Nguyễn Thị Duệ, phường Thanh Bình, Thành phố Hải Dương. Cơ sở 3 nằm ở đường Trần Ích Phát, khu 8, phường Hải Tân, Thành phố Hải Dương.
Hầu hết các ngành đều không tuyển sinh đủ chỉ tiêu, số sinh viên tốt nghiệp thấp
Theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Hải Dương ở mục 7 tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp cho thấy nhiều ngành số sinh viên tốt nghiệp năm 2023 rất thấp ví như ngành Tài chính - Ngân hàng chỉ có 6 thí sinh nhập học/65 chỉ tiêu, ngành ngôn ngữ Anh có 7 sinh viên trúng tuyển nhập học/50 chỉ tiêu hay ngành Kinh tế chỉ có 3 sinh viên nhập học/50 chỉ tiêu....Do đó, tổng số sinh viên trúng tuyển nhập học của Trường Đại học Hải Dương năm 2023 chỉ đạt 210 em/730 chỉ tiêu.
Đáng nói, nhiều ngành có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp năm 2023 rất thấp, ví như ngành Tài chính - Ngân hàng chỉ có 4 sinh viên tốt nghiệp; Ngành Quản trị văn phòng chỉ có 1 sinh viên tốt nghiệp; Ngành Ngôn ngữ Anh chỉ có 3 sinh viên tốt nghiệp; Ngành Kinh tế chỉ có 2 sinh viên tốt nghiệp; Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành chỉ có 3 sinh viên tốt nghiệp.
Cũng theo Đề án tuyển sinh năm 2024 có thể thấy, năm 2023 nhà trường mở thêm một loạt ngành sư phạm như: Sư phạm Toán, Sư phạm Ngữ Văn, Sư phạm Tiếng Anh, Sư phạm Khoa học Tự nhiên, Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học, Sư phạm Lịch sử, Giáo dục thể chất.
Đáng chú ý, ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên chỉ tiêu của trường là 50 nhưng không có thí sinh nào trúng tuyển nhập học ở cả 3 phương thức: xét tuyển thẳng, theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển kết hợp.
Ngoài ra, hầu hết các ngành của trường đều không tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Thậm chí, có ngành số sinh viên trúng tuyển nhập học rất thấp (sau khi cộng tổng chỉ tiêu và số sinh viên trúng tuyển nhập học ở tất cả các phương thức xét tuyển). Có thể kể đến một số ngành như:
Ngành Kỹ thuật điện, năm 2022 chỉ tiêu của trường là 125 nhưng chỉ có 50 sinh viên nhập học (chỉ đạt 40%). Năm 2023 chỉ tiêu ngành này giảm còn 114 nhưng cũng chỉ có 77 sinh viên nhập học (chỉ đạt 67,5%).
Ngành Kinh tế năm 2022 chỉ tiêu của trường là 20 nhưng chỉ có 8 sinh viên trúng tuyển nhập học (chỉ đạt 40%). Năm 2023, ngành này giảm 2 chỉ tiêu nhưng cũng chỉ có 7 sinh viên trúng tuyển nhập học (chỉ đạt 38,9%).
Ngành Marketing được Trường Đại học Hải Dương bắt đầu tuyển sinh từ năm 2023 với 50 chỉ tiêu nhưng chỉ có 12 sinh viên trúng tuyển nhập học (chỉ đạt 24%).
Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành năm 2022 chỉ tiêu của trường là 15 nhưng chỉ có 7 sinh viên trúng tuyển nhập học (chỉ đạt 46,7%). Năm 2023, nhà trường không có số liệu về ngành học này.
Ngành Giáo dục mầm non năm 2023 chỉ tiêu của trường là 150 nhưng chỉ có 31 sinh viên trúng tuyển nhập học (chỉ đạt 20,7%).
Ngành Sư phạm Lịch sử và Giáo dục thể chất năm 2023 đều có chỉ tiêu là 50 nhưng cũng chỉ có 12 sinh viên trúng tuyển nhập học (chỉ đạt 24%)
Hơn 80% chỉ tiêu tuyển sinh từ phương thức xét học bạ
Theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Hải Dương có tổng hợp chỉ tiêu tuyển sinh và số sinh viên trúng tuyển nhập học 2 năm gần nhất cho thấy, hơn 80% chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường là của phương thức xét kết quả học tập trung học phổ thông (xét tuyển học bạ). Số sinh viên nhập học của trường cũng chủ yếu đến từ phương thức này. Những phương thức khác thậm chí không có sinh viên trúng tuyển nhập học.
Cụ thể, năm 2022, các ngành như: Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kỹ thuật điện, Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông, Công nghệ thông tin, Kinh tế, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Ngôn ngữ Anh đều có chỉ tiêu xét tuyển học bạ chiếm 80% tổng chỉ tiêu của ngành. Riêng ngành Quản trị văn phòng chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức xét học bạ chiếm 82% tổng chỉ tiêu các phương thức.
Đến năm 2023, nhiều ngành của Trường Đại học Hải Dương xét tuyển bằng phương thức sử dụng kết quả học tập trung học phổ thông (học bạ) tăng cao, có ngành trên 80% như: Tài chính - Ngân hàng (84,2%); Quản trị kinh doanh (81,3%); Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông (81,8%); Công nghệ thông tin (81,8%)...
Đáng chú ý, năm 2023 một số ngành nhà trường chỉ có thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét học bạ, còn các phương thức khác như xét tuyển thẳng hay xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông không có thí sinh nào trúng tuyển nhập học. Có thể kể đến một số ngành như: Quản trị kinh doanh, Kỹ thuật điện, Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông và Marketing.
Một số nội dung trong đề án kê khai không đầy đủ
Đối chiếu với mẫu kê khai Đề án tuyển sinh tại Phụ lục III, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non cho thấy, Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Hải Dương có một số nội dung không kê khai đầy đủ theo quy định.
Cụ thể, ở mục 9, chương I thông tin danh mục ngành được phép đào tạo, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT yêu cầu bảng kê khai cần có đầy đủ các nội dung: Tên ngành; Mã ngành; Số văn bản mở ngành; Ngày tháng năm ban hành văn bản cho phép mở ngành; Số văn bản chuyển đổi mã hoặc tên ngành (gần nhất); Ngày tháng năm ban hành văn bản chuyển đổi mã hoặc tên ngành (gần nhất); Trường tự chủ ban hành hoặc Cơ quan có thẩm quyền cho phép; Năm bắt đầu đào tạo; Năm đã tuyển sinh và đào tạo gần nhất với năm tuyển sinh.
Tuy nhiên, tất cả các ngành mở từ năm 2023 và năm 2024 của Trường Đại học Hải Dương đều không kê khai các nội dung: Số văn bản chuyển đổi mã hoặc tên ngành (gần nhất); Ngày tháng năm ban hành văn bản chuyển đổi mã hoặc tên ngành (gần nhất); Trường tự chủ ban hành hoặc Cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Ở chương II, Tuyển sinh và đào tạo chính quy nhà trường không kê khai mục 1.12. Việc cơ sở đào tạo thực hiện các cam kết đối với thí sinh giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro.
Bên cạnh đó, các mục 1.13.1. Thông tin về doanh nghiệp hợp tác đào tạo và 1.13.2. Các thông tin triển khai áp dụng cơ chế đào tạo đặc thù có nhu cầu cao về nhân lực trình độ đại học (không trái các quy định hiện hành) cũng không được nhà trường kê khai.
Năm 2024, Trường Đại học Hải Dương dự kiến tuyển sinh 2.002 chỉ tiêu cho 23 ngành với 4 phương thức: xét tuyển thẳng, xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét kết quả học tập trung học phổ thông, xét tuyển kết hợp (kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc kết quả học tập trung học phổ thông với chứng chỉ quốc tế).
Đối chiếu với Đề án tuyển sinh năm 2023, năm 2024 nhà trường mở thêm 4 ngành mới bao gồm: Sư phạm địa lý, Giáo dục chính trị, Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật và Sư phạm Tin học.
Học phí dự kiến của Trường Đại học Hải Dương đối với sinh viên hệ đại học chính quy dao động từ 1.100.000 - 1.950.000 đồng/ năm học tùy vào từng ngành và lộ trình năm học.
Đối với hệ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non, mức học phí dao động từ 900.000 - 1.210.000 đồng/năm học.
Tổng nguồn thu hợp pháp/năm của trường là 72.000.000.000 đồng; Tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/năm của năm liền trước năm tuyển sinh là 13.500.000 đồng.
Tính đến ngày 31/12/2023, quy mô đào tạo hình thức chính quy của trường bao gồm: 179 thạc sĩ, 1.904 sinh viên đại học chính quy.
Ngoài ra, theo Đề án tuyển sinh năm 2024, nhà trường có 288 giảng viên toàn thời gian. Trong mẫu kê khai này, phóng viên không thấy nhà trường thống kê số lượng giảng viên thỉnh giảng.