Nhiều ý kiến bức xức, CĐ Công nghệ Bách khoa HN phải lập 'đường dây nóng' mới

12/07/2024 06:36
Nguyễn Nhất

GDVN - Cựu học viên Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội tố nhà trường đào tạo khác với tư vấn tuyển sinh. 

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài viết: "Làm thực tập sinh không ăn nhập ngành học, SV CĐ Công nghệ Bách khoa HN bức xúc".

Bài viết phản ánh ý kiến của nhiều sinh viên Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội về việc nhà trường có học phần đi "trải nghiệm doanh nghiệp", phải làm công nhân thời vụ ca kíp 12 tiếng/ngày nhưng chuyên môn không "ăn nhập" ngành học. Theo nhiều sinh viên, điều này là không đúng với những gì nhà trường tư vấn tuyển sinh và lãng phí thời gian học phần này.

Phóng viên Tạp chí cũng nhận được ý kiến phản ánh của cựu học viên từng theo học hệ trung cấp, sinh viên trường phản ánh nhiều vấn đề.

Theo quảng bá trên fanpage của Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội, nhà trường giới thiệu về Chương trình đào tạo gồm 80% là giờ học thực hành.

thuc-hanh3-4.jpg
Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội quảng bá chương trình đào tạo có giờ thực hành lên đến 80% đối với ngành Công nghệ Ô tô (hệ cao đẳng), Chăm sóc sắc đẹp (hệ trung cấp). (Ảnh: Fanpage nhà trường)

Cụ thể, như nghề Chăm sóc sắc đẹp (hệ trung cấp), trên fanpage thông tin: "Với triết lý giáo dục: “Thực học - Thực hành - Thực nghiệp”, Trường Cao đẳng Công nghệ Bách Khoa Hà Nội (HPC) luôn chú trọng đào tạo đi đôi với thực hành.

Đối với Khoa Chăm sóc sắc đẹp HPC, chương trình đào tạo gồm 80% là giờ học thực hành. Đi đôi với đó, hệ thống trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập của khoa hiện đại ngang tầm xu hướng thế giới...."

Phản ánh đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, em Lê Yến Vy (quê ở Lạng Sơn, cựu học viên K22 ngành Chăm sóc sắc đẹp (hệ trung cấp), Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội) cho hay, khi vào trường học tập, em đã hụt hẫng vì thực tế khác với thông tin cán bộ tư vấn tuyển sinh nói.

"Em chọn ngành Chăm sóc sắc đẹp và cán bộ tư vấn nói là em được chọn mảng chuyên sâu nhưng thực tế em học đến 3 nghề. Việc này khiến người học sẽ tốn kém trong mua đồ dùng học tập cho ba nghề là nail, make up và spa. Trong khi em chỉ muốn theo nghề make up", Yến Vy cho biết.

Bên cạnh đó, nhà trường quảng bá là 80% giờ học thực hành nhưng như nghề em thích make up chỉ được đào tạo rất ít thời gian thực hành...

Cụ thể, Lê Yến Vy chia sẻ, bản thân em khi học Trung học phổ thông Đồng Bành (Lạng Sơn) được gặp cán bộ tư vấn tuyển sinh của Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội là thầy Huy Cường. Thầy đã tư vấn về nghề em đang thích theo học là make up, có trong chương trình đào tạo trong ngành Chăm sóc sắc đẹp.

Đoạn tin nhắn của thầy Huy Cường tư vấn thông tin về việc đào tạo và chi phí ở Ký túc xá Mỹ Đình. (Ảnh: NVCC)

Đoạn tin nhắn của thầy Huy Cường tư vấn thông tin về việc đào tạo và chi phí ở Ký túc xá Mỹ Đình. (Ảnh: NVCC)

Ngày 9/7/2022, Vy có nhắn tin cho thầy Huy Cường để hỏi thông tin về nghề em đang muốn học là make up. Vy được thầy Huy Cường tư vấn: "Chi phí học của năm nay tăng theo quy định của Bộ là 9.250.000 đồng/kỳ. Em vào học là sẽ học chung, sau đó sẽ chia ra 2 mảng chuyên sâu là make hoặc spa em nhé. Còn ở Ký túc xá Mỹ Đình là 2.400.000/6 tháng".

Tin tưởng vào sự tư vấn của thầy Huy Cường, Vy nộp hồ sơ vào học hệ trung cấp Chăm sóc sắc đẹp tại Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội. Vy thừa nhận, bản thân em đã không tìm hiểu kỹ càng chương trình đào tạo tại đây.

Và rồi, cô gái này khi vào học cảm thấy thất vọng, vì không được lựa chọn học chuyên sâu đúng nghề mình yêu thích.

"Bước vào học tập, chúng em không được lựa chọn theo học chuyên sâu một nghề. Việc này khiến học viên phải bỏ số tiền lớn để mua đồ để phục vụ học tập nhiều hơn. Cụ thể như mua đồ make up cũng phải 20-30 triệu đồng, làm nail phải thuê mẫu...", Vy cho biết.

cham-soc-sac-dep-hpc.png
Chương trình đào tạo của ngành Chăm sóc sắc đẹp K22 gồm 73 tín chỉ.

Liên quan đến nội dung phản ánh của cựu học viên, ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng phòng Truyền thông Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội đã cho kiểm tra những thông tin từ phóng viên gửi.

Kết quả phản hồi của ông Hiếu vào ngày 1/7 đến phóng viên như sau: "Thầy Huy Cường hiện vẫn đang công tác tại Trường. Thầy đang làm việc tại Phòng Hợp tác Quốc tế.

Đối với nội dung mà thầy Huy Cường tư vấn, chúng tôi khẳng định đúng định hướng...", Trưởng phòng Truyền thông nhà trường cho hay.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cho hay, học viên vào học trong Khoa Chăm sóc Sắc đẹp được lựa chọn chuyên sâu (nâng cao), người học có thể tham khảo tại khóa 20.

Từ khóa 22, do nhiều học viên có nguyện vọng được học nâng cao đối với cả 2 mảng trang điểm và spa nên Khoa Chăm sóc Sắc đẹp đã xây dựng chương trình để đào tạo chuyên sâu đồng thời cả 2.

"Điều này giúp các học viên gia tăng cơ hội khi đi làm trên thị trường. Việc đào tạo nâng cao cả 2 chuyên ngành cho học viên được thực hiện mà không tăng học phí", ông Hiếu chia sẻ.

Nhà trường không thu 3 kỳ/năm học, không "bán giáo trình"

Là sinh viên đang học tập tại Cơ sở 2 (Thanh Trì, Hà Nội), B. (sinh viên được đề nghị không nêu tên) - sinh viên ngành Công nghệ Ô tô K23 cho hay, em vẫn chưa rõ nguyên nhân vì sao nhà trường tăng thêm một đợt học phí năm học 2023-2024 (thành 3 kỳ/năm học), điều này khiến em và các bạn trong lớp cũng băn khoăn.

"Chương trình học của chúng em vẫn không có sự thay đổi nào trong khi số lần thu tiền/năm học có sự thay đổi", B. chia sẻ.

Bên cạnh đó, B. phản ánh, em và các bạn trong lớp phải bỏ tiền để nhận sách giáo trình bản photocopy, khoảng 3-4 quyển từ thầy cô. Theo đó, mỗi lần nhận sách thì em phải đóng 200-300 nghìn đồng.

Mức học phí đóng tại đợt 2 và đợt 3 của sinh viên K23 ngành Công nghệ Ô tô tại năm học 2023-2024. (Ảnh: NP)

Mức học phí đóng tại đợt 2 và đợt 3 của sinh viên K23 ngành Công nghệ Ô tô tại năm học 2023-2024. (Ảnh: NP)

B. chia sẻ thêm, ngoài khoản học phí cố định, sinh viên còn phải đóng thêm khoản phụ phí tại các đợt thu như, phí thực hành (học thực hành ở dưới hầm của tòa nhà) là 250 nghìn đồng, phí vệ sinh an ninh 200 nghìn đồng và phí cơ sở vật chất 150 nghìn đồng. Tổng phụ phí là 600 nghìn đồng/đợt.

Theo thông tin của phóng viên có được, vào tháng 1/2024, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội - Lê Thị Quỳnh Anh ký văn bản thông báo về việc thu học phí đối với khóa K23.

Bảng học phí đối với khóa K23 (Ảnh: NVCC)

Bảng học phí đối với khóa K23 (Ảnh: NVCC)

Theo đó, sinh viên khóa K23 có 7 đợt thu học phí trong quá trình học. Hai năm đầu, sinh viên K23 đóng 3 đợt/năm, còn năm cuối sinh viên chỉ phải đóng 1 đợt (đợt 7).

Cụ thể, tại năm 1, sinh viên đóng 3 đợt là vào tháng 7, tháng 12/2023 và tháng 4/2024; Khi học năm thứ hai, sinh viên đóng tiếp 3 đợt vào tháng 8, tháng 12/2024 và tháng 4/2025; Đến năm 3, sinh viên chỉ phải đóng một đợt (đợt 7) vào tháng 8/2025.

Qua thống kê bảng số liệu trên, mức học phí với sinh viên các ngành ngôn ngữ và sinh viên các ngành kỹ thuật (Công nghệ thông tin, Công nghệ ô tô...) trong quá trình học tại nhà trường là tổng 54 triệu đồng/3 năm học. Riêng với sinh viên các ngành du lịch, kinh tế, có mức học phí thấp hơn với tổng là 44,75 triệu đồng/3 năm học (thấp hơn khoảng 10 triệu đồng so với hai khối ngành trên).

Đại diện nhà trường nói sao về vấn đề học phí và phí bản sao giáo trình?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng phòng Truyền thông Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội cho hay, theo quy định, chương trình đào tạo hệ cao đẳng có thời gian 2 đến 3 năm.

Trước đây, nhà trường triển khai chương trình đào tạo trong 3 năm, tuy nhiên trong khoảng thời gian 4 năm trở lại đây các trường cao đẳng có xu hướng rút ngắn thời gian đào tạo xuống còn 2,5 năm. Điều này, nhằm giúp cho sinh viên có cơ hội đi tìm việc làm sớm hơn.

"Chúng tôi cũng muốn triển khai chương trình đào tạo ngắn hơn, theo xu hướng văn minh đó. Tuy nhiên, chương trình đào tạo của nhà trường vẫn giữ nguyên về số tiết, thời lượng giảng dạy.

Đồng thời, nhà trường rút ngắn thời gian nghỉ hè của sinh viên, học viên xuống còn 1 tuần, thời gian nghỉ tết sẽ theo lịch nghỉ của công chức, viên chức.

Điều này đồng nghĩa, nhà trường phải chi trả tiền lương nhiều hơn cho cán bộ, giảng viên vì họ phải dạy tăng cường", ông Hiếu chia sẻ.

Về học phí, ông Hiếu cho biết, mức học phí vẫn không có sự thay đổi nhưng nhà trường thu làm 3 đợt/năm học, thay vì 2 đợt như trước đây.

“Việc nhà trường thu làm ba đợt cũng là sự san sẻ với gia đình các em, bởi sau thời gian hậu Covid-19, nhiều gia đình cũng có những sự khó khăn về tài chính”, ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, có những nguồn thông tin trên mạng xã hội không chính xác về việc nhà trường thu 3 đợt, thành 3 kỳ học.

Kể từ ngày 1/7, nhà trường thành lập "đường dây nóng" để tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị của sinh viên, phụ huynh liên quan đến hoạt động đào tạo của đơn vị thông qua số điện thoại 0968.0345.13. Ảnh: website nhà trường.

Kể từ ngày 1/7, nhà trường thành lập "đường dây nóng" để tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị của sinh viên, phụ huynh liên quan đến hoạt động đào tạo của đơn vị thông qua số điện thoại 0968.0345.13. Ảnh: website nhà trường.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc nhà trường đã có những phương thức tháo gỡ ra sao cho những băn khoăn của sinh viên, ông Hiếu thông tin, nhà trường cũng đã tổ chức các cuộc đối thoại với sinh viên vào cuối năm 2023. Sau đó, đơn vị ghi nhận ý kiến của sinh viên phản hồi khi được thông tin rõ về mức học phí, cũng như chương trình đào tạo.

Về khoản thu mua sách giáo trình được photo, ông Hiếu cho biết, sách giáo trình là do các Khoa định hướng, nhà trường không bắt buộc sinh viên phải mua sách gì cũng như không yêu cầu giảng viên bán “giáo trình photo” cho sinh viên.

“Sinh viên có thể mua sách từ thông tin giảng viên tư vấn, hoặc tự tham khảo trên mạng…”, ông Hiếu chia sẻ.

Ông Hiếu cũng khẳng định, không có việc nhà trường bắt ép sinh viên phải “mua giáo trình”. Tất cả việc này đều dựa trên tinh thần tự nguyện, tôn trọng bản quyền.

"Giả sử có tình trạng giảng viên ép sinh viên mua giáo trình, sinh viên có nhiều kênh để phản ánh qua Kênh fanpage (inbox fanpage chính thức của Nhà trường); Kênh Đường dây nóng HPC (đây là kênh mới được ra mắt để thay thế kênh Hotline bị quá tải) theo số điện thoại 0968.0345.13 hoặc soạn email gửi đến địa chỉ: duongdaynong@bachkhoahanoi.edu.vn", ông Hiếu thông tin.

Nguyễn Nhất