Mức lương của ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông đang ở mức khá

20/07/2024 07:13
Thùy Trang

GDVN - Chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử viễn thông của Trường Đại học Công nghệ - ĐHQGHN được xây dựng, tiếp cận theo chuẩn quốc tế.

Điện tử - Viễn thông là một lĩnh vực đầy triển vọng và tiềm năng, đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển của xã hội hiện đại.

Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức trong quá trình phát triển kinh tế số và kinh tế xanh, như hạ tầng 5G còn hạn chế, nguồn nhân lực công nghệ mới chỉ có khoảng 500.000 nhân lực công nghệ thông tin, trong khi nhu cầu cần tới 1 triệu vào năm 2025; gần 77% lao động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chưa qua đào tạo hoặc chỉ được đào tạo sơ cấp [1].

86820d7f57d5f58bacc4.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan gian hàng trưng bày công nghệ, thiết bị, sản phẩm về chip bán dẫn của Trường Đại học Công nghệ nhân dịp tham dự Triển lãm Công nghệ Chip bán dẫn của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2023. Ảnh: NVCC.

Nhu cầu nhân lực trong ngành này đang tăng cao, đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển.

100% giảng viên tham gia giảng dạy chương trình đều có trình độ tiến sĩ trở lên

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Việt Nam, Tiến sĩ Đinh Triều Dương, Trưởng khoa Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông là ngành lâu đời nhất của Khoa Điện tử - Viễn thông và là một trong những ngành có sức hút thí sinh cao của khoa và nhà trường.

Chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử viễn thông của Trường Đại học Công nghệ được xây dựng, tiếp cận theo chuẩn quốc tế, dựa trên chương trình của Đại học Quốc gia Singapore. Chương trình còn được tư vấn bởi các giáo sư của Đại học Illinois–Urbana Champaign Hoa Kỳ và Đại học Quốc gia Singapore, những trường có uy tín cao trong lĩnh vực Điện tử - Viễn thông.

6.png

Nhờ đó, sinh viên khi theo học tại Trường Đại học Công nghệ được tiếp cận với những công nghệ mới nhất thông qua phương pháp giảng dạy tiên tiến, hệ thống trang thiết bị hiện đại và có cơ hội thực tập tại các tập đoàn viễn thông hàng đầu.

100% giảng viên tham gia giảng dạy chương trình đều có trình độ tiến sĩ trở lên. Nhiều môn học trong chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh, giúp sinh viên nâng cao khả năng tiếng Anh chuyên ngành và phát triển toàn diện trình độ tiếng Anh.

Một trong những điểm mạnh mà nhà trường khuyến khích sinh viên rèn luyện là tư duy khởi nghiệp. Ban giám hiệu đã xác định học phần Kỹ năng Khởi nghiệp là môn học chung trong các chương trình đào tạo để cung cấp nền tảng và cơ hội cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Môn học này giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm và đối mặt với thách thức khởi nghiệp, chuẩn bị tâm thế và sẵn sàng chấp nhận thất bại để đạt được thành công. Sinh viên cũng được tham gia các câu lạc bộ khởi nghiệp và cuộc thi phản biện, qua đó áp dụng ý tưởng vào thực tế và giải quyết các bài toán khởi nghiệp trong môi trường kết nối và hỗ trợ.

A7F08101-3.png
Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử – Viễn thông thực hành tại phòng thí nghiệm. Ảnh: NVCC.

Chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông chú trọng vào thực hành và thực tập để sinh viên sớm thích nghi và đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Hệ thống trang thiết bị thực hành tại nhà trường được đầu tư bài bản và hiện đại, bao gồm các cơ sở và chuyên đề từ cơ bản đến nâng cao, giúp sinh viên nắm vững kiến thức và ứng dụng thực tiễn.

Bên cạnh đó, khoa và nhà trường còn hợp tác chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Samsung,... Các đối tác này không chỉ đồng hành cùng chương trình đào tạo mà còn có chuyên gia của doanh nghiệp tham gia vào ban chuyên môn để liên tục phát triển và cập nhật khung chương trình. Các doanh nghiệp cũng luôn tạo điều kiện bằng cách trao học bổng để làm động lực và tạo điều kiện cho sinh viên phát triển.

Ông Vũ Tuấn Đức Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Công nghệ, Tổng công ty Công nghiệp - Công Nghệ cao Viettel chia sẻ, Viettel hợp tác với Trường Đại học Công nghệ để phát triển và cập nhật chương trình học của trường nhằm đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu của ngành. Điều này bao gồm việc tích hợp các tiến bộ công nghệ mới nhất và các thực tiễn của ngành vào các khóa học.

Các chuyên gia từ Viettel tham gia giảng dạy, hội thảo và hội nghị để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với sinh viên; tham gia hướng dẫn và đồng hướng dẫn tốt nghiệp; tham gia phản biện đồ án tốt nghiệp; tổ chức khóa học chuyên đề cho sinh viên tại trường; phối hợp trường tổ chức buổi tham quan, buổi học thực tế, tìm hiểu sản phẩm thực tế tại Viettel.

Cơ hội thực tập, trải nghiệm thực tế và việc làm phong phú cho sinh viên

7.png

Theo ông Vũ Tuấn Đức, thị trường công nghệ tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng với sự gia tăng của các công ty công nghệ trong và ngoài nước. Các lĩnh vực như viễn thông, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng và công nghệ thông tin đang thu hút nhiều đầu tư.

Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - viễn thông có nhiều cơ hội việc làm trong các công ty viễn thông, các tập đoàn công nghệ lớn, các công ty khởi nghiệp công nghệ. Các lĩnh vực như phát triển mạng 5G, IoT (Internet of Things) và công nghệ truyền thông đang rất cần nguồn nhân lực.

Tiến sĩ Đinh Triều Dương cho hay, sinh viên được thực tập tại doanh nghiệp từ năm 3 dưới sự đồng hành của cán bộ nhà trường. Sự phối hợp giữa khoa và doanh nghiệp tạo cơ hội tiếp cận công việc thực tế và định hướng lâu dài cho sinh viên.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử Viễn thông có thể đảm nhận nhiều vị trí việc làm đa dạng. Những sinh viên xuất sắc có thể tiếp tục học lên thạc sĩ hoặc tiến sĩ tại các trường đại học quốc tế tiên tiến, hoặc làm việc tại các trường đại học lớn, nơi có nhu cầu cao về giảng viên có trình độ cao và đãi ngộ tốt.

1.png
Sinh viên Khoa Điện tử viễn thông tham quan tại Công ty Công nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông VNPT. Ảnh: NVCC

Ngoài ra, sinh viên có thể làm kỹ sư phụ trách công nghệ tại các doanh nghiệp, đặc biệt là trong các bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D), trực tiếp tham gia công tác quản lý các công nghệ cao và công nghệ lõi. Các cử nhân cũng có cơ hội làm việc trong lĩnh vực marketing và quản lý thị trường công nghệ, với khả năng tư vấn và tiếp cận sát với yêu cầu khách hàng.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng có thể hoạt động như tư vấn viên hoặc chuyên gia phát triển nền tảng công nghệ cho các doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển công nghệ kỹ thuật

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chuyên gia thu hút tài năng – Ban Nhân lực, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân Đội Viettel cho biết, Tập đoàn Viettel hợp tác với Trường Đại học Công nghệ để cung cấp các cơ hội thực tập cho sinh viên. Những kỳ thực tập này cho phép sinh viên trải nghiệm thực tế, làm việc trong các dự án thực tế và áp dụng kiến thức lý thuyết vào môi trường chuyên nghiệp.

Hàng năm tập đoàn cung cấp cơ hội thực tập cho khoảng 60-100 suất thực tập cho Trường Đại học Công nghệ. Riêng, tại Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel, hàng năm có 10-25 sinh viên Trường Đại học Công nghệ tham gia thực tập trực tiếp ở các dự án nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực viễn thông và quân sự. Sinh viên tốt nghiệp thường có lợi thế quen thuộc với hoạt động và văn hóa của Viettel nhờ vào các kỳ thực tập và hợp tác dự án.

Chuyên gia cho biết thêm, Viettel tổ chức các chương trình đặc biệt như hackathon, cuộc thi lập trình và thách thức đổi mới để phát hiện và phát triển sinh viên tài năng. Trong chương trình Viettel Digital Talent, gần 3000 sinh viên từ các trường kỹ thuật lớn tham gia, trong đó khoảng 15% là sinh viên Trường Đại học Công nghệ. Sinh viên tham gia sẽ nhận hỗ trợ tài chính và cơ hội tuyển thẳng vào Viettel trước khi tốt nghiệp.

Anh 4_Sản phẩm bán dẫn của Thầy trò trường ĐHCN__.jpg
Sản phẩm bán dẫn của thầy và trò Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Anh Trịnh Văn Linh, cựu sinh viên K52 ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, tốt nghiệp năm 2011.

Đến nay, anh Linh đã công tác tại bộ phận Network System Group, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Samsung R&D Việt Nam được 10 năm. Bộ phận của anh Linh phụ trách về nghiên cứu, phát triển phần mềm, phần cứng viễn thông cho 2G/4G/5G bao gồm cả mạng lõi và mạng truy nhập vô tuyến.

Khi mới ra trường, mức lương khởi điểm của anh vào khoảng 5 triệu đồng/tháng, tương đương với mức lương trung bình của sinh viên mới tốt nghiệp thời điểm đó. Anh Linh đã chọn tập trung vào việc phát triển bản thân và tích lũy kinh nghiệm quý báu trong công việc đầu tiên của mình. Sau hơn một năm làm việc, anh cảm thấy mình đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm hữu ích.

Anh chia sẻ, hiện tại, mức lương của ngành ở mức ổn định, khoảng trên dưới 10 triệu đồng/tháng cho sinh viên mới ra trường và khoảng 20-30 triệu đồng/tháng sau 4-5 năm kinh nghiệm.

Anh Nguyễn Quốc Huy, cựu sinh viên K59, ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, tốt nghiệp năm 2018, hiện cũng đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Samsung R&D Việt Nam với mức lương khoảng 20 triệu đồng.

Anh Huy đánh giá, mức lương của ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông đang ở mức khá khi so sánh với các ngành khác. Thị trường công nghệ hiện nay tại Việt Nam đang phát triển rất nhanh chóng, có nhiều cơ hội việc làm cho các sinh viên ngành này.

2.png
Sinh viên tham quan môi trường làm việc tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Ace Antenna. Ảnh: NVCC.

Các bạn sinh viên hiện tại có nhiều cơ hội phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Các bạn có cơ hội làm việc tại các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, Viettel, FPT, VNPT,… với mức lương hấp dẫn, cũng như tham gia vào các dự án quốc tế và học hỏi những kỹ năng mới.

Ông Nguyễn Tuấn Anh đánh giá, ngành công nghệ mang lại nhiều cơ hội thăng tiến, từ các vị trí kỹ thuật chuyên môn đến các vị trí quản lý và lãnh đạo. Sinh viên có thể phát triển từ các vị trí như kỹ sư, chuyên viên nghiên cứu, đến các vị trí quản lý dự án, quản lý bộ phận và thậm chí là lãnh đạo doanh nghiệp.

Tuy nhiên mức độ cạnh tranh trong ngành công nghệ khá cao, yêu cầu sinh viên không chỉ có kiến thức chuyên môn vững vàng mà còn phải có kỹ năng mềm, khả năng học hỏi nhanh và tư duy sáng tạo.

Tố chất, kỹ năng cần có để phát triển nghề trong tương lai

Thầy Dương nhấn mạnh rằng sinh viên cần tập trung nắm bắt và tích lũy kiến thức từ giảng đường vì đây là nền tảng và bản sắc của mỗi trường.

Ngoài việc trau dồi kỹ năng mềm và kỹ năng khởi nghiệp đã được giảng dạy, sinh viên cần chủ động và sáng tạo trong quá trình học tập. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, sự chủ động và sáng tạo là điều kiện cần thiết để phát huy thế mạnh của ngành công nghệ kỹ thuật.

Sinh viên cũng phải thực hiện tốt việc kết hợp lý thuyết với thực hành. Việc chỉ học lý thuyết là chưa đủ; cần phải gắn kết lý thuyết với thực hành để đạt hiệu quả cao. Tích cực tham gia hoạt động tập thể và thực tập tại doanh nghiệp sẽ giúp kết nối kiến thức lý thuyết với thực tế, đồng thời nâng cao kỹ năng mềm.

Ảnh 5_Các SV Khoa ĐTV trong giờ thực hành về Điện tử_Linh kiện Bán dẫn_.jpg
Các sinh viên Khoa Điện tử - Viễn thông trong giờ thực hành về Điện tử linh kiện bán dẫn. Ảnh: NVCC.

Cùng quan điểm, chuyên gia thu hút tài năng – Ban Nhân lực, Tập đoàn Viettel cho rằng, sinh viên cần tập trung vào việc nắm vững kiến thức chuyên môn được các thầy cô giảng dạy tại trường, và tham gia làm bài tập lớn, project trên LAB có liên quan đến công nghệ và xu hướng mới như mạng 5G, IoT, trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn khuyến khích sinh viên tham gia vào các dự án thực tế, bài tập thực hành và thí nghiệm để áp dụng kiến thức đã học vào thực tế. Kỹ năng thực hành tốt sẽ giúp bạn tự tin hơn khi bước vào môi trường làm việc.

Học cách làm việc hiệu quả trong nhóm, vì phần lớn các dự án công nghệ đều yêu cầu sự hợp tác giữa các thành viên. Rèn luyện khả năng tư duy logic, phân tích và giải quyết vấn đề không chỉ giúp bạn trong học tập mà còn trong công việc sau này.

Tham gia các câu lạc bộ liên quan đến công nghệ tại trường đại học sẽ giúp sinh viên gặp gỡ và học hỏi từ những người có cùng đam mê, và có cơ hội tham gia vào các dự án, cuộc thi và hội thảo.

Tham gia các hoạt động ngoại khóa giúp phát triển kỹ năng mềm, mở rộng mạng lưới quan hệ và có thêm kinh nghiệm thực tế. Tìm kiếm cơ hội thực tập tại các doanh nghiệp uy tín, đặc biệt là những doanh nghiệp có lĩnh vực hoạt động liên quan, tích cực tham gia và học hỏi trong quá trình thực tập. Đây là cơ hội để bạn trải nghiệm môi trường làm việc thực tế, xây dựng kỹ năng và tạo ấn tượng tốt với doanh nghiệp.

“Ngành công nghệ luôn đổi mới, vì vậy tinh thần sẵn sàng học hỏi, cập nhật kiến thức, kỹ năng mới và khả năng thích ứng là yếu tố quan trọng để phát triển sự nghiệp. Công việc trong ngành công nghệ đôi khi rất áp lực và đòi hỏi sự kiên trì, hãy luôn kiên nhẫn và không ngừng cố gắng”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Còn theo cựu sinh viên Trịnh Văn Linh, hiện tại không còn quá nhiều sự khác biệt giữa ngành công nghệ thông tin và viễn thông, thậm chí còn một khái niệm chung cho cả 2 ngành là ngành ICT. Sau khi ra trường sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông chỉ bó buộc vào mảng viễn thông mà cũng hoàn toàn có thể linh động với các mảng công việc trong mảng ICT.

Văn Linh cho rằng, điều quan trọng là các sinh viên định hướng cho bản thân, biết mình mong muốn làm công việc gì và nên tập trung vào việc phát triển các kỹ năng liên quan ngay từ trước khi ra trường.

“Với những trải nghiệm của mình, tôi nhận thấy, việc chuẩn bị các kỹ năng trước khi ra trường là việc cực kỳ quan trọng, sinh viên nên tập trung cho điều đó chứ không chỉ là tấm bằng khá, giỏi để đi phỏng vấn xin việc” anh Linh nói.

Kỹ năng đầu tiên là kỹ năng giao tiếp, dù có khả năng tốt, nếu không biết cách thể hiện, bạn sẽ mất đi một lợi thế quan trọng. Ngoài ra, tiếng Anh cũng là yếu tố cần thiết trong môi trường làm việc hiện tại. Kỹ năng tiếng Anh không chỉ bao gồm đọc viết mà còn giao tiếp. Thành thạo tiếng Anh từ sớm sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm và thăng tiến hơn.

Tiếp đến là kỹ năng chuyên môn. Tùy vào định hướng công việc sau này, bạn có thể tập trung vào các kỹ năng cụ thể như networking (CCNA, CCNP) hoặc lập trình. Cuối cùng, thực tập tại các công ty lớn với môi trường chuyên nghiệp sẽ giúp bạn có cái nhìn thực tế về công việc và định hướng tốt hơn cho sự nghiệp sau khi ra trường.

Tài liệu tham khảo:
https://vov.vn/kinh-te/toan-canh-dien-dan-doanh-nghiep-viet-nam-day-manh-phat-trien-kinh-te-xanh-post1089697.vov

Thùy Trang