Khoa Giáo dục sớm và tiểu học - Trường Đại học Giáo dục khởi nguồn xu hướng mới

22/07/2024 06:33
Trần Trang

GDVN - Khoa Giáo dục sớm và tiểu học của Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN được kì vọng sẽ trở thành cơ sở hàng đầu của cả nước về giáo dục sớm.

Khoa Giáo dục sớm và tiểu học được thành lập ngày 26 tháng 4 năm 2024 theo Quyết nghị số 43 của Hội đồng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Khoa được thành lập trên cơ sở hai bộ môn: Bộ môn Giáo dục mầm non trực thuộc Khoa Các Khoa học Giáo dục và Bộ môn Giáo dục tiểu học, trực thuộc Khoa Sư phạm.

Hiện nay, Khoa Giáo dục sớm và tiểu học của Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội có gần 20 cán bộ, giảng viên cơ hữu và hàng chục giảng viên kiêm nhiệm. Khoa đang quản lý 02 chương trình đào tạo cử nhân (Cử nhân Giáo dục Mầm non, Cử nhân Giáo dục Tiểu học), 01 chương trình đào tạo thạc sĩ Khoa học giáo dục, 01 chương trình đào tạo tiến sĩ Lí luận, phương pháp và công nghệ dạy học.

Khỏa lấp “khoảng trống” trong đào tạo và nghiên cứu khoa học về giáo dục sớm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Tiến sĩ Phạm Quang Tiệp - Trưởng khoa Giáo dục sớm và tiểu học, Trường Đại học Giáo dục cho biết: “Năm 2020, Trường Đại học Giáo dục bắt đầu triển khai 2 chương trình đào tạo cử nhân Giáo dục Mầm non, cử nhân Giáo dục Tiểu học. Trải qua 4 năm triển khai, tới nay nhà trường đã có khóa sinh viên chính quy đầu tiên tốt nghiệp.

Cũng trong khoảng thời gian đó, Trường Đại học Giáo dục đã xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo hệ liên thông, hệ vừa học vừa làm với quy mô trên 1000 học viên theo học ngành đào tạo Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học. Tới nay, phần lớn các học viên trong số đó đã nhận bằng tốt nghiệp.

Sau 5 năm xây dựng và trưởng thành, 2 ngành đào tạo Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học là tiền thân của Khoa Giáo dục sớm và tiểu học, đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng đội ngũ. Cán bộ giảng dạy đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận cả trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học".

Ra mắt khoa Giáo dục sớm và Tiểu học (11).jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Tiệp trong Lễ ra mắt Khoa Giáo dục sớm và Tiểu học, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội (Ảnh: Website trường)

Theo thầy Phạm Quang Tiệp, Khoa Giáo dục sớm và tiểu học không chỉ tập trung vào đào tạo giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học trình độ cao, mà sẽ chú trọng vào nghiên cứu và công bố khoa học, đặc biệt về lĩnh vực giáo dục sớm.

Một số khoảng trống trong nghiên cứu về giáo dục sớm cần tập trung đầu tư nghiên cứu trong giai đoạn tới đó chính là vấn đề thai giáo, hay giáo dục đứa trẻ từ khi sinh ra đến khi trẻ được đưa đến trường.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh hiểu chưa đầy đủ rằng giáo dục sớm chỉ đơn giản là việc dạy trẻ biết đọc, biết viết trước khi vào lớp 1. Cách hiểu này dẫn đến những cuộc chạy đua ôn luyện cho trẻ vào lớp 1, bên cạnh đó cũng làm mất đi nhiều cơ hội cho sự phát triển của trẻ khi bỏ lỡ giai đoạn giáo dục 0 tuổi.

Giáo dục sớm được hiểu là một quá trình tác động giáo dục tới đứa trẻ từ khi đứa trẻ còn ở trong bụng mẹ (bào thai) tới khi đứa trẻ được sinh ra tới khi trẻ vào học tiểu học, thậm chí bao gồm cả giai đoạn đầu tiểu học. Chính vì thế, vấn đề giáo dục sớm rất cần được quan tâm, nghiên cứu một cách toàn diện trên cả phương diện sinh lý học, tâm lý học, giáo dục học…

Từ đó tìm kiếm được những giải pháp giáo dục hiệu quả, giúp mỗi đứa trẻ phát triển mạnh mẽ nhất cả về trí tuệ, thể chất, tình cảm trong từng giai đoạn của cuộc đời.

448134023_441235498658782_3676245288098604928_n.jpg
Sinh viên Khoa Giáo dục sớm và Tiểu học tham gia biểu diễn trong Lễ ra mắt (Ảnh: Website trường)

Đào tạo cử nhân bằng phương pháp giáo dục hiện đại

Đặng Triệu Huyền Linh, sinh viên ngành Giáo dục tiểu học, Khoa Giáo dục sớm và tiểu học tâm sự, ngay từ khi còn nhỏ, em đã rất yêu thích trẻ em và mong muốn được truyền dạy kiến thức cho các bạn nhỏ trong môi trường năng động, sáng tạo và gần gũi.

359215229_2552176944946861_5457120598656392932_n.jpg
Huyền Linh nhận học bổng đồng hành Vingroup - Đại học Quốc Gia Hà Nội năm học 2022 - 2023 (Ảnh: NVCC)

Khi trở thành giáo viên tiểu học trong tương lai, Huyền Linh mong muốn thiết kế những bài giảng sáng tạo, hấp dẫn, giúp học sinh học tập một cách hiệu quả, tổ chức các hoạt động ngoại khóa bổ ích, giúp học sinh phát triển toàn diện và tạo môi trường học tập thân thiện, cởi mở, giúp học sinh phát huy tiềm năng của bản thân.

Huyền Linh rất ấn tượng với các môn Phương pháp dạy học Toán, Dạy học Khoa học Tự nhiên và Xã hội, Dạy học Tiếng Việt ở Tiểu học 1 được học trong nhà trường. “Những học phần này đã cung cấp cho em những kiến thức và kỹ năng cần thiết để thiết kế bài giảng, tổ chức hoạt động học tập và đánh giá cho học sinh một cách toàn diện, chuyên nghiệp và chỉn chu nhất” Linh bày tỏ.

932fffca-711b-4be7-8599-3a0c447fd5e3.jpg
Huyền Linh đi tình nguyện tại Trường Tiểu học Phượng Cách, huyện Quốc Oai, Hà Nội (Ảnh: NVCC)

Vừa nhận bằng tốt nghiệp vào tháng 5, Trần Thị Huyền Trang là sinh viên khóa đầu tiên của ngành Giáo dục mầm non, Khoa Giáo dục sớm và tiểu học của Trường Đại học Giáo dục.

Trang nhớ lại cách đây 4 năm, đứng trước những lựa chọn ngành nghề như báo chí, luật, ngân hàng… Trang vẫn quyết định chọn giáo dục mầm non.

Giáo viên mầm non là một nghề rất đặc biệt, là nhà giáo nhưng không chỉ “dạy” mà còn phải “dỗ”, không chỉ giáo dục mà còn chăm sóc và hơn hết đây là nghề làm vì “tình yêu thương ”. Với em, cô giáo mầm non cũng giống như người trồng cây - đang trồng những cái cây đầu tiên và em tin những cái cây nhỏ xinh ấy sẽ lớn lên, xanh tươi, sẽ đơm hoa kết trái” - Trang chia sẻ.

Trang mong muốn tạo ra một môi trường mà trẻ em cảm thấy an toàn, được yêu thương và quan tâm, thiết kế các hoạt động học tập phong phú, sáng tạo để trẻ em thấy hứng thú và vui vẻ khi tham gia, dạy trẻ cách yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ người khác thông qua các hoạt động và bài học về lòng nhân ái, khuyến khích trẻ khám phá và phát triển sở thích, đam mê cá nhân và cố gắng để đạt được những mục tiêu trong tương lai.

“Những kỳ vọng này em không chỉ muốn làm tròn vai trò của một giáo viên mầm non mà còn góp phần nuôi dưỡng và phát triển thế hệ tương lai hạnh phúc, giàu lòng yêu thương và có đầy đủ kỹ năng sống” - cô giáo tương lai bày tỏ.

03.jpg
Huyền Trang cùng các giảng viên Khoa Giáo dục sớm và tiểu học của Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội (Ảnh: NVCC)

Trong kỳ thực tập tốt nghiệp vừa qua tại Trường mầm non Ánh Sao, quận Cầu Giấy, Trần Thị Huyền Trang đã áp dụng kiến thức từng học vào những dự án mầm non và nhận được sự đón nhận và hào hứng của các bạn nhỏ.

Huyền Trang cho biết: “Nhờ học phần “Các dự án STEM trong giáo dục mầm non” đã giúp em nhận ra tầm quan trọng của việc kết hợp các lĩnh vực khác nhau trong giáo dục mầm non. Nó mở ra cho em nhiều ý tưởng và hướng đi mới trong công việc, giúp em sẵn sàng áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại và hiệu quả trong tương lai”.

THỰC TẬP.jpg
Hoạt động làm chậu cây hút nước động theo phương pháp giáo dục STEM (Ảnh: NVCC)

Cần “tu tâm dưỡng tính” để trở thành giáo viên tốt

Dù nghề giáo viên có nhiều áp lực, Huyền Linh không hề cảm thấy lo lắng: “Em tin rằng với lòng yêu nghề, sự tận tâm và kiến thức chuyên môn sâu sắc, em có thể vượt qua những khó khăn và hoàn thành tốt vai trò của mình.

Ngoài ra, em cũng tin rằng, với sự quan tâm và đầu tư của Nhà nước và xã hội như hiện nay thì nghề giáo viên sẽ ngày càng được trân trọng và thu hút nhiều hơn nữa những người trẻ tài năng”.

Thầy Tiệp cho biết, ngành Giáo dục mầm non và Giáo dục tiểu học đòi hỏi giáo viên phải có sự kiên nhẫn, khéo léo và tình yêu thương đối với trẻ nhỏ. Những người có tính cách nóng nảy và thiếu kiên nhẫn có thể gặp khó khăn trong việc này. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ không thể trở thành những giáo viên mầm non giỏi.

Để “tu tâm dưỡng tính” và rèn luyện bản thân, các bạn cần chủ động học hỏi và thực hành các kỹ năng quản lý cảm xúc, kỹ năng giao tiếp và lắng nghe. Tham gia các khóa học về phát triển bản thân, thiền định, yoga hoặc các hoạt động giải trí lành mạnh cũng có thể giúp các bạn kiểm soát cảm xúc tốt hơn. Việc thường xuyên tự đánh giá và phản hồi từ đồng nghiệp, học viên và phụ huynh cũng là cách hiệu quả để cải thiện bản thân.

Bên cạnh đó, thầy cho rằng cộng đồng, các tổ chức xã hội và phụ huynh cũng nên quan tâm và hỗ trợ các giáo viên để đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ.

THỰC TẬP 01.jpg
Huyền Trang dạy các em nhỏ làm bánh mì phết bơ trong kì thực tập (Ảnh: NVCC)

Huyền Trang cũng hy vọng giáo viên mầm non nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ các cơ quan quản lý và xã hội: “Em hy vọng lương cơ bản và các khoản phụ cấp đảm bảo đời sống cho giáo viên, cải thiện chế độ bảo hiểm, nghỉ phép và các quyền lợi khác; cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý, giảm stress cho giáo viên, tổ chức các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí để cải thiện sức khỏe và tinh thần của giáo viên.

Em cũng muốn tăng cường công tác truyền thông để xã hội hiểu rõ hơn về vai trò và những đóng góp của giáo viên mầm non. Có thể khuyến khích phụ huynh và cộng đồng tham gia vào các hoạt động giáo dục tại trường mầm non”.

Trần Trang