Kể từ ngày 1/7, mức lương cơ sở được tăng lên 30%, điều này đồng nghĩa, mức lương của giáo viên sẽ được tăng.
Lương giáo viên tăng, có những câu hỏi đặt ra rằng, liệu mức thu nhập như vậy đã đủ để giáo viên chi tiêu sinh hoạt hay chưa và dạy thêm, học thêm có giảm?
Học sinh đi học thêm do nhiều yếu tố tác động
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo H.T (giáo viên bậc trung học phổ thông một trường công lập trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, việc dạy thêm-học thêm đã có từ những năm 80-90 của thế kỷ XX. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, việc dạy thêm-học thêm có tính chất khác biệt.
Theo đó, giáo viên dạy phụ đạo cho học sinh giỏi hoặc học sinh kém, nhưng số lượng học sinh không nhiều. Việc giảng dạy nhằm hỗ trợ học sinh giỏi phát triển bật hẳn lên, còn với học sinh có học lực yếu sẽ có trình độ đạt trung bình, khá.
Khi xã hội phát triển, hội nhập quốc tế, các gia đình đầu tư cho con em nhiều hơn trong việc học, trong đó có ngoại ngữ. Điều này khiến các con phải học thêm để thi, học để lấy chứng chỉ, bằng cấp, rồi trường chuyên lớp chọn…
Bên cạnh đó, chỉ tiêu vào lớp 10 các trường công lập có giới hạn, cuộc canh tranh khá khốc liệt. Trong khi đó, trường trung học phổ thông hệ dân lập có mức học phí cao ... Từ đây, học sinh tìm đến học thêm để đạt được kết quả cao khi thi vào lớp 10.
Đối với cánh cửa vào đại học, có nhiều phương thức xét tuyển như xét học bạ, xét chứng chỉ ngoại ngữ… nên các gia đình cũng đầu tư cho con em đi học thêm.
“Những thầy cô không công tâm, dễ xảy ra chuyện nâng đỡ kết quả học tập với những học sinh đi học thêm. Điều này, gây áp lực đến học sinh không đi học thêm”, cô T. chia sẻ.
Giáo viên dạy thêm mới đủ sống?
Với hệ số lương 3,66, cô T. đang được lĩnh mức lương khoảng 9 triệu đồng/tháng. Khi được tăng 30% mức lương cơ sở, cô T. sẽ được nhận mức lương là khoảng 11,7 triệu đồng.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều lần tăng mức lương cơ sở, lương giáo viên chưa được nhận nhưng nhiều mặt hàng giá cả cũng có tăng lên.
Bên cạnh đó, các khoản chi cố định khác như tiền thuê nhà 2 triệu đồng/tháng; 500 nghìn đồng/tháng tiền điện nước...
“Con trai tôi đang học phổ thông, nên tiền học thêm và các khoản khác hết khoảng trên 3 triệu đồng/tháng.
Tính ra, cả tiền lương và tiền dạy thêm của tôi vừa đủ để chi cho hai mẹ con sinh hoạt hằng tháng”, cô T. cho hay.
Nữ giáo viên cho biết, năm học vừa qua, cô dạy thêm môn Sử một tuần 2 buổi cho học sinh khối lớp 12. Mỗi tiết dạy, cô nhận được 181 nghìn đồng và tổng thu nhập từ hoạt động này là khoảng 1,5 triệu đồng/tháng.
Ở trường cô T., giáo viên dạy các môn phụ (ngoài môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh - PV) có khoản thu nhập cao nhất từ việc dạy thêm ở trường được khoảng 3 triệu đồng/tháng.
Theo cô T., việc dạy thêm tại trường là do nhà trường sắp xếp và tất cả học sinh đều học, trung bình mỗi lớp khoảng 35 - 40 học sinh. Với mức thu học phí từ 10-17.500 đồng/học sinh/tiết.
Theo cô T., ngoài việc nhà trường tổ chức dạy thêm ở trường, nếu giáo viên còn dạy thêm tại trường cho chính học sinh trong lớp của mình là không đúng quy định. Việc dạy thêm tràn lan như vậy sẽ tạo áp lực học tập cho học sinh, gánh nặng về kinh tế cho phụ huynh.
Giáo viên dạy môn chính có thu nhập "khủng"
Trong khi giáo viên dạy môn phụ được chi trả 181 nghìn đồng/tiết, thì giáo viên dạy bộ môn chính như giáo viên Văn, Toán, Anh được nhận mức lương là 400 nghìn đồng/tiết.
Giả dụ, với giáo viên dạy môn Văn tên Th. đang giảng dạy tại nhà trường, trong năm học vừa qua, cô giáo này phụ trách dạy thêm 18 tiết/tuần x 400 nghìn đồng, tổng số tiền cô được lĩnh là 28,8 triệu đồng/tháng.
Tương tự, cô P. (giáo viên dạy môn Văn) cũng được sắp xếp giảng dạy thêm 18 tiết/tuần (ôn luyện cho sinh khối lớp 11 vào buổi sáng, khối lớp 12 vào buổi chiều) và cô được nhận 28,8 triệu đồng/tháng.
Cộng thêm mức lương được nhận, dao động trên 10 triệu đồng/tháng (chưa tính tiền lương dạy vượt số tiết/tuần được lĩnh vào cuối năm). Như vậy, giáo viên giảng dạy các môn chính, có thể có thu nhập đến khoảng 40 triệu đồng/tháng.
Chưa kể, với giáo viên dạy môn chính, họ còn thuê cơ sở vật chất của nhà trường để mở lớp dạy thêm vào buổi tối…
Theo cô T., sở dĩ có sự chênh lệch giữa thu nhập của giáo viên dạy môn chính với giáo viên dạy thêm môn phụ là do, nhà trường thu phí phụ đạo môn chính là 17.500 đồng/tiết/học sinh và môn phụ là 10.000 đồng/tiết/học sinh.
Nếu nghỉ dạy thêm, giáo viên dạy môn chính sẽ mất khoản thu nhập lớn từ hoạt động này.
“Với câu hỏi, lương tăng, liệu giáo viên có bỏ dạy thêm hay không? Theo tôi, chắc chắn là giáo viên sẽ không nghỉ dạy thêm. Bởi nhà trường vẫn tổ chức, đồng thời với giáo viên dạy Toán, Anh, Văn, họ sẽ lí giải do xã hội có nhu cầu, và con cái của họ cũng phải học thêm tốn kém..”, cô T. nhận định.
Dù đang được nhà trường phân công dạy thêm phụ đạo cho học sinh tại trường, nhưng cô T. nhận thấy, các học sinh cũng như con của cô đang học phổ thông, phải chịu áp lực học hành, thi cử. Vì vậy, cô đồng tình với quan điểm cấm dạy thêm-học thêm trong nhà trường.
“Cần nghiêm cấm dạy thêm-học thêm (kể các câu lạc bộ trong trường học), hay các khoản thu xã hội hóa giáo dục, thu quỹ trường, quỹ lớp… không trên tinh thần tự nguyện. Bên cạnh đó, là cần có chế tài xử lí những vi phạm nêu trên”, cô T. đề xuất.
Theo nữ giáo viên, bên cạnh việc tăng mức lương cơ sở, cần có cơ chế lương phù hợp cho giáo viên từng vùng miền, hoàn cảnh bệnh tật nặng, đơn thân, cơ chế cho thuê nhà ở với giá rẻ cho giáo viên…
Chia sẻ thêm về nội dung trên, nữ giáo viên M. (giáo viên giảng dạy hợp đồng) cho hay, cô đang được hưởng lương hệ số 2,34 và mức lương là 4,2 triệu đồng/tháng. Khi được tăng lương mức lương cơ sở, cô sẽ được nhận khoảng tổng hơn 5 triệu đồng/tháng.
Với mức lương trên, để trang trải chi phí sinh hoạt vợ chồng và con nhỏ, cô M. đi dạy thêm gia sư tại trung tâm cho một người bạn với mức thù lao 250 nghìn đồng/ca học.
"Giáo viên dạy bậc tiểu học không được dạy thêm tại trường, nên để có thêm thu nhập, họ đi dạy thêm ở trung tâm, đi dạy gia sư, dạy thêm tại nhà. Đây cũng là nguồn thu nhập giúp họ ổn định cuộc sống bởi mức lương dù tăng nhưng vẫn chưa đủ chi tiêu cho gia đình", cô M. cho hay.