UEF: Năm 2023, nhiều ngành chỉ tuyển được dưới 30% chỉ tiêu

22/07/2024 06:26
Bảo Đăng

GDVN - Đề án tuyển sinh 2024 đề cập dữ liệu tuyển sinh năm 2022 và 2023 cho thấy số sinh viên trúng tuyển nhập học một số ngành của UEF không tuyển đủ chỉ tiêu.

Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh (UEF) thành lập ngày 24/9/2007 theo Quyết định số 1272/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thông tin từ website nhà trường nêu, UEF theo đuổi mục tiêu là đại học hàng đầu Việt Nam và hướng tới chuẩn mực đào tạo quốc tế gắn liền triết lý giáo dục toàn diện - học tập suốt đời. UEF hướng tới tiêu chuẩn giáo dục đại học kết hợp tinh hoa giáo dục đại học quốc tế cùng chuyển biến kinh tế trong bối cảnh hội nhập, đào tạo chuyên sâu về Kinh tế Tài chính đáp ứng nhu cầu chất lượng nguồn nhân lực ngày càng cao của xã hội.

Hiện, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh do Tiến sĩ Kiều Xuân Hùng là Chủ tịch Hội đồng trường; Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang là hiệu trưởng nhà trường.

UEF có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập toàn cầu; xây dựng môi trường tự do học thuật và nghiên cứu giúp người học phát triển toàn diện, năng động và sáng tạo; phát triển năng lực làm việc thực tế, tính chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm với xã hội thông qua việc kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp và cộng đồng.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, UEF có 5 cơ sở đào tạo, cụ thể như sau:

CO SO.jpg

Tại Điều 11, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu cơ sở đào tạo xây dựng, công bố và thực hiện đề án tuyển sinh để thực hiện trách nhiệm giải trình và cam kết đối với thí sinh, cơ quan quản lý nhà nước và xã hội.

Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố đề án tuyển sinh trình độ đại học năm 2024 (ký ngày 16/6/2024).

Đối chiếu với mẫu kê khai Đề án tuyển sinh tại Phụ lục III, Thông tư 08, Đề án tuyển sinh của UEF thực hiện khá đầy đủ và chi tiết, các thông tin công khai rõ ràng, minh bạch.

Sinh viên ngành Luật quốc tế có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp chỉ đạt 75,7%

Thông tin từ đề án tuyển sinh năm 2024 cho thấy, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh 6.290 chỉ tiêu với 04 phương thức xét tuyển, bao gồm: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024; xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn; xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ; xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2024 của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho tất cả các ngành đào tạo trình độ đại học chính quy.

Số liệu thống kê về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp trong Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường ở nhiều ngành đạt dưới 90% như Quan hệ quốc tế (87,9%), Công nghệ thông tin (89,4%), Quản trị kinh doanh (88,9%), Marketing (88,5%), Kinh doanh quốc tế (88,6%), Thương mại điện tử (89,8%), Tài chính – Ngân hàng (86,5%), Kế toán (85%), Ngôn ngữ Anh (80,4%), Ngôn ngữ Hàn Quốc (86%), Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (89,4%), Quan hệ công chúng (83,8%), Luật kinh tế (84,6%).

Đáng chú ý, tỷ lệ sinh viên ngành Luật quốc tế có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp chỉ đạt 75,7%.

viec.jpg
Dữ liệu tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp được công bố tại Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo danh mục ngành được phép đào tạo, năm 2024 UEF mở mới hai ngành, đó là: Kinh tế số, Kỹ thuật phần mềm.

Phần phụ lục kê khai về điều kiện đảm bảo chất lượng tại Đề án tuyển sinh năm 2024 của UEF đang bị bỏ trống dữ liệu năm. Theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT thì số liệu ở mục này được thống kê tính đến cuối năm trước liền kề với năm tuyển sinh (tức 31/12/2023 - PV).

dambao.jpg
Ảnh chụp màn hình Đề án tuyển sinh năm 2024 của UEF.

Theo báo cáo các điều kiện đảm bảo chất lượng tại đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, quy mô đào tạo hình thức chính quy như sau:

Đào tạo trình độ tiến sĩ có 13 người lĩnh vực Kinh doanh và quản lý.

Đào tạo trình độ thạc sĩ có 843 người, cụ thể lĩnh vực Kinh doanh và quản lý có 595 người, lĩnh vực Nhân văn có 90 người, lĩnh vực Pháp luật có 158 người.

Đối với quy mô đào tạo hệ đại học chính quy có 13.620 sinh viên.

Nhiều ngành tuyển sinh không đủ chỉ tiêu

Phóng viên đã tiến hành cộng dữ liệu tuyển sinh năm 2022 và năm 2023 được công bố tại Đề án tuyển sinh năm 2024 của UEF. Từ dữ liệu tổng hợp được cho thấy, số sinh viên nhập học của nhiều ngành không đủ chỉ tiêu. Cụ thể như sau:

ty le.jpg

Từ bảng trên có thể thấy, ngành Khoa học dữ liệu năm 2022 tuyển được 54/66 chỉ tiêu (chiếm gần 82%), năm 2023 tuyển được 30/70 chỉ tiêu (chiếm 42,8%).

Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành năm 2022 tuyển được 65/77 chỉ tiêu (chiếm 84%), năm 2023 chỉ tuyển được 22/100 chỉ tiêu (chiếm 22%).

Ngành Quản trị khách sạn năm 2022 tuyển được 165/198 chỉ tiêu (chiếm 83%), năm 2023 chỉ tuyển được 61/240 chỉ tiêu (chiếm 25%).

Ngành Bất động sản năm 2022 tuyển được 49/60 chỉ tiêu (chiếm 82%), năm 2023 chỉ tuyển được 14/65 chỉ tiêu (chiếm 22%).

Ngành Tài chính quốc tế năm 2022 tuyển được 49/60 chỉ tiêu (chiếm 82%, năm 2023 chỉ tuyển được 25/65 chỉ tiêu (chiếm 38%).

Ngành Công nghệ tài chính năm 2022 tuyển được 50/60 chỉ tiêu (chiếm 83%), năm 2023 tuyển được 26/65 chỉ tiêu (chiếm 40%).

Ngành Kế toán năm 2022 tuyển được 201/240 chỉ tiêu (chiếm 84%), năm 2023 tuyển được 116/312 chỉ tiêu (chiếm 37%).

Ngành Quản trị nhân lực năm 2022 tuyển được 119/120 chỉ tiêu (chiếm 99%), năm 2023 chỉ tuyển được 49/156 chỉ tiêu (chiếm 31%).

Ngành Luật quốc tế năm 2022 tuyển được 64/78 chỉ tiêu (chiếm 82%), năm 2023 chỉ tuyển được 21/100 chỉ tiêu (chiếm 21%).

Ngành Ngôn ngữ Anh năm 2022 tuyển được 138/170 chỉ tiêu (chiếm 81%), năm 2023 chỉ tuyển được 73/220 chỉ tiêu (chiếm 33%).

Ngành Ngôn ngữ Trung Quốc năm 2022 tuyển được 100/120 chỉ tiêu (chiếm 83%), năm 2023 chỉ tuyển được 36/132 chỉ tiêu (chiếm 27%).

Ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc năm 2022 tuyển được 101/120 chỉ tiêu (chiếm 84%), năm 2023 chỉ tuyển được 33/132 chỉ tiêu (chiếm 25%).

Ngành Công nghệ truyền thông năm 2022 tuyển được 68/84 chỉ tiêu, năm 2023 chỉ tuyển được 18/92 chỉ tiêu (chiếm 20%).

Đề án tuyển sinh năm 2024 của UEF nêu, học phí được xây dựng trên cơ sở học chế tín chỉ. Học phí thu vào đầu mỗi học kỳ, phụ thuộc vào số tín chỉ sinh viên đăng ký trong học kỳ đó. Một năm có 4 học kỳ. Học phí bình quân khoảng 20-22 triệu đồng/học kỳ.

Sinh viên khi nhập học có chứng chỉ IELTS từ 5.0 đến < 5.5 hoặc chứng chỉ quốc tế tương đương được miễn học 3 cấp độ tiếng Anh khoảng 29,4 triệu đồng; từ 5.5 trở lên được miễn học 4 cấp độ tiếng Anh khoảng 39,2 triệu đồng.

Về học phí dự kiến với sinh viên đại học chính quy, Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm học 2024-2025 sinh viên đóng 15,2 triệu đồng.

Về tài chính, tổng nguồn thu hợp pháp/năm của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh được kê trong Đề án tuyển sinh năm 2024 là 550 tỷ đồng. Tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/năm của năm liền trước năm tuyển sinh là 50 triệu đồng.

Học phí bình quân chương trình đào tạo đại học liên kết quốc tế do Trường Đại học Keuka (Hoa Kỳ) cấp bằng là khoảng 55 triệu đồng/ học kỳ.

Về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu, theo thông tin tại Đề án tuyển sinh, tổng diện tích đất của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh là 69.033,3 ha; không có chỗ ở ký túc xá cho sinh viên. Diện tích sàn trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của trường tính trên một sinh viên chính quy là 3,1m2.

Nhà trường có 5 hội trường, phòng học lớn hơn trên 200 chỗ; 91 phòng học từ 50 chỗ đến 100 chỗ; 204 phòng học dưới 50 chỗ; 4 phòng làm việc của giáo sư, phó giáo sư, giảng viên của cơ sở đào tạo; 3 thư viện, trung tâm học liệu; 28 trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm, thực nghiệm, cơ sở thực hành, thực tập, luyện tập.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, tổng số giảng viên toàn thời gian của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh là 1.070 thầy cô; giảng viên thỉnh giảng là 452 thầy cô.

Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT quy định: Chỉ tiêu tuyển sinh của lĩnh vực không được tăng so với năm tuyển sinh trước liền kề nếu tỷ lệ sinh việc có việc làm sau khi được công nhận tốt nghiệp 12 tháng của lĩnh vực đó, đạt tỷ lệ dưới 80% hoặc tỷ lệ thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của lĩnh vực đó ở năm tuyển sinh liền kề trước năm tuyển sinh đạt dưới 80%.

Bảo Đăng