Tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm các ngành của Trường ĐH Gia Định đều trên 90%

14/07/2024 06:24
Thu Trang

GDVN - Công nghệ thông tin, Ngôn ngữ Anh, Quản trị kinh doanh là những ngành học “hot” tại Trường Đại học Gia Định.

Trường Đại học tư thục Công nghệ - Thông tin Gia Định (tên cũ) được thành lập theo Quyết định số 959/QĐ-TTg ngày 31 tháng 07 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ và chính thức đổi tên thành Trường Đại học Gia Định vào ngày 20/11/ 2017.

Trải qua quá trình hình thành và phát triển, Trường Đại học Gia Định đã từng bước khẳng định vị thế và vai trò của mình trong sứ mệnh đào tạo những thế hệ tương lai đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Theo đuổi triết lý giáo dục: “Chọn lọc - Ứng dụng – Đại chúng”, Trường Đại học Gia Định hiện nay đã trở thành trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực với nhiều ngành/chuyên ngành thuộc đa dạng lĩnh vực: Công nghệ thông tin, Kinh tế - Quản trị, Khoa học xã hội – Ngôn ngữ và Truyền thông số.

Sinh viên Trường Đại học Gia Định. Ảnh: Website nhà trường
Sinh viên Trường Đại học Gia Định. Ảnh: Website nhà trường

Trên website của trường có thông tin về sứ mạng của trường như sau: “Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của nền kinh tế”.

Trên website nhà trường cũng thông tin về mục tiêu cụ thể của trường như sau: "Đào tạo trình độ đại học để sinh viên có kiến thức chuyên môn toàn diện, nắm vững nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội, có kỹ năng thực hành cơ bản, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc ngành được đào tạo.

Đào tạo trình độ thạc sĩ để học viên có kiến thức khoa học nền tảng, có kỹ năng chuyên sâu cho nghiên cứu về một lĩnh vực khoa học hoặc hoạt động nghề nghiệp hiệu quả, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và có năng lực phát hiện, giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo".

Trường có cơ sở tại Tân Sơn Nhất: 371 Nguyễn Kiệm, phường 3, Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thái Bá Cần là Hiệu trưởng nhà trường.

Theo Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Gia Định từ năm 2020 – 2024, nhà trường giữ ổn định các phương thức tuyển sinh.

STT
Tên phương thức tuyển sinh
Năm 2020
Năm 2021
Năm 2022
Năm 2023
Năm 2024
1
Xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông
x
x
x
x
x
2 Xét tuyển dựa trên học bạ trung học phổ thông
x
x
x
x
x
3 Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức
x
x
x
x
x

Cụ thể, từ năm 2020 đến năm 2024 nhà trường sử dụng phương thức xét tuyển gồm:

Phương thức 1: Xét kết quả học bạ trung học phổ thông

Phương thức 2: Xét kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Phương thức 3: Xét kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức

Theo thông tin tuyển sinh năm 2024 của nhà trường, với phương thức xét kết quả học bạ trung học phổ thông là điểm trung bình học kì 1 lớp 11 + điểm trung bình học kỳ 2 lớp 11 + điểm trung bình học kì 1 lớp 12, điểm xét tuyển từ 16.5 điểm; Phương thức xét kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024, điểm xét tuyển dự kiến từ 15 điểm; Phương thức xét kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực 2024 do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, điểm xét tuyển từ 600 điểm.

Trường Đại học Gia Định dành 60% chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy đối với phương thức xét kết quả học bạ trung học phổ thông năm 2024.

Với thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đạt từ 600 điểm có thể đăng ký xét tuyển vào 49 ngành/chuyên ngành trong đa dạng lĩnh vực: Công nghệ thông tin, Kinh tế - Quản trị, Khoa học xã hội – Ngôn ngữ, Truyền thông số,…

Về tổ hợp xét tuyển, nhà trường sử dụng các tổ hợp xét tuyển sau: A00 (Toán, Vật lý và Hóa học); A01(Toán, Vật lý, tiếng Anh); C00 (Ngữ Văn; Lịch sử; Địa lý); C01 (Toán; Ngữ văn; Vật lý).

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam qua Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Gia Định, trong vài năm trở lại đây, nhà trường mở thêm một số ngành đào tạo mới, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội trong tình hình hiện nay.

Cụ thể, năm 2021, nhà trường mở thêm các ngành mới gồm: Kinh doanh quốc tế; Marketing; Logistic và quản lý chuỗi cung ứng; Đông phương học; Truyền thông đa phương tiện; Quản trị khách sạn.

Năm 2022, nhà trường mở thêm ngành Thương mại điện tử; Quan hệ công chúng; Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.

Năm 2023, nhà trường không mở thêm ngành nào mới.

Đến năm 2024, Trường Đại học Gia Định đào tạo thêm 04 chuyên ngành mới: Thiết kế vi mạch; Quản trị tài chính; Quản trị nguồn nhân lực; Xây dựng và Quản trị kênh truyền thông độc lập.

Về điểm chuẩn, theo phương thức xét điểm của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, năm 2020, Trường Đại học Gia Định lấy 15 điểm cho tất cả các ngành.

Đến năm 2021, điểm chuẩn của trường dao động từ 15 điểm trở lên. Trong đó, ngành Quản trị kinh doanh có điểm chuẩn cao nhất là 16,5 điểm; tiếp theo là ngành Công nghệ thông tin với 16 điểm; Ngôn ngữ Anh và Đông phương học cùng có điểm chuẩn là 15,5 điểm; các ngành còn lại đều lấy 15 điểm.

Năm 2022, ngành có điểm chuẩn cao nhất là ngành Công nghệ thông tin với 15,5 điểm.

Năm 2023, điểm chuẩn trúng tuyển của trường tăng từ 0,75 điểm đến 1,5 điểm đối với các ngành như: Công nghệ thông tin, Marketing… so với năm 2022

Đặc biệt, ngành Quan hệ công chúng có điểm chuẩn cao nhất năm 2023 là 16,5 điểm, tăng 1,5 điểm so với điểm chuẩn năm 2022; tiếp theo là ngành Công nghệ thông tin lấy 16,25 điểm.

Điểm chuẩn một số ngành học "hot" tại Trường Đại học Gia Định
Điểm chuẩn một số ngành học "hot" tại Trường Đại học Gia Định

Ngành Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng có điểm chuẩn là 16 điểm, tăng 1 điểm so với năm 2022. Đây là ngành mà vài năm gần đây thu hút sự lựa chọn của thí sinh.

Các ngành còn lại có điểm chuẩn không thay đổi nhiều so với năm 2022 (15 điểm) ở phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Năm 2024, Trường Đại học Gia Định công bố điểm chuẩn đạt điều kiện trúng tuyển xét tuyển sớm hệ đại học chính quy đối với phương thức xét học bạ trung học phổ thông.

Theo đó, điểm chuẩn đạt điều kiện trúng tuyển xét tuyển sớm cho 49 ngành/chuyên ngành là 16.5 điểm.

Ngoài ra, theo Đề án tuyển sinh năm 2024 theo thống kê về tỷ lệ sinh viên có việc làm từ khi tốt nghiệp của Trường Đại học Gia Định ở từng lĩnh vực/ngành đào tạo, nhìn chung các ngành đều ở mức từ 90% trở lên.

Cụ thể, ngành Ngôn ngữ Anh có tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm là 95,2%; ngành Kế toán có tỉ lệ là 94,5%; Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu là 94,4%; Quản trị kinh doanh có tỉ lệ là 91,7%; Tài chính - Ngân hàng cũng có tỉ lệ cao là 92,9%; Công nghệ thông tin có tỉ lệ là 95%...

Những ngành có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao tại Trường Đại học Gia Định
Những ngành có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao tại Trường Đại học Gia Định

Theo đề án tuyển sinh năm nay, học phí dự kiến với sinh viên chính quy, lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm (nếu có) như sau: từ 12,5 triệu/học kỳ đến 15 triệu/học kỳ (áp dụng cho chương trình đại trà).

Thu Trang