Lễ tốt nghiệp khóa đầu tiên, diễn ra ngày 29/6, không chỉ là bệ phóng để 145 tân khoa cất cánh mà còn là cột mốc mới của trường đại học tinh hoa VinUni. Hơn một nửa trong số tân cử nhân đã được nhiều trường đại học quốc tế danh tiếng và các tập đoàn toàn cầu chào đón.
“Trái ngọt” này có được là nhờ bàn tay vun trồng của đội ngũ giảng viên giỏi chuyên môn, giàu nhiệt tình và khát vọng. Song, ít ai biết, hành trình cùng VinUni dấn thân xây dựng cho Việt Nam một trường đại học đạt đẳng cấp thế giới không hề dễ dàng.
Áp lực vì đồng nghiệp giỏi, trường đòi hỏi cao
Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Lan (Viện Kinh doanh Quản trị) sở hữu một CV “khủng”. Chị tốt nghiệp thủ khoa Đại học Ngoại thương - trường đại học hàng đầu trong khối ngành kinh tế Việt Nam, nhận học bổng Thạc sĩ tại Đại học Westminster (Vương quốc Anh), Giải thưởng Trường Kinh doanh Westminster, học bổng Tiến sĩ tại Đại học Adelaide (Úc).
Chị từng là giảng viên xuất sắc của một trường đại học có tiếng ở Việt Nam, có kinh nghiệm giảng dạy tại Úc, đã kinh qua nhiều doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực như công nghệ, ngân hàng, kiểm toán…
Thế nhưng, khi “đầu quân” cho Trường Đại học VinUni, Tiến sĩ Mai Lan cho biết mình đã bị sốc, stress đến mức có lúc muốn từ bỏ.
“Đầu tiên là áp lực từ đồng nghiệp khi ở VinUni quá nhiều người giỏi và mọi người đều nói về những thứ quá mới với tôi như học chủ động, dạy học mô phỏng... Tôi lại được giao nhiệm vụ chỉnh sửa khung chương trình cho ngành Quản trị Kinh doanh với đòi hỏi chất lượng rất cao. Ngoài ra còn áp lực về hoạt động nghiên cứu. Tôi cảm thấy quá sức trong khi bản thân khá cầu toàn, làm gì cũng muốn phải tốt nhất”, Tiến sĩ Mai Lan trải lòng.
Phải mất 3 tháng, nữ giảng viên mới có thể bước đầu vượt qua các áp lực, làm quen dần với môi trường luôn hướng tới sự xuất sắc của VinUni.
Theo Tiến sĩ Mai Lan, ở VinUni, mọi thứ đều phải tốc độ đi kèm với chất lượng. Ví như chỉ trong một tháng, chị phải xây dựng xong 2 giáo án cho 2 môn học khác nhau. Hay cũng chỉ trong 2 tháng, chị phải hoàn thành việc xây dựng khung quản trị rủi ro cho một đề án lớn của trường. Từng có nhiều kinh nghiệm giảng dạy song nữ tiến sĩ vẫn phải liên tục học hỏi thêm kỹ năng sư phạm mới có thể đáp ứng yêu cầu công việc.
“Bài học tôi nhận ra là phải quản lý thời gian hiệu quả, kỷ luật bản thân thật tốt, làm việc tập trung đến 200% và luôn có kế hoạch với các deadline rõ ràng. Khi đạt được trạng thái cân bằng mới, tôi không còn thấy áp lực mà thực sự hứng khởi khi thấy bản thân đã có những bước phát triển”, Tiến sĩ Mai Lan chia sẻ.
Là giảng viên của một ngôi trường định hướng đào tạo tinh hoa, đầu vào được tuyển chọn kỹ lưỡng với chất lượng cao, sinh viên giỏi và không ngại đặt câu hỏi, Tiến sĩ Mai Lan cho hay, chị phải luôn cập nhật kiến thức để có thể trả lời sinh viên, khơi gợi cho các em hướng nghiên cứu và tìm tòi mới.
“Với một giảng viên trẻ như tôi thì đó vừa là một thử thách cũng vừa là cơ hội để tôi có thể phát triển kiến thức, kỹ năng cho mình. Là người luôn muốn phát triển bản thân, tôi thấy rất vui với việc đó”, Tiến sĩ Mai Lan nói.
Ngôi trường của những sinh viên “Tự tin, tự hào, tự lập”
Theo Tiến sĩ Mai Lan, thế giới đang đổi thay từng ngày, nếu chỉ giảng dạy theo cách truyền thống, sinh viên sẽ nhanh chóng bị tụt hậu.
Vì vậy, ở VinUni nói chung và ở các lớp học của chị nói riêng, điều cốt lõi là phải hướng dẫn sinh viên cách tư duy để các em có thể tự tìm hiểu, tự học, từ đó có thể tự chủ và linh hoạt thích ứng với mọi sự thay đổi trong tương lai.
Theo đó, học tập chủ động là tinh thần xuyên suốt 4 năm học của sinh viên VinUni. Tuy nhiên, điều đó cũng không đồng nghĩa với việc để các em tự “bơi” trong bể kiến thức.
Mỗi sinh viên sẽ có một giảng viên hướng dẫn, đồng hành, giúp các em tìm ra lời giải cho những vấn đề hóc búa.
Ngoài ra, mỗi môn học đều có các giờ dành riêng cho sinh viên đến tham vấn trực tiếp. Vì vậy, với các sinh viên, Tiến sĩ Mai Lan không chỉ là giảng viên mà còn là một người bạn lớn.
Trong môn học của mình, nữ giảng viên luôn đặt ra tiêu chuẩn cao, tạo môi trường cho các sinh tự rèn luyện. Chị không bao giờ giải đáp ngay mà luôn yêu cầu sinh viên phải tìm hiểu kỹ trước khi đặt câu hỏi, từ đó xây dựng cho sinh viên thói quen tự nghiên cứu.
Tiến sĩ Mai Lan cũng hay mang tới cho sinh viên những đề kiểm tra thử thách, giúp các em nhận ra, phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và quản trị thời gian làm bài tốt mới mang lại kết quả cao.
“Giáo sư của tôi - một chuyên gia nghiên cứu tài chính hàng đầu nước Úc - từng yêu cầu tôi phải viết đi viết lại một đoạn chỉ 10 dòng trong suốt ba tuần vì cho rằng cách diễn đạt của tôi chưa đủ tốt. Thầy khiến tôi phát khóc. Nhưng tôi hiểu, nhờ sự nghiêm khắc đó mà tôi trưởng thành. Tôi cũng muốn giúp sinh viên của mình như vậy, và tôi rất hạnh phúc khi thấy các em có sự tiến bộ qua từng học kỳ”, Tiến sĩ Mai Lan chia sẻ.
Đạt Giải thưởng Giảng dạy xuất sắc năm 2022 và Giải thưởng Cống hiến xuất sắc năm 2023 của VinUni, Tiến sĩ Mai Lan khiêm nhường khi nói rằng, mình có sự may mắn khi được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, nhiều người xuất sắc, nên bản thân cũng phải luôn nỗ lực phấn đấu và học hỏi. Và giải thưởng cũng như thành quả lớn nhất cho những nỗ lực của chị chính là lớp sinh viên tài năng đầu tiên vừa chính thức ra trường. Trong đó, có sinh viên đã nhận mức lương lên tới hàng nghìn đô từ trước khi tốt nghiệp.
“Tôi rất hạnh phúc khi nhiều em đã nhận học bổng chuyển tiếp sau đại học ở các trường danh tiếng thế giới, nhiều em đã có vị trí việc làm với đãi ngộ hấp dẫn ở các tập đoàn toàn cầu. Mang trong mình sự tự tin, tự hào và bản lĩnh tự lập của người VinUni, các em chắc chắn sẽ thành công hơn nữa trong con đường phía trước”, Tiến sĩ Mai Lan xúc động nói.
Ngày 29/6, Trường Đại học VinUni tổ chức Lễ tốt nghiệp và trao bằng cử nhân cho 145 sinh viên khóa đầu tiên (2020 - 2024). Trong đó, 25% tân khoa đã được top trường danh tiếng nhất thế giới như Harvard, Cornell, Pennsylvania nhận đào tạo sau Đại học. 32% tân khoa được các Tập đoàn toàn cầu hàng đầu như McKinsey, Boston Consulting Group, National Australia Bank, Google, Bosch, IBM… mời làm việc ngay khi chưa tốt nghiệp.