Khát nhân lực Tâm lý học GD, cơ sở đào tạo mong có hỗ trợ để thu hút sinh viên

22/07/2024 06:11
Mộc Trà

GDVN- Ngành Tâm lý học giáo dục hiện đang rất “khát” nhân lực, nhu cầu việc làm lớn.

Năm 2024 là năm đầu tiên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 mở mã ngành Tâm lý học giáo dục (mã ngành: 7310403) với mục tiêu: Đào tạo cử nhân Tâm lý học giáo dục có phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, có năng lực làm việc độc lập, sáng tạo, thích nghi và tự học suốt đời, có khả năng giải quyết những vấn đề thuộc ngành đào tạo đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, địa phương.

Viên chức tư vấn học sinh đang vô cùng “khát” nhân lực

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Doãn Ngọc Anh - Trưởng khoa, Khoa Tâm lý - Giáo dục (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2) chia sẻ về những cơ hội việc làm rộng mở đối với ngành Tâm lý học giáo dục.

z5616705866748_eb0811a5c33a83ac4350433b3ae32ae2.jpg
Tiến sĩ Doãn Ngọc Anh - Trưởng khoa, Khoa Tâm lý - Giáo dục (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2). Ảnh: NVCC.

Theo đó, Tiến sĩ Doãn Ngọc Anh phân tích, trong xu thế triển của xã hội, bên cạnh những ảnh hưởng tích cực, cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đang trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến mỗi cá nhân, gây ra tình trạng một bộ phận cá nhân đối diện với những khó khăn tâm lý do áp lực trong học tập và cuộc sống; bộ phận khác có thái độ, hành vi và thói quen hành vi không phù hợp chuẩn mực xã hội...

Trước thực tiễn đó, Tâm lý học giáo dục đã trở thành lĩnh vực thu hút sự quan tâm của nhà trường, gia đình và toàn xã hội. Bởi, đây là ngành khoa học nghiên cứu về đời sống tâm hồn, tình cảm, hành vi của con người và giúp tăng hiệu quả hoạt động dạy - học, giáo dục trong các môi trường giáo dục, đồng thời tạo ra những giải pháp tác động phù hợp đối với cá nhân và nhóm đối tượng khác nhau trong các tổ chức chính trị - xã hội nhằm góp phần đổi mới giáo dục và xây dựng xã hội phát triển bền vững, văn minh.

Ngành Tâm lý học giáo dục hướng tới hình thành phẩm chất, kỹ năng cá nhân và xã hội, phát triển năng lực thực hành nghề nghiệp trong lĩnh vực Tâm lý - Giáo dục cũng như các lĩnh vực khác có liên quan, đảm bảo sinh viên ra trường thích ứng với môi trường xã hội hiện đại thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

“Ngoài ra còn có một số vấn đề khác như: Gia tăng nhận thức về sức khỏe tâm lý: Ngày càng có nhiều người nhận thức được tầm quan trọng của sức khỏe tâm lý trong học tập và cuộc sống, dẫn đến nhu cầu về các chuyên gia tâm lý giáo dục để hỗ trợ học sinh và giáo viên.

Áp lực học tập và công việc: Học sinh, sinh viên và giáo viên đều đối mặt với áp lực học tập và công việc ngày càng tăng, cần có sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý để giảm thiểu căng thẳng và cải thiện hiệu suất học tập và giảng dạy.

Phát triển giáo dục toàn diện: Giáo dục hiện đại không chỉ tập trung vào kiến thức mà còn chú trọng đến sự phát triển toàn diện về mặt tâm lý và xã hội của học sinh.

Tăng cường hỗ trợ đặc biệt: Cần có các chuyên gia để hỗ trợ học sinh có nhu cầu đặc biệt, giúp họ hòa nhập và phát triển tốt hơn trong môi trường học tập” - cô Ngọc Anh cho biết thêm.

Đánh giá về nhu cầu nhân lực trong giai đoạn tới, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2) chia sẻ: “Về cơ bản, nhu cầu nhân lực ngành Tâm lý học giáo dục hiện nay đang rất cao và sẽ ngày càng trở nên cần thiết trong đời sống xã hội.

Tâm lý học giáo dục định hướng cho người học các vị trí việc làm trong môi trường giáo dục, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị và đoàn thể.

Vậy nên, xu hướng việc làm rất rộng mở và có tính linh hoạt cao”.

z5616706548380_0e217c883978f46a13260833f83ab019.jpg
Khoa Tâm lý - Giáo dục (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2) tổ chức tư vấn tuyển sinh năm 2024 theo hình thức trực tuyến. Ảnh: NTCC.

Ngành Tâm lý học giáo dục được xác định các vị trí cơ bản như: Chuyên viên tâm lý học trường học, chuyên viên tư vấn, tham vấn tâm lý làm việc tại các trung tâm tư vấn tâm lý, trường học, bệnh viện, viện sức khỏe tâm thần và các tổ chức xã hội;

Giáo viên giáo dục hòa nhập, giáo dục phổ thông tại các trung tâm chẩn đoán và can thiệp cho trẻ có nhu cầu đặc biệt, trường học cho trẻ khuyết tật, các trung tâm giáo dục đặc biệt, các cơ sở giáo dục; giảng viên giảng dạy: Tâm lý học, Giáo dục học;

Nhân viên hỗ trợ xã hội tại các cơ sở giáo dục hoặc các tổ chức xã hội;

Nghiên cứu viên Tâm lý học giáo dục làm việc tại các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu;

Chuyên viên tư vấn tuyển dụng, nhân viên nhân sự; Chuyên viên chăm sóc khách hàng trong các doanh nghiệp, các cơ quan, nhà máy;

Nhân viên làm công tác tuyên truyền trong các tổ chức chính trị xã hội.

Ngoài ra các cơ hội khác của ngành nghề như: truyền thông, tâm lý trong doanh nghiệp, tổ chức nhân sự cũng là cơ hội lớn dành cho sinh viên ngành Tâm lý học giáo dục….

Mức thu nhập của sinh viên tốt nghiệp ngành Tâm lý học giáo dục tùy thuộc vào thời gian làm việc, vị trí việc làm và cơ sở tuyển dụng.

“Theo Thông tư 20/2023/BGDĐT ngày 30/10/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập: Vị trí viên chức tư vấn học sinh đang vô cùng “khát” nguồn nhân lực.

Chính vì vậy, việc sinh viên K50 Tâm lý học giáo dục của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tới đây sẽ có rất nhiều cơ hội. Ngoài ra, hiện nay các Trung tâm giáo dục hòa nhập cần đội ngũ có chuyên môn can thiệp giỏi, nếu các em nắm bắt được cơ hội học tập tốt, thì có thể dễ dàng “làm chủ” trong tương lai. Hơn nữa, hầu hết các trường quốc tế, trường phổ thông tư thục hiện nay đang rất cần nguồn nhân lực là giáo viên tham vấn học đường được đào tạo bài bản như tại một số trường đại học, trong đó có Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2” - cô Ngọc Anh nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên, Thạc sĩ Nguyễn Văn Duẩn - Trưởng phòng Tâm lý học đường, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm, Hà Nội), Phó Giám đốc Viện Tâm lý MindCare Việt Nam cho rằng: “Nhu cầu thị trường lao động của ngành tâm lý học giáo dục hiện nay đang rất lớn. Đặc biệt, trong nhóm các trường phổ thông hiện nay, các em học sinh gặp nhiều vấn đề về tâm lý, sức khỏe tinh thần trong quá trình học tập cũng như trong cuộc sống, cần được các thầy cô, chuyên viên tư vấn kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ”.

z5616250051118_62f72c59e4c0f5a2ef3923c7f07ae2ac.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Văn Duẩn - Trưởng phòng Tâm lý học đường, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm, Hà Nội), Phó Giám đốc Viện Tâm lý MindCare Việt Nam. Ảnh: NVCC.

“Ở góc độ hoạt động tâm lý học đường, tôi kỳ vọng các cử nhân ngành Tâm lý học giáo dục (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2) có thể đáp ứng tốt các yêu cầu từ xây dựng đến vận hành mô hình chăm sóc sức khỏe tinh thần trong trường phổ thông, với tiếp cận đa tầng toàn trường thông qua 03 cấp độ tương ứng 03 chức năng: Phòng ngừa; Sàng lọc - phát hiện sớm; Can thiệp hỗ trợ kịp thời.

Từ đó, đáp ứng các nhu cầu ngày càng lớn trong mỗi nhà trường về chăm sóc đời sống tinh thần cho học sinh, góp phần giúp các em phát triển hài hòa và toàn diện, cũng như góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Ngoài ra, cử nhân Tâm lý học giáo dục khi thực hiện công tác tâm lý học đường, cũng cần mở rộng kết nối với mạng lưới các nhà can thiệp, trị liệu tâm lý; các trung tâm uy tín, chất lượng ngoài trường học để thực hiện chuyển ca khi nằm ngoài khả năng hỗ trợ của mình tại trường” - Thạc sĩ Nguyễn Văn Duẩn chia sẻ thêm.

z5616250226887_8881e89d6a0c540eeef1804a1385b180.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Văn Duẩn trong một buổi tư vấn tâm lý cho học sinh tại Hệ thống Trường Liên cấp Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Sinh viên được tiếp cận với môi trường làm việc ngay từ năm nhất

Chia sẻ về thuận lợi trong đào tạo nhân lực ngành Tâm lý học giáo dục, nữ Trưởng khoa cho biết: “Có thể kể đến một số điểm như sau: Gia tăng nhận thức cộng đồng: Xã hội ngày càng quan tâm đến sức khỏe tâm lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút sinh viên và tăng cường hỗ trợ từ cộng đồng.

Nhu cầu cao từ thị trường lao động: Sự cần thiết của các chuyên gia tâm lý giáo dục trong trường học, trung tâm tư vấn, và các tổ chức khác tạo ra nhiều cơ hội việc làm.

Sự phát triển của công nghệ: Công nghệ hiện đại hỗ trợ việc học tập và nghiên cứu, từ các công cụ tư vấn trực tuyến đến phần mềm phân tích tâm lý.

Chính sách giáo dục hỗ trợ: Nhiều chính sách giáo dục và y tế đang ngày càng chú trọng đến vấn đề tâm lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ngành học này”.

Bên cạnh đó, nữ Trưởng khoa cũng chỉ ra một số khó khăn như: Thiếu các chương trình hỗ trợ thực hành. Nhận thức chưa đồng đều: Mặc dù nhận thức về tâm lý học giáo dục đang tăng, nhưng ở một số khu vực, vấn đề này vẫn chưa được coi trọng đúng mức. Chương trình đào tạo liên tục phải cập nhật và cải tiến để theo kịp với các xu hướng và nhu cầu mới của xã hội.

Về điều kiện thực tế tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, có một số thuận lợi như sau: Đội ngũ giảng viên của đơn vị có trình độ tiến sĩ ngành Tâm lý học, Giáo dục học đạt gần 70%. Trong đó đội ngũ giảng viên trẻ chiếm đa số, nhiệt tình, năng động, sáng tạo và đầy nhiệt huyết.

Các cơ sở thực hành, thực tập và liên kết doanh nghiệp của Khoa đang được mở rộng kết nối nhiều, là cơ hội lớn để sinh viên có thể thường xuyên được thực hành nghề ngay trong quá trình ngồi trên ghế giảng đường đại học

Sinh viên ngoài sư phạm đóng học phí mức thấp nhất theo quy định của Nhà nước.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ người học trong quá trình đào tạo tiên tiến, hiện đại hàng đầu tại khu vực Hà Nội và lân cận.

Đời sống xã hội tại khu vực gần trường với chi phí rẻ, thân thiện và yên bình; thuận tiện với các dịch vụ công, giao thông vận tải và các khu vui chơi giải trí.

Không khí sinh viên với các câu lạc bộ trong trường đa dạng, năng động và nhiệt huyết, tạo cơ hội rộng mở các “sân chơi” cho sinh viên, với các hoạt động phong trào sôi nổi hàng năm.

Về hợp tác quốc tế, nhà trường liên kết với các trường đại học và tổ chức quốc tế có thể mở ra nhiều cơ hội trao đổi học thuật và hợp tác nghiên cứu.

Học ngành Tâm lý học giáo dục tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, người học sẽ được học các học phần đa dạng và được tiếp cận tâm lý học giáo dục trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: Tham vấn học đường, tham vấn tâm lý, giáo dục hòa nhập, trải nghiệm, hướng nghiệp, truyền thông, kinh tế, xã hội, nghiên cứu và giảng dạy.

Chương trình đào tạo ngành Tâm lý học giáo dục của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 gồm các học phần ứng dụng, thực hành được xây dựng công phu và bài bản từ thực hành tâm lý học giáo dục 1 đến thực hành tâm lý học giáo dục 3, thực tập 1 và thực tập 2, ngoài ra sinh viên còn được tiếp cận với các chuyên đề trải nghiệm của khoa, của Đoàn trường.

“Như vậy, việc sinh viên được tiếp cận với môi trường làm việc của nghề ngay từ năm thứ nhất và thường xuyên được rèn luyện và thực hành nghề, giúp các em có lòng yêu nghề và luôn muốn cống hiến cho sự phát triển của nghề Tâm lý học giáo dục trong tương lai là vấn đề được nhà trường rất coi trọng” - nữ Trưởng khoa chia sẻ về lợi thế của sinh viên nhà trường.

z5616706071344_074cdc200245c5206547383fd2c8dc40.jpg
Theo Tiến sĩ Doãn Ngọc Anh, việc sinh viên Tâm lý học giáo dục tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 sẽ được tiếp cận với môi trường làm việc của nghề ngay từ năm thứ nhất. ẢNh: NVCC.

Bên cạnh đó, cô Ngọc Anh cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Đây là năm đầu tiên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 mở ngành Tâm lý học giáo dục, nên dự đoán mức điểm chuẩn đối với phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ vừa phải.

Tuy nhiên, điều này cũng khiến ngành học này đối diện với một số khó khăn: Áp lực cạnh tranh với các trường khác trong việc thu hút sinh viên và nguồn tài trợ. Nguồn kinh phí: Việc duy trì và phát triển chương trình đào tạo đòi hỏi nguồn kinh phí lớn”.

Mong sinh viên Tâm lý học giáo dục sẽ được miễn giảm học phí như sinh viên các ngành sư phạm khác

Tiến sĩ Doãn Ngọc Anh cũng bày tỏ: “Trước sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 với cái nhìn tích cực, thiết nghĩ bản thân giảng viên cũng như sinh viên cần cố gắng trau dồi thêm các kiến thức về công nghệ và trí tuệ nhân tạo, để có thể đáp ứng được các vị trí việc làm trong môi trường công nghiệp và có thể là các chương trình tư vấn, tham vấn trực tuyến... Các kênh thông tin bùng nổ, nên nhà trường cũng lựa chọn cách tiếp cận và hướng đi phù hợp nhất với người học như: tham vấn trực tuyến, dạy trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền thông, kinh tế, dạy học, trải nghiệm,...”.

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập.

Cô Ngọc Anh đánh giá: “Đây là việc hết sức cần thiết và có giá trị cao cho học sinh khi được tiếp cận với mô hình tham vấn tâm lý, vì cơ bản hiện nay chỉ có một số trường tư thục làm tốt nhiệm vụ này.

Điều này sẽ tạo điều kiện rất lớn cho người học, mở ra nhiều cơ hội việc làm hơn, đặc biệt trong môi trường giáo dục. Vị trí viên chức tư vấn học sinh trong các trường phổ thông và chuyên biệt công lập như một “dấu mốc” để giúp cho các trường đại học nói chung và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 nói riêng có thể thu hút được nhiều thí sinh giỏi vào học”.

Bên cạnh sự vui mừng đó, cô Ngọc Anh cũng bày tỏ: “Tôi mong, sinh viên Tâm lý học giáo dục sẽ được miễn giảm học phí như sinh viên các ngành sư phạm khác.

Đồng thời, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông,… cần nêu cao vai trò rất quan trọng của vị trí tư vấn học sinh tại nhà trường, để các em có thể có những chia sẻ thường xuyên những vấn đề mà các em gặp phải... Từ đó, các nhà tham vấn có thể dành cho các em học sinh những lời khuyên tốt nhất

Đặc biệt, môi trường làm việc, cũng như các mức lương được hưởng tương đương so với các vị trí giáo viên cùng cấp”.

Trưởng khoa, Khoa Tâm lý - Giáo dục cũng chia sẻ thêm về kế hoạch của nhà trường trong giai đoạn tiếp theo gồm:

Nâng cao chất lượng giảng dạy để đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, cập nhật chương trình học và sử dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại.

Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm mở rộng hợp tác với các trường đại học và tổ chức quốc tế để trao đổi học thuật và nghiên cứu.

Đầu tư cơ sở vật chất để xây dựng và nâng cấp các phòng thực hành, thư viện, và hệ thống công nghệ hỗ trợ học tập.

Hỗ trợ sinh viên giúp cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tư vấn tâm lý cho sinh viên, tạo điều kiện thực hành và tham gia vào các dự án nghiên cứu.

Quảng bá và truyền thông ngành học giúp tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò và tầm quan trọng của tâm lý học giáo dục.

Gây quỹ và tài trợ học bổng cho người học có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện.

Mặc dù là năm đầu tiên tuyển sinh, song, ngành tâm lý học giáo dục của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã thu hút được rất nhiều thí sinh quan tâm.

z5616250770433_ef787a58183f05d6e95e0647f4c28acf.jpg
Thí sinh Nguyễn Mai Khanh - cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Đông Mỹ (Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Thí sinh Nguyễn Mai Khanh (sinh năm 2006), cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Đông Mỹ (Hà Nội) chia sẻ: “Em đăng ký xét tuyển vào ngành Tâm lý học giáo dục với mong muốn làm công việc liên quan đến tư vấn tâm lý hoặc giáo dục. Việc lựa chọn ngành này tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, là vì đây là năm đầu tiên nhà trường tuyển sinh, qua giới thiệu của các thầy cô tư vấn, em thấy chương trình đào tạo của nhà trường rất phù hợp, có thể giúp em linh động giữa các lựa chọn.

Từ trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024, Khoa Tâm lý - Giáo dục đã tổ chức 3 buổi workshop để trao đổi về ngành này, từ đó, có thể thấy, các thầy cô rất quan tâm đến thí sinh. Như vậy, chắc hẳn, sau này, các thầy cô cũng sẽ tạo điều kiện để sinh viên được tham gia các buổi workshop tương tự, mở ra cơ hội trao đổi, chia sẻ, giao lưu cùng các chuyên gia tâm lý, cho chúng em được học hỏi từ thực tiễn nhiều hơn”.

z5616710700054_57c429b36e02eadb94dc4ed3d97b57fd.jpg
Thí sinh Phạm Đức Minh - cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Lê Thánh Tông (Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Thí sinh Phạm Đức Minh (sinh năm 2005), cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Lê Thánh Tông (Hà Nội) cũng cho biết: “Em lựa chọn theo học ngành Tâm lý học giáo dục vì mong muốn sau này có thể hỗ trợ các bạn trẻ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt chia sẻ với các bạn trẻ trong những vấn đề cần được giải đáp.

Em hy vọng sẽ được học những kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực này, để hiểu rõ hơn về ngành, cũng như được phát triển bản thân. Sau khi tốt nghiệp, em dự định sẽ làm việc trong những môi trường thân thiện, hoà đồng như các trường phổ thông…”.

Tiến sĩ Doãn Ngọc Anh kỳ vọng, năm 2024, ngành Tâm lý học giáo dục sẽ thu hút được những thí sinh có năng lực học tập tốt và có niềm đam mê với nghề, yêu nghề và đem những giá trị tích cực hơn tới xã hội.

Năm 2024, chỉ tiêu ngành Tâm lý học giáo dục của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 là 68 sinh viên.

Tổ hợp xét tuyển:

B00: Toán, Hóa học, Sinh học

C00: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý

C19: Ngữ Văn, Lịch sử, Giáo dục công dân

D01: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh

Phương thức xét tuyển:

PT301-1: Xét tuyển thẳng;

PT100- Xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024;

PT200- Xét tuyển sử dụng kết quả học tập cấp trung học phổ thông (học bạ);

PT402- Xét tuyển sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Mộc Trà