Tâm lý học giáo dục là ngành chuyên nghiên cứu về tinh thần và hành vi của con người trong môi trường giáo dục. Từ kiến thức của ngành này có thể đưa ra các giải pháp giáo dục cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau trong lĩnh vực giáo dục.
Sinh viên được học tập và rèn luyện trong môi trường thân thiện và chuyên nghiệp với các trang thiết bị đầy đủ, phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu khoa học. Được giảng dạy và hướng dẫn trực tiếp bởi đội ngũ nhà giáo gồm các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ tâm huyết với nghề và có kiến thức chuyên môn uyên thâm, có phương pháp giảng dạy khoa học, hiện đại. Sinh viên tốt nghiệp có đủ năng lực và có nhiều cơ hội học tiếp lên thạc sĩ, tiến sĩ tâm lý học trường học, giáo dục học.
Ngành Tâm lý học giáo dục luôn có “đất dụng võ”
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Nguyệt (Trưởng Khoa Tâm lý – Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết:
Trong xã hội phát triển mạnh mẽ với trình độ công nghệ cao và đầy áp lực như hiện nay; Tâm lý học giáo dục là một trong số ít ngành có vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ đối với việc nâng cao nghiệp vụ giáo viên, góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục; mà còn đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của việc tư vấn, tham vấn tâm lý, chăm sóc, hỗ trợ và nâng cao sức khoẻ tâm thần cho mọi tầng lớp nhân dân, gia đình và cộng đồng xã hội.
Đặc biệt trong bối cảnh trẻ em, thanh niên, học sinh, sinh viên ngày càng bị tác động bởi áp lực của cuộc sống và nhiều yếu tố tiêu cực dẫn đến căng thẳng, lo âu, rối loạn về nhận thức, cảm xúc và hành vi; ảnh hưởng mạnh mẽ tới định hướng nghề nghiệp, giá trị, kĩ năng sống, tới niềm tin bản thân và lệch lạc về đạo đức, lối sống,...
Từ đó, ứng dụng tâm lý học giáo dục có thể đem đến những thay đổi tuyệt vời cho cá nhân và cộng đồng, giúp các cá nhân cân bằng nhận thức, cảm xúc, hành vi và giá trị sống; góp phần xây dựng môi trường học đường văn minh, lành mạnh.
Có thể nói, sự tác động của ngành Tâm lý học giáo dục đem lại nhiều giá trị thiết thực trong cuộc sống, tác động tích cực đến sự phát triển của mỗi cá nhân và cộng đồng.
Hiện nay, nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực tâm lý học giáo dục ngày càng tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh xã hội hiện đại đòi hỏi sự phát triển toàn diện và nỗ lực không ngừng của từng cá nhân. Sự chênh lệch giữa nhu cầu thị trường lao động với chất lượng đào tạo cũng đặt ra nhiều thách thức cả về phía các cơ sở đào tạo và xã hội.
Thạc sĩ Hoàng Ngọc Khuyến - Cựu sinh viên Khóa 52, Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; hiện đang là Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân Thành phố Ninh Bình; kiêm Trưởng bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả, Trưởng ban tiếp công dân Thành phố Ninh Bình cũng chia sẻ với phóng viên về vấn đề này.
Ông Hoàng Ngọc Khuyến đã thành lập nhóm tương trợ phụ huynh có con rối loạn phát triển tại Ninh Bình, trực tiếp tham gia can thiệp cá nhân về việc dạy kỹ năng xã hội tại Trung tâm, các khóa tập huấn đánh giá phát triển. Đồng thời, ông Khuyến cũng là người sáng lập hệ thống Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thiên thần nhỏ Ninh Bình với 5 cơ sở khác nhau, và tham gia đồng sáng lập VDDN 2016 (Mạng lưới cơ sở can thiệp trẻ rối loạn phát triển Việt Nam).
Theo Thạc sĩ Hoàng Ngọc Khuyến, ngành học Tâm lý học giáo dục có nhiều cơ hội nghề nghiệp rộng mở. Cử nhân sau khi tốt nghiệp ra trường có thể giảng dạy tâm lý học, giáo dục học ở các học viện hay các trường đại học, cao đẳng; nghiên cứu về tâm lý học, giáo dục học, khoa học về sức khỏe, tổ chức, quản lý nhân sự,… ở các viện chuyên môn.
Người học cũng có thể làm cán bộ chuyên trách trong những cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, phi chính phủ,… về giáo dục, lao động xã hội, trẻ em và thanh thiếu niên.
Với xu hướng phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của xã hội hiện nay, kéo theo rất nhiều vấn đề liên quan tới sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tinh thần; lĩnh vực ngành học này luôn có “đất dụng võ” với những người làm nghề - những cá nhân luôn có sự nhiệt huyết, tình yêu thương con người và mong muốn được cống hiến cho sự phát triển của đất nước và cộng đồng.
Mạng lưới cơ sở thực hành, thực tập của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội rộng khắp
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Nguyệt cho hay, trong nhiều năm qua, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói chung, Khoa Tâm lý - Giáo dục nói riêng luôn quyết liệt đổi mới đào tạo và nghiên cứu khoa học, để chuẩn bị tốt nhất năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất nghề nghiệp cho sinh viên, học viên, đáp ứng hiệu quả yêu cầu công việc ngay khi ra trường và đảm bảo chất lượng trong quá trình công tác.
Chương trình đào tạo liên tục được đổi mới theo hướng mở, bám sát yêu cầu phát triển năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất nghề nghiệp của sinh viên theo mục tiêu, chuẩn đầu ra và nhu cầu thực tiễn của ngành nghề. Gắn nghiên cứu khoa học ứng dụng với đào tạo, để đảm bảo công tác giáo dục luôn theo sát và đáp ứng yêu cầu và sự thay đổi của hệ thống nghề nghiệp xã hội.
Phương pháp đào tạo lấy hoạt động học tập và nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng của sinh viên làm trung tâm, theo nguyên lí lí luận gắn với thực tiễn, thực hành, thực tập nghề nghiệp và nghiên cứu khoa học tại trường, tại các cơ sở giáo dục và các tổ chức xã hội.
Nhà trường phát huy tối đa tính độc lập, tự chủ, năng động, sáng tạo, hợp tác của sinh viên trong học tập và rèn luyện nghiệp vụ; đa dạng hoá các phương thức học tập của sinh viên, trên cơ sở khai thác tối đa thành tựu khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và AI, thể hiện qua việc xây dựng hệ thống giáo trình, học liệu theo hướng mở, trở thành tài nguyên phong phú, đáp ứng mọi nhu cầu học tập và nghiên cứu.
Với hơn 70% giảng viên có trình độ từ tiến sĩ trở lên, đội ngũ thầy cô luôn nhiệt huyết với nghề và nỗ lực thực hiện đổi mới, đa dạng hóa phương pháp giảng dạy cùng với các hình thức tổ chức dạy học phong phú nhằm tăng cường hứng thú học tập cho người học. Nhà trường nhận thức được rằng sự thay đổi đó không chỉ đem lại hiệu quả tức thời cho quá trình học tập của sinh viên mà còn giúp ích cho người học sau này chính thức đảm nhận công việc giảng dạy trong tương lai.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội còn phát triển mạnh mạng lưới cơ sở thực hành, thực tập nghề nghiệp rộng khắp, tạo môi trường thuận lợi và sống động để sinh viên được thực hành, thực tập, trải nghiệm giảng dạy và tổ chức hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học với đối tượng là đối tượng của hoạt động nghề nghiệp sau này.
Theo chia sẻ của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Nguyệt, học tập tại Khoa Tâm lý – Giáo dục, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có cơ hội tham gia vào nhiều tọa đàm trao đổi chuyên môn, những dự án hợp tác quốc tế với các bên như tổ chức UNICEF, UN Women; Hiệp hội Tâm lý học nhân cách thế giới, Liên hiệp phát triển Tâm lý học đường quốc tế, Hiệp hội Tâm lý học xã hội Châu Á; cùng nhiều trường đại học trên thế giới như Đại học City University Hồng Kông, Đại học Giáo dục Hồng Kông, Đại học Kio Nhật Bản, Đại học Vrije Vương quốc Bỉ, Đại học Salford Vương quốc Anh, Đại học Northampton Vương quốc Anh, Đại học Santa Barbara Hoa Kỳ, Đại học St.John’s Hoa Kỳ.
Lời khuyên dành cho người học ngành Tâm lý học giáo dục
Trong xã hội hiện đại, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, các ngành nghề liên quan tới Tâm lý học giáo dục thuộc nhóm có cơ hội việc làm cao, ổn định và đảm bảo về thu nhập tài chính.
Từ mục tiêu trên, Khoa Tâm lý - Giáo dục của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tạo ra tiềm lực chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất nhân cách để sinh viên khi ra trường có thể đảm nhiệm công tác giảng dạy chuyên môn và nghiên cứu khoa học tại các học viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường phổ thông và viện nghiên cứu.
Trên thực tế, nhiều năm qua, hầu hết sinh viên tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ từ Khoa Tâm lý - giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà nội đều có việc làm ổn định đúng chuyên môn được đào tạo. Số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đăng kí vào học các chuyên ngành của khoa ngày càng tăng qua các năm.
Cùng với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, người làm nghề trong lĩnh vực Tâm lý học giáo dục không thể thiếu lòng nhân ái, sự sẻ chia và ý thức học hỏi không ngừng để đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực nghề nghiệp với đối tượng tác động trực tiếp là con người. Nếu chuẩn bị kỹ càng, sinh viên tốt nghiệp sẽ sẵn sàng cho các thử thách công việc và gặt hái được thành công trên con đường sự nghiệp.
Thạc sĩ Hoàng Ngọc Khuyến chia sẻ: “Trong quá trình học tập, tôi nhận thấy thuận lợi lớn nhất đó là sinh viên nhận được rất nhiều sự giúp đỡ và hỗ trợ nhiệt tình đến từ các thầy cô Khoa Tâm lý – Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Các thầy cô không chỉ mở rộng vốn kiến thức và kỹ năng mà còn luôn chú trọng tạo ra môi trường học tập tích cực, lành mạnh – nơi có thể tự do chia sẻ những suy nghĩ, quan điểm, thái độ, tình cảm của bản thân. Đặc biệt, thầy cô rất tận tâm giúp đỡ trong nhiều phương diện, sẵn sàng lắng nghe và đồng hành.
Gửi gắm lời khuyên tới các em học sinh đang có mong muốn theo đuổi ngành này, việc các em chủ động đầu tư thời gian và công sức của mình để tìm hiểu kỹ càng về ngành học, về nhà trường là một sự nỗ lực rất cần thiết và đáng trân trọng. Các em nên chủ động tìm kiếm thông tin từ những nguồn thông tin chính thống như fanpage tuyển sinh của trường, của khoa, hay các anh chị sinh viên, cựu sinh viên có kinh nghiệm đi trước để có cái nhìn đúng đắn nhất về ngành học”.
Em Chu Ngọc Minh Châu - sinh viên năm 4, Khoa Tâm lý – Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng chia sẻ: Đối với ngành Tâm lý học giáo dục, chương trình đào tạo tập trung vào các môn học liên quan đến Tâm lý học và Giáo dục học.
Ngoài ra, sinh viên cũng được rèn luyện các kỹ năng nghiệp vụ sư phạm như giảng bài, thuyết trình, sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học, sử dụng thiết bị dạy học, xử lý tình huống sư phạm,… để áp dụng khi chính thức trở thành thầy cô giáo trong tương lai.
Minh Châu cảm thấy được học hỏi và trải nghiệm trong môi trường học tập rất mô phạm, nội dung chương trình thú vị, được tham gia các hoạt động gắn kết như cuộc thi nghiệp vụ sư phạm, tọa đàm nâng cao kiến thức và kỹ năng, giao lưu chuyên môn và văn nghệ, hoạt động thể dục – thể thao rèn luyện thể chất và tình đoàn kết, dự án tổ chức phi chính phủ,…
Tất cả những điều ấy đóng vai trò không nhỏ trong việc tạo cho người học vốn kinh nghiệm, trải nghiệm thực tiễn mang đặc trưng của nghề nghiệp, góp phần chuẩn bị hành trang đầy đủ cho hiện tại và nghề nghiệp trong tương lai.